Chào anh Lê Bích. Công chúng đều biết anh là một nhà nhiếp ảnh gắn bó với làng Việt, với các nghề thủ công truyền thống. Nhưng hôm nay, chúng ta trò chuyện về Hà Nội. Anh nghĩ sao về một câu nói: “Hà Nội là một cái làng lớn”?
Tôi cũng công nhận như vậy. Tôi từng ấn tượng về ý tưởng này khi xem phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu khái niệm “Kẻ Chợ” mà các cụ thời xưa đã nói. Bắt đầu từ chữ “Kẻ”, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì là từ chỉ một vùng đất, một nhóm người trong vùng đất đó, và từ “Kẻ Chợ” với những phố hàng đặc trưng nhưng cũng mang nhiều dáng dấp tổ chức làng xã tồn tại qua nhiều thời kỳ đã được nhắc đến trong Từ điển Việt - Bồ - La tinh của Alexandre de Rhodes.
Từ thời xưa, chúng ta đã biết khi Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt thì những người thợ giỏi từ khắp các địa phương đều quy tụ về đây để sản xuất, buôn bán, trước là để phục vụ triều đình và các gia đình quý tộc, quan lại, sau đó là bán cho nhân dân.
Có thể nói Hà Nội là tinh hoa của các làng nghề, các nghệ nhân giỏi nhất đều tề tựu ở đây, những mặt hàng tinh xảo nhất đều có mặt ở đây.
Từ lúc nào anh có ý định sẽ chụp về các làng nghề Hà Nội?
Tôi yêu các làng nghề từ khi mới học cấp 2. Bố tôi là người dạy vẽ cho các làng nghề sơn mài, hồi còn bao cấp, ông đi dạy khắp nơi, mùa hè thường cho tôi đi theo và tôi rất thích.
Đến năm 2009, tôi bắt đầu bấm máy những bức ảnh đầu tiên về đề tài này và tôi đã hình thành ý tưởng sẽ làm bộ ảnh mang chủ đề “Những người giữ nét tinh hoa của Hà Nội”. Cái tên rất dài nhưng tôi vẫn phải giữ nguyên. Nhân vật trong bộ ảnh nhiều người là nghệ nhân, nhưng cũng nhiều người chỉ là người thợ thôi, nhưng họ góp phần giữ được nghề. Bộ ảnh này tôi khá là tâm đắc. Lần đó coi như tôi đã đi “vét sạch” Hà Nội để tìm những nghệ nhân còn lại, mang dáng dấp của làng nghề ngày xưa.
Có những nghệ nhân nào ấn tượng nhất với anh?
Người đầu tiên tôi nhớ là Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành - năm nay đã ngoài 70 tuổi, quê gốc ở làng Định Công, lên làm nghề vàng bạc ở phố Hàng Bạc. Bác vẫn giữ được cái kỹ thuật mà bây giờ người ta không làm nữa, khi đã có máy móc công nghiệp được sử dụng. Bác Thành còn sử dụng cái khuôn bằng sừng trâu mà trong nghề gọi là cái “mà”, trên đó đã khắc những hình dáng cố định như hình trái tim, chữ Thọ… rồi khi muốn tạo hình thì thả các mảnh vàng, bạc vào, khò lửa để lấp đầy những cái “mà” ấy. Cái chi tiết này đối với tôi rất là thú vị, và kỹ thuật của bác Thành cũng rất tinh xảo.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành.
Một nét độc đáo nữa là những người thợ vẽ truyền thần. Xưa trên phố cố có nhiều cửa hàng truyền thần. Đỉnh cao là bác Nguyễn Bảo Nguyên chuyên vẽ truyền thần ở số 47 Hàng Ngang, bác vẽ những bức tranh truyền thần mà tôi thấy rất xúc động. Từ lúc còn bé, tôi đi qua thấy bác vẽ đã rất thích thú, đến bây giờ, bác vẫn vẽ. Qua những bức chân dung bác lưu giữ trong cửa hàng, có thể thấy những gương mặt của Hà Nội qua năm tháng.
Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên.
Hay một nhân vật thú vị là bác Trần Công Phúc, làm nghề thợ sửa những chiếc quạt cổ tại nhà số 2 trên phố Tạ Hiện, trong đó có những chiếc quạt chạy bằng hơi nước rất độc đáo.
Hoặc một nghề tôi thấy thú vị mà đã chụp thành bộ ảnh là nghề mộc đi rong ở Hà Nội. Ngày xưa, họ đi sửa tất cả các đồ gỗ của mọi gia đình. Bây giờ, vẫn còn những nhóm thợ như vậy đèo thùng đồ nghề, ngồi ở góc công viên Thống Nhất, góc đường Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu, hoặc góc phố Đường Thành, chợ Hàng Da.
