Chính phủ đã có Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ông có thể cho biết TP.HCM đã có kế hoạch gì để thực hiện nghị quyết này?

Ngày 01 tháng 12 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ với những nội dung rất cụ thể. Trong đó có một số điểm đáng chú ý, đó là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch Thành phố. Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.

TP.HCM sẽ phát triển du lịch theo chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng môi trường thân thiện, an toàn, góp phần gia tăng sức thu hút của điểm đến TP.HCM. Cùng đó là tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, hiệp hội với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ; huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển du lịch Thành phố. Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành cùng toàn thể nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Thực hiện Kế hoạch này, TP.HCM sẽ đạt được những mục tiêu cụ thể nào?

Mục tiêu chung là đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống. TP.HCM trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 TP.HCM đón trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 39 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 244.800 tỷ đồng, đóng góp khoảng 227.500 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 12% GRDP của Thành phố; có khoảng 77.000 phòng lưu trú; tạo ra 186.000 lao động trực tiếp.

Đến năm 2030 TP.HCM đón trên 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 436.200 tỷ đồng, đóng góp 405.300 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 15% GRDP của Thành phố; có tổng số 98.000 phòng lưu trú; tạo ra 230.000 lao động trực tiếp.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch trọng điểm, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thời gian tới, TP.HCM thực hiện việc đánh giá, rà soát lại cơ cấu ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, trong đó chú trọng đến các yếu tố đánh giá về thị trường khách du lịch, tiềm năng khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch, để từ đó có định hướng, giải pháp chỉ đạo đột phá phát triển thu hút nhanh thị trường khách du lịch trong nước, khách quốc tế.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, trao đổi với các du khách đến thăm trụ sở UBND TP.HCM

TP.HCM cũng sẽ đa dạng hoá hình thức, sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng thương hiệu mang bản sắc riêng của Thành phố và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến, nhằm góp phần xây dựng thương hiệu TP.HCM, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp. Chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng điểm đến thông minh và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Xây dựng Thành phố trở thành điểm đến du lịch “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn”, hướng đến việc “Mỗi người dân Thành phố là một đại sứ du lịch”.

Cùng đó, TP.HCM cũng đa dạng hoá, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề Thành phố có thế mạnh, tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp.

Về việc tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch trọng điểm, cụ thể là sẽ triển khai Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 sau khi được phê duyệt gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và của TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; phù hợp với quy hoạch của Thành phố và thống nhất với các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn. Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch; ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch. Chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối với các khu, điểm du lịch Thành phố và các địa phương lân cận. Tập trung khai thác các tuyến du lịch đã liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành. Tiếp tục xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết mới.

Khi phát triển sản phẩm du lịch, TP.HCM sẽ phát triển theo nhóm nào? Chương trình truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch thực hiện như thế nào thưa ông?

TP.HCM xây dựng sản phẩm theo đúng định hướng trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch với nhóm sản phẩm đặc thù gồm: sản phẩm du lịch đường thuỷ, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm, sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội. Nhóm sản phẩm chính gồm: sản phẩm tham quan di tích lịch sử - văn hoá, sản phẩm du lịch MICE, sản phẩm du lịch ẩm thực, sản phẩm du lịch mua sắm. Cùng đó là sản phẩm du lịch bổ trợ: du lịch y tế, sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch Golf.  

Chúng tôi quyết tâm nâng chất các sản phẩm du lịch hiện có của Thành phố (tập trung cho các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, Golf, du lịch tàu biển,…) và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách theo hướng liên kết, tạo sản phẩm mang tính liên kết quận, huyện nhằm khai thác thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ngành du lịch cũng sẽ rà soát, phân tích, xác định thị trường khách du lịch mục tiêu từ đó xây dựng, nâng tầm sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu và đặc tính của từng thị trường; chú trọng phát triển các hoạt động ẩm thực, giải trí, mua sắm… nhằm thúc đẩy du khách tăng thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn tại TP.HCM.

Ngoài ra, sẽ phối hợp các ngành xây dựng đề án phát triển du lịch Cần Giờ thành khu du lịch trọng điểm của Thành phố và của quốc gia, theo hướng mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với tài nguyên rừng, biển và làng nghề truyền thống của cư dân địa phương.

