“Nhiều lần tôi đã hỏi bố, tại sao người ta không nhớ một bàn tay ai đó mà phải là khuôn mặt trước tiên. Bố nói bởi vì trên đó có đôi mắt. Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không nhìn vào đôi mắt họ. Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nữa, họ đã hy sinh cho điều gì.”

― Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Những khoảnh khắc trong bộ ảnh “Chân dung & Xúc cảm” của blogger, phóng viên Ngô Trần Hải An – biệt danh Quỷ cốc tử ghi lại gương mặt và ánh mắt đầy cảm xúc của các nhân vật thông qua góc chụp cận cảnh.

Họ là những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, lãnh đạo thành phố, là các y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, dân quân, giáo viên, học sinh, nghệ sĩ… và cả những người dân bình thường, những bệnh nhân Covid…

Mỗi bức ảnh có khi chỉ là một khoảnh khắc chớp vội trên đường tác nghiệp nhưng chứa đựng sự trân trọng, tri ân đến người hiện diện, đồng thời phía sau đó lại là một câu chuyện riêng. Bộ ảnh để ghép vào bức tranh nỗ lực chiến đấu, cũng như lột tả sự khốc liệt của đại dịch trong suốt thời gian qua.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, rưng rưng khi kể về việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ông được phân công làm Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (Thành phố Thủ Đức).

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Nie trước giờ dẫn chương trình Thành phố 18h. Cô là một trong những nghệ sĩ có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa trong mùa dịch này.

Xuyên suốt bộ ảnh “Chân dung & Xúc cảm” là những lát cắt chân thực – đôi khi chân thực đến mức khiến người xem phải lặng đi. Bản thân tác giả Ngô Trần Hải An cũng từng chia sẻ khi tác nghiệp đã bắt gặp những ánh mắt chứa đựng sự đau đớn của nhân vật và ám ảnh tới mức anh không nỡ lòng bấm máy. Có những nhân vật được anh ghi đầy đủ họ tên, nhưng cũng có những người chỉ được gọi chung chung bằng danh xưng cô, chú, một cậu bé, một cô bé… Nỗi đau, sự mất mát, khổ sở đều đã hiện rõ trong ánh mắt họ đến mức chẳng cần phải dùng ngôn từ để khắc họa thêm. Họ cũng chẳng phải ai xa lạ, có thể là một người hàng xóm, một người bạn, một người thân của bất cứ ai trong chúng ta.

Đã quá nhiều nỗi đau, quá nhiều sự hi sinh mất mát trong đại dịch, nhưng chưa bao giờ ánh mắt của những đứa trẻ lại gợi lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ như khi xem những bức ảnh này. Đó là những đứa trẻ theo mẹ xếp hàng nhận quà tự thiện, những đứa trẻ vô gia cư theo cha lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Hoặc đau đớn hơn, là sự bàng hoàng thảng thốt trong đôi mắt những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, bơ vơ không còn cha mẹ vì thứ dịch bệnh nguy hiểm này.

Đôi mắt của mẹ em Trần Khải M. năm nay 12 tuổi, sống tại Phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú. Cha em đã vĩnh viễn ra đi trong đại dịch. Mẹ đang rưng rưng khi nhắc về người đàn ông của gia đình.

Ca sĩ Đức Phúc xúc động gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ, và chúc các bệnh nhân F0 mau hết bệnh.

Phó Đội trưởng Vận động quần chúng Huỳnh Trương Bảo Sơn tại Đồn Biên phòng Long Hoà, ảnh chụp trong một chuyến tham gia hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Giờ.

Xuất hiện nhiều nhất trong bộ ảnh này là hình ảnh những y bác sĩ – những lá chắn thép nơi tuyến đầu chống dịch mà báo chí đã viết rất nhiều nhưng ai trong chúng ta cũng biết rằng dù nói bao nhiêu cũng không đủ để cảm ơn những cống hiến của họ. Bao nhiêu đêm thức trắng dùng tay bóp bóng thở cho bệnh nhân, bao nhiêu lần gục xuống tại hành lang chợp đôi mắt mỏi mệt rồi lại bật dậy nhanh nhẹn tức thì khi nghe tiếng chuông điện thoại hay tiếng loa thông báo khẩn. Cũng là họ, là những ánh mắt ấy, sau lớp bảo hộ rưng rưng khi để mất một bệnh nhân vào tay tử thần hoặc lấp lánh niềm vui khi nhìn bệnh nhân tự thở, tự ăn.

Covid 19 hiện chưa có thuốc đặc trị, nhưng thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu nhiều loại vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, có những liều thuốc tinh thần vẫn luôn cần bổ sung mọi lúc mọi nơi chính là sự lạc quan, hi vọng được gửi đi từ những đôi mắt biết cười. Covid cướp đi của chúng ta một cuộc sống bình thường nhưng cũng đẩy chúng ta xích lại gần nhau hơn trong sự đồng lòng quyết tâm: từ những người lãnh đạo đến những người dân bình thường, từ những hoa hậu, những ca sĩ nổi tiếng đến những con người thầm lặng nhất.

Môt nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi chuẩn bị xuống tóc để bước vào cuộc chiến chống dịch.

Ca sĩ Tóc Tiên ngồi nghe chị Cẩm Vân hát trong lúc chờ đến lượt mình, trong đêm nhạc biểu diễn phục vụ cho các y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến Số 11 (Thành phố Thủ Đức).

