Sâm Ngọc Linh được bán với mức giá có khi lên đến 300 triệu đồng/kg, bởi loại cây này hội tụ mọi đặc điểm của một loài quốc bảo: quý và hiếm. Việt Nam có nhiều ngọn núi cao trên 2000m, tập trung nhiều ở phía Bắc các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu… nhưng sâm Ngọc Linh lại chỉ hợp sinh trưởng ở dãy Ngọc Linh Kon Tum – đỉnh núi quanh năm mây phủ từ lâu đã gắn với biết bao truyền thuyết huyền bí của đồng bào dân tộc Xê Đăng.
Những người già ở làng Long Năng mới - dưới chân núi còn kể mãi truyền thuyết đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, mây phủ bốn mùa chính là nơi trú ngụ của thần sét. Với uy nghiêm của vị thần này, đỉnh núi được bảo vệ tuyệt đối, người của làng cũng hiếm hoi mới lên được chứ đừng nói là người lạ bên ngoài đến. Các già làng thường kể cho con cháu nghe chuyện những tốp người tìm trầm, tìm sâm đều ra đi rồi không trở lại, họ lạc lối vì rừng sâu huyền bí, hay bị thần sét nổi giận cản lối? Rồi những câu chuyện về thung lũng kỳ bí Ngọc Rêu – nơi không thể xác định tọa độ, người ta có muốn vượt qua thì lại lòng vòng trở lại chỗ cũ.
Sau này nhờ kỹ thuật tiên tiến, các phương pháp xác định tọa độ bằng GPS, việc khám phá dãy Ngọc Linh đã trở nên thuận tiện hơn nhưng lời già làng dặn dò thì vẫn còn nguyên giá trị: phải thật thành tâm chào thần rừng thì sẽ không gặp mưa gió, đường đi được thuận lợi rồi quay trở về an toàn.
Có phải vì những điển tích xưa cũ nhuốm màu huyền hoặc này khiến loài cây cao quý như sâm Ngọc Linh chọn nơi đây để bám rễ sinh sôi và trở thành viên ngọc quý của đại ngàn? Vòng đời của một cây sâm quý gửi gắm trọn vẹn dưới tán rừng như sinh mệnh không thể tách rời. Sau khi thu hoạch, hạt sâm được đem vào khu rừng già để ươm. Đến tháng 3 hằng năm, cây sâm lên mầm và cho ra củ. Khoảng 5 tháng sau, cây sâm bắt đầu sinh trưởng tốt, có thể di thực dưới tán rừng.
Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, cây sâm dễ bị thối củ và chết. Do đó phải chờ đến khoảng tháng 10 - 11, khi thời tiết khô hơn, trong rừng không còn ẩm ướt mới bắt đầu mùa trồng mới. Không như những loài cây lấy củ khác, muốn thu hoạch củ sâm chất lượng tốt nhất phải đợi chờ từ 5 thậm chí 10 năm ròng rã. Đó là khoảng thởi gian cây sâm sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên dưới tán rừng, hấp thụ ánh nắng khí trời, chất dinh dưỡng từ mùn trong đất ở độ cao từ 1.500m trở lên. Điều này đồng nghĩa với một quy luật rõ ràng: còn rừng là còn sâm, phải bảo vệ rừng bằng mọi giá.
Vườn sâm rộng hàng trăm hecta trên đỉnh Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5
Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam đang mất đi khoảng 2.500ha rừng. Ngày xưa có câu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nhưng rồi những cánh rừng già ở dải đất Tây Nguyên trù phú từng lại vào thực trạng bị khai thác kinh hoàng bởi những toán lâm tặc, vì những món hời trước mắt. Người dân – đặc biệt là người đồng bào địa phương không có công ăn việc làm ổn định, với tập tục du canh du cư đốt rừng làm rẫy cũng chẳng mặn mà gì với rừng. Đó là câu chuyện phổ biến trước khi sâm Ngọc Linh được công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đưa vào trồng và khai thác, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con quanh vùng.
Anh A Biên – một người dân ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cho biết, trước đây chỉ vào rừng phát rẫy, làm nương theo mùa nhưng không đủ sống. Còn bây giờ làm ở vườn sâm có thu nhập hàng tháng, được nuôi cơm, cấp quần áo và đồ dùng nên đời sống khá hơn trước, không còn đi chặt rừng làm rẫy nữa.