Từ chụp nghề thợ bạc, tôi cũng chụp đình Kim Ngân, đình thờ các tổ nghề vàng bạc. Đình trong phố cũng là những nét đặc trưng lưu giữ lịch sử, kí ức của các làng nghề Hà Nội. Những người thợ ở các làng lên kinh đô lập nghiệp thường lập đình để bái vọng về làng quê, tưởng nhớ tổ tiên và các tổ nghề. Từ các đình trong phố này mà tôi hình thành một nhánh riêng về đề tài chụp ảnh của mình.
Có nghề nào ở Hà Nội mà anh thấy có nét khác biệt với nghề ở các vùng quê khác?
Có chứ. Ví dụ như nghề trồng cây lá thuốc nam ở làng Đại Yên xưa (nay thuộc phường Ngọc Hà - quận Ba Đình). Ngày trước đây là làng ven đô, có đất nên dân có thể trồng các loại cây có dược tính như hương nhu, sả, cúc tần… rồi hàng ngày đem bán ở các chợ khắp kinh thành. Chục năm trước, vẫn có các bà, các chị với hàng lá xông ngồi ở cổng các ngôi chợ Hà Nội, nay ngày một hiếm dần. Làng Đại Yên nay cũng đô thị hóa hết, không còn đất trồng, người dân chuyển sang về các vùng quê thu mua lá xông, cỏ mần trầu… tiếp tục giữ nghề truyền thống. Đây là một nghề độc đáo.
Anh nhận thấy các nghề thủ công đem lên Hà Nội có sự thay đổi như thế nào?
Nghề nào lên Hà Nội cũng có sự gọt giũa, tinh chỉnh cho phù hợp với lối sống kinh kỳ. Ví dụ những cô hàng bánh nếp từ Đan Phượng, trước đây làm cái bánh to, nhưng khi lên Hà Nội bán sẽ làm chiếc bánh nhỏ, vừa ăn thôi, vì người Hà Nội ăn sáng ít, nhẹ nhàng, chỉ một chiếc bánh nhỏ, một cốc trà…
Hầu hết các món ăn, đồ vật khác cũng vậy. Như nghề rèn dao, kéo và nông cụ làng Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), tập trung lên phố Sinh Từ, rồi hình thành thêm nghề mài dao kéo. Lên Hà Nội, những người thợ này sẽ làm ra những con dao tinh xảo hơn, sắc hơn để phục vụ những công việc đặc thù bếp núc hoặc những chiếc kéo dành riêng cho từng người thợ may.
Hoặc qua quá trình chụp ảnh làng nghề rèn, cũng như phỏng vấn nhân vật, tôi mới biết thời bao cấp, những người thợ rèn đã được tổ chức thành Hợp tác xã rèn và họ đã thực hiện những hợp đồng đặc biệt như rèn hệ thống bu-lông cho đường ray tàu hỏa . Đó cũng là một sự chuyển đổi đáng ghi nhận!
Theo anh, những người thợ thủ công Hà Nội, có những đặc tính gì?
Có thể nhìn thấy rõ nhất là sự mực thước, cẩn thận. Tôi xin nhấn mạnh hai từ “mực thước” là từ để chỉ sự cẩn thận, chỉn chu trong nghề thợ mộc, nhưng nó cũng là đặc tính chung của người thợ thủ công Hà Nội. Trong cách cư cử, giao tiếp của họ cũng vậy, họ không chỉ tài hoa mà còn rất giữ chữ “Tín” và ở những người thợ thủ công Hà Nội tôi tiếp xúc, đều thể hiện rất rõ nét các chuẩn mực đạo đức trong nghề nghiệp của mình.
Khi chụp ảnh những nghệ nhân, những người thợ thủ công, anh lưu ý điều gì nhất?
Khi chụp ảnh phải thể hiện được cái cốt cách, cái thần thái và tay nghề của họ. Tôi luôn lấy con người làm chủ thể các bức ảnh, đặt đúng trong khuôn hình tỷ lệ vàng 1/3 trong một bối cảnh thể hiện không gian làm việc của họ, tay nghề của họ và sản phẩm của họ. Thường thì tôi chụp ảnh bộ để đủ câu chuyện. Cũng có một số trường hợp mà đẹp thì tôi chụp ảnh đơn. Thường tôi dùng ống kính góc rộng 16 mm, một số tôi dùng góc trung 50 mm, vì khi bối cảnh mà tốt thì góc rộng sẽ lấy được nhiều hình nhất.
