Để đến với hành trình này quả thực cũng không dễ dàng gì! Từ Thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt chuyến bay đến Frankfurt (Đức) rồi tiếp tục nối chuyến đi thủ đô Helsinki của đất nước Phần Lan. Xui rủi thay, do nhầm lẫn lịch trình nên khi đến Helsinki thì đoàn chúng tôi đã bị lỡ mất chuyến bay đến Rovaniemi (thuộc vùng Lapland) khoảng... 20 phút. Không còn cách nào khác, tôi và các thành viên trong đoàn đành phải ngậm ngùi qua đêm tại sân bay.
Sáng hôm tiếp theo, tôi và đoàn tiếp tục hành trình đến Lapland. Đây là vùng đất phía Bắc Phần Lan và được xem là khu vực rộng lớn bậc nhất của quốc gia này. Sự hấp dẫn của vùng đất băng giá Lapland chủ yếu dựa vào những trải nghiệm đến từ thiên nhiên. Do nơi này nằm trong khu vực Vòng Bắc Cực đi qua nên bạn có thể quan sát các hiện tượng vùng cực vô cùng thú vị như “Midnight Sun” (hiện tượng mặt trời xuất hiện vào ban đêm) hay “Polar Night” (hiện tượng đêm kéo dài hơn 24 giờ). Bên cạnh việc phát triển các hoạt động du lịch quanh năm, Lapland còn chú trọng đầu tư thương mại, sản xuất và xây dựng.
Điều bất ngờ là địa danh Lapland còn gắn liền với Thánh Nicholas hay “Ông già Noel” mà chúng ta vẫn thường nhắc nhớ mỗi dịp cuối năm.
Về sau, người Phần Lan nghiễm nhiên tin rằng Lapland đích thực là “ngôi nhà” của Thánh Nicholas. Thậm chí, chính quyền địa phương còn cho xây dựng cả một ngôi làng của Ông già Noel để thu hút khách du lịch. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ không đưa bạn đến với ngôi làng độc đáo ấy, mà thay vào đó là một trải nghiệm hay ho hơn.
Ngày đầu tiên ở Lapland, khi mặt trời hãy còn ngủ vùi và bóng đêm bao trùm tứ phía, ngoài trời lúc này trắng xóa những bông tuyết của Bắc Cực lạnh giá, gió rét thổi mạnh từng đợt như cắt thịt cắt da. Tôi cùng đoàn di chuyển lên xe để đến vịnh Bothnia (một nhánh của biển Baltic), hành trình dài 120km dọc theo dòng sông Kemijoki - con sông dài nhất ở Phần Lan.
Xe dừng lại ở khu vực cửa sông, nơi Kemijoki chuyển dòng đổ ra biển Baltic. Chúng tôi bước xuống xe để trải nghiệm cảm giác lái xe địa hình vượt biển băng.
Trước khi đoàn chúng tôi dấn thân vào hành trình mạo hiểm kỳ thú, bác trưởng đoàn dùng một chiếc khoan máy để khoan vào mặt băng, cốt yếu để đo độ dày của băng. Kết quả băng dày 1m45, đủ an toàn cho xe chạy. Lúc này, tuyết càng lúc càng rơi dày hơn. Trong ánh sáng mờ ảo của vùng cực, chúng tôi chia nhau lên 5 chiếc xe địa hình rồi nối đuôi nhau chầm chậm bò trên mặt biển băng.
Dù nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống mức âm 10 độ C, nhưng may mắn có bộ đồ bảo vệ chuyên dụng mặc trên người nên tôi và các thành viên khác đều vững vàng tiến ra biển lớn. Đích đến là điểm hẹn chờ tàu phá băng Sampo của quân đội Phần Lan.
Những cơn gió mạnh và tuyết rơi dày lắm lúc khiến bác trưởng đoàn phải ra hiệu cho đoàn xe chở chúng tôi dừng lại để cơ thể được làm ấm, nhưng trái lại, chúng tôi cảm thấy lạnh còn nhiều hơn cả lúc xe chạy. Một hồi sau đó, chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Mất khoảng một giờ, chúng tôi đã đến khu vực rừng Taiga, rồi cứ thế miệt mài chạy tiếp thêm khoảng 1 giờ 30 phút để đến điểm hẹn chờ tàu.
Khi đến nơi, trời bỗng dưng đổ tuyết mù mịt, cái lạnh buốt đến tận xương. Khoảng 30 phút sau đó, từ trong màn mưa tuyết trắng xóa, chúng tôi lờ mờ thấy bóng dáng con tàu phá băng từ từ hiện ra. Càng lúc tàu càng hiện rõ.
Đúng 08:35 sáng, tôi và những người khác trong đoàn chính thức đặt chân lên con tàu phá băng mang tên Sampo, bắt đầu những trải nghiệm đặc biệt tại vùng biển Bắc Cực.
Tàu Sampo hoạt động trên vịnh Bothnia, ngay bên ngoài thành phố Kemi của vùng Lapland. Bên trong, con tàu hệt như một bảo tàng di động, lưu giữ những ký ức vẹn nguyên của thời kỳ phục vụ quân đội Phần Lan từ năm 1961. Mãi đến năm 1988, tàu Sampo mới được dùng cho mục đích du lịch, chính thức trở thành một trong những con tàu phá băng chở khách tham quan nổi tiếng thế giới. Cứ mỗi năm, tàu Sampo lại tiếp đón khoảng 10.000 du khách đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tàu có trọng lượng 3.542 tấn, dài 75m, rộng 17,5m, cao 14m. Phần chân vịt nặng đến 8 tấn, có đường kính lên đến 4m. Trong thời gian hoạt động, tàu tiêu thụ khoảng 1.000 lít nhiên liệu mỗi giờ, tốc độ di chuyển trong điều kiện bình thường là 18 hải lý/giờ và khi phá băng là 8 hải lý/giờ. Tàu phá được lớp băng dày 1,2m.
Chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đi tham quan một vòng con tàu, từ các dãy phòng chức năng cho đến khu vực điều hành của thuyền trưởng và các thuyền viên. Đứng trên tàu, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan đẹp ngỡ ngàng của vùng biển Bắc Cực hay thỏa thích ngắm nhìn bầu trời đổi sắc tại từng thời điểm nhất định trong ngày. Hoặc bạn cũng có thể chọn ngồi nhâm nhi một tách sô-cô-la nóng tại khu vực quầy bar Icebreaker.
Nhưng nếu cứ mãi chôn chân trên boong tàu thì hẳn sẽ rất chán, vậy nên, khi tham gia vào hành trình xẻ băng khám phá của tàu Sampo, du khách còn được trải nghiệm những hoạt động thú vị như bơi trên biển băng hay đi bộ trên băng.
Cụ thể, trước khi quay trở về cảng, tàu Sampo sẽ dừng tại một điểm bất kỳ trên vịnh Bothnia rồi cho du khách trải nghiệm thả nổi cơ thể trong làn nước lạnh giá với trang phục sinh tồn được thiết kế chuyên biệt, trông như một chiếc áo phao chống lạnh giúp du khách nổi trên mặt biển băng. Và nếu vẫn còn thừa năng lượng, du khách có thể tranh thủ thả bộ trên mặt băng cứng và chụp những kiểu ảnh độc đáo với con tàu phá băng hoành tráng.
“Trăm nghe không bằng một thấy”. Nếu có dịp du lịch đến Phần Lan, bạn đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm tàu Sampo thú vị tại vùng đất Lapland này nhé.