Chương trình nghệ thuật hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại ba điểm cầu truyền hình trực tiếp: Hà Nội, TP.HCM và ĐắkLắk tạo nên âm hưởng hùng tráng của Bản trường ca hòa bình tri ân công đức thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Lần đầu tiên chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Bản trường ca hòa bình” diễn ra tại ba điểm cầu gồm Hà Nội (Trường quay Trung tâm phát thanh - truyền hình Quân đội), tỉnh Đắk Lắk (tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột) và TP.HCM (Hội trường Thống Nhất).
Cầu truyền hình trực tiếp Bản trường ca hòa bình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy, UBND TP.HCM, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp chỉ đạo Trung tâm phát thanh - truyền hình Quân đội, Công ty truyền thông Viettel, Đài truyền hình TP.HCM và Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện.
Đây là một trong những chương trình giao lưu chính luận kết hợp nghệ thuật quy mô hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Tham dự chương trình tại ba điểm cầu có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung…
Chương trình nghệ thuật Bản trường ca hòa bình tái hiện chân thực, xúc động về hành trình 21 năm gian khổ, hy sinh nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Hoàng Duẩn, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Bản trường ca hòa bình” tại hai điểm cầu TP.HCM và ĐắkLắk; tham gia chương trình còn có có nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, Phạm Thế Vỹ, Võ Hạ Trâm, Thảo Trang, Vũ Thắng Lợi, Đăng Dương, Y Joel Knul, Viết Danh, Đỗ Tố Hoa, Đào Tố Loan, Hoàng Hồng Ngọc, Hồng Duyên, Minh Ngọc, Tuấn Ngọc, Thế Dũng, Minh Chuyên, Mai Hiền Xuân, Roda Mick cùng các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đơn vị trong quân đội.
Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Hoàng Duẩn, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Bản trường ca hòa bình” tại hai điểm cầu TP.HCM và ĐắkLắk, cho hay các điểm cầu mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Trong đó, Hà Nội đại diện cho sự chỉ đạo chiến lược và hậu phương lớn trong kháng chiến thống nhất đất nước. Buôn Ma Thuột đánh dấu chiến thắng mở màn, tạo bước ngoặt cho đại thắng mùa xuân 1975. Còn Hội trường Thống Nhất, TP.HCM là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và đất nước thống nhất.
Chương trình được xây dựng dựa trên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh - dấu mốc chói lọi, kết thúc 21 năm (1954 - 1975) đấu tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước vào kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam. Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, cách đây tròn 50 năm, đã chứng kiến khoảnh khắc vỡ oà của cả dân tộc, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc toà nhà này, trở thành hình ảnh biểu tượng cho ngày toàn thắng, đánh dấu giờ phút non sông thu về một mối, đất nước sạch bóng quân thù.
Những chiến thắng liên tiếp của cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy mùa xuân năm 1975 không phải là dễ dàng có được, mà đó là kết quả của cả một chặng đường gian khổ, là chương cuối rực rỡ của bản trường ca hoà bình, thống nhất mà cả dân tộc đã đổ biết bao máu xương, để viết nên trong cuộc trường chinh lịch sử - cuộc trường chinh được dẫn dắt bởi trí tuệ sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh... cùng bản lĩnh can trường, lòng yêu nước nồng nàn của cả dân tộc…
Đây không chỉ là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ dân tộc mà còn là biểu tượng của sức mạnh thời đại, tinh thần đoàn kết quốc tế và nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Hành trình đấu tranh của dân tộc Việt Nam được tái hiện như một bản trường ca bất tử, bi tráng và hào hùng.
Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp giữa các phóng sự lịch sử với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc như âm nhạc thính phòng, múa đương đại, trình diễn thực cảnh, ánh sáng 3D mapping, pháo hoa…
Đặc biệt, tại chương trình có giao lưu với nhiều nhân chứng lịch sử, trong đó có đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ là phi công phi đội Quyết Thắng, người từng dùng máy bay thu được của địch, ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975; và cựu chiến binh Trần Bình Yên, Nguyễn Ngọc Quý, đều là chiến sĩ xe tăng 846, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 Quân Giải phóng.