Tôi rất quan tâm đến thần thái, phải chụp rất nhiều để lấy từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười thể hiện được sự hồn hậu, cái đạo đức nghề nghiệp và sự mực thước của người nghệ nhân.
Làm thế nào để nhân vật tự nhiên trước ống kính của anh?
Tôi có lợi thế là lớn lên ở Hà Nội, nên có nhiều nghệ nhân tôi đã gặp từ lúc còn bé, có nhiều người tôi đã tiếp xúc, chơi đến mấy năm rồi mới chụp được họ đẹp, chứ ban đầu họ đều ngại chụp ảnh. Có những nghệ nhân khi làm việc mùa hè nóng bức chỉ mặc áo may-ô, quần đùi, nhưng nếu chụp như vậy thì tòa soạn không đăng, nên tôi đành quay lại vào mùa đông để chụp. Cho nên, có những nhân vật tôi phải mất 2-3 năm mới chụp được những bức ảnh ưng ý.
Quay sang một chủ đề yêu thích mà nhiếp ảnh gia Lê Bích hay chụp là ngõ, phố Hà Nội. Anh thấy ngõ phố Hà Nội có những đặc tính gì?
Họa sĩ Lê Thiết Cương từng viết về ngõ Hà Nội: “Ngõ là gốc, phố là ngọn”. Xưa quan hệ phố-làng khăng khít, hàng hóa từ làng sơ chế mang lên phố bán thường tập kết ở ngõ, sau đó được tinh chế, lắp ráp, chia nhỏ rồi bày bán tinh tươm ở mặt phố. Nhà ở ngõ đóng vai trò trung chuyển, hậu cần cho nhà phố. Người Hà Nội gốc thích yên tĩnh nhưng lại muốn quần tụ kiểu hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên thích sống ở ngõ. Có nhiều nhà ở cùng ngõ gần nhau nhưng đến thăm nhau lại phải đi một đoạn xa thế mới có câu “Gần nhà xa ngõ”. Đấy là chuyện xưa.
Giờ ngõ Hà Nội cũng ồn ào xô bồ chả kém gì phố. Nhiều ngõ đã trở thành quần thể bán một mặt hàng hoặc cung cấp một loại dịch vụ như: ngõ Tạm Thương chuyên bán món nem chua rán đồ nhậu, ngõ Hạ Hồi có nhiều quán cafe ngon và đẹp, ngõ Phất Lộc nổi tiếng với mấy hàng bún đậu mắm tôm và giờ lan cả sang ngõ Hàng Khay, ngõ Huyện giờ thành khu phố khách sạn cho Tây ba lô…
Tôi đi chụp ảnh khó lắm mới chụp được một tấm hình cho ra chất ngõ xưa. Tôi thích chụp ngõ vào những ngày nghỉ hoặc dịp Tết. Có đêm giao thừa lang thang trong những con ngõ Hà Nội, lúc đó ngõ vắng lắm, chỉ còn vài người hóa vàng sau khi đã cúng giao thừa. Ngõ như người mẹ trẻ sau bao ngày lam lũ, tảo tần trút bỏ gánh nặng, xõa mái tóc dài mượt, ngắm mình trong gương và mơ một giấc mơ đẹp cho riêng mình. Lúc đó ngõ chính là nó, nho nhỏ, ấm áp với nét duyên thầm quyến rũ.
Trong các đường, phố, ngõ của Hà Nội, anh thích những con phố nào?
Tôi thích đường Thụy Khuê, một con phố rất đặc trưng, với hàng chục cái cổng ngõ, kiểu cổng làng cũ. Không gian bên trong cũng rất xưa cổ. Đặc biệt đề tài ảnh những chiếc xe chở hoa bán rong, chụp trong bối cảnh làng cổ Thụy Khuê, đem lại cho tôi những cảm xúc khó tả. Người nước ngoài sang nước ta cũng thấy lạ về nghề bán hoa rong ở nước ta, họ chỉ nghĩ, mua hoa thì ra cửa hàng hoa chứ ai lại mua hoa ngay trước cửa nhà mình như thế.
Khi chụp ảnh các di tích, công trình kiến trúc Hà Nội ngày nay, anh có gặp khó khăn gì không?
Khi chụp ảnh các công trình kiến trúc, di sản Hà Nội hiện nay thì có một vấn đề rất nhiều nhà nhiếp ảnh gặp phải là “rác” nhiều quá, từ dây điện, nhà cao tầng, đến cả rác thật, ở ngay các di tích mà người ta vẫn hay xả hàng đống rác, nhìn rất khó chịu. Nhiều khi tôi phải tự đi nhặt rác để chụp cho ảnh nó đẹp. Thứ hai là đình chùa bây giờ làm mới nên không còn tính cổ kính như ngày xưa nữa, nên nhiều khi tôi phải chọn góc cận, thể hiện đúng tính cổ kính của di tích, chứ chụp rộng ra là rất khó.
