Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu kỹ sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của sân bay Lý Sơn theo hướng hợp tác công tư (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Chiều 9/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện, phát huy tiềm năng, lợi thế để Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: N.Đức.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ có cơ chế và hỗ trợ cao nhất nguồn vốn ngân sách trung ương để tỉnh đầu tư sân bay Lý Sơn theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung sân bay Lý Sơn vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030.
Đối với việc đầu tư sân bay Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất giao Bộ Quốc phòng đầu tư khu bay và các công trình quản lý, điều hành bay. Đối với phần kết cấu hạ tầng cảng hàng không sẽ được thực hiện theo hình thức BOT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về mặt nguyên tắc giao UBND tỉnh Quảng Ngãi làm cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn theo hướng hợp tác công tư.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần nghiên cứu kỹ chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn. Trong quá trình thực hiện phải phối hợp với Bộ Quốc phòng để triển khai theo hướng sân bay lưỡng dụng.
Dấu tích miệng núi lửa Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sân bay Lý Sơn phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nếu tỉnh Quảng Ngãi có đủ điều kiện, thấy có lợi thì triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi phải lưu ý đến quy mô sân bay để khai thác có hiệu quả.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xin được chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật cảng hàng không Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, sân bay Lý Sơn dự kiến cấp 4C với năng lực khai thác 3-3,5 triệu hành khách mỗi năm.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Quảng Ngãi kỳ vọng sân bay Lý Sơn sẽ trở thành động lực để huyện đảo Lý Sơn khẳng định vai trò hạt nhân ở cả 3 trụ cột kinh tế, du lịch và an ninh, quốc phòng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng, triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Đề án Phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm du lịch biển - đảo.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án bất động sản, thương mại dịch vụ; sử dụng nguồn cải cách tiền lương của tỉnh còn dư khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông... cũng được thảo luận.
Du khách đi thuyền thúng ngắm san hô ở đảo Bé Lý Sơn.
Sau khi nghe đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu kỹ về chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn, nếu có lợi thì giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi hợp tác công tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng để triển khai theo hướng lưỡng dụng, Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ đề xuất bổ sung quy hoạch các sân bay.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương về sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để triển khai các dự án, đồng thời yêu cầu Quảng Ngãi dồn nguồn lực để sớm hoàn thành dự án đường ven biển.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị để khẩn trương triển khai, xây dựng nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kết nối với Khu kinh tế Dung Quất, hoàn thành trong 6 tháng sau khi xong thủ tục. Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý chủ trương triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hướng 2 tỉnh lo giải phóng mặt bằng, ngân sách Trung ương bố trí cho phần xây lắp.
Về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2025, lãnh đạo Chính phủ cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ tỉnh Quảng Ngãi đề ra. Trong đó, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tỉnh cần thực hiện như: tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoàn thành trong tháng 2 để đi vào vận hành từ tháng 3; sớm ban hành kế hoạch tổ chức, triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Đồng thời, tỉnh cần xây dựng kịch bản tăng trưởng để phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 8,5%; thúc đẩy hợp tác công tư để thu hút nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy lợi thế của khu công nghiệp VSIP.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, chú trọng phát triển nhà ở xã hội với đặc thù có các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn như Dung Quất, VSIP, các khu liên hợp thép Hòa Phát; chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, cần quyết liệt chống khai thác IUU và phát triển hạ tầng ngành thủy sản.