Hàng trăm người dân, du khách dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 54 năm ngày nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh ở chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Chiều 22/6, UBND thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 54 năm ngày anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh (22/6/1970- 22/6/2024).
Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng cùng ôn lại tấm gương sáng về tình yêu quê hương, đất nước, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường, về y đức cao quý của người thầy thuốc, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm,
Chân dung nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức có truyền thống về ngành y. Bố chị là Giáo sư, bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, nguyên Chủ nhiệm Khoa ngoại bệnh viện Sanhpôn; mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm, nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa - Hà Nội.
Tháng 7/1966, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa – Hà Nội đạt loại ưu, Đặng Thùy Trâm có thể ở lại trường làm giảng viên hoặc xin làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, thế nhưng chị đã từ chối, để theo học khóa huấn luyện đặc biệt, chuẩn bị đi Nam. Chị đã chọn cho mình một lối sống, một lý tưởng cao đẹp.
Tháng 3/1967, sau gần 3 tháng hành quân đầy gian truân, vất vả, chị đã vào đến chiến trường Quảng Ngãi, được phân công về huyện Đức Phổ. Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm về công tác ở huyện Đức Phổ giữa lúc bệnh xá đang trong thời gian xây dựng lại. Huyện ủy đã phân công chị về phụ trách Trạm tiền phẫu Nam Đức Phổ ở hang Bộng Dầu, thuộc núi Dâu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp (nay là xã Phổ Khánh).
Tại đây, nữ anh hùng phục vụ cứu chữa cho các thương binh đơn vị 120 lực lượng vũ trang huyện, Nhân dân và du kích các xã Phổ Hiệp, Phổ Vinh và một số xã phía Nam huyện Đức Phổ.
Tháng 4/1967, Huyện ủy Đức Phổ phân công bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm làm việc tại bệnh xá Đức Phổ, đặt tại thôn Đồng Răm, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ. Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ cứu chữa và điều trị cho thương binh, chị còn đảm nhận thêm rất nhiều việc như: hộ lý, cấp dưỡng, giáo viên đào tạo y tá.
Tháng 3/1968, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được giao nhiệm vụ phụ trách bệnh xá Đức Phổ. Ngày 28/4/1969, Khu vực bệnh xá Đức Phổ bị đánh phá ác liệt, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng với cán bộ, nhân viên bệnh xá quyết định chuyển bệnh xá Đồng Răm về địa điểm mới ở Hố Bầu Tây thuộc thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ nhằm tiếp tục duy trì trụ bám cứu chữa thương binh và nhân dân.
Ngày 12/6/1970, bệnh xá bị lộ nên phải triển khai tìm địa điểm mới để sơ tán. Bệnh xá khi đó có 5 người bị thương rất nặng chưa di chuyển được; bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng hai cán bộ bệnh xá ở lại chăm sóc, chờ mọi người tìm được địa điểm mới an toàn sẽ đến đón.
Ngày 22/6/1970, trên đường đi kiếm thức ăn cho anh em thương binh, không may bị lọt vào ổ phục kích của địch, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh, khi ấy chị chưa đầy 28 tuổi.
Ngày 20/2/2006, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Năm 2006, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước đóng góp. Tại đây, có một phòng trưng bày lưu niệm về Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
Hai quyển nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được viết từ ngày 8/4/1968 cho đến ngày 20/6/1970 (hai ngày trước khi chị hy sinh) đã gây tiếng vang lớn.
Fredric Whitehurst - một lính Mỹ tại chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) dự định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, song người thông dịch của ông đã cản lại: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Đó là cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ, một bác sĩ có cái tên thật đẹp: Đặng Thùy Trâm.
Nữ anh hùng đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: “…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí… để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Năm 2005, sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của người thân, bạn bè. Sau đó, được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Từ khi cuốn nhật ký được biết đến, đã có biết bao cuộc vận động, bao phong trào ý nghĩa được phát động để người trẻ hôm nay học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất.
Đặc biệt, cuốn nhật ký lần lượt được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ các nước trên thế giới; góp phần giúp độc giả khắp thế giới thấy được những năm tháng chiến tranh ác liệt mà dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng máu xương để có nền hòa bình độc lập ngày hôm nay.
Cuốn Nhật ký cũng chính là cảm hứng để NSND Đặng Nhật Minh xây dựng bộ phim chính kịch lịch sử “Đừng đốt” gây xúc động lòng người trong và ngoài nước.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, chia sẻ đây là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc nhất đối với những công lao to lớn, sự hi sinh anh dũng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công cách mạng nói chung đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc Việt Nam.
“Tôi tin tưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ là địa chỉ đỏ - điểm đến tham quan đặc biệt của du khách trong nước và quốc tế trong tương lai gần”, ông Dũng nói.
Dịp này, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi trao tặng 100 cuốn sách chuyên đề về lịch sử cho phòng trưng bày lưu niệm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ nhằm phục vụ người dân, du khách.