ĐẦU XUÂN ĐI VIẾNG LĂNG ÔNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chuyện kể rằng…

Lăng Ông Bà Chiểu là cách nói quen thuộc của người Sài Gòn, để chỉ Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt ở kế chợ Bà Chiểu, trung tâm quận Bình Thạnh. Vì kiêng cữ tên riêng của Ông nên dân chúng chỉ gọi tắt là Lăng Ông, hay Lăng Thượng Công.

ĐẦU XUÂN ĐI VIẾNG LĂNG ÔNG - 1

Tả quân Lê Văn Duyệt là một Đại công thần của Nhà Nguyễn (1764-1832), người dưới thời Vua Minh Mạng có quyền “Vào chầu không lạy” Vua. Lăng nằm gọn trong bốn con đường Phan Đăng Lưu-Đinh Tiên Hoàng-Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức trên diện tích 18.500 mét vuông.

Thế nhưng Lăng có từ bao giờ? Không mấy ai biết.

Giai thoại viết rằng, đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) có Bạch hổ tinh xuất hiện nơi gò đất phía Bắc thành Gia Định, đêm ấy Lê Tả Quân qua đời hưởng thọ 69 tuổi.

Ông được chôn cất nơi đất cao ở ngoại thành Gia Định thuộc làng Bình Hòa. Đất chung quanh ngôi mộ đến ven rạch Nhiêu Lộc được Vua phong làm đất thờ cúng Ông. Sau khi Ông mất không bao lâu, Vua Minh Mạng trả thù Ông về tội “Không chịu lập Hoàng tử Đảm lên ngôi Vua” vì là con dòng thứ. Đảm hay Đởm tức là Vua Minh Mạng sau nầy. Chính vì vậy mà Minh Mạng “để bụng” hận Lê Văn Duyệt dù đã gọi Ông bằng “Cha nuôi” và rất sợ ông. Ông đã từng “trả ấn” Tổng trấn Gia Định thành, nhưng Minh Mạng không dám nhận, bởi Ông chẳng những là người có tài, có uy mà còn là một người giữ gìn biên cương phía Nam rất giỏi. Các nước Cao Miên (Kampuchia ngày nay), Xiêm (Thái Lan) thời ấy cũng hay càn quấy, kiếm cớ xâm lấn, đòi đất đai nhưng sợ Ông như sợ cọp nên không dám ho he. Một nhà du hành người Anh từng đến thăm Sài Gòn thời Ông làm Tổng trấn kể lại, vào năm mới, Sứ giả nước Xiêm sang Sài Gòn tấn cống được Ông mời xem đấu cọp. Dưới trường cọp đấu, trên cao Ông ngồi ăn đường phèn nhai rốp rốp như nhai đá khiến sứ giả sợ tái xanh mặt!

ĐẦU XUÂN ĐI VIẾNG LĂNG ÔNG - 2

Tất nhiên Minh Mạng hận Ông về chuyện “Không ủng hộ lên ngôi” và cả chuyện Ông đã chặt đầu Huỳnh Công Lý, cha vợ của Minh Mạng, nhưng để cho có danh nghĩa đàng hoàng, Ông đã bị hài ra 7 tội danh. Và rồi, ngôi mả Ông đã bị san bằng, xích lại bằng dây sắt kèm theo cột khắc án lệnh “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”. Từ vụ án nầy đã xảy ra việc Lê Văn Khôi, con nuôi Ông nổi loạn mà binh triều phải trấn áp kéo dài ba năm liền (1833-1835), dẫn đến việc thành Gia Định bị phá rồi xây lại nhỏ hơn, việc 

gần hai ngàn người bị chém chôn ở Khu Mã Ngụy (nay nằm trong khu vực Bệnh viện Bình Dân, Maxi Mark 3 tháng 2 và Ngã sáu Võ Thị Sáu).

Từ sau khi có án đó thì quanh mộ đêm đêm có nhiều tiếng như binh mã dậy lên! Do đó, người dân tin rằng mộ Ông linh thiêng, bởi trong vùng còn có nhiều mả Đại công thần khác như Võ Tánh, Trần Văn Học (Nguyễn Văn Học), Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy...Thiên hạ kéo đến cúng vái ngày càng nhiều. Và điều lạ là tất cả đều linh ứng!

Giới nghiệp chủ người Hoa vốn rất tin vào những lời đồn đại như thế, đã kéo nhau tới mả cầu tài, cầu phước, cầu an. Vì hữu cầu tắc ứng, cầu là được, theo lối xin xâm nên họ sùng kính Ông lắm. Từ đó, Ông được gọi là Phò Mã Đa Đa, mộ Ông được cúng bái thường xuyên, khói nhang nghi ngút.

