Đó là vợ chồng anh Đ.V.L và chị T.D.A. Chị từng làm việc trong tổ chức phi chính phủ và kinh doanh, còn anh là kiến trúc sư chuyên mảng nghiên cứu, thiết kế, bảo tồn di sản kiến trúc. “Giải cứu” một ngôi nhà sàn khỏi thân phận xẻ làm củi đốt, anh chị rời Hà Nội, đem ngôi nhà ấy đặt ở Đồi Ngô, Gia Viễn, Ninh Bình và đặt tên cho nó là Dream Up.
Nhà dựng lên khu làng tròm trèm 100 hộ dân với diện tích khoảng 120 mét vuông, nép mình giữa một khu vườn có ao cá, có dòng sông chảy qua. Ở nơi đây, hành trình trở về bắt đầu.
Khi Đen Vâu rap: “Cùng lắm là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau,” Đen Vâu nói hộ tiếng lòng bao bạn trẻ đang “sống chồng lên nhau” giữa xôn xao phố thị. Đô thị hóa tăng tốc trong thập niên 90 khiến “lên thành phố” gói ghém ước mơ đổi đời của nhiều thế hệ trước. Nhưng nay “trở về quê” là khát khao ngấm ngầm hay cháy bỏng của lớp thanh niên trẻ - vốn mỗi ngày hít căng ngực bụi mịn PM2.5 và chén đẫy căng thẳng công việc, cộng nỗi lạc loài mất kết nối khi thế giới mạng lên ngôi.
Trong những ấp ủ đó, đã thật sự có một hành trình trở về.
“Thi thoảng có người hỏi bọn mình ở đây làm gì? Chẳng lẽ lại trả lời: ‘Chẳng làm gì!’ Thế thì không được. Có lẽ, câu trả lời đúng nhất là: ‘Bọn mình Sống, chỉ vậy thôi!” - chị A. vừa cười vừa trả lời.
Chuyến trở về của anh chị có lẽ khởi nguyên từ việc “sống lại,” sống trọn vẹn nhất có thể trong nghĩa của từ Sống.
Với ao ước có không gian học và hành, trải nghiệm cuộc sống thật sự, hai anh chị “cố gắng hết sức” để không mua đồ mới. Thứ gì cần thiết phải có ngay, anh chị xin đồ cũ từ bạn bè, gia đình, hàng xóm. Những thứ có thể “chờ đợi” được, anh chị tìm cách tái chế từ những vật liệu xung quanh, hoặc là học cách tự làm.
Kết quả, anh chị sống trong căn nhà làm gần như hoàn toàn từ vật liệu tái chế. Ở Dream Up, khó tìm được hai, ba chiếc đĩa giống nhau như hệt. Vì đĩa này xin ở đây, chỗ kia cho đĩa nọ - những chiếc đĩa sành thịnh hành từ vài chục năm trước, có chiếc mép lấm tấm rạn. Giá treo mũ là cành cây khô lượm lặt chọn lựa từ rừng. Mũ nón đôi khi là chiếc lá khoai to che lên đầu, như trong phim hoạt hình: “Hàng xóm của tôi là Totoro.”
Chị tự tay nhuộm từng tấm vải cũ để làm màn che, làm khăn trải bàn; anh hì hụi đục đẽo chiếc cầu thang lên nhà sàn, tỉ mẩn khắc lên vách những đàn chim xoải cánh. Đặc biệt, có hai tình nguyện viên người Đức đã dành một tháng để làm mái lá cho căn nhà.
Ở Dream Up có “một bếp lửa chờn vờn sương sớm, một bếp lửa ấp iu nồng đượm.” Cứ sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, bếp lửa được nhóm lên và những bữa cơm nóng sốt ra đời. Cá bắt dưới sông, rau hái sau nhà, trái cây trong vườn, đậu biếc pha trà, lá vối nấu nước mọc đâu đó xung quanh.
Nhà của hai anh chị cũng như những hộ khác trong làng, sinh hoạt chủ yếu theo mô hình “tự cung tự cấp”: tự chăn nuôi, tự canh tác. Trong làng, có một phiên chợ để mọi người mua bán (hay đúng hơn, trao đổi) thực phẩm thừa với nhau.
“Thực phẩm không có hóa chất độc hại, và được ‘kiểm soát’ dựa trên niềm tin và sự gắn kết cộng đồng. Trong làng mọi người đều tường mặt nhau. Ai bán thứ gì không sạch, sẽ không ai mua nữa,” chị nói.
