Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới cho nhiều khu vực nông thôn. Tại TP.HCM, phát triển du lịch nông thôn cũng là nhiệm vụ quan trọng không thể tách rời khi thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xin ông cho biết chủ trương phát triển nông thôn, nông nghiệp gắn với du lịch tại TP.HCM? Thành phố có những lợi thế gì để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn?

Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh trên địa bàn thành phố, vì vậy, ngành nông nghiệp thành phố đang phát triển theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Định hướng phát triển du lịch nông thôn thành phố phải gắn liền với hoạt động tham quan, trải nghiệm về mô hình này.

Bên cạnh đó, một số làng nghề truyền thống tại TP.HCM hiện vẫn được bảo tồn và phát triển, như làng muối xã Lý Nhơn (Cần Giờ), làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông (Củ Chi). Đây là những làng nghề truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 100 năm. Ngoài ra, còn có những làng nghề mới hình thành và phát triển như làng nghề Mai vàng xã Bình Lợi (Bình Chánh), làng nghề nuôi chim yến xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ)… đều là những làng nghề có các sản phẩm đặc trưng có thể kết hợp du lịch.

Song song đó, TP.HCM có nhiều mô hình là tổ chức, đơn vị, cơ sở nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nơi du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn từ các mô hình này. Ví dụ như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (AHTP) - khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam; Trung tâm Công nghệ sinh học; Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản (là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT); mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Thủ Đức; mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biotech tại huyện Cần Giờ; mô hình trồng lan với hệ thống tưới tự động tại huyện Củ Chi,… Với những mô hình này, du khách hoàn toàn có thể đến tham quan, thực hành, trải nghiệm làm thử sản phẩm tại chỗ.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) từ năm 2019, đến nay, đã có 66 sản phẩm được đánh giá OCOP 3-4 sao và 01 sản phẩm đã trình Trung ương công nhận OCOP 5 sao (danh sách gồm: sản phẩm bột rau má của huyện Củ Chi, sản phẩm cà phê hương đậu xanh, khoai môn, matcha của huyện Hóc Môn...). Đây đều là những sản phẩm mang đặc trưng riêng của thành phố, du khách có thể trực tiếp tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất đối với từng sản phẩm.

Cơ sở hạ tầng vùng thôn thành phố được chú trọng đầu tư xây dựng theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới từ năm 2009 đến nay, không những tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa mà còn hỗ trợ phát triển hoạt động du lịch vùng nông thôn thành phố.

TP.HCM hàng năm thu hút trung bình khoảng 7-8 triệu lượt khách quốc tế, hơn 30 triệu lượt khách nội địa, rất thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu các tour du lịch sinh thái. Vùng nông thôn thành phố với những tuyến/tour du lịch hiện có (tour tham quan địa đạo Củ Chi, tour tham quan biển Cần Giờ,…) hoàn toàn có thể gắn kết với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, để trở thành các tuyến/tour du lịch mới.

Những lợi ích khi gắn việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao với du lịch là gì, thưa ông?

Thứ nhất, gắn kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, làng nghề với du lịch là giải quyết vấn đề đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động du lịch sẽ góp phần tạo ra một kênh phân phối cũng như quảng bá các sản phẩm này đến với người tiêu dùng.

Thứ hai, du lịch nông thôn sẽ tạo ra thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm tại các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hoặc các trang trại NNCNC. Theo xu thế phát triển, tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm. Lúc này, sản phẩm nông nghiệp của thành phố không chỉ còn đơn giá trị, tức là chỉ có giá trị về kinh tế, mà đã tích hợp đa giá trị, đó là giá trị về kinh tế cộng thêm giá trị về văn hóa, về môi trường. Với việc tích hợp đa giá trị, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ tạo thêm thu nhập cho các hộ nông dân thông qua việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho ngành du lịch.

Thứ ba, việc phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, ngành nghề truyền thống của thành phố, gìn giữ được bản sắc văn hóa của khu vực nông thôn thành phố. Bởi lẽ, tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm nên sản phẩm, khám phá đời sống của cư dân làng nghề là một trong những trong những xu hướng du lịch được nhiều du khách lựa chọn hiện nay.

Thứ tư, phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần tạo việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ sản xuất nông nghiệp chuyển dần qua dịch vụ theo đúng chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của thành phố hiện nay.

Quyết định số 922/QĐ-TTg đặt mục tiêu, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. TP.HCM sẽ làm gì để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch nông thôn này?

