“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

     Không phải ai cũng một lần được đến Con đường hạnh Phúc, nơi mà khi đi trên chuyến xe từ Hà Nội đến Đồng văn, người Hướng dẫn viên kể cho chúng tôi nghe với sự tự hào. Để rồi khi xe rời khỏi Hà Giang, chúng tôi cũng được biết đến là chúng tôi đang đi trên “con đường Hạnh Phúc”  dài 400 cây số làm bằng sức người như một huyền thoại.

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 1

Kỳ ảo Ma Phi Leng

Trên con đường thăm thẳm xe leo lên những triền núi đó, có một tấm bảng ghi về con đường này ở ngay đỉnh đèo, điểm ngắm sông Nho Quế và sự hùng vĩ của Mã Pí Lèng.   Gờ đây, con đường đang kỷ niệm bước sáng tuổi 50. Đã có hơn 2 vạn người bao gồm TNXP và người dân thuộc 16 dân tộc ở 6 tỉnh phía Bắc được huy động làm đường. Phải mất gần 6 năm(1959 - 1965)  con đường mới hoàn thành và được đặt tên là Hạnh Phúc. Kể lại việc làm đường mới thấy sức người phi thường, để đục núi, phải đu dây bám vào vách đá…Vào trước năm 1960, để tới được đây chỉ có đường mòn, đường dốc vô cùng gian nan, khiến cho sự thông thương giữa các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đầy trắc trở. Cả tỉnh có 8 vạn người gần như sống riêng lẻ ở những nơi thẳm sâu, di chuyển bằng đôi chân giữa mây trời và núi đá. Ngày 16.11.2009, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch đã xếp khu vực Mã Pí Lèng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 2

Tận hưởng đỉnh Ma Phi Leng

 Cung đường Hạnh Phúc đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông cao nguyên Đồng Văn. Hạnh Phúc chỉ cái tên đó thôi mà khiến cho mọi người hăm hở lên đường, mà con đường tới đó thật gian nan, để khi chạm tới ở cung đường chỉ dài 20km, ở độ cao 2.000km là đã thỏa lòng. Nơi ấy như trời đất giao hòa, mây vờn cao, núi chập chùng núi, lũng sâu nhìn chóng mặt. Còn con đường thì nép mình theo núi, cứ quanh qua quanh lại, lên xuống tạo thành những nét vẽ giống như một họa sĩ đang sáng tác đầy ngẫu hứng. Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang), theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa”. Nhưng người địa phương giải thích về sự hiểm trở của ngọn đèo này là khi những con ngựa cái thồ hàng lên tới đỉnh thì trụy thai mà chết. Tôi được mọi người cho biết rằng Mã Pí Lèng được mệnh danh "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía bắc. Các đèo khác là đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và đèo Pha Đin. Và có thể chưa tới ba ngọn đèo kia, tới Mã Pí Lèng  để thấy sự kỳ diệu của đất trời, của phận người nhỏ nhoi.

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 3

Hoa trên vách đá

 Cuộc hành trình của chúng tôi đến Hạnh Phúc hoàn toàn cảm hứng. Ngồi trên xe, từ trên con đường này đã nhìn thấy con đường kia. Bao quanh là những dãy núi đá vôi cao ngất, đặc biệt là các đỉnh núi đều nhọn. Nắng đôi khi thoát ra khỏi mây, chiếu những tia sáng hiếm hoi xuống thung lũng hay bên triền đá. Đá ở đây có tên tai mèo, chen đen và trắng, tạo dáng rất lạ, nhú lên như những tảng thạch nhũ lộ thiên. Cao nguyên đá Đồng Văn được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm. Đúng như tên gọi, đá nhiều vô kể, và đá ấy không trùng lẫn với bất cứ một dãy núi nào. Cũng vì lẽ đó mà ở các ngôi làng chúng tôi qua, họ làm tường nhà bằng đá xếp lại thật đẹp, những con đường nhỏ cho những người dân các buôn làng qua lại giao thương với nhau cũng xếp đá dọc theo. Cái lạ là sau mùa thu hoạch ngô, mà đó là loại cây trồng nhiều nhất ở đây để làm lương thực và chế biến rượu, người dân cứ lấy các bẹ ngô phơi trên những mỏm đá, tạo ra những cột nấm ngộ nghĩnh nổi bật trong không gian. 

