Lần đầu trekking, cô nàng Nguyễn Ngân đã lựa chọn chinh phục đỉnh Kỳ Quan San cao thứ tư ở Việt Nam với trải nghiệm “băng rừng, lội suối” kéo dài 3 ngày 4 đêm.
Vùng Tây Bắc đại ngàn luôn có sức hút mãnh liệt với những đôi chân đam mê trekking (leo núi). Dịp Tết Dương lịch 2022, cô bạn 9X Nguyễn Ngân đã chào đón năm mới bằng một chuyến leo núi lên đỉnh Kỳ Quan San.
“Lần đầu đi trekking mà chọn Kỳ Quan San không ít người cho rằng sẽ rất khó nhằn đối với ‘một tấm chiếu mới toanh’, nhưng mình vẫn quyết định chọn địa điểm này, đối với mình càng khó lại càng thích chinh phục”, cô nàng chia sẻ.
Kỳ Quan San hay còn được gọi với cái tên mỹ miều là Bạch Mộc Lương Tử, là ngọn núi cao thứ tư tại Việt Nam với độ cao 3.046m so với mực nước biển. Ngọn núi này nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Kỳ Quan San nổi tiếng với địa hình hiểm trợ, để chinh phục ngoài thể lực tốt, đòi hỏi người leo núi tính bền bỉ và kiên trì.
Theo Nguyễn Ngân, với độ khó khi leo Kỳ Quan San, lần đầu trekking nên đi theo tour, nhóm để đảm bảo an toàn. Hành trang mang theo là giày chuyên dụng, quần áo mặc nhiều lớp để tiện cởi ra và mặc vào khi trời nóng hoặc lạnh, đồ ăn vặt, tất, găng tay, miếng dán nhiệt, vật phẩm y tế…
Để khởi hành, du khách có 2 cung đường để lựa chọn. Một là khởi hành từ Hà Nội lên TP Lai Châu, sau đó đi tiếp 40km đến bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu). Hai là đi xe khách từ Hà Nội đến Sa Pa, rồi thuê xe đi khoảng 50Km đến bản Kì Quan San xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai).
Năm 2012, người ta khai phá một con đường mòn dẫn lên đỉnh Kỳ Quan San. Đó là con dốc nhỏ hẹp nằm lọt thỏm giữa rừng sâu, gặp hôm trời mưa dốc đất trơn trượt rất khó đi. Tuy nhiên, đối với dân phượt thủ, càng khó đi lại càng thú vị.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình trekking sẽ là đỉnh núi Muối. Đi bộ theo lối mòn, băng qua rừng trúc, rừng vầu, rừng thảo quả… có những đoạn đường đá chênh vênh để vượt qua rất vất vả. Có cung đường một bên là vực suối, một bên là núi, bù lại bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của tự nhiên.
Vượt qua con suối trong hành trình chinh phục đỉnh núi. Cầu được gia cố bằng thang gỗ, thời tiết ẩm ướt người leo núi phải hết sức cẩn trọng.
Nhiều đoạn địa hình hiểm trợ, để an toàn và tránh bị lạc đường cần có người địa phương hay hướng dẫn viên thạo đường và nên đi theo đoàn.
Rừng trúc sau cơn mưa ngập bùn lầy.
Vượt qua những con dốc cheo leo, luồn qua những rặng cây chằng chịt sương giăng mắc khắp núi từng khiến không ít phượt thủ bỏ dở hành trình. Khi lên tới độ cao 2.100m, sẽ xuất hiện lán trại duy nhất do một nhóm porter dựng lên làm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho du khách. Sau một ngày leo núi, đây cũng là điểm dừng chân nghỉ đêm cho các phượt thủ. Trong lán có chỗ ngủ, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh…
Buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp, để chống chọi với cái rét giá buốt bạn có thể cùng đoàn ngồi quây quần bên bếp lửa, nướng củ khoai, bắp ngô, hồ hởi kể nhau nghe một vài mẩu chuyện vui về hành trình một ngày leo núi. Nơi núi rừng đại ngàn, những khoảnh khắc bình dị sẽ để lại nhiều kỷ niệm đẹp.
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau dậy sớm bạn sẽ tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi Muối ở độ cao 2.800m. “Trái ngọt” sau hơn một ngày leo núi đó là đón bình minh tuyệt đẹp trên đỉnh núi xanh hùng vĩ. Cảm giác sau một chặng đường dài lặn lội, sáng sớm lúc sương chưa tan hẳn, đứng giữa đất trời sừng sững và tận hưởng những ánh nắng ấm áp dần len lỏi bao mệt nhọc dường như tan biến.
