Đầu bếp Trần Thị Hiền Minh sinh ngày 17/08/1974 tại Hà Nội nhưng lớn lên tại TP.HCM. Chị là cháu nội của nhiếp ảnh gia, nhà làm phim Nguyễn Lan Hương (chủ hiệu ảnh Hương Ký nức tiếng một thời trên phố Hàng Trống, Hà Nội). Là một đầu bếp có tình yêu sâu đậm với những món ăn dân gian thuần Việt, chị đã miệt mài giữ gìn, nâng niu, khôi phục những món ăn Việt đang dần mai một.

Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Hiền Minh trong những ngày không khí Tết cận kề.

Xin chào chị Hiền Minh. Cảm xúc của chị trong những ngày này có gì đặc biệt?

Những ngày giáp Tết, tôi quay cuồng với công việc, vừa giảng dạy tại khoa Nấu ăn ở các trường, vừa có lịch đi công tác nước ngoài. Nhưng có một chuyện làm tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi vừa có khóa dạy các em sinh viên của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nấu bánh chưng, bánh tét. Trong các món ăn Việt mà tôi dạy, đây là 2 món lấy đi thời gian của tôi nhiều nhất, gần như là mất nguyên ngày, từ sáng đến tối. Tôi theo sát các em từ khâu chọn lá chuối, lá dong, lau lá, chọn nếp ngon, thịt, đậu, đến cách sơ chế, tẩm ướp thịt, luộc đậu, ngâm nếp…

Nhiều sinh viên nói rằng, hơn 20 tuổi, các em mới được sờ tận tay tấm lá chuối, lá dong. Các em rất hào hứng khi học cách gói bánh tét sao cho đẹp, cuộn lá, cột dây cho chắc chắn, bài bản, khéo léo để không bị bung hay biến dạng khi nấu. Bánh chưng cũng vậy, nhìn thì đơn giản nhưng khi gói, các em mới thấy hết nỗi nhọc nhằn và trân quý thêm món ăn đậm chất Việt ngày Tết. Việc các món ăn thuần Việt có bị mai một hay không, phần nhiều do người lớn chưa biết cách hoặc chưa quan tâm đến việc chỉ dạy, trao truyền bài bản cho thế hệ sau. Chúng ta chỉ gợi được hứng thú nấu món ăn truyền thống ở lớp trẻ khi chính chúng ta là người cận kề, truyền đạt lại một cách dễ hiểu nhất.

Bánh chưng, bánh tét đón Tết do chị Hiền Minh thực hiện.

Và đây cũng chính là lý do chị theo đuổi dòng bánh dân gian và các món ăn thuần Việt, dù đã từng theo học ngành Dược?

Thật ra, tôi chỉ học Dược khi quen ông xã mình. Nhưng vì gia đình có truyền thống nữ công gia chánh, tôi đã sớm được bà nội chỉ dạy các món ăn, bánh trái thuần Việt. Sau khi học Dược xong, tôi lại quyết định theo nghề nấu ăn. Đó là tình yêu và cũng là đam mê lớn nhất của tôi. May mắn, tôi được gia đình ủng hộ và hậu thuẫn nhiều trong nghề.

Điều gì khiến chị tâm đắc nhất khi đứng lớp giảng dạy kỹ thuật nấu ăn cho học viên?

Tôi không áp đặt nhưng luôn gợi mở những suy nghĩ thực tế, mở cho các em một góc nhìn và hướng đi đúng đắn khi lựa chọn gắn bó với nghề bếp. Học viên của tôi rất nhiều em nôn nóng học món Tây, với viễn cảnh sẽ ra nước ngoài hành nghề trong các nhà hàng, tiệm ăn Tây. Thực tế ở trời Tây, họ đâu thiếu đầu bếp. Thậm chí ngay ở Việt Nam, các nhà hàng Tây cũng có xu hướng tuyển dụng đầu bếp Tây. Vì chỉ có đầu bếp nước họ mới hiểu rõ nền ẩm thực và có tay nghề, kinh nghiệm nấu món Tây chuẩn nhất.

Tôi luôn nhắc nhở học trò rằng, một đầu bếp người Việt, trước khi muốn học nấu món ăn các nước khác, nhất định phải biết nấu những món ăn Việt Nam cho thật nhuần nhuyễn, thật ngon, thật bài bản. Đó chính là điều căn bản nhất mà một đầu bếp Việt giỏi phải có. Thế giới luôn coi trọng và tôn vinh các đầu bếp biết yêu chính nền ẩm thực của nước nhà.

Kênh youtube Bếp cô Minh ra đời cũng nhằm mục đích giữ gìn và lan tỏa tình yêu của chị với các món ăn thuần Việt?

Tôi lập kênh youtube Bếp cô Minh cũng chính vì tình yêu và đam mê dành cho các món ăn Việt. Đây là nơi tôi chia sẻ công thức nấu các món ăn Việt Nam, từ món mặn đến các món bánh, các món Tết truyền thống của Việt Nam. Tôi là người trực tiếp lựa chọn nguyên liệu và đứng bếp, hướng dẫn tỉ mỉ, không giấu nghề. Có những món bánh tôi muốn thêm thắt cho đẹp mắt bằng cách tạo hình khác đi, sinh động hơn, ví dụ các món bánh ít, xôi chè…

Món bánh ít làm từ khoai mỡ và món xôi gấc của kênh Bếp cô Minh.

Hiện nay các món bánh dân gian Việt đang được quan tâm, đưa vào các buổi tiệc buffet ở các nhà hàng hay các lễ hội ẩm thực, chị có thấy đây là tín hiệu đáng mừng?