Không chỉ giúp ổn định đời sống, Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum còn giúp bà con cùng làm giàu bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp thêm giống cây miễn phí, đồng thời đảm bảo giữ gìn vườn sâm phát triển bền vững.
Giữ rừng để trồng được sâm - trồng sâm sẽ giữ được rừng: chưa bao giờ mối quan hệ giữa tự nhiên và lợi ích kinh tế của con người lại liên quan mật thiết và dễ hiểu như vậy. Bắt đầu từ một khu vườn vài hecta với mục đích bảo tồn nguồn gen, nhân giống, đến bây giờ khu vườn sâm hàng trăm, thậm chí sắp tới là hàng nghìn hecta của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh cùng với bà con quanh vùng đã được hình thành ngay dưới tán rừng nguyên sinh.
Điều này đồng nghĩa với việc cánh rừng, ngọn núi này đang ngày đêm được canh giữ, bảo tồn nghiêm ngặt.
Thái Việt – một du khách đam mê leo núi có may mắn được chạm đến đỉnh Ngọc Linh kể lại câu chuyện năm 2015, khi những ngôi làng quanh dãy Ngọc Linh còn xa lạ với nhiều người. Thời điểm đó, Thái Việt và nhóm bạn được nhiều người dân tộc Xê Đăng chào mời mua sâm Ngọc Linh với giá chưa tới 100 ngàn đồng/kg sâm củ khá to. “Mặc cả rẻ hơn họ vẫn đồng ý bán, quảng cáo với chúng tôi là sâm rừng Ngọc Linh do chính tay đồng bào thu hoạch, mang về ngâm rượu uống rất bổ. Thấy rẻ quá nên tôi cũng không mua”.
Phân biệt sâm Ngọc Linh thật và tam thất rừng
Thực tế này không chỉ đặt ra câu hỏi về sâm thật, sâm giả mà còn cả vấn đề về bảo vệ thương hiệu của loài sâm quý Ngọc Linh. Ngay tại Kon Tum, gần đây người ta có thể đặt mua bao nhiêu tùy thích những củ sâm như thế này với nhiều mức giá rẻ bèo.
Tuy nhiên, những người đã nhiều năm làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh cho biết nhiều loại sâm không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường hiện nay thực chất được làm giả bằng củ tam thất bắc, tam thất hoang, giả bằng sâm ở vùng khác, hoặc tinh vi hơn: vẫn là sâm Ngọc Linh nhưng không trồng ở núi Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh thật - sản phẩm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5
Có cơ hội đến tham quan những cây sâm được trồng dưới tán rừng nguyên sinh ở dãy Ngọc Linh và nghe chính những “mọt sâm” giải thích bạn mới hiểu vì sao sâm Ngọc Linh lại thường bị làm giả. Sâm Ngọc Linh thật sở hữu một ngoại hình “xấu xí”: bề mặt vỏ xù xì, thô ráp, rễ bám dọc thân và các đốt do sinh trưởng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, trong khi đó sâm giả lại thường bắt mắt hơn với vẻ ngoài bóng mượt ít sần sùi, ít sợi rễ hơn. Quan sát tinh mắt kĩ càng hơn có thể thấy Sâm Ngọc Linh thật có các mắt lõm vào thân không tròn hẳn và mọc lệch nhau. Trong khi Sâm Ngọc Linh giả thì các mắt dày, hình tròn, mắt mọc thẳng hàng. Đó là chưa kể khi cắt lát thì phần rễ củ trong Sâm Ngọc Linh thật có màu vàng nhạt. Sâm Ngọc Linh giả khi cắt lát thì bên màu trắng phếu đôi khi có pha chút tím trong lõi.
Ngoài ra, cũng có thể phân biệt sâm Ngọc Linh thật dựa vào mùi và vị. Sâm không thật cắn vào cũng đắng, nhưng đắng gắt rất khó chịu. Còn sâm Ngọc Linh thật cắn vào thì đắng, nhưng sau đó nó ngọt giống như uống chè Thái Nguyên “xịn”.