Lễ hội Áo dài thường niên của TP.HCM thu hút hàng nghìn người tham gia

Về tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, sẽ xây dựng và định vị thương hiệu du lịch TP.HCM, thúc đẩy quảng bá thương hiệu du lịch TP.HCM ở nước ngoài thông qua việc tham dự thường xuyên của ngành du lịch Thành phố tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường phát huy các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc xúc tiến quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; kết hợp các hoạt động đối ngoại của Thành phố với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Cùng đó là tập trung quảng bá du lịch TP.HCM thông qua các trang mạng xã hội lớn và các kênh truyền hình trong và ngoài nước về du lịch; chuẩn hóa thông tin quảng bá du lịch, bố trí các quầy thông tin du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga và trên các phương tiện công cộng. Nâng tầm và nâng chất các sự kiện định kỳ hiện có của du lịch Thành phố. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức các sự kiện định kỳ hàng năm, hướng đến mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành điểm đến của các sự kiện.

Năm 2023 là năm đầu tiên TP.HCM tổ chức Lễ hội Sông nước

Thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch TP.HCM đã gặp rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ, TP.HCM có giải pháp gì để hỗ trợ họ phát triển trong thời gian tới?

Đây là vấn đề được nhiều người rất quan tâm. Hôm nay, thông qua Tạp chí Du lịch TP.HCM, tôi muốn thông tin đến doanh nghiệp một số nội dung Thành phố sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới: TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, cụ thể là nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố.

TP.HCM tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý phục vụ người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

TP.HCM tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý phục vụ người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; giao Sở Du lịch tổ chức giao ban định kỳ hàng quý với UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nhằm tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, phối hợp, hỗ trợ Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Thành phố trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các sở, ngành, góp phần phát triển du lịch Thành phố bền vững.

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch gặp nhiều vấn đề về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, TP.HCM sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch thực hiện kế hoạch điều tra nguồn nhân lực du lịch nhằm thống kê, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch tại TP.HCM và định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Đồng thời, rà soát các chương trình đào tạo của ngành để kiến nghị, điều chỉnh, tăng tính thực hành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; cơ cấu lại các chỉ tiêu đào tạo để điều chỉnh nâng cao số lượng, chất lượng lực lượng lao động làm việc trực tiếp, giảm nhóm ngành đại học, phát triển các mã ngành chuyên môn cao hiện đang thiếu nhân sự để bổ sung nguồn nhân lực điều hành chất lượng cao.

Ngoài ra sẽ nghiên cứu tập hợp, xây dựng lực lượng tình nguyện viên gồm những người đã từng phục vụ trong ngành du lịch đã nghỉ hưu, hoặc không còn công tác trong ngành nhưng vẫn còn sức khỏe, người dân tâm huyết hỗ trợ cho các nhóm du khách. Nghiên cứu đề xuất cơ chế đánh giá, phân loại hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM, tạo động lực cho họ phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động du lịch, nâng cao hình ảnh, giá trị, điểm đến TP.HCM.

Chuyển đổi số được xem là một giải pháp quan trọng trong việc phát triển du lịch, cùng với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch, TP.HCM sẽ thực hiện những việc này như thế nào?

TP.HCM sẽ tập trung triển khai Đề án du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; hoàn thiện và nâng chất trang thông tin điện tử, ứng dụng du lịch TP.HCM (app); triển khai sàn giao dịch du lịch nông thôn; thực hiện đề án phân tích, lắng nghe mạng xã hội phục vụ nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và dịch vụ ngành du lịch.

Ngành du lịch được chỉ đạo sẽ triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024. Đổi mới nội dung hợp tác với các cơ quan báo đài trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả truyền thông; tăng cường các kênh truyền thông trực tuyến, kỹ thuật số; phát triển các bài hát và bộ phim có nội dung quảng bá điểm đến Thành phố. Đa dạng các ấn phẩm giấy và số hóa ấn phẩm du lịch, bộ thông tin chuẩn du lịch theo nhiều ngôn ngữ.

Tiếp tục duy trì vận hành, nâng chất cổng thông tin 1022 - nhánh số 8 phục vụ công tác thông tin, hỗ trợ các nội dung liên quan đến du lịch cho người dân, du khách đến với TP.HCM.

Năm mới 2024, thông qua tờ báo xuân của Tạp chí Du lịch TP.HCM, tôi gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến tất cả các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Thành phố trở thành điểm đến du lịch “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn”, mỗi người dân Thành phố hãy là một đại sứ du lịch.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 10/02/2024 07:02 AM (GMT+7)

Trường Sơn (thực hiện)