Chính vì thế tôi hay chụp di tích về đêm, vì trong đêm mọi thứ rất đẹp, nhất là đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, các ngôi đình trong phố… Ban đêm không có người, xe cộ đi lại, nên có thể thể hiện rõ hình ảnh các di tích, nhất là các nét cổ kính, trầm mặc.
Mảng đề tài về Hà Nội của anh dường như có thể kể mãi không hết nhỉ?
Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, tôi đã có một bộ ảnh rất đặc biệt: Hà Nội lúc vắng tanh. Đây cũng là một chủ đề mà rất khó có thể gặp lại. Ngoài ra, tôi cũng chụp các bộ ảnh về kiến trúc Pháp ở Hà Nội, các nhà thờ Hà Nội… Hoặc những mảng đề tài nhỏ hơn, như các họa tiết trang trí, các con sơn trang trí ở các kiến trúc này. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có ra cuốn sách “Song xưa phố cũ” và tôi tặng anh ấy ảnh bìa và một số ảnh nhỏ. Nhưng sở trường và chủ đề tâm đắc nhất của tôi vẫn là con người và các nghề.
Độc giả biết đến Lê Bích từ những loạt ảnh làng Việt, đặc biệt là giếng cổ. Anh có thể kể lại anh đến với nhiếp ảnh như thế nào?
Tôi đam mê vẽ tranh từ bé, nhưng sau đó thấy rằng để lưu giữ hình ảnh thì chụp ảnh sẽ nhanh hơn vẽ tranh rất nhiều, và tôi học chụp ảnh từ bố tôi. Tôi học ngành Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh. Tốt nghiệp Đại học, tôi làm việc trong một công ty Nhật Bản dù vẫn thích chụp ảnh. Phải đến năm 2005, khi kinh tế tương đối ổn định, tôi mới bắt đầu chụp ảnh và sau một thời gian tôi quyết định dấn thân để trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Khi chọn mảng đề tài chụp ảnh, thì từ năm 2010 tôi đã thấy rằng mảng tư liệu về đề tài di sản làng nghề thủ công đã rất là khuyết, các đơn vị truyền thông báo chí, bảo tàng muốn có hình ảnh về các nghề truyền thống đã rất khó khăn, chỉ có thể tìm thấy trong các kho lưu trữ của người Pháp (Người Pháp họ làm việc này rất tốt). Chính vì thế mà tôi bắt tay vào chụp về đề tài này, trước là để lưu giữ tư liệu cho mình.
Năm 2015 tôi triển lãm về “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” ở 42 Hàng Bạc, tức đình Kim Ngân giữa phố cổ, qua đó thì người dân phố cổ và cả các nghệ nhân có thể hiểu về chính họ, hiểu về những người hàng xóm của họ. Từ đó, tôi gắn luôn gắn với các đề tài về văn hóa truyền thống, di sản. Đến nay tôi đã có 7 triển lãm ảnh cá nhân, tất cả đều xoay quanh câu chuyện văn hóa, di sản truyền thống.
Về chủ đề làng nghề, anh còn điều gì tiếc nuối?
Có những làng nghề gần như đã mất đi, nếu không lưu giữ hình ảnh, tôi thấy day dứt lắm. Như nghề làm giấy vàng mã truyền thống (không phải những đồ mã hiện đại như bây giờ đâu). Tôi đọc trong sách sử, thấy nghề này du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ 6, do ảnh hưởng của Đạo giáo. Thời xưa các cụ cũng chỉ đốt ít thôi. Đến nay, theo tôi tìm hiểu, chỉ còn một làng ở Nam Định là sản xuất giấy vàng mã đúng như thời xưa. Nhưng đề tài này, các tòa soạn cũng không khuyến khích.
Có nghề tôi chụp từng thất bại, như nghề làm tranh kính. Tôi đi tìm, nhân chứng thì còn nhưng các cụ không làm nữa, chỉ chụp được một số hiện vật. Khi tìm về Hợp tác xã tranh kính ở Hà Bắc xưa ở phố Phùng Hưng thì cũng đã giải thể, không còn ai làm nữa. Tôi chỉ chụp được hiện vật còn lại chứ không còn ai làm nữa.