Lên đỉnh núi Muối cùng với porter người địa phương, bạn còn được nghe kể những sự tích gắn liền với tên gọi của từng cánh rừng, chẳng hạn như tên núi Muối. Người ta kể rằng, trước đây khi không có muối ăn, người Mông đã phát hiện trên đỉnh núi có loại cây với tên gọi Rùa Dế, xung quanh gốc cây rụng rất nhiều hạt trắng, nếm có vị mặn. Từ đó, người đồng bào Mông đã hái lá cây và chế biến để ăn thay muối. Tên núi Muối cũng ra đời từ đó.
Chinh phục núi Muối bạn còn được chiêm ngưỡng khung cảnh tráng lệ, mây ôm núi, núi ôm ấp mây. Nhiều phượt thủ ví von biển mây và núi non tựa như một “Vịnh Hạ Long trên không”. Trước vẻ đẹp trác tuyệt bạn như đang lạc giữa cõi tiên thơ mộng.
“Hồ núi Muối là một trong những lý do khiến mình muốn đi Bạch Mộc Lương Tử, vì nhìn qua ảnh khiến mình liên tưởng đến Thụy Sĩ – một đất nước mà mình rất muốn khám phá. Chỉ tiếc là lúc chụp thì trời chưa có nắng, nên nhìn hơi âm u”, Ngân cho biết.
Ăn trưa tại rừng “tiếp sức” cho hành trình với nhiều thử thách gian nan. Sau khi nghỉ ngơi tại núi Muối, các phượt thủ tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Kỳ Quan San.
Người bản địa bán đồ ăn dọc đường leo núi. Người dân sẽ bán theo mùa và thường họ kiêm luôn là người dẫn đường, vác hành lý…
Toàn bộ quãng đường rừng trekking dài khoảng 30km trước khi lên tới đỉnh, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều loại địa hình khác nhau. Từ các vách đá cheo leo, rừng tre, rừng trúc, đồi trọc… Khi qua những vách đá với độ dốc gần như thẳng đứng, muốn leo các phượt thủ phải bám vào hốc đá, cành cây hai bên đường.
Hành trình chinh phục đỉnh núi “mệt bở hơi tai”, tuy nhiên những lúc nghỉ ngơi, được ngắm cây cỏ hai bên đường bạn như có thêm động lực để tiếp tục con đường trekking phía trước. “Có những đoạn đường mình muốn bỏ cuộc, vì là lần đầu mình đi một địa hình phức tạp như này. Thế nhưng, khí thế và tinh thần của tất cả những anh chị em mình gặp trong suốt hành trình leo núi đã tiếp thêm sức mạnh cho mình rất nhiều. Cộng với cảnh núi rừng, trời mây cây cỏ dọc đường siêu đẹp, không thể rời mắt. Nhờ thế mà cuối cùng mình cũng lên đến đỉnh”, Ngân kể.
Cá tính và không ngại thử thách, cô bạn Nguyễn Ngân sau 3 ngày 4 đêm “băng rừng lội suối” đã chinh phục thành công đỉnh Kỳ Quan San và có những khoảnh khắc đáng nhớ. Ngân chia sẻ: “Mình từng có dịp đi săn mây ở Tà Xùa, Sơn La mây ở đó cũng rất đẹp, nhưng phải đến chuyến trekking lần này, khi đã vượt qua một quãng đường vừa dài vừa khó mới lên được đỉnh ở độ cao 3.046m, mọi thứ quả thực rất mãn nhãn, vô cùng tuyệt vời”.
“Một người với thể lực bình thường như mình đã leo thành công, thì mình nghĩ các bạn cũng sẽ làm được, miễn là giữ vững tinh thần kiên trì, không bỏ cuộc! Sau chuyến đi này, mình đã có thêm rất nhiều bạn, một vài kinh nghiệm và kỹ năng leo núi đáng quý, hy vọng những chuyến đi sắp tới sẽ chinh phục được các đỉnh khó hơn thế và có thật nhiều ảnh đẹp mang về”.
Kỳ Quan San như một nàng tiên đang say ngủ, vẫn giữ được vẻ hoang sơ của tự nhiên. Vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây dần được nhiều người tới khám phá, nhưng bạn cũng đừng quên đi du lịch đừng xả rác: “Đừng lấy đi thứ gì ngoài những bức ảnh – Đừng để lại những gì ngoài những dấu chân!”