Mười bảy năm sau, triều Tự Đức thứ hai năm 1849, triều đình xét lại vụ án Lê Văn Duyệt và quyết định dẹp bỏ trụ cột ghi mấy chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”, đồng thời cho trùng tu mộ, lập miếu thờ.

Hàng năm, (từ 1849 đến 1914) miểu thờ của Ông đều có tế lễ do hương chức làng Bình Hòa đảm nhiệm, với huê lợi từ mấy chục mẫu ruộng nằm kế bên mộ, từ lăng mộ đến Cầu Bông. Đến năm 1914, một Hội mệnh danh là Hội Thượng Công quí tế ra đời lãnh trách nhiệm thờ cúng, tế lễ, trùng tu thay cho hương chức làng Bình Hòa (khi ấy gọi là Bình Hòa xã). Hội nầy được thành lập sau khi phục hồi nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 23-5-1882. Theo Nghị định thì Lăng sẽ do một Hội đứng ra tế lễ trùng tu hàng năm, song do thời ấy người Pháp không quan tâm tới việc tín ngưỡng của người Việt, nên đến năm 1914 mới phục hồi Nghị định. Việc thành lập Hội cũng do hương chức Bình Hòa Xã chỉ thờ cúng lăng lấy lệ và không trùng tu Lăng do thiếu tài chánh. 

Một gia đình người Hoa có danh tiếng ở Chợ Lớn có người con đi lạc mất, tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, họ đã tới lăng cầu khấn thì được biết (qua lá xâm) người con vẫn còn ở Sài Gòn, ba ngày nữa sẽ trở về. Quả đúng như vậy nên gia đình nầy đã tạ ơn bằng cách dân cúng một số tiền để sơn phết lại miếu ngài cho đẹp hơn. Báo Tiếng Dội số 1214 ngày 8-2-1954 có đăng việc, ký giả của báo nầy và Ban Quản trị Hội Tượng công quí tế có vào miếu xin một quẻ xâm về tình hình nước nhà, thì được lá xâm số 95 điềm hòa bình với câu:

“Lưỡng gia thủ thế

Đáo để hòa bình”

Và tới ngày 20-7-1954 thì tiếng súng im hẳn. Về sau Hội Thượng Công Quí Tế đã xây một đài kỷ niệm sự việc nầy, đặt ở trong Lăng phía đối diện dinh Tỉnh trưởng (Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh hiện nay) và hàng năm đều có tổ chức lễ cầu nguyện thanh bình cho đất nước.

Sự linh thiêng của Lăng ngày càng lớn, thậm chí người ta nói rằng, khi có những đám đông lớn như đám tang, đám cung nghinh, thỉnh sắc...đi ngang Lăng đều phải vào Lăng tạ Ông mới đi qua được! Nếu không thì... Khoảng năm 1964, có một đoàn thỉnh sắc đi ngang Lăng chuông trống ầm ỉ rần rộ kéo đi. Bỗng nhiên cả người lẫn kiệu bị xô té xuống đường, dù những người khiêng kiệu cố giữ cũng bị té. Không biết chuyện gì nhưng có người hiểu chuyện vô Lăng tạ lỗi, rồi mới tiếp tục đi được! Ngoài ra còn nhiều vụ thưa kiện, thề thốt... người ta cũng tới Lăng để Ông chứng giám! Có khá nhiều câu chuyện truyền khẩu về những kẻ bội tín, thất hứa, lường gạt, dối trá... bị Ông vật hộc máu.

Hội Thượng Công Quí Tế chánh thức thành lập ngày 16-1-1914 với bổn phận phụ trách việc thờ cúng, trùng tu lăng và không có phụ cấp. Ban Quản trị đầu tiên (1914-1922) gồm 20 vị với các Ông Bà Trương Văn Trạch, Lê Văn Xuân, Nguyễn Văn Cương...Ban Quản trị thứ hai 1922-1932 đứng đầu là các Ông Diệp Văn Cương, Huỳnh Văn Nhiều, Lê Văn Phát. Ông Diệp Văn Cương là người ở An Nhơn-Gò Vấp, khi đó là Giáo sư trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn hiện nay), và Ông là cha ruột của nhà báo Diệp Văn Kỳ, chủ báo Thần Chung nổi tiếng ở Sài Gòn. Ông Cương lại có vợ là người Hoàng tộc, vợ Ông là cô ruột của Vua Thành Thái, nên được mọi người trọng vọng.