Gương mặt đẫm mồ hôi của một chiến sĩ khi đi phát quà thiện nguyện cho người dân ở thành phố Thủ Đức.

Bà tên Hương Vân, 70 tuổi, ko có nhà, ở trên đường Điện Biên Phủ, được trợ cấp dịch được 1.5 triệu, mua cái điện thoại, đêm ngủ lại bị thằng ăn trộm móc túi, may bà dậy kịp nên còn.

Cô của em Võ Danh N, đau lòng khi kể về trường hợp đau thương của em. Mẹ em nhiễm bệnh rồi mất, ba em quá quẫn trí sau đó tự thiêu đốt nhà rồi cũng mất, trong phút chốc em mồ côi cha mẹ, giờ sống với cô chú và bà ngoại. Tai họa quá đau đớn giáng xuống một đứa trẻ 12 tuổi.

Nghệ sĩ Trấn Thành trong một buổi biểu diễn tại chương trình 18h.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại Bệnh viện Dã chiến Số 3 và Số 6 (Thành phố Thủ Đức), anh cho biết đây là lần đầu tiên đứng trên một sân khấu đặc biệt như vậy và cũng là lần đầu tiên trình diễn thổi kèn mà phải bịt khẩu trang.

Một bác sĩ vừa được tình nguyện viên cắt tóc, vừa xem biểu diễn ca nhạc tại Bệnh viện Dã chiến Số 10 (Thành phố Thủ Đức).

Gương mặt thiên thần của một bé gái sống tại khu công nhân có thu nhập thấp ở quận 12.

Một chiến sĩ đang canh gác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại tỉnh An Giang.

Trời nắng gắt khiến chiến sĩ trực tại chốt gác số 6, đồn biên phòng Bình Hiệp, tỉnh Long An không thể mở mắt nổi.

Nữ cảnh sát tương lai Vũ Thị Ngọc Ánh thuộc Đại học Cảnh sát Nhân dân trong một chuyến tuần tra đêm cùng đội cảnh sát Quận 1.

Gương mặt đầy cảm xúc của một bác sĩ khi chia sẻ về những ngày chiến đấu với đại dịch Covid19.

Một em bé có hoàn cảnh khó khăn đang xếp hàng đợi phát qua thiện nguyện trong đêm trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Một phụ nữ đứng chờ nhận quà thiện nguyện trên đường Hai Bà Trưng.

Nghệ sĩ Đại Nghĩa trong chương trình Thành phố 18h. Anh là một trong những nghệ sĩ có rất nhiều hoạt động tích cực giúp người dân, y bác sĩ trong khi đại dịch diễn ra.

Chiến sĩ Nguyễn Kiều Thuận trong lễ ra quân phòng chống dịch của Bộ tư lệnh thành phố.

Chiến sĩ trực chốt gác đêm trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại tỉnh Kiên Giang. Các chiến sĩ phải tuần tra 24/24 để chống sự xâm nhập trái phép.

Bé Thái Tài và cha không có nhà, sống vô gia cư, 2 cha con lượm ve chai kiếm sống qua ngày.

Những giọt mồ hôi trên gương mặt của chiến sĩ Quang Trường thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 khi đi siêu thị giúp người dân, dù đã có hệ thống điều hòa.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn trong chương trình thành phố 18h.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng biểu diễn tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Đồng chí Đinh Trần Đông - Quân đoàn 4 trực tại chốt gác trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3.

Một cảnh sát giao thông trực trong mưa tại chốt Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, Quận Bình Thạnh.

Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, không giấu được nỗi buồn trong ánh mắt tại lễ khai giảng năm học mới 2021 rất đặc biệt.

Một học sinh bị mất cả cha lẫn mẹ trong đại dịch Covid-19.

Ca sĩ Erik đẫm mồ hôi sau khi biểu diễn cho các bệnh nhân F0 và các y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến Số 10.

Em học sinh Võ Trúc Vân Quỳnh trong buổi lễ khai giảng đặc biệt của đời mình tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Ca sĩ Quốc Đại trong một tiếc mục biểu diễn phục vụ y bác sĩ, bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Số 9.

Chị Ngọc công tác tại bệnh viện Hùng Vương được đồng nghiệp là chị Tuyết tặng cho một bình hoa hồng do chị tự trồng trong vườn nhà để cắm tại bàn tiêm chủng ở Nhà thi đấu Phú Thọ.

Chị Tuyết bác sĩ bệnh viện Hùng Vương đem theo một cành hoa hồng hái trong vườn nhà để cắm tại bàn tiêm chủng ở nhà thi đấu Phú Thọ. Chị cho biết muốn đem theo một chút vui tươi nhẹ nhàng đi cùng trong những ngày căng thẳng.

Một bà cụ bị nhiễm Covid-19 đang chờ đội khám bệnh tại nhà đến kiểm tra tại Phường 2, Quận Bình Thạnh.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông trắng đêm trên chốt gác tại Ngã tư Hàng Xanh, nơi mà trước dịch luôn là điểm nóng về kẹt xe của thành phố.

Trao đi những quan tâm, thấu cảm bằng ánh mắt, Sài Gòn cũng khép lại những ngày giãn cách, chúng ta sẽ gặp nhau trong những ngày bình thường mới, không chỉ bằng đôi mắt mà còn bằng nụ cười trên môi!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Sáu, ngày 01/10/2021 06:07 AM (GMT+7)

Ngô Trần Hải An - Huyền Trần