Cô Tô là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lí. Là một quần đảo với 74 đảo nhỏ bao quanh, lại sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bãi biển trong xanh đã giúp Cô Tô trở thành điểm đến du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Cô Tô là tên gọi của một quần đảo đẹp tựa thiên đường, nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ, về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Khí hậu trên quần đảo dễ chịu, có đầy đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mang sắc thái đặc trưng của mùa, phong cảnh hữu tình cũng vì thế mà thay đổi quanh năm, làm nên sức hút du khách cho quần đảo. Tùy vào tính cách và sở thích cá nhân, du khách có thể đến thăm Cô Tô vào bất kì mùa nào trong năm. Ngoài ra, Cô Tô còn là nơi hội tụ nhiều giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo và hệ động-thực vật phong phú.
Cô Tô chính thức được công nhận là huyện đảo trực thuộc tỉnh Quảng Ninh vào năm 1994. Tuy diện tích không quá lớn và mật độ dân số cũng không cao nhưng Cô Tô lại giữ vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, là quần đảo tiền tiêu nằm ở rìa cực Bắc của Tổ quốc. Trải qua biết bao thăng trầm thời cuộc, những cư dân trên đảo – thế hệ này nối tiếp thế hệ kia – không ngừng kiên trì giữ biển, giữ đảo, dốc sức kiến tạo Cô Tô từ chốn hoang hóa trở thành một vùng đất đáng sống như ngày nay.
Để đến Cô Tô, du khách từ miền Nam và miền Trung có thể đáp chuyến bay đến Hà Nội hoặc Hải Phòng rồi đón xe khách di chuyển đến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ cảng Cái Rồng, du khách sẽ ngồi tàu cao tốc để đi ra đảo, thời gian di chuyển mất khoảng một giờ đồng hồ. Khi tàu cập bến cầu cảng trên huyện đảo Cô Tô, du khách có thể mua vé xe điện hoặc thuê xe máy từ các dịch vụ homestay để đi lại trên đảo.
Ở khu vực trung tâm huyện đảo có nhiều khu dịch vụ du lịch, thương mại khá sầm uất. Trên các tuyến phố, đông đúc xe cộ chở hàng hóa buôn bán, không khí giao thương nhộn nhịp không thua kém đất liền. Nhà cửa hai bên đường khang trang, việc đi lại cũng thuận tiện. Tất cả đã phần nào cho thấy sự đổi mới trong diện mạo và sức sống của Cô Tô suốt 29 năm qua.
Huyện đảo Cô Tô có 74 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, có 3 đảo lớn đông dân sinh sống, gồm đảo Cô Tô Lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần.
Bộ đội trên huyện đảo Cô Tô luôn đoàn kết, tự lực, khắc phục mọi khó khăn. Dù nơi đây cách khá xa đất liền khiến đời sống quân nhân càng thêm thử thách, nhưng các anh vẫn bền chí, quyết tâm tăng gia sản xuất, giữ vững hải đảo biên cương, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tuyến đảo Đông Bắc giàu về kinh tế, ổn định về chính trị.
Phần đông cư dân sinh sống trên huyện đảo đều đến từ các vùng đồng bằng ven biển phía Bắc. Họ mang theo nét văn hóa bản địa đặc trưng và cùng nhau chung sống hòa thuận, tạo nên bản sắc riêng có cho xứ đảo Cô Tô. Đó chính là sự chân chất, bình dị, kiên cường, chịu siêng, chịu khó thể hiện trong lối sinh hoạt thường nhật. Và có lẽ, cũng chính những điều này đã góp phần làm nên một Cô Tô hưng thịnh, được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu mến.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô đã mời phóng viên Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát, tác nghiệp với mong muốn hình ảnh huyện đảo Cô Tô sẽ được chia sẻ nhiều hơn đến đồng bào cả nước. Hiện tại, huyện Cô Tô đang biên soạn cuốn Địa chí Cô Tô nhằm giới thiệu đến du khách thập phương lịch sử hình thành và phát triển của huyện đảo, cũng như các câu chuyện liên quan đến địa lí, phong tục và văn hóa...
