Làn sóng công nghệ phát triển như vũ bão, đổ bộ tất cả ngành nghề và khía cạnh trong cuộc sống. Đối với lĩnh vực du lịch - khách sạn, năm 2022 được dự báo sẽ là thời gian bùng nổ về chuyển đổi số. Không ít cơ sở lữ hành, lưu trú xác định ứng dụng số hóa sẽ là chiến lược phát triển, định hình kế hoạch kinh doanh của mình.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo hay AI nghe có vẻ rất vĩ mô và xa vời, tuy nhiên chúng thật sự gần gũi và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. AI là công nghệ mà ở đó máy tính tự học hỏi để làm việc tự động và chủ động, giúp con người không phải thực hiện những công việc lặp lại, giảm tải áp lực để làm được nhiều việc khác.
Khách đến nhận phòng thông qua hệ thống máy tính thông minh.
Với AI, quầy lễ tân của khách sạn sẽ không phải rối bời chọn lựa giữa việc tiếp khách đến nhận phòng, nghe điện thoại, hay giải đáp thắc mắc cho khách đang lưu trú... Giờ đây, các cuộc điện thoại sẽ được chuyển hướng theo thuật toán đến các bộ phận phù hợp, khách hàng dễ dàng check-in ngay trên điện thoại, khách đang lưu trú có thể đặt luôn yêu cầu trên app và được hệ thống xử lý tiếp nhận.
Mọi quy trình tự động hóa với công nghệ AI, sẽ giảm đi rất nhiều khối lượng công việc cho nhân viên khách sạn. Ở một góc cạnh toàn diện hơn, với sự hỗ trợ của AI, khách sạn đang tiến gần hơn đến mô hình khách sạn thông minh, là mô hình khách sạn trong tương lai.
Khách sạn Clarion Amaranten ở Stockholm, Thụy Điển có quầy check-in gọn gàng, thẩm mỹ vì đã được trang bị AI cho khâu thủ tục, giấy tờ.
Điện thoại thông minh đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Từ thực tế này, việc xây dựng một ứng dụng điện thoại chuyên dụng giúp khách hàng có thể đặt phòng trực tiếp với khách sạn, thanh toán các khoản chi phí, nhận và trả phòng trực tuyến là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, app điện thoại đồng thời là chìa khóa phòng kỹ thuật số, khách có thể check-in, nhận phòng bằng chính điện thoại. Khi đã lên phòng, khách có thể liên hệ với lễ tân, gửi yêu cầu, nhờ hỗ trợ,... và nhiều hơn thế nữa. Mọi thao tác trong thời gian lưu trú đều có thể thực hiện qua công nghệ không tiếp xúc.
Giao tiếp qua ứng dụng không chỉ thể hiện được sự ân cần của khách sạn đối với khách hàng, mà mọi nhu cầu đều được xử lý nhanh chóng.
Nhân sự của cơ sở lưu trú có thể tập trung làm công việc khác để nâng cao chất lượng dịch vụ, có thể trao đổi với khách qua app mà vẫn thể hiện sự chu đáo, ân cần.
Xa rồi sổ cái, sổ con dày cộp chất cao trên bàn lễ tân, khách đến nhận phòng cảm thấy mệt mỏi với hàng tá giấy tờ, thủ tục. Các khách sạn đang nhanh chóng áp dụng công nghệ OCR cho các công đoạn bàn giấy, tiến đến tương lai gần chỉ cần lễ tân chào khách, mọi việc còn lại đã có máy tính lo, giúp tối ưu chu trình và nâng cao hiệu quả hoạt động trong khách sạn.
Khách sạn tại Việt Nam sử dụng giải pháp OCR của CiHMS để quét và số hóa giấy tờ khách hàng.
OCR là công nghệ nhận diện ký tự quang học, nó có thể quét chữ viết tay của con người để biến thành văn bản trên máy tính. Tính năng này giúp việc số hóa thông tin của khách sạn diễn ra nhanh chóng và tự động, thống nhất dữ liệu từ tất cả các hoạt động quản lý và vận hành khách sạn.
Nói cho dễ hiểu, thay vì công ty của bạn phải số hóa một cách thủ công, tuyển nhân viên nhập liệu để mang núi hồ sơ lên internet, thì OCR sẽ là trợ thủ đắc lực vừa nhập liệu, vừa thống kê và lưu trữ bảo mật một cách hoàn toàn tự động. Đối với các thông tin mới của khách đến lần đầu, OCR sẽ quét và lưu vào kho dữ liệu đã có.
