Khi má bắt đầu mang chiếc áo dài nhung đỏ ra giặt, tôi biết Tết đã đến gần. Má hay chọn chiếc áo dài mình thích nhất để mặc sáng mùng Một Tết, gần như hai mươi năm rồi vẫn vậy. Trong kí ức của những ngày trẻ, tôi hay thấy mỗi năm má đều may cho mình một bộ áo dài đỏ mới. Cho đến chiếc áo dài nhung này thì má dừng, năm đó má đã gần sáu mươi, tóc đã lấm tấm màu sương mai, dáng đi chừng như đã khòm xuống. Má thôi không còn may áo dài mới, chỉ mặc mỗi cái áo dài nhung. Vậy đủ đẹp rồi. Má nói nhẹ tênh. Đời từ muôn thuở xuân vẫn hiền từ.

Má từ miệt đồng bưng gá thân thị thành này tưởng chừng chỉ một quãng ngắn của thời tao loạn, nhưng giờ đã là tròn nửa thế kỷ. Trong ký ức muộn mằn của gần tám mươi tuổi đời, má luôn nhắc nhớ chuyện xưa xa rồi đan vào hiện tại. Giữa hai miền không gian ấy, nụ cười luôn hiền, ánh mắt xa xăm, và vết chim di in hằn lên đuôi mắt như thời gian xếp lại thành những nếp gấp. Trong mênh mang đó, tôi thấy má luôn ăn Tết bằng ký ức. Phải chăng người già nào cũng thế, nhất là ở trên mảnh đất đi qua nhiều thăng trầm, biến thiên của thời cuộc. 

Má về đất này năm mới hai mươi tuổi, đúng cái Tết Mậu Thân đạn rơi ì đùng quanh khu Gò Vấp. Tiếng súng, trái sáng và những lần chui xuống gầm giường vẫn in hằn sâu thành một vệt nhớ mãi chẳng thể nào quên. Năm tôi cũng tròn hai mươi tuổi, cái Tết đó má kể lại chuyện mình phải nhảy xuống một con kinh để tránh trận cháy lan của chùm đạn lạc vào xóm nhỏ. Xóm nhỏ cạnh con kinh dầm dề lục bình. May có con kinh mà cả xóm không ai chết cháy. Đó là cái Tết thấp thỏm đến nghẹt thở. Không như tuổi hai mươi của tôi, thành phố đã thôi không còn hỏa châu, người ta ăn Tết trên những chiếc xe máy láng coóng thong dong dạo phố phường. Áo dài xanh đỏ tím vàng chụp hình rộn ràng đường hoa Nguyễn Huệ. Năm đó, cũng là năm đầu tiên thành phố khai sinh ra Đường hoa để người dân tham quan đón Tết. 

Cả nhà cũng chen chúc trong dòng người tấp nập du xuân. Má nhìn con đường trải dài hoa tươi mà chắc lưỡi hít hà. Tết bây giờ sướng quá trời. Má mặc cái áo dài đỏ, thêu cành hoa mai vàng. Tết lúc đó má còn khỏe, nên xuân vẫn rộn ràng.

Có một năm tôi ăn Tết xa nhà, mà nói đúng thật phải là xa quê hương. Trong một đơn hàng quan trọng của công ty, tôi phải neo mình nơi cao nguyên Korat của Thái Lan. Vùng đất bạt ngàn gió và lạnh như Đà Lạt của mình. Đêm giao thừa tôi bồn chồn mong ngóng về xứ quê. Đó là lần đầu tiên tôi mới thấm thía nỗi cô đơn giữa thời khắc nhà nhà sum vầy. Mới hay, hóa ra Tết Việt chảy trong huyết quản mình giản đơn là một thời khắc đoàn viên sau cả năm trường bôn ba. Tôi hứa với lòng mình, sẽ chẳng bao giờ để đời mình thèm Tết một lần như vậy. Cái thắt thẻo ruột gan nó khiến lòng mình như ai dần ai giã, bời bời tấc dạ.

Chỉ một lần mà nhớ đời, nên dẫu có bận rộn cỡ nào tôi cũng ráng về nhà cho kịp Tết. Có lần trên chuyến bay muộn tối ba mươi Tết từ Hà Nội về TP.HCM, máy bay vắng nhưng lại rộn ràng cuộc trò chuyện của những người lạ. Những người vô tình có mặt trên chuyến bay rồi cùng nôn nao chờ máy bay đáp. Khắc giây đó lạ quen gì cũng xích lại gần nhau, kể nhau nghe mấy câu chuyện Tết. Tỷ như có cô gái là dân Thái Bình, lấy chồng Sài thành đã hơn mười năm nay, cái Tết của cô là sự xuôi ngược Nam - Bắc. Tết sớm những ngày cạn chạp ở quê mẹ, chiều ba mươi lọ mọ bay về nhà để Tết bên chồng. Tết Bắc - Tết Nam thành ra câu chuyện khiến chuyến bay hai tiếng đồng hồ bỗng ngắn ngủi. 