“Bỏ phố về quê”, hai anh chị tin tưởng “bản thân vẫn có thể tiếp tục tự do theo đuổi công việc gắn với những giá trị nhân văn - tự nhiên một cách chủ động và thực tế hơn.” Anh chị biến nơi mình sống thành không gian homestay, đón khách về cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình trong những thời điểm nhất định. Khách đến được trải nghiệm lối sống địa phương, dân dã: tắm suối, thả diều, hái sen, đi rừng, leo núi, chơi các trò chơi dân gian hay tham gia vào các lễ hội làng.
Chị cũng tiếp tục công việc kinh doanh những bánh xà bông hữu cơ Papa’s Dreamer - Xà bông của ba. Những bánh xà bông thiên nhiên làm từ dầu dừa, dầu olive, bột nghệ, bột trà xanh khởi nguồn là món quà ba tặng cho chị.
Ba chị - vốn là kỹ sư hóa chất - thương con gái viêm da cơ địa không tiếp xúc được các sản phẩm chứa hóa chất, nên sáng tạo xà bông an toàn để chị tắm, gội đầu, rửa mặt, rửa tay. Lớn lên với xà bông yêu thương của ba, đến một ngày chị quyết định “san sẻ” tình thương này cho những cô gái thành thị giống mình. Kết quả, năm 2016 xà bông Papa’s Dreamer ra mắt thị trường và bắt đầu xuất hiện trong những món-cần-có của các tín đồ hữu cơ Hà Nội.
Ở Dream Up, công việc của anh chị bỗng dịu dàng đi. “Ở thành phố, làm việc căng thẳng nên cứ phải liên tục tiêu tiền. Cứ một thời gian lại phải đi du lịch, nghỉ dưỡng để khuây khỏa,” chị chia sẻ. Từ lúc dừng chân ở đây, những ngày bạn bè trên Hà Nội tấp nập, anh chị lại ra tắm ở “bể bơi vô cực”.
Đó là con suối ẩn mình trong núi, nước từ những mạch nguồn trong trẻo, len kẽ đá đổ vào đầm mát rượi. “Những ngày mùa thu, mặt trời lặn sau lưng, trăng lên tỏ trước mặt, anh chị muốn ngâm mình ở đây mãi, chẳng muốn đi đâu,” chị kể.
Anh chị tìm về bản thân trong những phút giây tĩnh lặng giữa thiên nhiên như thế. Đó còn là giây phút “tập lướt chân trên mặt sàn tre ọp ẹp không một tiếng động. Đó còn là giây phút tĩnh lặng anh ngồi xây tòa tháp đá từ 9 viên đá vuông tròn méo mó khác nhau.
Anh chị tìm về bản thân trong sợi dây gắn kết với cộng đồng bản địa. Từ những nghi hoặc ban đầu, bây giờ cứ chiều chiều Dream Up lại náo nức tiếng nô giỡn của lũ nít lau nhau trong xóm - những đứa trẻ - lúc ban đầu còn hay chửi thể, đánh lộn và líu lo “hút thuốc lào vì đồng bào”. Chị dạy các bạn đánh cờ vua, đọc sách, học tiếng Anh. Giờ các bạn gọi “cô”, xưng “con” ngọt xớt.
Từ không tin tưởng, các cụ trong làng đã đến nhờ anh chị vẽ bức tranh cho cánh cổng ngôi đền thờ Mẫu của làng. Suốt thời gian vẽ, mọi người trong làng đều hiếu kỳ kéo ra xem. Có bà cụ mỗi ngày mang đến cho 3 quả bưởi diễn ngọt lịm. Có bà cụ 83 tuổi, ngày nào cũng tới chuyện trò động viên cho bạn họa sĩ “đỡ buồn”.
“Đây là trải nghiệm gắn kết cộng đồng địa phương thật sự quý giá. Tụi mình được chia sẻ với dân làng về niềm trân trọng văn hoá truyền thống của người trẻ, mà mọi người cũng có dịp để chuyện trò cùng nhau,” chị nói.
Hẳn không phải ngẫu nhiên, tên homestay của anh chị và Xà bông ba ba đều có chữ “dream” (ước mơ). Trong hành trình trở về, hai anh chị đã gieo hạt ước mơ cho mình, cho cộng đồng về “sự kết nối và hòa hợp với cuộc sống quê nhà thay vì định cư nơi đô thị.”
Nhiều người mơ một chuyến “trở về,” nhưng những giằng níu thường nhật khiến không phải ai cũng có thể “trở về”. Nhưng ở nơi đô thị, bằng những kết nối với thiên nhiên: trồng một cái cây, giảm một chiếc ống hút nhựa… có lẽ mỗi người có thể tìm về với bản thân - từng chút một.
Viên Lâm (Theo Khám phá)