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 4

Sông Nho Quế

    Xe đi giống như trên một con đường vạch sẵn, phải là tài xế giỏi mới dám lái xe đi trên con đường này. Bên cạnh đó là các bạn trẻ đi bằng xe máy, gọi là “dân phượt” thường mặt chiếc áo mang cờ Tổ Quốc, trên xe đủ cả lương thực, dụng cụ sửa xe, họ đi từng đoàn đầy hào hứng để khám phá cung đường. Thường thì xe dừng lại hai điểm đẹp nhất để tận hưởng “Vạn lý trường thành.” Điểm thứ nhất ngay chỗ khá rộng, nhìn xuống là lũng sâu. Nơi đây có một lối mòn lên núi, phía sau núi có một buôn làng người Mông.  Tại chỗ này, vách đá đen, nước rỉ từ trên núi xuống, sương mù cứ lan tỏa. Trên vách đá có nhiều loại cây cỏ bám vào, chúng chỉ cần một tí đất, thế là nở hoa. Không ai không chụp lấy vài tấm ảnh về loại hoa kỳ lạ chịu sự khắc nghiệt của đất trời này. Rồi từ trên núi, những chú bé con leo xuống, hồn nhiên chào khách. Thường thì theo kinh nghiệm người đi trước, chúng tôi đem theo quần áo cùng bánh kẹo tặng cho các cháu. Những đôi chân nhỏ lại vào núi mà leo lên cao. Những bàn tay nhỏ vẫy tiễn đoàn giữa nền đá đen cao vời vợi kia là cảm giác lạ kỳ, đầy xúc động.

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 5

  Ngay vòng ôm đẹp nhất của con đường Hạnh Phúc, từ đây nhìn xuống thấy dòng sông Nho Quế. Trước đây chỗ này là một mỏm núi đen cao, dân đi phượt hay leo lên đây chụp ảnh lưu niệm. Còn giờ đây nơi này đã thành trạm dừng chân, an toàn hơn và tầm mắt có thể thỏa thuê nhìn ngắm. Ở đây có xây tường giống như Vạn lý trường thành thu nhỏ, từ đó leo xuống những bậc thang xoắn ốc, tại một bãi rộng, nhìn xuống thung lũng mênh mông và dòng sông Nho Quế.

“Cung đường Hạnh Phúc” ở Hà Giang - 6

Cao nguyên đá Đồng Văn

 Nói thật lòng là chỉ cần thấy dòng sông, dù từ trên cao để tới được dòng sông là điều không thể, nhưng chỉ ngắm nhìn là lòng tràn ngập cảm xúc. Dòng sông này bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) có tên là Phố Mai, dài tổng cộng 192 km. Sông Nho Quế chảy vào địa phận Việt Nam tại Lũng Cú, một đoạn là ranh giới giữa hai nước, đến gần Đồng Văn thì chảy hẳn vào nội địa Việt Nam, qua hẻm núi Tu Sản rồi chảy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Đến Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng Đông – Đông Nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm. Chúng tôi thấy con sông như một dải lụa vắt qua dưới chân núi, mà núi thì cao vời. Dòng sống ấy xanh và đầy vẻ trữ tình. Bên triền núi địa phận Việt Nam là những ngôi nhà dân, nhỏ bé và cô đơn trong sự hùng vỹ của núi rừng. Chúng tôi cố gắng lưu hình ảnh dòng sông, mang về  để biết rằng mình đã nhìn thấy dòng sông có lẽ là xa nhất của Tổ Quốc.T ại điểm dừng chân, có tấm bảng ghi về quá trình làm con đường hạnh phúc. Cũng từ đó, lại nhìn thấy con đường quanh co, dựa theo vách núi, trong sương mù. Đó  là đường tiếp tục cuộc hành trình tới Mèo Vạc,
 Trong cuộc đời, chỉ một lần đến con đường Hạnh Phúc, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp sừng sững ấy và ngắm dòng sông Nho Quế là đủ cho cuộc sống thênh thang.

 Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT