Vắng vẻ là khung cảnh chung được phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 3/10/2021, đây cũng là bầu không khí của sân bay trong suốt nhiều tháng qua. Hàng loạt máy bay nằm yên trên bãi đỗ, đường băng, từ sảnh đến hành lang không một bóng người.
Cuối tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không ngừng bay nội địa, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương bước vào giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội, những “con chim sắt” tạm rời xa bầu trời. Những ngày này, mọi hoạt động chỉ xoay quanh các chuyến bay chở hàng hóa và công việc kỹ thuật, bảo trì.
Những chiếc tàu bay nối nhau thành dãy, nằm bất động tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Hầu hết các hãng đều cho đậu máy bay gần khu vực kỹ thuật, giúp hoạt động bảo dưỡng diễn ra thuận tiện hơn.
Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này chỉ đón các chuyến bay chở hàng hóa, phần nhiều đến từ các hãng hàng không ở quốc tế như Japan Airlines (Nhật Bản), Cathay Pacific (Hong Kong), EVA Air (Đài Loan).
Sau khi một máy bay hạ cánh, nhân viên đánh tín hiệu tàu bay sẽ giơ cao que sáng màu đỏ như một hoa tiêu hướng dẫn phi công dừng đỗ máy bay đúng chỗ. Lúc này, nhân viên mặt đất sẽ điều xe chở hàng đến và thực hiện bốc dỡ hàng hóa, chất thành từng khối lớn, tiết kiệm thể tích nhất có thể rồi mang vào kho.
Hoạt động bốc dỡ tại Sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nhịp nhàng, giúp hàng hóa được lưu thông phần nào khi những con đường vận tải khác đang tạm thời đóng băng.
Trong thời gian qua, nhiều chuyến bay chở hàng hóa cùng các thiết bị vật tư y tế đã phần nào giảm được áp lực chống dịch ở phía Nam.
Máy bay khi không hoạt động sẽ được bịt kín động cơ, bánh xe, cửa kính. Theo Vietnam Airlines, tàu bay nằm im hơn một tháng cần phải kiểm tra và bảo dưỡng, sau đó đến trước ngày bay lại cần nổ máy thử để đảm bảo tính “khả phi” (khả năng cất cánh an toàn).
Những “con chim sắt” nằm nghỉ ngơi, thả dáng bên “mặt hồ” tĩnh lặng. Sài Gòn đã bước vào mùa mưa với những cơn mưa lớn xảy ra ngay sau một ngày nắng gắt, điều kiện thời tiết bất lợi như vậy dễ gây hỏng hóc động cơ máy bay.
Động cơ tàu bay có kích thước rất lớn nên khi di chuyển đi đại tu, phải tách nhỏ thành các phần khác nhau và lắp lại thành khối hoàn chỉnh sau đó. Trong ảnh, nhân viên đang soi đèn vào cánh máy bay, đây là công việc sẽ thực hiện mỗi khi một chiếc máy bay hạ cánh.
Vietnam Airlines sở hữu nhiều tàu bay lớn chứa “siêu động cơ”, có thể kể đến như động cơ phản lực Rolls-Royce của máy bay Airbus A350, một trong những dòng máy bay lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với sức tải hơn 300 khách.
Theo chia sẻ của Vietnam Airlines, với nguyên tắc “An toàn là số 1”, các tàu bay đều được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi cất cánh. Đây là công tác đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm an toàn bay, qua đó hành khách có thể hoàn toàn yên tâm khi bay trở lại.
Không chỉ động cơ, mà những bộ phận khác của tàu bay như lốp, phanh, càng,… cũng được kiểm tra tỉ mỉ trước khi tàu bay được đưa vào khai thác.
“Bên cạnh chuẩn bị kỹ thuật đảm bảo an toàn bay, Vietnam Airlines vẫn sẽ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch khi nối lại khai thác, như thường xuyên khử khuẩn tàu bay và trang thiết bị mặt đất, phục vụ khăn kháng khuẩn trên chuyến bay... 100% người lao động tuyến đầu như phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines cũng đã tiêm vắc xin” đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Nhân viên kỹ thuật đứng bên dưới bụng máy bay, làm việc trong cơn mưa to. Hoạt động diễn ra có phần hối hả và tất bật hơn khi ngày nối lại những chuyến bay được dự kiến rất gần.
Trước đề xuất mở lại đường bay nội địa từ ngày 5/10 cũng như việc Hà Nội tạm thời chưa nhận chuyến bay đến, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ mở chuyến bay đưa khách từ Hà Nội đi, chiều ngược lại sẽ chỉ chở hàng hóa.
Máy bay cho thuê riêng đang nằm sân im lìm. Được biết, mỗi chuyến bay TP.HCM - Hà Nội được thuê riêng có giá đến 200 triệu đồng.
Nhà ga nội địa ở Sân bay Tân Sơn Nhất im lìm, không một bóng người qua lại.
Ngày 1/10, Cục Hàng không đã có văn bản khẩn gửi UBND các địa phương xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, dự kiến áp dụng từ 5/10.
Theo đó, Cục Hàng không VN đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.
Tổng các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP.HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày, từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.
Trong ngày 2/10, TP Hải Phòng cũng đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa khai thác các đường bay chở hành khách đi/đến Hải Phòng.
Trước đó, ngày 27/9, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị không khai thác các đường bay chở khách đi và đến Hà Nội. Theo các chuyên gia, Hà Nội và TP.HCM có 2 sân bay lớn nhất cả nước, việc đóng cửa sân bay Nội Bài (Hà Nội) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục lại mạng bay nội địa và hoạt động giao thương cũng như các kế hoạch nới lỏng của các địa phương.