Những ngày gần Tết là những ngày bận rộn nhất và lo toan nhiều nhất trong các gia đình có truyền thống kinh doanh. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 8 là các cơ sở kinh doanh tất bật tham gia kế hoạch cung cấp hàng hóa cho nhu cầu sắm Tết của người dân. Từ xưởng sản xuất đến các cửa hàng bán lẻ đều rộ lên màu sắc rất tươi, xanh đỏ tím vàng của hàng hóa, nhất là màu đỏ màu vàng tượng trưng cho may mắn hạnh phúc.

Trước Giáng sinh những cây thông to theo phong cách phương tây được thắp sáng khắp phố phường, trong các sảnh to của các tòa nhà cao ốc, các khách sạn lớn. Vừa xong Tết tây, các cửa hàng lớn dọc hai bên mặt tiền đường bắt tay trang trí theo phong cách Tết ta với những cây hoa mai cổ thụ nhiều hoa, hoa lan, hoa cúc, chậu quất - những loại hoa có ý nghĩa của sự may mắn, rực rỡ, sum suê.

Đặc biệt là ngành thời trang, các nhà thiết kế vừa thiết kế mẫu mã và kiểu dáng cho kịp với xu hướng thời trang hàng năm, vừa phải đặt hàng chuẩn bị nguyên phụ liệu từ mẫu hoa văn, chất liệu vải đến những mẫu thêu, nơ cài, nút áo cho phù hợp với màu sắc của Tết… 

Không khí bận rộn của các nhà kinh doanh tạo cho Sài Gòn một sức sống mạnh mẽ suốt những ngày cận Tết. Thường đến rằm tháng Chạp âm lịch là tạm ngưng sản xuất hàng loạt, lúc ấy chỉ có theo dõi công nợ để tất toán trong năm xem lời lỗ thế nào. Rồi tính toán tổng kết, thưởng Tết cho công nhân, mọi người cùng phấn khởi. Theo truyền thống kinh doanh của người Sài Gòn xưa thì ngày Tết là phải kết sổ, không còn nợ ai và không ai nợ mình để sang năm mới được may mắn suôn sẻ.

Sinh thời, mẹ tôi là người quán xuyến mọi việc trong những ngày Tết, từ gói bánh chưng, làm mâm quả cúng giỗ ông bà tổ tiên, suốt từ ngày 23 đưa ông Táo về trời đến trưa 30 Tết, rồi cúng giao thừa, cúng 3 ngày Tết, mâm nào cũng có con gà to, giò lụa, giò thủ, hoa trái ngũ quả… Mùng một là ngày lì xì lấy hên. Mẹ tôi lấy cớ lì xì đầu năm để cấp vốn cho chị em chúng tôi, lì xì để các cháu mau lớn, lì xì cho người giúp việc để họ có niềm vui. Ngày Tết, trong nhà không bao giờ thiếu phong bao lì xì màu đỏ. Ngày đầu năm, nhìn trẻ con, người lớn gặp nhau đều có phong bao màu đó trên tay, trông thật vui mắt. 

Những ngày Tết, khuôn viên gia đình tôi rực rỡ với màu vàng của hoa mai, hoa cúc, hoa lan... Màu đỏ của hoa hồng, hoa đỗ quyên, hoa mào gà, cau trái đỏ... Màu trắng của hoa ngọc lan, hoa nguyệt quế và đặc biệt năm nào cũng có hai chậu quất trái vàng xum xuê tượng trưng cho sự đông đủ, hạnh phúc.

Ngày Tết ở Sài Gòn, trên bến dưới thuyền rực rỡ các màu hoa:  hoa mai, hoa cúc, hoa màu gà, hoa vạn thọ - trông thật vui mắt. Sau này, người ta còn tổ chức nhiều đường hoa, chợ hoa khắp nơi - những ngày cận Tết, chỉ cần đi ngắm, đã thấy vui, thấy rộn ràng. 

Bố tôi nghiêm khắc trong việc thờ cúng đầu năm, cuối năm. Ông bảo ‘Có thờ có thiêng, có kiêng có lành’- phải có niềm tin vào trời đất, phải biết nhớ ơn ông bà tổ tiên. Thỉnh thoảng ngẫu hứng ông làm thơ xuân tặng vợ, ông bảo đấy cũng là một nét văn hóa yêu thương của gia đình. Năm 2001 bố tôi mất vì một cơn đột quỵ, mẹ tôi buồn nhưng vẫn chu toàn việc cúng giỗ ngày Tết. 

Tôi là chị cả trong gia đình bắt đầu quan tâm việc cúng giỗ và các thói quen ngày Tết trong gia đình. Các em tôi cũng là những doanh nhân thành đạt và dần dần cũng có thêm cháu nội, cháu ngoại đầy đủ. Sau khi mẹ tôi mất, chị em chúng tôi và các con, các cháu vẫn giữ nề nếp ngày Tết và ngày giỗ là ngày hội tụ, con cháu đoàn tụ, sum vầy. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 31/01/2022 06:09 AM (GMT+7)

Nguyễn Thị Sơn