Bây giờ ăn Tết ở TP.HCM thì Bắc - Trung - Nam gì cũng dễ dàng tìm thấy món quê xứ của mình. Dân gốc Bắc sống ở đất này quá quen với mấy tiệm bán đồ Bắc ở Chu Mạnh Trinh, hay rảnh rang nữa thì qua chợ Đo Đạc bên Quận 2, nay thuộc thành phố Thủ Đức. Nếu chịu khó chen chúc thì đi chợ Ông Tạ, chợ Xóm Mới, chợ Hòa Hưng. Đến cả gạo Tám Xoan của Nam Định hay miến dong Bắc Kạn còn có thì chẳng thể thiếu vắng vị quê nhà giữa lòng đô hội phương Nam này. Dân miền Trung nhẵn mặt nhau ở chợ Bà Hoa, nằm sâu trong con đường Trần Mai Ninh ở quận Tân Bình. Chợ sầm uất chẳng thiếu thứ gì chỉ sợ thiếu tiền để rước xuân về nhà. 

Rước xuân về nhà là rước những quê xứ nồng nàn trong vị xưa cũ giữa những ngày mới của một năm. Vậy nên, trong mớ lỉnh kỉnh hàng xách tay theo chuyến bay từ phương Bắc đáp xuống thành phố nắng ấm bốn mùa này có cả cành đào Nhật Tân, bánh chưng Tranh Khúc, giò chả Ước Lễ. Hai cô chú lớn tuổi ngồi hàng trên tôi còn cười bảo, ngày trước vào Nam sau giải phóng muốn kiếm cành đào hay miếng bánh chưng quê nói thiệt là khó vô cùng, nói gì đến giò chả. Bây giờ chỉ cần ra chợ hay siêu thị thì thứ gì cũng có. Ngày trước xuôi ngược Bắc Nam chỉ có đường sắt, đi cả ba ngày trời, bây giờ ngồi máy bay cái vèo.

Ba mươi tuổi đời, lần đầu tiên tôi ăn Tết ba miền một cách đặc biệt như vậy.

Tôi vẫn hay đưa má ra cái chợ trên bến dưới thuyền độc nhất của đất Sài thành để sắm Tết. Với những ai xa miệt đồng bưng xứ châu thổ chín nhánh sông thì cái chợ Tết ở bến Bình Đông như một nẻo về của ký ức. Những chiếc ghe trái cây Tiền Giang, bông Sa Đéc, dưa hấu Long An, lẫn muối Bạc Liêu, hay kiệu Kiên Giang tấp nập về từ rằm tháng Chạp. Đám trẻ cũng theo ba má đi chợ để thấy cái không khí Tết khảm vào hồn mình một niềm bâng lâng khó tả. Tết vui nhất là những lúc mua sắm. Trong đầu phải tính toán từng món ăn, từng cái áo lẫn sắp xếp ngày nào bên ngoại, ngày nào bên nội. Tính tới tính lui thấy Tết cứ âm ba trong tâm trí mình một sự nhớ nhung kỳ lạ. Nhớ cái Tết xưa còn trẻ dại chẳng hề lo toan, chỉ chờ giao thừa để nhận lì xì. Còn Tết khi đã lớn lại gieo neo những con tính để tết chu toàn vẹn nghĩa đôi ba bên. Chính cái lo toan đó nó dạy cho mình giữ đúng cái Tết dân tộc dẫu muôn năm sau đổi dời dâu biển thế nào đi nữa. Trong lấp lánh hoa lệ của siêu đô thị lớn nhất nước, cái chợ quê kiểng vẫn rộn ràng mang xuân nối liền biết bao thế hệ người Sài thành. 

Muôn năm dâu biển có khi là chuyện xa xôi, nhưng gần kề nhất, chỉ bấm đốt ngón tay nhẩm tính, vậy là 50 mươi năm rồi non sông nối liền một dải, tôi cũng vừa vặn 40 năm tuổi mình với thị thành. Bao cái Tết trôi qua, thấy thành phố khoác lên mình bao nhiêu tấm áo mới đón xuân thắm tươi. Trong nụ cười có phần viên mãn, trong ánh mắt đong đầy sung túc và hơn hết vẫn là khoảng đời bằng an theo tháng năm tiết trời bốn mùa xoay vần xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân. 

Rồi lại xuân, nên Tết xưa mênh mang ký ức, còn Tết nay lại rộn ràng hướng về tương lai. Xòe bàn tay, ngón ngắn ngón dài. Nghe giọng người, Bắc - Trung - Nam í ới. Phơi phới váy đầm, hay âm thầm áo dài du xuân. Thì kỳ thực, bàn tay lật qua lật lại cũng là máu mủ ruột rà, giọng vùng miền nào thì cũng là tiếng Việt, áo quần nào cũng đẹp vì Tết. 

Nửa thế kỷ hay thiên niên kỷ, muôn triệu mái nhà, nơi nào có người Việt, là nơi đó luôn có hồn Tết Việt tha thiết trong những ngày xuân. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 27/01/2025 15:13 PM (GMT+7)

Tống Phước Bảo