Là người dành nhiều tâm huyết cho cuốn sách này, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định, các thế hệ cán bộ, nhân dân huyện Cô Tô rất mong muốn có một cuốn sách xuyên thảo tổng quan, đầy đủ nhất về địa lý, lịch sử, chính trị, quốc phòng- an ninh, văn hóa, kinh tế - xã hội của quần đảo Cô Tô. Cuốn Địa chí khi được hoàn chỉnh sẽ là giáo trình, cẩm nang từ điển du lịch để truyền tải thông tin xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của Cô Tô cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời như “cột mốc biên giới mềm” góp phần khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Cô Tô gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo lịch trình đã định sẵn, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Hải Linh – Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch Huyện Cô Tô và chị Nguyễn Thị Mến – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Huyện Cô Tô tham quan các điểm du lịch quan trọng trên huyện đảo, phân bổ ở đảo Cô Tô Lớn, đảo Cô Tô Con và đảo Thanh Lân.
Điểm hấp dẫn nhất ở Cô Tô là những bãi biển dài, bờ cát trắng mịn và làn nước trong vắt. Trên đảo Cô Tô Lớn có các bãi tắm đẹp như Vàn Chảy, Tình Yêu (còn gọi là bãi Tàu Đắm), Hồng Vàn, Bắc Vàn. Đảo Cô Tô Con có bãi Nam và bãi Đông. Riêng đảo Thanh Lân, nhiều bãi biển hoang sơ rộng khắp như bãi Trung Tâm, Vụng Ba Châu, C76, Hải Quân... sở hữu các bãi đá trầm tích hàng nghìn năm tuổi, mang hình thù đa dạng tạo nên sự kì vĩ cho cảnh quan. Đặc biệt, bãi đá Móng Rồng rộng hơn 40ha, trải dài khoảng 2km là điểm “check-in” nổi bật thu hút sự chú ý của nhiều du khách.
Bên cạnh biển, vẻ đẹp của các hòn đảo cũng ấn tượng không kém. Ngoài các đảo lớn, nếu dư dả thời gian, du khách có thể thuê tàu thuyền tham quan các đảo nhỏ như hòn Cá Chép, hòn Sư Tử, hòn Bát Hương, hòn Khe Trâu... Mỗi đảo khoác lên mình một nét quyến rũ riêng làm say lòng du khách phương xa.
Trong chuyến đi này, chúng tôi tình cờ gặp ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper. Trùng hợp, ông cũng có chuyến du lịch, nghỉ dưỡng tại đây. Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ngài đại sứ cho biết, ông đã đi tham quan đảo Cô Tô Lớn, hòn Cá Chép, thưởng thức một số đặc sản thơm ngon. Ông bày tỏ rất ấn tượng với vẻ đẹp thơ mộng và dành tặng nhiều lời khen cho tình cảm nồng hậu của người dân Cô Tô.
Trên huyện đảo Cô Tô còn có khu nhà trưng bày và nhiều di tích lịch sử gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh như Cánh đồng muối, Cánh đồng ruộng khoai – nơi Bác Hồ đã dừng chân gặp gỡ và trò chuyện với những cư dân trên đảo vào năm 1961. Người dân Cô Tô hôm nay đã có cuộc sống no ấm hơn xưa, để tưởng nhớ ơn Bác, họ đã trồng sen trên ruộng khoai năm nào để hương thơm thanh thuần của loài sen tinh khiết theo gió biển lan tỏa trong thinh không.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo luôn được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân chăm lo tôn tạo. Là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi đây đã trở thành địa chỉ thăm viếng thường xuyên của người dân cả nước khi đến Cô Tô, và cũng là nơi để báo công với Bác khi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, chiến sĩ trên đảo lập được thành tích, chiến công mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ vững chắc từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài một số điểm tham quan nói trên, du khách đến với Cô Tô còn có thể tham quan Hải đăng Cô Tô, Con đường tình yêu hay tuyến phố đi bộ Ký Con nhiều điều thú vị... Qua đó, càng thêm yêu và hiểu thêm về phong vị nồng ấm, hữu tình của con người và thiên nhiên “đảo ngọc” Cô Tô.