Nhập liệu không khó vì đã có OCR lo.
Nếu khách sạn muốn tiến xa thêm một chút nữa, công nghệ nhận dạng khuôn mặt là một lựa chọn đáng để xem xét. Công nghệ này đã được phát triển và sử dụng hàng ngày, đặc biệt là đối với người dùng điện thoại thông minh.
Vinpearl Nha Trang là khách sạn đầu tiên ở Việt Nam được trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt hiện đại.
Không thể phủ nhận, công nghệ này cực kỳ thuận tiện và mang lại cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ đặc biệt. Khách có thể check-in và check-out tự động bằng máy tính có camera, sử dụng nhận dạng khuôn mặt như một dạng chìa khóa thông minh để mở cửa phòng,...
Robot đóng vai trò nhân viên của khách sạn, sẽ dần thay thế cho con người ở các vị trí trong khách sạn như: nhân viên hướng dẫn, lễ tân, người vận chuyển hành lý đến phòng của khách, vận hành thang máy và dẫn khách tham quan khách sạn...
Robot Pepper được đưa vào sử dụng như nhân viên chính thức tại một khách sạn ở Tokyo vào cao điểm dịch bệnh năm 2020.
Đối với nhà hàng, quầy bar trong khách sạn, robot có thể phụ trách các việc như hướng dẫn khách hàng đến bàn của họ, sơ chế trong nhà bếp, pha chế phục vụ tại quầy bar và giao thức ăn và đồ uống đến phòng theo yêu cầu.
Còn với công việc dọn phòng, robot sẽ thực hiện tất cả các công việc hút bụi tại khu vực hành lang, phòng chờ và các khu vực chung công cộng khác, cung cấp các tiện nghi như khăn tắm, thiết bị vệ sinh cho khách. Khách hàng có thể tận hưởng những quyền riêng tư cá nhân tối đa đồng thời cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Hotel Sky ở Nam Phi dùng robot để giao thức ăn cho khách.
Trong đại dịch, nhiều nơi đã triển khai robot để giúp các công việc đơn giản, như giao đồ ăn, đưa quần áo giặt ủi đến tận nơi, vệ sinh phòng ốc, lối đi, giúp giảm tiếp xúc giữa khách hàng và nhân viên.
IoT hay Internet of Things, là công nghệ kết nối tất cả thiết bị điện và tiện nghi trong phòng như đèn, điều hoà, TV đến rèm cửa, và được điều khiển thông minh qua điện thoại hoặc thiết bị nhận diện giọng nói như Alexa, Google Home.
Quản lý mọi thứ trong phòng nghỉ của mình bằng ứng dụng trên điện thoại.
Ở nhu cầu cơ bản, khách đến lưu trú có thể dễ dàng điều khiển nhiệt độ phòng, ánh sáng, hệ thống âm thanh mà không gặp khó khăn hoặc không phải làm phiền đến nhân viên trực. Công nghệ này cho phép khách tự do khám phá thông tin du lịch, tìm hiểu các khách sạn trong không gian cá nhân của họ.
Mức độ nâng cao hơn, khách sạn sẽ lưu lại những tùy chỉnh đó. Mọi thông tin của khách trong thời gian lưu trú như nhiệt độ phòng ưa thích, mức độ chiếu sáng, thói quen sử dụng rèm cửa, các kênh truyền hình sẽ được ghi lại trong hồ sơ riêng của họ để sử dụng cho những lần quay lại sau.
Khi khách hàng quay lại lưu trú vào những lần sau, các thông số điều chỉnh trong phòng được giữ nguyên, tạo cảm giác như đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Những công nghệ tân tiến thay đổi diện mạo ngành khách sạn không chỉ xuất hiện ở các nước phát triển, mà đã đổ bộ Việt Nam do chính người Việt sáng tạo và phát triển.
VinHMS là một trong những công ty tại Việt Nam mang đến giải pháp số hóa cho doanh nghiệp khách sạn. VinHMS gồm đội ngũ kỹ sư và chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, có vốn kiến thức am hiểu địa phương và tư duy toàn cầu. Công ty phần mềm này cung cấp các giải pháp: CiHMS - Giải pháp quản lý khách sạn toàn diện, CiTravel - Giải pháp quản lý khách sạn nhỏ và vừa, CiAMS - Giải pháp quản lý vận hành tài sản.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổng Giám đốc VinHMS giới thiệu về các giải pháp thông minh của công ty.
