Những âm thanh hỗn loạn...
Tiếng bíp bíp của máy đo nhịp tim, tiếng thở gấp, tiếng ho không ngừng, tiếng bước chân khẩn trương của đội ngũ y tế, tiếng trấn an, động viên nhau và cả những tiếng khóc.
Ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô lớn nhất Việt Nam, nằm bên trong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (Phường Tân Phú, TP. Thủ Đức), những thanh âm như vậy đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Hơn 100 bệnh nhân Covid-19 nằm trên giường bệnh, vây xung quanh là dây nhợ, ống dẫn, máy móc mà sự sống còn của họ giờ được đo bằng những chỉ số trên màn hình.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường bệnh, nhằm hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, nhóm đối tượng tầng 4 và cũng là tầng cao nhất trong hệ thống điều trị Covid-19 của thành phố.
Tính đến 18/7, bệnh viện có 340 bác sĩ, 1.050 điều dưỡng, 500 nhân viên hỗ trợ. Họ đều là lực lượng tinh nhuệ được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn được hỗ trợ bởi lực lượng đến từ Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, đoàn từ các Sở Y tế Phú Thọ, Hải Phòng,...
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh, được bạn bè gọi vui là “Bác sĩ 91” vì từng điều trị thành công cho bệnh nhân 91 phi công người Anh, bây giờ làm đội trưởng Đội chi viện Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức. Chiếc khẩu trang hằn sâu lên mặt của người bác sĩ, ánh mắt nhìn xa xăm, chứa đầy tâm sự.
Chỉ trong buổi sáng, điện thoại của Bác sĩ Linh reo lên hàng chục lần với những yêu cầu từ bệnh viện tuyến dưới xin chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đêm trước đó, bác sĩ thức trắng gần như cả đêm để hỗ trợ từng ca cấp cứu được chuyển đến, tình huống khẩn cấp xảy ra liên tục khiến nhân viên y tế phải luôn trong tư thế sẵn sàng.
Phó khoa hồi sức cấp cứu chia sẻ với phóng viên: “Các ca bệnh khi đến đây đều là ca nặng hoặc nguy kịch. 1 bệnh nhân nhập viện phải có đến 5, 6 bác sĩ cùng tham gia hỗ trợ, xử lý, cùng nhau bưng bế, đặt ống, nối dây, tiếp xúc rất gần và vì thế rủi ro cũng rất cao. Cứ 5, 10 phút là có một cuộc điện thoại, phải điều phối nhân viên y tế thật nhanh để đáp ứng kịp thời.”
Đang lúc trò chuyện với phóng viên, Bác sĩ 91 nhận được thông tin của 1 ca nặng mới chuyển vào, ngay lập tức Bác sĩ cùng đồng đội lao vào nhận ca và xử lý trong thời gian ngắn nhất. Từ lúc được điều chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang đây, Bác sĩ Linh đã biết đây là trận chiến lớn nhất trong đời mình.
Mỗi ngày tiếp nhận nhiều ca nặng, áp lực thời gian và công việc dồn nén rất cao, rất dễ rơi vào căng thẳng và các trạng thái cảm xúc tệ hơn, nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn cố gắng giữ tinh thần thép để tự vực dậy chính mình và động viên bệnh nhân.
Bệnh nhân chủ yếu trong nhóm tuổi từ 50 đến 60, lúc nhập viện đã miên man, không còn sức để nhận biết được những gì đang diễn ra xung quanh. Sau khi được các Bác sĩ cứu chữa, bệnh nhân mở mắt và chỉ biết khóc. Tin tức về các ca tử vong tăng nhanh khiến bệnh nhân rất hoang mang, khi biết được mình vẫn còn ở lại trần thế, họ cứ hồn nhiên mà khóc như một đứa trẻ.
Có người nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, có người cố nén cảm xúc rồi cũng phải vỡ òa. Bác sĩ và bệnh nhân lúc này chia sẻ cùng nhau một nỗi niềm, đó là hạnh phúc vì vừa trải qua khoảng thời gian tăm tối.
Nữ bác sĩ Mai được điều động từ Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 1, rưng rưng: “Thật sự chị rất sợ. Chị sợ lắm, nhưng vì là người làm việc ở tuyến đầu, chị phải cố gắng và tự trấn an bản thân. Trong đời, đây là lần đầu tiên chị cảm thấy tử thần đến gần đến vậy, chị cảm nhận rõ mình đang kéo bệnh nhân lại từ tay thần chết.”
Khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, ai cũng như ai, lao về ăn uống rồi nghỉ ngơi cho lại sức, không còn thời gian để soi gương và cũng chẳng còn quan tâm đến những điều này. Việc cần để tâm nhất lúc này, là cố gắng động viên nhau để tiếp tế tinh thần cho chính mình, cho bệnh nhân.
Không chỉ phản ứng nhanh, đơn vị này còn phải phản ứng từ sớm. Bệnh viện dự trù cho tình huống các ca nguy kịch chuyển về liên tục, đã bố trí máy thở, hệ thống theo dõi sinh hiệu cho bệnh nhân tại giường các trống, đặc biệt sẵn sàng tối thiểu 10-15 máy ECMO.
Máy ECMO là công cụ thay thế chức năng phổi và phải chạy liên tục trong lúc chờ phổi hồi phục. Khi cho một bệnh nhân sử dụng máy, thời gian sử dụng thường khoảng từ 7 đến 14 ngày. Sắp tới, ngành y tế thành phố sẽ phải huy động máy ECMO và máy thở từ các đơn vị như Đại học Y dược, Vinmec,...
Thạc sĩ, Bác sĩ CK2 Lê Anh Tuấn, PGĐ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và cũng là PGĐ Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết đang huy động sự góp sức từ các đơn vị, sau khi hết nhiệm vụ, các máy móc sẽ được trả về, đảm bảo không gây tiêu phí.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế làm việc tại bệnh viện.
Việc tập trung mọi nguồn lực về đây được Bác sĩ Tuấn giải thích là để giảm tải cho các bệnh viện tuyến dưới, để bệnh viện thực hiện đúng trong khả năng của mình, từ đó giảm được các ca tử vong do Covid-19. Đây không chỉ là mục tiêu đặt ra của riêng bệnh viện, mà còn là nhiệm vụ hàng đầu được cả ngành y tế ưu tiên.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô lớn nhất Việt Nam, các bác sĩ nắm trong tay vận mệnh của các ca nguy kịch. Mỗi ngày ở đây là những cuộc đấu trí căng não, lực lượng tiền tuyến quên đi bản thân chỉ để giảm được con số tử vong trên bản tin. “Các y bác sĩ luôn động viên nhau, rằng đây sẽ là cuộc chiến lớn nhất, dài hơi nhất trong lịch sử,” Bác sĩ Linh trải lòng.