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực về Chương trình xây dựng NTM của thành phố) sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có nội dung chỉ đạo 5 huyện xây dựng NTM tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động quảng bá các điểm du lịch nông thôn hiện có tại địa phương, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chính bản thân người dân địa phương cùng tham gia quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn tại địa phương mình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã có những kế hoạch, chính sách cũng như hành động gì để giúp những cá nhân có sản phẩm OCOP tham gia vào một địa điểm du lịch?

TP.HCM hiện vẫn chưa có sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được đánh giá, công nhận. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, UBND huyện Cần Giờ đã lựa chọn Khu Du lịch Sinh thái Vàm Sát đánh giá sơ bộ cấp huyện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp thành phố xem xét, công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao (ngày 14/12/2022).

Trong thời gian tới, thông qua Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2023) có sự tham gia của các chủ thể OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND các huyện/quận/thành phố Thủ Đức để hướng dẫn các chủ thể OCOP (trong đó có Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch Phú Thọ tham gia với Khu du lịch Sinh thái Vàm Sát) xây dựng hồ sơ và thực hiện theo quy trình đánh giá, phân hạng mới tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023.

Chương trình OCOP tại TP.HCM được xác định không tách rời Chương trình Phát triển du lịch nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ông có thể giải thích rõ hơn việc này? Lợi ích của việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch?

Việc triển khai phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, sinh thái, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan sông nước trên địa bàn TP.HCM, phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái kết hợp khai thác và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM.

Thông qua phát triển về du lịch nông thôn các dịch vụ kèm theo như các tour, trạm dừng chân, điểm trưng bày, nhà hàng, khách sạn, khu ẩm thực… phát triển. Từ đó cho thấy du lịch là một kênh hỗ trợ giúp quảng bá, tiêu thụ tốt các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do đó, sản phẩm đặc trưng của thành phố chủ yếu là các sản phẩm mang tính công nghệ, sáng tạo, chế biến. Các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền không đa dạng và phong phú như các địa phương khác. Số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố đến thời điểm hiện nay không cao (66 sản phẩm) nên sản phẩm du lịch nông thôn, cộng đồng là một đối tượng giúp đa dạng hóa về sản phẩm OCOP của thành phố. Hơn nữa, nhờ các sản phẩm đặc trưng vùng miền (sản phẩm OCOP) được khách du lịch chấp nhận, tin dùng sẽ giúp phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố phát triển mạnh và bền vững (bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh sinh thái trên địa bàn thành phố).

TP.HCM có thuận lợi và khó khăn gì trong việc phát triển sản phẩm OCOP với du lịch?

Về thuận lợi, TP.HCM một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 913/KH-UBND ngày 25/3/2022 về tổ chức Chương trình thu hút khách du lịch đến TP.HCM, trong đó nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch thành phố gắn với từng địa danh như: Bình Chánh những điều chưa kể; Ngày bình yên trên vùng đất thép; Hóc Môn trên bến dưới thuyền; Thành phố xanh bên bờ sông Sài Gòn… Đặc biệt là thúc đẩy xây dựng các sự kiện giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm…

Trên địa bàn thành phố có những làng nghề, ngành nghề nông thôn từ lâu đời và có những nét văn hóa, lịch sử mang đậm nét đặc trưng của Thành phố có thể hình thành du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Đan đát Thái Mỹ, vườn trái cây Trung An, Điểm du lịch khu du lịch sinh thái Vàm sát, Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ, khu di tích Ngã Ba Giồng, Di tích Láng Le - Bàu Cò,...

Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố có quy mô lớn đặc biệt là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn sẽ thuận lợi cho việc kết nối các tour du lịch trong nội thành Thành phố. Ngoài ra, hiện nay, Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 411/KH-UBND ngày 20/12/2021 về triển khai đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thực hiện còn đang tồn tại của ngành du lịch, tăng cường tiện ích và trải nghiệm dành cho khách du lịch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Về khó khăn, đối với lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và điểm du lịch là một mô hình mới, các chủ thể vận hành mô hình chưa được tập huấn, đào tạo bài bản, các dịch vụ phát triển kèm theo chưa đồng nhất, đội ngũ nhân viên chưa được đồng bộ.

Hiện cũng chưa có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; chưa được hỗ trợ về pháp lý, đặc biệt là đối với các hoạt động du lịch trải nghiệm trên địa bàn sông nước; công tác đảm bảo an toàn…

Việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp chưa được cấp phép, vì vậy phần nào ảnh hưởng đến việc cơ sở hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ tại các khu du lịch (như nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi, giải trí,…).

Sở NN&PTNT TP.HCM sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025. 

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 20/05/2023 06:00 AM (GMT+7)

Thực hiện: Ngọc Hương - Thái Giàu