Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch Quảng Ngãi và Tạp chí Du lịch TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Ngày 19/11, trong khuôn khổ Tọa đàm với chủ đề: “Du lịch cộng đồng Ocop - Kết nối thiên nhiên văn hóa Quảng Ngãi”, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã ký kết với Tạp chí Du lịch TP.HCM về nội dung thỏa thuận hợp tác truyền thông du lịch trên miền đất “Núi Ấn, sông Trà”. Lễ ký diễn ra tại vườn sinh thái An Bình, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng biên tập Nguyễn Thị Thu Hà và Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng trao văn bản ký kết hợp tác dưới sự chứng kiến của hơn 30 doanh nghiệp lữ hành đến từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tại buổi lễ ký kết, hai bên thống nhất phối hợp hợp tác về thông tin, truyền thông các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch trên địa bàn Quảng Ngãi nhằm giới thiệu, quảng bá danh lam, thắng cảnh, văn hóa và vẻ đẹp con người thân thiện, mến khách nơi đây.
Sau ba ngày tham quan một số điểm đến của Quảng Ngãi, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM cảm nhận, những sản phẩm du lịch nơi đây phác thảo rõ nét về con người, văn hóa, lịch sử một vùng đất giàu tính nhân văn, dày đặc các điểm di tích lịch sử, văn hóa. Cách tiếp cận của những người làm du lịch Quảng Ngãi cũng rất riêng: sâu sắc, khoáng đạt. "Thông qua các sản phẩm du lịch, tôi cảm thấy được cung cấp khá đầy đủ về góc nhìn lịch sử, độ sâu trải nghiệm và được thấy chân dung rõ nét con người Quảng Ngãi: giản dị, hồn hậu, tận tụy và hết lòng", bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch, đại sứ văn hóa, lịch sử của một vùng đất trong các tour trải nghiệm ở điểm đến Mỹ Lai, hay ở làng Gò Cỏ - Sa Huỳnh đều để lại cho du khách những ấn tượng thực sự khó quên. "Với vai trò là một đơn vị truyền thông quảng bá du lịch, chúng tôi mong muốn chia sẻ cách làm và kinh nghiệm đó, cùng góp sức đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến đáng lưu tâm trong hành trình lựa chọn điểm đến của du khách cả nước”, bà Hà nói.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị lữ hành trong nước cũng đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhiều điểm đến hội đủ điều kiện dể phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái. Do vậy, việc Tạp chí hợp tác với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi để truyền thông điểm đến là cơ hội để quảng bá toàn diện nguồn lực văn hóa, ẩm thực, dịch vụ và cảnh sắc của mảnh đất đến với không chỉ du khách các tỉnh phía Nam mà còn lan tỏa đến du khách trong nước và quốc tế.
Theo Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, việc quảng bá được thể hiện trên các phương tiện truyền thông của Tạp chí in, báo điện tử, fanpage,...với các nội dung: Hoạt động triển khai Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi từ nay đến năm 2030.
Các sản phẩm du lịch MICE, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái – nông nghiệp,... nhằm tăng cường nâng chất và phát triển điểm đến phục vụ du khách; phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi.
Việc hợp tác truyền thông nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch Quảng Ngãi, tiếp cận ngày càng gần, sâu rộng, phổ quát hơn với các nhóm đối tượng độc giả đa dạng đang công tác trên các lĩnh vực. Tạp chí phối hợp tác nghiệp, phản ánh kịp thời về các sự kiện, hoạt động để truyền thông thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Ngãi; chiến lược phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2030.
Trong số đó, Tạp chí tập trung quảng bá các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Quảng Ngãi gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái – nông thôn – cộng đồng và một số tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, sản phẩm quà lưu niệm, ẩm thực Quảng Ngãi; Các hoạt động phát triển du lịch theo chương trình du lịch xanh; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý du lịch tỉnh Quảng Ngãi; quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Tạp chí còn tuyên truyền các hoạt động phối hợp liên ngành, liên địa phương, liên vùng và hợp tác xúc tiến quảng bá, phát triển du lịch trong và ngoài nước theo hướng đa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế quốc gia và thế mạnh đặc trưng của vùng, miền trong cả nước.
Tạp chí đẩy mạnh tuyên truyền chương trình hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước theo hướng hợp tác đa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế quốc gia và thế mạnh đặc trưng của từng vùng, miền trong cả nước. Định kỳ xuất bản hàng tháng có từ 2-8 trang nội dung quảng bá các chương trình, sự kiện, hoạt động của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, hoặc giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch của địa phương.
Sáng 19/11, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Du lịch cộng đồng, OCOP - Kết nối thiên nhiên, văn hóa”. Chương trình thu hút hơn 30 doanh nghiệp đến từ các thị trường Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Đây là dịp kết nối để các doanh nghiệp chuyên khai thác dòng sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn, sinh thái…. đồng hành giới thiệu, quảng bá đưa khách du lịch quốc tế đến với Quảng Ngãi.
Liên tục ba ngày qua, các đơn vị đã gia chương trình Famtrip, trải nghiệm các điểm đến như: Bàu Cá Cái, rừng dừa nước Tịnh Khê, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, làng cổ Gò Cỏ...
Các doanh nghiệp lữ hành đều nhận định Quảng Ngãi có tiềm năng rất lớn để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, OCOP như: Các làng rau sạch, làng hoa, vườn cây ăn trái kết nối với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, các điểm di tích văn hóa lịch sử phong phú của địa phương.
Quảng Ngãi được thiên nhiên ưu đãi trên hơn 130 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, thơ mộng với những bãi cát trắng mịn hòa quyện với mây trời như: Bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Sa Huỳnh, bãi biển Bình Châu. Đặc biệt, địa phương này có huyện đảo Lý Sơn, “cái nôi” của quê hương Hải đội Hoàng Sa. Huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc này có hệ thống miệng núi lửa cổ độc đáo dày đặc cả trên bờ lẫn dưới nước có niên đại hàng triệu năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết chương trình Famtrip “Du lịch cộng đồng, OCOP - Kết nối thiên nhiên, văn hóa Quảng Ngãi” là cơ hội tuyệt vời để các đơn vị lữ hành, du khách khám phá những địa điểm du lịch mới, đồng thời góp phần hỗ trợ cho cộng đồng địa phương phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, du khách cũng đã có cơ hội trải nghiệm các hoạt động cộng đồng, thăm quan các làng nghề truyền thống và thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái như: Chế biến món ăn, sản xuất gốm, trồng rau…
“Đặc biệt, dịp này các đơn vị lữ hành có dịp trải nghiệm du lịch nông thôn tại các làng quê, tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán của họ. Điều này đã mang đến cho các bạn cái nhìn sâu sắc hơn về mảnh đất và tình người Quảng Ngãi. Chúng tôi hy vọng rằng Chương trình famtrip này sẽ mang lại cho các bạn những trải nghiệm đáng nhớ”, ông Dũng nói.