UBND huyện Tu Mơ Rông - quê hương của các loài dược liệu quý, cũng vừa tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu tiên tại Kon Tum. Tại đây cũng có một gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh thật và các loại củ giống với sâm Ngọc Linh để du khách đến tham gia phiên chợ có thể nhận biết, phân biệt. Không chỉ vậy, gian hàng này còn trưng bày hàng loạt hình ảnh sâm Ngọc Linh giả được rao bán trên mạng xã hội, hình ảnh sâm Ngọc Linh giả mà các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý.
Dự kiến, phiên chợ sẽ được tổ chức thường niên để người tiêu dùng yên tâm mua sâm Ngọc Linh thật, không sợ mua phải hàng trôi nổi, hàng giả, kém chất lượng.
7-8 năm trước, đường lên núi Ngọc Linh quanh co đèo dốc, vực sâu hiểm trở, ít ai dám đi lại sau 5h chiều. Mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mịt mù, muốn lên vườn sâm phải leo bộ vài tiếng đồng hồ.
Thế nhưng Ngọc Linh của bây giờ đã rất khác. Vẫn cái khung cảnh êm đềm bình yên của những bản làng người dân tộc Xê Đăng dưới chân núi. Vẫn những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh dưới nắng chiều mùa tháng 6 – tháng 7. Và tiếng cồng chiêng rộn rã mỗi dịp lễ hội mừng lúa mới hay nhà nào trong làng có đám tiệc, bên ánh lửa bập bùng tiếng cười nói rộn rã khắp nơi.
Đã có thêm những tour du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh được mở với hướng dẫn viên, người dẫn đường là chính những người con của núi rừng, những người dân làng Năng Long mới vốn thông thạo từng đường đi nước bước, rành tên từng loại cây rừng.
Nhờ bảo tồn và phát triển được vùng nguyên liệu bền vững, cũng từ cây sâm Ngọc Linh, hàng loạt sản phẩm mới ra đời của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 như nước tăng lực sâm Ngọc Linh Night Wolf, trà sâm Ngọc linh, viên uống sinh lý Love, tổ yến sâm Ngọc Linh Kon Tum K5... vừa giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm quý với chi phí phù hợp hơn, vừa tạo nền tảng phát triển cho các ngành công nghiệp chế biến sâu của Việt Nam với tiềm năng mang về hàng tỷ đô la cho đất nước.
Từ những hộ dân nghèo, cận nghèo sống nhờ trợ cấp từng ký gạo ký muối của chính phủ, giờ đây người dân quanh vùng đã gắn bó với mảnh đất của mình nhờ loài cây quý trên đỉnh Ngọc Linh.
Con đường mới làm kiên cố từ huyện Tu Mơ Rông lên đỉnh Ngọc Linh rút ngắn quãng đường đi lại giúp bà con giao thương buôn bán dễ dàng. Ngoài nương rẫy, công việc trồng, chăm sóc sâm cho vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 cũng giúp hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định, khá giả.
Sâm Ngọc Linh ra hoa, kết quả vào tháng 7. Hoa thường mọc tập trung ở trung tâm tán lá, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ. Mỗi cây sâm Ngọc Linh có 10-30 quả, trong đó mỗi quả chứa một hoặc hai hạt. Giá bán mỗi hạt khoảng 100.000 đồng.
Những ai có dịp đến Ngọc Linh đều không thể không trầm trồ trước cảnh sắc của vùng đất này mà ấn tượng nhất là đỉnh núi Ngọc Linh sừng sững giữa đất trời – là nóc nhà uy nghiêm, linh thiêng của Tây Nguyên. Ngày nay, đỉnh núi ấy không chỉ là nơi xuất phát những truyền thuyết bí ấn mà còn lưu giữ một loài cây quốc bảo, một viên ngọc quý của núi rừng mang tên sâm Ngọc Linh.
Dưới bóng rừng thiêng, cây bén rễ sâu, chắt chiu nguồn dinh dưỡng tự nhiên, tích tụ theo tháng năm mang lại giá trị kinh tế to lớn cho con người. Để một ngày không xa nữa, sâm Ngọc Linh sẽ mang tên tuổi của một vùng đất xa xôi đi khắp đất nước và vươn xa trên bản đồ thế giới, mang theo niềm tự hào dân tộc.