Trong ban Quản trị thứ hai nầy còn có Ông Nguyễn Kim Đính, nhà ở Bình Hòa Xã, vốn là Nghị viên Hội đồng thành phố, chủ Đông Pháp Thời Báolừng lẫy một thời. Chính tờ báo này đã kêu gọi dân chúng Sài Gòn để tang cụ Phan Châu Trinh, tế lễ cụ Lương Văn Can qua ngòi bút của Ông Trần Huy Liệu khiến cho thực dân Pháp bực mình bắt Ông Trần Huy Liệu đày ra Côn Đảo, phạt Ông Đính dẫn tới việc Ông Đính phải sang tờ báo lại cho Ông Diệp Văn Kỳ. 

Trong thời gian Ban Quản trị thứ hai nầy điều hành, hoạt động của Hội cũng như việc thờ cúng tế lễ được tổ chức lại ngăn nắp. Hội có biên bản họp, có con dấu thành lập tủ đựng tiền quyên góp, có người bàn xâm và sổ để bá tánh kêu nài điều chi thì ghi vô. Bà Nguyễn Kim Đính (tên tộc Thạnh Thị Mậu) đã đứng ra mua sắm phẩm vật dùng trong việc cúng tế và thành lập Ban Công quả phụ nữ như ngày nay. Năm 1925, miếu được trùng tu.

Đến ban Quản trị thứ ba (1932-1953) thì có bảng cẩm thạch để kỷ niệm ghi tên những người có tên tuổi đóng góp việc trùng tu. Năm 1937, xây cất toàn diện lại miếu với phí tổn 30.000 đồng với lễ khánh thành được tổ chức linh đình với một chương trình Hát Bội bảy ngày liền từ 21 đến 27-6-1937. Năm 1948, Hội xây lại vòng thành Lăng và năm 1949, xây lại cửa tam quan của Lăng, xây cất chánh điện và hai bên Đông lang Tây Lang, xây phòng khánh tiết để tiếp khách.

Năm 1948 cất kho và xây một rạp hát lộ thiên (kiểu sân khấu ngoài trời) để hát cho đồng bào coi.

Năm 1944, Hội đã đề nghị với chánh quyền được “cấp phát năng lực” để quản lý tài sản và tiền bạc bá tánh cúng. Và ngày 14-4-1944, Chánh phủ Decoux ra Nghị định số 3112 và cũng được Thống đốc Nam Kỳ đồng ý bằng Nghị định số 635 ngày 25-2-1944. Theo các Nghị định thì Ban Quản trị có chức danh cụ thể như Hội trưởng, Phó hội trưởng, Kiểm soát viên, Thủ quỹ... và việc bầu Ban quản trị do chánh quyền tỉnh Gia Định trực tiếp điều khiển. Ban Quản trị thứ tư (1953-1961) được bầu do đích thân Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định là Ông Nguyễn Văn Điệu điều khiển.

Từ đó về sau, Lăng được trùng tu ngày càng đẹp hơn. Hàng năm vào ngày mùng 2 tết, Lăng nghi ngút khói hương do bá tánh từ thập phương kéo đến cúng bái.

Trước Lăng mộ có tấm bia tiểu sử và công trạng của Ông dựng năm 1894 do Hoàng Cao Khải đề tặng. Sau năm 1954, nhiều đồng bào miền Bắc có ý kiến với chánh quyền nên đổi bia vì Hoàng Cao Khải là một tên Việt gian. Chánh quyền và Viện Khảo cổ cũng đồng lòng buộc Hội Thượng Công Quí Tế phải xuất quỹ lập văn bia khác. Song Hội cho rằng, cổ tích phải được bảo tồn, nếu mỗi chế độ thay đổi, thì phá bỏ cái cũ thì còn gì là bảo tồn, nhứt là những cổ tích đã được liệt hạng. Nhưng Nha khảo Cổ vẫn buộc Hội phải soạn thảo văn bia khác gởi đến Nha để duyệt và cho tới nay... im luôn!

ĐẦU XUÂN ĐI VIẾNG LĂNG ÔNG - 3

Trong miếu thờ, ngoài Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Phan Thanh Giản, trong đền còn thờ vợ ông, các Tiền hiền, Hậu hiền, các "Anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân" và Hội viên quá vãng (những người xây dựng, quản lý, và Hội viên Hội Thượng Công Quý Tế đã qua đời).

Hàng năm, có hai lễ hội lớn diễn ra tại Lăng. Đó là ngày giỗ của Ông diễn ra từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 8 Âm lịch, và ngày hội vào ngày mùng 1 và 2 Tết.

Dịp Tết hàng năm, nếu chúng ta có đến Lăng mới thấy lòng yêu mến của dân chúng đối với Ông.

T.N.V

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT