Đến với Fukushima những ngày này, bạn không chỉ được thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được dịp trải nghiệm “Hành trình kim cương” – một sản phẩm du lịch độc đáo đánh dấu sự hợp tác giữa ngành du lịch tỉnh Fukushima và Việt Nam.

Là tỉnh ở cực Nam nước Nhật, thuộc vùng Tohoku, Fukushima được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tuyệt mỹ, với hồ Inawashiro phản chiếu bóng núi Bandai tuyệt đẹp, làng cổ Ouchijuku mơ màng trong sắc nến lung linh, thành Hạc trắng Tsuruga uy nghiêm…

Tôi có dịp đến thăm nơi này trong những ngày đầu năm mới theo lời mời của tỉnh Fukushima. Sau gần 8 tiếng đồng hồ ngồi máy bay từ Việt Nam sang, tôi đáp cánh an toàn xuống sân bay Fukushima – một nơi khá thú vị khi sử dụng song song tiếng Nhật và tiếng Việt, giúp du khách từ Việt Nam như tôi sang đây cảm thấy không bị bỡ ngỡ.

Hoàn tất thủ tục nhập cảnh, tôi di chuyển ra bên ngoài và gần như ngay lập tức bị “đốn gục” bởi sự dễ thương, chân thành từ màn đón tiếp nồng hậu của chính quyền tỉnh Fukushima. Đã rất lâu kể từ khi xuất hiện COVID-19, sân bay Fukushima mới lại chào đón du khách Việt Nam trở lại nơi này.

Sau khi dùng bữa trưa, tôi lên xe để bắt đầu “Hành trình kim cương” mà tỉnh Fukushima tâm huyết xây dựng. Theo lịch trình đã định sẵn, trước tiên chuyến đi đưa tôi khám phá các tỉnh thành lân cận Fukushima như Tochigi, Tokyo, Yamanashi, Ibaraki rồi mới về lại Fukushima để tham quan nhiều hơn.

Tại Tochigi, tôi được dịp đến thăm đền Nikko Toshogu, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Ngôi đền là nơi thờ phụng nhà lãnh đạo samurai nổi tiếng Nhật Bản Tokugawa Ieyasu. Ẩn mình giữa những rặng thông cao vút suốt hơn 400 năm, đền Nikko Toshogu tạo cho du khách cảm giác an tĩnh khi đặt chân đến.

Được ca tụng là ngôi đền nguy nga nhất Nhật Bản, toàn bộ kiến trúc đền Nikko Toshogu được khắc chạm và trang trí rực rỡ, ẩn chứa triết lý nhân sinh của người Nhật qua hình ảnh các chú khỉ “che mắt, che tai, che miệng” hay còn được gọi là Tam Viên: không nhìn điều sai, không nghe điều xằng bậy và không nói điều trái.

Đi sâu vào bên trong đền, bạn sẽ nhìn thấy mộ phần của tướng quân Tokugawa Ieyasu. Ông mất vào năm 1616, được chính tay con trai mình an táng tại nơi này. Cái tên “Toshogu” có nghĩa là Đông Chiêu Cung, và toàn bộ quần thể đền Nikko Toshogu được xây dựng bởi hơn 4 triệu người thợ lành nghề trong khoảng gần 2 năm.

Để có thể dạo ngắm một vòng đền Nikko Toshogu mà không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết thú vị nào, tôi phải mất tầm khoảng 1-2 tiếng đồng hồ.

Tiếp theo, tôi đi đến chỗ cây cầu gỗ cong Shinkyo, cũng là một di sản văn hóa thế giới với dáng hình nổi bật trong tông màu đỏ rạng rỡ. Cầu gỗ cong Shinkyo được xây dựng theo kiểu cầu kiều cong bắc qua khe núi, ở phía dưới là dòng sông Daiya trong xanh hòa trong màu trắng thuần khiết của tuyết mùa đông tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng.

Cuối ngày, tôi di chuyển đến Tokyo để nhận phòng khách sạn, ăn bữa tối và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình đến tham quan tỉnh Yamanashi vào ngày hôm sau.

Sau khi dùng bữa sáng, tôi di chuyển khoảng 100 km từ Tokyo để đến làng cổ Oshino Hakkai, là một phần của di sản thế giới núi Phú Sĩ, nằm trong khu vực Ngũ Hồ.

