Gần 30 năm gắn bó với thú chơi cây cảnh, đến nay Phạm Đình Thanh (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã lập được vườn bonsai với hàng trăm tác phẩm độc đáo, nổi tiếng trong các cuộc trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh.
Từ thuở còn thơ, Phạm Đình Thanh theo chân mẹ ngược xuôi vào Nam, ra Bắc sưu tầm, mua bán cây cảnh làm kế mưu sinh. Càng lớn lên, niềm đam mê chơi cây cảnh đã thấm sâu vào máu thịt của người con xứ Quảng.
Qua mỗi chuyến hành phương Nam, Thanh có cơ hội giao lưu, học hỏi nghệ thuật tạo hình và bắt đầu niềm đam mê sưu tầm cây cảnh.
Theo anh Thanh, nghệ thuật bonsai là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay khéo léo của con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, có hồn và mang một ý nghĩa nhất định, góp phần làm đẹp cho đời.
“Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng”, chơi cây cảnh là một trong bốn thú vui tao nhã từ xưa. Trong đó, có lẽ, khác với 3 thú chơi đầu tiên, thú chơi cuối cùng là dễ dàng phổ biến hơn cả, bởi từ anh nông dân, người trí thức hay làm nghề kinh doanh cũng có thể chơi, miễn là có mắt thẩm mỹ, tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê, thậm chí, từ niềm đam mê ấy còn có thu nhập, làm giàu chính đáng. Để tạo ra dáng bonsai với những hình thù kỳ dị, độc đáo, mang tính trừu tượng thật không dễ dàng gì. Những hình dáng cây sau khi tạo hình xong là ẩn chứa cả một triết lý sâu xa và ý nghĩa.
Để có một cây kiểng có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao thì ngoài niềm đam mê và sự khéo léo, người làm cây kiểng phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng, tinh túy hơn là phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích.
Bằng niềm đam mê và sự kiên trì bền bỉ, giờ đây sau hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật bonsai, anh Phạm Đình Thanh đã sở hữu vườn bonsai rộng 7.000 m2, trong đó có rất nhiều chủng loại khác nhau như: Mai, dúi, thị, nhãn, sứ, hoa gạo, vú sữa, khế… với nhiều kiểu dáng độc đáo: Dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và thác đổ.
Với mong muốn đưa ngành sinh vật cảnh bonsai ngày càng phát triển, tác phẩm bonsai của anh Thanh đã được giới chuyên gia trong ngành sinh vật cảnh và đông đảo khách hàng yêu thích, đánh giá cao.
Ghi nhận những đóng góp trong ngành sinh vật cảnh bonsai Việt Nam, thời gian qua, anh Phạm Đình Thanh vinh dự nhận giải vàng với tác phẩm “Sanh quê” dáng trực tại Triển lãm sinh vật cảnh năm 2019 tại TP Đà Nẵng; tác phẩm “Sanh quê” đạt giải xuất sắc tại Triển lãm sinh vật cảnh năm 2019 tại Quãng Ngãi và giải ấn tượng tại Triển lãm sinh vật cảnh ở Đà Nẵng tháng 4 năm 2023 và nhiều chứng nhận, giải thưởng cao quý khác.
Thời gian tới, anh Thanh đặt mục tiêu không ngừng nỗ lực nghiên cứu và cải tiến, tìm ra các giống cây kiểng mới, các phong cách nghệ thuật mới, góp phần đưa thương hiệu sinh vật cảnh bonsai Quảng Nam ngày càng phát triển, vươn tầm cả nước.