CiHMS được mặc định sử dụng điện toán đám mây, dữ liệu lưu trữ tập trung và cập nhật theo thời gian thực, có hệ thống báo cáo đầy đủ và bao quát cùng hệ thống mở – sẵn sàng tích hợp qua API, hỗ trợ ứng dụng di động và an ninh bảo mật chuẩn quốc tế. Với những công nghệ này, các cơ sở lưu trú sẽ được tối ưu các khâu vận hành, tạo nên trải nghiệm xuyên suốt; hồ sơ khách được quản lý 360 độ, giúp nắm bắt thông tin nhanh chóng; tạo sự cá nhân hoá trải nghiệm cho khách.
Đặc biệt hơn, giải pháp quản trị khách sạn CiHMS còn được trang bị công nghệ OCR, qua đó giúp sử dụng điện thoại để quét thông tin khách hàng nhanh chóng chỉ trong vài giây, trích xuất và nhận dạng thông tin khách hàng, check-in không cần lễ tân, tự động nhận dạng thông tin khách hàng và nhập vào hệ thống khách sạn, giảm thiểu rủi ro nhập liệu bằng tay và nâng cao hiệu quả lưu trữ dữ liệu.
Đại diện các cơ sở lưu trú đang tìm hiểu về công nghệ của CiHMS.
Chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng Vinpearl trên khắp cả nước từ rất sớm đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Tiện ích này cho phép khách nhận/trả phòng, ra vào vào công viên giải trí và tất cả các cơ sở nhà hàng chỉ với thiết bị nhận dạng khuôn mặt.
CiTravel là hệ thống quản lý giúp tăng trưởng doanh thu qua việc mở rộng thêm kênh bán hàng, bán phòng trên hệ thống CiTravel mà vẫn hiển thị đồng thời đến các kênh OTA khác với quy trình đơn giản, nhanh chóng. Không chỉ vậy, hệ thống còn hỗ trợ nhiều chính sách giá linh động, đối soát trực tuyến, sao kê minh bạch và chủ động rút tiền về tài khoản nhanh chóng.
Theo báo cáo từ Vinpearl, hệ thống của CiHMS giúp chính sách giá của Vinpearl được triển khai hiệu quả hơn 30 lần.
Trong khi đó, CiAMS là giải pháp quản lý tài sản thông minh, kiểm soát và phát triển tài sản doanh nghiệp với toàn bộ tiềm năng. Các công nghệ thông minh, máy học được ứng dụng, giúp doanh nghiệp theo dõi xuyên suốt vòng đời tài sản, tối ưu tuổi thọ và hiệu năng tài sản cũng như giảm rủi ro vận hành.
Dễ dàng thấy được xu hướng chuyển đổi số đang bùng nổ tại các cơ sở lưu trú. Đại dịch Covid-19 mặc dù gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành Du lịch - Khách sạn, song đó cũng là chất xúc tác giúp công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.
Ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tạo nên sự tiện lợi cho khách hàng. Đây được xác định là hướng đi “tất yếu” để khôi phục khó khăn và tạo sự bứt phá trong thời đại công nghệ số.
Khách hàng là chủ các cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng đang tham quan, tìm hiểu về công nghệ của CiHMS trong một sự kiện năm 2021.
Ngày 7/4 tới đây, VinHMS tổ chức “Hội nghị Công nghệ ngành Khách sạn” tại Nha Trang, nhằm giới thiệu đến khách hàng doanh nghiệp những công nghệ mới nhất ứng dụng trong ngành du lịch và khách sạn.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp khi tham gia còn được trải nghiệm những tính năng công nghệ tiên tiến áp dụng phục vụ cho ngành du lịch và khách sạn từ VinHMS và Crystal Bay Group. Một số công nghệ sẽ được trình làng trong sự kiện như OCR, QRMenu, MICE, pre check-in qua ứng dụng…
Hội nghị Công nghệ ngành Khách sạn
Thời gian: 09:00, ngày 7/4/2022.
Địa điểm: Vinpearl Condotel Beachfront Nha Trang.
Đăng ký tham dự: https://www.vinhms.com/hoi-nghi-cong-nghe-nganh-khach-san/