Từ lâu, làng cổ Oshino Hakkai đã nổi tiếng với cảnh quan yên ả và giản dị, mang đến cho du khách bầu không khí thanh bình. Đến đây, bạn sẽ thấy ngay nhiều ao hồ cùng các mảng xanh cực kỳ mát mẻ, xa xa là các ngôi nhà được lợp bằng loại cỏ cực kỳ đặc biệt.

Trên những hồ lớn tại làng cổ Oshino Hakkai còn được xây dựng những chiếc cầu tuyệt đẹp bắc ngang. Đây cũng chính là nơi rất lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh ngôi làng. Giữa hồ còn có thêm các guồng quay nước bằng gỗ tô điểm thêm vẻ cổ kính cho không gian nơi đây.

Xung quanh làng cổ Oshino Hakkai có rất nhiều câu chuyện liên quan đến Thần đạo, một trong số đó là nghi thức thanh tẩy Misogi. Đây là một nghi thức quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, giúp cơ thể và tâm hồn gột rửa bụi trần qua việc tắm bằng nước sạch trước khi tiến hành thực hiện bất cứ nghi lễ nào. Hiện nay, làng cổ Oshino Hakkai là nơi vẫn còn lưu giữ nghi thức Misogi truyền thống.

Vì bị thu hút bởi quang cảnh đẹp như tranh, tôi quyết định dành hẳn 2 tiếng đồng hồ để thu vào ống kính máy ảnh toàn bộ vẻ đẹp của ngôi làng phủ trong tuyết trắng.

Rời làng cổ, xe đưa tôi đến tham quan khu vực Trạm 1 núi Phú Sĩ. Từ đây, tôi có cơ hội được mục sở thị ngọn núi tuyệt phẩm do tạo hóa ban tặng và cũng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, nguồn cảm hứng nghệ thuật của biết bao thế hệ cư dân xứ mặt trời.

Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, sừng sững ở độ cao 3.776 m, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2013.

Theo như anh Nguyễn Văn Thành, một hướng dẫn viên người Việt đã sống và làm việc tại Nhật Bản suốt 15 năm, cho rằng tôi rất may mắn vì một năm chỉ có khoảng 3-5 ngày thời tiết đẹp xuất sắc như thế này để ngắm ngọn núi mà thôi. Thế nhưng, lòng tôi cũng có chút hụt hẫng vì bản thân chỉ có thể đứng từ xa mà chiêm ngắm vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ đó. Phú Sĩ những ngày này tuyết rơi dày nên rất nguy hiểm, không an toàn cho du khách tham quan.

Đến trưa, tôi đi đến chỗ hồ Kawaguchi – cũng là một phần của di sản thế giới núi Phú Sĩ – nơi được ví như chốn “thiên đường” nghỉ ngơi tịnh dưỡng của tỉnh Yamanashi để dùng bữa trưa và tranh thủ chụp ảnh cảnh hồ trước khi trở về lại Tokyo.

Diện tích mặt hồ rộng lớn, phong cảnh hữu tình giúp nơi đây trở thành một trong những địa điểm vô cùng thu hút khách du lịch. Mỗi mùa khác nhau, hồ Kawaguchi lại khoác lên những chiếc áo đẹp đến mê đắm lòng nguời.

Lịch trình tham quan trong ngày thứ ba đưa tôi đến với Asakusa Kannon hay còn gọi là đền Senso. Đây là ngôi đền cổ nhất tại Tokyo, được khởi công xây dựng vào năm 628 và hoàn thành vào năm 645 sau Công nguyên. Từ đó đến nay, đền đã trải qua gần 20 lần trùng tu.

Suốt chiều dài lịch sử tồn tại, đền Senso gắn liền với truyền thuyết nhuốm màu Phật giáo. Tương truyền, các ngư dân đã tìm thấy một pho tượng Quán Thế Âm trên sông Sumida và quyết định xây dựng đền Senso để thờ phụng tượng Phật Bà.

Cổng chính của đền có treo một chiếc lồng đèn lớn màu đỏ trang nghiêm khắc chữ “Kaminarimon”, với chiều cao khoảng 4 m và nặng 700 kg. Hai bên tả hữu đèn lồng là tượng Phong thần Fujin và Lôi thần Raijin – những vị thần hộ pháp bảo vệ ngôi đền thiêng. Trong đêm Giao thừa và những ngày đầu năm mới, đền Senso thu hút đông đảo người dân Nhật Bản đến cầu nguyện. Đây cũng là nơi thường xuyên được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều lễ hội lớn ở Tokyo.

Sau tầm 1 tiếng đồng hồ viếng cảnh đền, tôi di chuyển ra xe và tiếp tục hành trình hướng về tỉnh Ibaraki.

Điểm đầu tiên tham quan tại tỉnh là công viên đại tượng Phật Ushiku Daibutsu. Bức tượng được xây dựng vào năm 1992, mang dáng hình Đức Phật A Di Đà Như Lai ngự trên đài sen, cao 120 m, tự hào là tượng đồng đúc cao nhất thế giới hiện nay. Chiều cao của tượng Phật lớn gấp 3 lần so với tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Năm 1995, bức tượng được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness.

Dáng vẻ bên ngoài đại tượng Phật Ushiku Daibutsu vốn ấn tượng là thế, nhưng chỉ khi đi vào bên trong tượng, bạn mới cảm nhận được hết sự độc đáo, khác biệt mà pho tượng Phật khổng lồ mang lại.

Lối vào nằm ở phần đài sen. Bước vào bên trong, bạn sẽ thấy mình đang ở tại một căn phòng tối với hương trầm và âm nhạc nhẹ nhàng.

Chỉ le lói một tia sáng nhỏ, căn phòng mang bầu không khí trang nghiêm và linh thiêng. Từ đây, bạn sẽ tiến đến tầng tiếp theo và bắt gặp một căn phòng được bao quanh bởi hơn 3.000 bức tượng Phật nhỏ bằng vàng đặt trên các ô tường.

Tổng cộng có 5 tầng bên trong bụng tượng Phật, ngoài việc được trải nghiệm chụp ảnh và nghe các câu chuyện Phật giáo, du khách còn được tiếp cận các thông tin về quá trình xây dựng và hoàn thành bức tượng, cũng như chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt mỹ tại khu vực đài quan sát tại vị trí ngang tầm ngực tượng. Nhìn chung, tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp tráng lệ và trang nghiêm của công viên đại tượng Phật Ushiku Daibutsu.

Buổi chiều, tôi đến viếng đền Oarai Isosaki. Đây là ngôi đền tưởng nhớ thần Onamuchi và Sukunahikona – hai vị thần đã gây dựng nên đất nước Nhật Bản. Tương truyền, thần Onamuchi đã có công khai phá bờ cõi, đặt nền móng cho nông nghiệp nước Nhật. Ông đã cùng thần Sukunahikona tìm thuốc chữa bệnh, định ra luật lệ góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân.

Ấn tượng nhất về ngôi đền với tôi có lẽ chính là chiếc cổng “torii” được xây dựng giữa biển. Mang danh là “cánh cửa của những vị thần”, cổng hướng về phía Đông giúp du khách thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc vào sáng sớm. Lúc về chiều, ánh tà dương cuối ngày nhuộm đỏ cả cổng thần đạo, tạo nên những khoảnh khắc đẹp mắt.

Sau khi tham quan đền, tôi ra xe và trở về tỉnh Fukushima – điểm xuất phát và cũng là đích đến của “Hành trình kim cương”.

Tôi khởi đầu ngày thứ tư của chuyến hành trình bằng việc đến thăm làng cổ Ouchijuku, nằm sâu trong tỉnh Fukushima. Theo lịch sử ghi chép, ngôi làng được xây dựng từ thời Edo, dọc theo tuyến đường thương mại Aizu-Nishi Kaido thông qua miền Bắc Nhật Bản, từng được các samurai sử dụng để vận chuyển lương thực từ nông thôn đến các thành phố lớn, hoặc đến các vị lãnh chúa Edo để kinh doanh lập nghiệp.

Nết xét ở thời Edo thì ngôi làng không có gì nổi bật, nhưng trong thời điểm hiện tại, việc giữ gìn gần như nguyên vẹn toàn bộ kiến trúc cổ của ngôi làng qua nhiều năm tháng lịch sử đã giúp làng cổ Ouchijuku trở thành một điểm hẹn “ngược dòng thời gian” đưa bạn về thời xa xưa để trải nghiệm cuộc sống của tiền nhân.

Dọc khắp các con phố trong làng là những dãy nhà truyền thống, với mái tranh thô sơ, cùng những con kênh nhỏ dẫn nước ở hai bên đường. Trong mùa đông giá rét, toàn bộ ngôi làng được bao phủ bởi tuyết, như thể khoác lên mình lớp áo trắng muốt mà thiên nhiên ban tặng.

Rời làng Ouchijuku, tôi đến thăm thành Tsuruga, còn được gọi là Thành Hạc trắng, được xây dựng và trải qua nhiều lần trùng tu trong suốt gần 700 năm, từ thời lãnh chúa Ashina Naomori (1323-1391) đến nay.

Đến thăm nơi này vào mùa đông, bạn sẽ bị ấn tượng bởi vẻ đẹp phủ trong tuyết trắng của tòa thành. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phòng trà lịch sử tuyệt đẹp, thưởng thức một số loại trà truyền thống tuyệt vời theo đúng nghi lễ trà của các vị lãnh chúa phong kiến xưa kia.

Để cảm nhận được hết toàn bộ nét thú vị của Thành Hạc trắng, bạn có thể dành từ 30-60 phút để tham quan, chụp ảnh.

Tiếp theo, tôi đến tham quan hồ Inawashiro – hồ nước ngọt lớn thứ tư ở Nhật Bản, với diện tích khoảng 103 km2 và độ sâu khoảng 93 m, nước rất trong và sạch, khiến mặt hồ trông như thể một tấm gương lớn ngày đêm in bóng núi Bandai. Đến đây vào thời gian này, bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyết phủ trắng cả một vùng xứ sở, nơi đất trời thiên nhiên giao hòa làm một, vô cùng thú vị và mang đậm chất riêng mà không nơi nào sánh bằng.

Đến tham quan hồ Inawashiro, du khách có thể vui đùa cùng tuyết, trải nghiệm trượt tuyết và trượt ván tại khu trượt tuyết gần đó, hay thích thú ngắm nhìn đàn thiên nga trắng muốt đang di cư trên bờ hồ.

Điểm đến cuối cùng là Khu xưởng búp bê Deko. Trong tiếng Nhật, tên đầy đủ của khu xưởng là “Takashima Deko Yashiki” với “Deko” nghĩa là “búp bê” và “Yashiki” nghĩa là “ngôi nhà”.

Khoảng 300 năm trước, vào thời kỳ Edo, những nghệ nhân từ khu vực Kyoto đã di cư đến đây và bắt đầu nghề làm búp bê. Kể từ đó, những thợ làm búp bê nơi đây đã tự hào kế thừa và phát triển nghề thủ công có lịch sử hơn 300 năm này.

Khu xưởng là xứ sở của những món đồ chơi nổi tiếng khắp Nhật Bản, bao gồm 4 nhà nhỏ, mỗi ngôi nhà hiện vẫn còn giữ nét truyền thống qua hàng trăm năm. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm quá trình làm búp bê và tự tay làm nên những con búp bê mang phong cách của riêng mình.

Mùi thơm của chất keo tạo nên lớp sơn bóng cho những con búp bê phảng phất xung quanh khu xưởng, cho bạn tận hưởng bầu không khí chỉ có tại ngôi làng của những nghệ nhân.

Để trải nghiệm tất thảy mọi thứ ở khu xưởng, có lẽ bạn phải cần ít nhất 1 tiếng rưỡi đồng hồ hoặc hơn. Điểm đến cuối cùng của “Hành trình kim cương” quả thật không làm người lữ khách thất vọng!

Mong rằng với những gì chia sẻ, tôi đã phần nào khơi gợi được trong bạn nguồn cảm hứng du lịch Nhật Bản trong những ngày đầu năm mới này. Và biết đâu trên hành trình khám phá đất nước mặt trời mọc ấy, bạn sẽ tìm thấy thật nhiều trải nghiệm độc đáo để tự tay viết nên “hành trình kim cương” của chính bạn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 06/02/2023 11:35 AM (GMT+7)

Thực hiện: Hải An