Thành phố những ngày này thật tĩnh lặng, nhưng bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, mọi hoạt động vẫn diễn ra ở cường độ cao nhất. Được sự cho phép và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM theo chân bác sĩ vào thành trì cuối cùng, ranh giới sinh tử của các bệnh nhân nguy kịch.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM được trưng dụng từ một phần của Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2, tại đây các tầng được sắp xếp theo mức độ nặng-nhẹ từ thấp lên cao. Người bệnh nặng sẽ được chăm sóc đặc biệt ở tầng 2, sau đó giảm nhẹ thì được chuyển lên các tầng trên.
 

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh, được mọi người gọi là “bác sĩ 91” vì từng điều trị thành công cho BN91 phi công người Anh, bây giờ làm đội trưởng Đội chi viện Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức. Bác sĩ Linh túc trực ở tầng 2, vẻ mặt căng thẳng, luôn trong tình thế sẵn sàng vì nhiều ca nguy cấp có thể đến đây bất cứ lúc nào. 

Khoảng 5, 10 phút, điện thoại của Bác sĩ Linh lại reo lên, anh tư vấn về cách chuyển viện sao cho không xảy ra sự cố đáng tiếc, chẳng hạn đảm bảo đủ oxy trên đường, bệnh nhân phải tỉnh táo để khi đến đây có thể nối dây, lắp thiết bị.

Thực tế, các quy trình này rất quan trọng. Bệnh viện Hồi sức đã tiếp nhận một ca thai phụ mang song thai ở tuần 25 của thai kỳ, trước đó chị được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương, bệnh diễn tiến nặng và rơi vào nguy kịch. Sản phụ ngay lập tức được thực hiện ECMO để chuyển viện an toàn trong đêm.

“Khi nhận được yêu cầu chuyển viện, chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh viện cách thực hiện sao cho đảm bảo an toàn, tránh các sự cố. 1 bệnh nhân nhập viện phải có 5, 6 bác sĩ cùng tham gia hỗ trợ, xử lý, cùng nhau bưng bế, đặt ống, nối dây, tiếp xúc rất gần và vì thế rủi ro lây nhiễm cũng rất cao.

Đối với sản phụ mang song thai, vì là trường hợp đặc biệt nên Bệnh viện Hồi sức đã cử bác sĩ cấp tốc đi thực hiện. Tại đây, chúng tôi có trang thiết bị hiện đại, cứu chữa bệnh nhân đến mức tốt nhất có thể, giúp giảm tối đa các ca tử vong,” Bác sĩ Linh chia sẻ.
 

Sản phụ song thai là ca bệnh đặc biệt. Giờ đây, sự sống của chị cũng như hai đứa bé trong bụng, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và máy ECMO (tim phổi nhân tạo). Khi vừa chuyển viện, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, nhịp tim,... luôn ở mức báo động. Bác sĩ Trần Hữu Chinh được phân công phụ trách chính. "Chúng tôi đặt mục tiêu phải đảm bảo sự an toàn cho cả 3 mẹ con", nam bác sĩ chia sẻ. Hiện tình trạng của sản phụ đã tốt dần lên tuy nhiên, diễn biến sức khỏe vẫn rất khó lường.

Bên cạnh hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, bệnh viện còn có máy lọc máu, máy thở, hệ thống máy hiện đại không thua kém bệnh viện nước ngoài, giúp y bác sĩ tự tin chiến đấu với thần chết.
 

Sau khi qua cơn nguy kịch, bệnh nhân sẽ được chuyển lên các tầng cao hơn để nhường lại giường bệnh cho những ca nặng khác. Cùng ca trực đêm với bác sĩ Linh, có bác sĩ Đỗ Quốc Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 và cũng là PGĐ Bệnh viện Hồi sức.

Bác sĩ Linh nhờ bác sĩ Huy phụ trách cho ca bệnh nhẹ hơn được chuyển lên tầng 4. Chỉ trong tuần đầu tiên hoạt động, Bệnh viện Hồi sức đã có 106 bệnh nhân Covid-19 nặng trở về mức độ vừa và nhẹ. Trong số này, có 67 bệnh nhân không cần thở oxy, 39 bệnh nhân còn thở oxy qua gọng kính.
 

Lên tầng 4, tấm chắn giọt bắn của Bác sĩ Huy mờ đục và ẩm hơi nước. Hơi thở, khí nóng và những lo toan được đẩy hết ra ngoài và tồn đọng tại lớp kính này. Bác sĩ Huy cho biết: “Những lúc như vậy là những lúc cần tỉnh táo nhất. Một ca làm việc từ 8 đến 10 tiếng mang theo rất nhiều áp lực, nếu không giữ được bình tĩnh sẽ dễ xảy ra sơ sót, gây hậu quả khó lường.”

Khi một bệnh nhân tỉnh thức sau cơn mê, được chuyển loại và chuyển tầng, cảm xúc chung của họ chỉ đơn giản là khóc như một đứa trẻ. Bao nhiêu đau đớn thể xác và khốn khổ tinh thần theo tuyến lệ mà chảy đi hết, những nhọc nhằn của y bác sĩ cũng trôi theo dòng nước mắt...
 