Hoặc có khi tiếc nuối vì nhân vật. Đó là một cụ nghệ nhân Dương Văn Mơ làm chiếc quạt lớn kỷ lục ở làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), cụ làm quạt và vẽ quạt đẹp lắm. Tôi chưa kịp chụp cho đủ bộ ảnh thì cụ qua đời.
Cố nghệ nhân Dương Văn Mơ.
Hiện anh có trăn trở gì về vấn đề bảo tồn các di sản quá khứ?
Khi mình chưa trả lời được bản sắc là thế nào thì khó mà bảo tồn được. Người ta vẫn nói phải hiểu về quá khứ mới vững bước đến tương lai được. Cho nên tôi muốn dùng nỗ lực của mình để các bạn trẻ hiểu rằng: Ngày xưa, ông cha ta đã từng có những giá trị còn lại, con rồng phải như thế này, tượng Phật phải như thế này, vẻ mặt đức Phật như thế này, cái đầu đao đình đã như thế này, mái ngói mũi hài truyền thống là như thế này, sau đó chúng ta phát triển lên nhưng đừng phá cái gốc đi. Đừng lấy cái văn hóa ngoại lai làm cái của mình.
Quay trở lại với nghề nhiếp ảnh. Theo anh, yếu tố nào để người chụp ảnh thành công?
Phải luôn trăn trở, phải tìm được sự khác biệt trong những đề tài, bức ảnh của mình. Nếu không đau đáu với chủ đề, sẽ không thấy được sự khác biệt.
Như vậy, liệu anh có phải là người cầu toàn?
Tôi xác định, khi chụp ảnh theo chủ đề, có khi hơn nhau một bức ảnh là “ăn tiền”. Như có lần tôi chụp lễ thau giếng làng Diềm (thành phố Bắc Ninh). Chụp cả bộ rất ưng ý, nhưng sau mới biết bỏ sót một chi tiết rất đắt giá: Đó là khi mạch nước mới đầu tiên trào lên, các cụ sẽ hứng vào bình dâng lên bàn thờ lễ Thánh. Tôi quyết tâm năm sau quay lại và chụp xong được bức này, tôi mới yên tâm hoàn thành bộ ảnh này, nộp cho Ban biên tập.
Hoặc khi chụp bộ ảnh về nghề dệt thổ cẩm ở Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Tôi đã chụp đủ các công đoạn của nghề dệt, từ tước sợi, xe sợi, dệt, nhuộm, nhưng khi soạn lại ảnh thấy thiếu mất công đoạn đầu tiên, là lúc cắt cây lanh từ trên nương. Vậy là tôi phải chờ đến tháng 10, mùa thu hoạch lanh, trở lên chụp một loạt ảnh về công đoạn này, trở về soạn ảnh rồi mới công bố chùm ảnh về đề tài này.
Tuy nhiên, vì tính tôi cầu toàn như thế, nên cũng thường không dám nhận các đề tài ảnh cần ngay, theo thời sự từ các tòa soạn.
Hội đền Kim Liên.
Ngoài việc là một nhà nhiếp ảnh, đồng thời, anh cũng là một nhà báo?
Năm 2006, sau khi trực tiếp viết một bài báo phản ảnh về tình cảnh đáng thương của hai chị em gái bị mù ở Mai Châu, Hòa Bình là A Chô và A Dì rồi các cháu được hỗ trợ tích cực trong cuộc sống, tôi mới hiểu sức lan tỏa từ hiệu quả của bài viết mạnh mẽ như thế nào. Chính vì vậy, sau này, tôi nỗ lực để tự truyền tải các nội dung mà mình ghi nhận được, bên cạnh các bức ảnh của mình. Hiện chủ yếu tôi viết cho mục Văn hóa báo Nhân Dân và cộng tác với tạp chí Heritage, một số báo khác… đến nay tôi đã có trên 500 bài báo trên báo, tạp chí trong và ngoài nước.
Vậy có thể gọi Lê Bích là một người thế nào?
Tôi muốn mọi người xem tôi là một nhà báo - nhiếp ảnh gia muốn lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.
Nghề thêu Thường Tín.
Anh có thể “bật mí” về dự định sắp tới của mình?
Tôi đang hoàn thành bộ sưu tập ảnh về hoa văn cổ, các họa tiết trang trí trong văn hóa Việt. Ngoài ra tôi đang cùng nhà thơ Lữ Mai thực hiện một dự án kết hợp nhiếp ảnh và thơ. Tôi muốn thể hiện những câu thơ lục qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Kiểu như những câu ca dao tuyệt vời của ông cha như “Ra đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, hoàn toàn có thể thể hiện bằng ảnh được.
Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Bích về cuộc trò chuyện thú vị này và chúc anh thành công với con đường và những dự định của mình!