Ở đây, một cụ bà người Chăm nằm im lặng, tay chân khô ráp, thầm cầu nguyện vì đã qua được cơn khốn khó. Trông bà tỉnh táo nhưng thật ra là trường hợp đáng được quan tâm, “vì nhiều khi trông khỏe khoắn, chứ chỉ cần rút ống thở là lập tức rơi vào nguy kịch.”

Bệnh viện hiện tại có 651 nhân viên, nghe có vẻ nhiều nhưng thật ra là rất thiếu, theo nguyên tắc con số này phải gấp 2, gấp 3 lần nữa. Nhân viên lao công vì tiếp xúc gần, phải cách ly, y bác sĩ đảm nhiệm luôn việc dọn dẹp, khối lượng công việc vì thế tăng lên theo cấp số nhân.
 

Nhân viên y tế chia làm 3 ca, 4 kíp để làm việc. Ca sáng từ 7 giờ tới 14 giờ, ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ và ca đêm từ 21 giờ tới 7 giờ sáng hôm sau. Một tuần nay họ làm việc liên tục nhiều giờ liền, có khi chỉ ngủ 4 tiếng một ngày hoặc ít hơn nếu có những trường hợp khẩn cấp. Ở tầng 4 và 5 khi bệnh nhân đã ổn định, một nhân viên y tế sẽ phụ trách theo dõi 3 đến 4 bệnh nhân mỗi đêm.

Bác sĩ Võ Cao Thái - Khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy, trải lòng: “Suốt thời gian qua tôi chưa biết bên ngoài ra sao, suốt ngày chỉ ở trong phòng cấp cứu để hỗ trợ kịp thời các ca nguy cấp. Có hôm thức trắng, hôm tranh thủ ngủ được 3, 4 tiếng. Dù vất vả nhưng phải cố gắng vì mọi người cần mình trong cuộc chiến này.”
 

Trước những khó khăn như vậy, Bộ Y tế đã có nhiều chính sách cởi mở hơn, chẳng hạn bệnh viện được toàn quyền điều động trang thiết bị bất cứ khi nào. Nhà hảo tâm bên ngoài cũng liên hệ để tiếp tế vật tư y tế, trang thiết bị, đồ dùng và thực phẩm, giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Lực lượng được điều động tham gia tại Bệnh viện Hồi sức là ekip y bác sĩ giỏi, tinh nhuệ, từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu, từ các địa phương bạn như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng,...
 

Tất cả điều tốt nhất đều được ưu ái dành riêng cho Bệnh viện Hồi sức, chỉ để đội ngũ bác sĩ tập trung chuyên môn, giảm đến mức tối đa số ca tử vong trên bảng thông tin.

Đôi khi những âm thanh khó chịu lại khiến chúng ta dễ chịu. Đôi khi tiếng máy thở dội liên tục bên tai, tiếng người bệnh rên la vì đau, vẫn tốt hơn sự im lặng đến ám ảnh khi một ca bệnh không qua khỏi.

Nửa đêm ở tầng 2, không khí tĩnh mịch bao trùm khi một bệnh nhân 85 tuổi có nhiều bệnh nền đã vĩnh viễn ra đi. Nhân viên y tế thực hiện quy trình xử lý nghiêm ngặt đối với ca bệnh tử vong, không để lây lan virus ra bên ngoài, rồi chuyển đi làm thủ tục, báo về cho gia đình.
 

Bác sĩ Linh quay mặt đi để giấu nước mắt. Là người làm việc trong ngành y, không ít lần thấy cảnh tử biệt, nhưng bác sĩ Linh không thể không xúc động và cảm thấy có phần trách nhiệm của mình.

Đêm dần về muộn, nhân viên y tế chuyển sang dọn dẹp, làm vệ sinh cho hành lang, phòng bệnh, các khu điều trị. Bất cứ nơi nào cũng có thể làm chỗ tựa lưng, nghỉ ngơi. Dù chỉ là giấc ngủ ngắn hay chợp mắt trong ít phút, cũng đều rất quý giá.
 

2 giờ sáng, bác sĩ Linh rời khỏi khu hồi sức cấp cứu. Anh chậm chạp và kỹ lưỡng tháo bỏ khẩu trang, đồ bảo hộ, giày dép, mũ nón,... mỗi dụng cụ khi gỡ bỏ đều phải được sát khuẩn. Lớp khẩu trang và dây áo quần bảo hộ hằn kín trên da thịt.

Kết thúc ca làm việc, bác sĩ Linh một mình bước dọc theo hành lang tưởng chừng như dài vô tận. Cũng như lực lượng y tế tại đây, anh mong mọi chuyện rồi sớm qua, để cuộc sống trở lại như bình thường. Anh nhìn ra bên ngoài, đường phố sáng đèn rực rỡ lung linh nhưng không một bóng xe cộ qua lại...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 26/07/2021 14:13 PM (GMT+7)

Bài: Quang Niên - Ảnh: Ngô Trần Hải An