Đó cũng là một điều đáng phấn khởi. Tôi vẫn thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng bánh dân gian cho các bữa tiệc tại gia của những gia đình khá giả ngay tại TP.HCM. Người Việt ngày nay dù chuộng món ăn nước ngoài theo xu hướng nhưng vẫn không quên món Việt. Tuy nhiên, giá cả của những món bánh Việt chưa thực sự xứng đáng với chất lượng. Người Việt luôn đánh đồng bánh Việt với hàng chợ, hàng rẻ tiền, cho dù khi làm bánh, tôi đã lựa chọn nguyên liệu loại nhất, chất lượng cao nhất và mẫu mã cũng đa dạng, bắt mắt nhất. Nếu người Việt cứ giữ suy nghĩ ấy, đến bao giờ bánh Việt mới “có giá” trên thị trường Việt, nói chi thị trường quốc tế.

Có thông tin chị đang lên kế hoạch đưa bánh Việt ra thị trường nước ngoài?

Tháng 3/2023, tôi có chuyến công tác Nhật Bản. Tôi đã thử mang món bánh chuối nướng với nguyên liệu thuần Việt giới thiệu tại hội chợ ẩm thực Nhật. Khách Nhật rất ấn tượng và họ mong muốn được mua tại các siêu thị Nhật. Tôi đã thử liên kết với một người quen chuyên phân phối hàng hóa, thực phẩm Việt tại Nhật, đưa các mẫu bánh chuối nướng sang Nhật để giới thiệu. Hiện tại tôi đang chờ kết quả kiểm định của đối tác Nhật. Nếu mọi thứ suôn sẻ, tôi sẽ tính đến việc bán các món bánh truyền thống khác như bánh da lợn, xôi… Ngoài ra, tôi cũng đã đưa được các mặt hàng gia vị thuần Việt như sốt kho thịt, kho cá, sốt nướng, sốt heo quay bán tại các chợ của người Việt tại Mỹ.

Bánh ít trần, bánh đúc, bánh bột lọc

Hai quyển sách ẩm thực “Hương bếp nhà” (2018) và “Thơm thảo xôi chè” (2023) của chị tạo được ấn tượng tốt trong cộng đồng yêu ẩm thực. Chị có thể nói đôi điều về 2 quyển sách này?

“Hương bếp nhà” là quyển sách tôi giới thiệu đến công chúng những món ăn gần gũi nhất trong những gia đình Việt, với mong muốn gian bếp mỗi nhà luôn là một gian bếp ấm, lúc nào cũng đỏ lửa và đầy hương vị của những món ăn ngon. “Thơm thảo xôi chè” là quyển sách mà tôi và ekip mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện một cách chỉn chu nhất, với phần nội dung và hình ảnh rất chuyên nghiệp. Qua đó, tôi giới thiệu đến mọi người các món xôi chè truyền thống rất ngon từ khắp các vùng miền nước ta, có những món mà ít người biết đến như món xôi trám đen Tây Bắc, xôi vịt Bình Thuận, chè kho, chè bánh canh…Và còn có cả các món xôi chè các nước khác, rất đa dạng. “Thơm thảo xôi chè” chính là món quà tinh túy nhất mà tôi và các cộng sự muốn gửi đến cộng đồng yêu ẩm thực. Nói như ông bà ta, đó là một thức quà “thơm thảo”, đầy ý nghĩa.

Sách ẩm thực Thơm thảo xôi chè của nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh.

Là một đầu bếp, một nghệ nhân bánh dân gian, mâm cơm Tết của gia đình chị hẳn sẽ rất khác biệt?

Cũng không khác biệt lắm đâu! Mọi năm tôi vẫn nấu các món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết: thịt kho Tàu, canh khổ qua, củ kiệu, chả lụa, nem, lạp xưởng, bắp bò ngâm, bánh chưng, bánh tét, xôi chè… Quan trọng là tôi luôn lựa chọn nguyên liệu ngon nhất, tốt nhất sao cho các món ăn thật ngon và lành. Tôi cũng có bí kíp riêng chế biến món ăn để được lâu dù không dùng chất bảo quản. Ví dụ món củ kiệu mang thương hiệu Bếp cô Minh của tôi được làm đặc biệt: ủ lên men với nước dừa tươi và đường, cho ra những tép kiệu thơm giòn, tươi lâu. Năm nay tôi cũng vừa giới thiệu món mới cho mâm cơm Tết: lạp xưởng cá làm từ nạc cá lóc, cá basa thơm ngon không kém lạp xưởng thịt hoặc tôm.

Món củ kiệu lên men từ nước dừa tươi và đường, món mứt dừa, món bánh gấc truyền thống đón Tết, và món chả lụa mang thương hiệu Bếp cô Minh.

Theo chị, thế nào là một mâm cơm Tết trọn vẹn nhất?

Theo tôi, mâm cơm Tết trọn vẹn nhất là khi có đầy đủ các thành viên trong gia đình hiện diện, quây quần trong những ngày đầu năm. Một mâm cơm Tết mâm cao cỗ đầy hay thiếu thốn món ăn không quan trọng bằng sự có mặt đông đủ của gia đình, ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái. Cuộc sống hiện đại bận rộn đã lấy đi những bữa cơm quây quần thường ngày. Chúng ta chỉ có thể trông chờ một mâm cơm đoàn viên thực sự vào dịp Tết Nguyên Đán. Mâm cơm Tết ấy trọn vẹn từ chính niềm vui được ngồi bên nhau, ăn một bữa cơm nhà với những món ăn truyền thống quen thuộc nhất. Hạnh phúc cũng từ đó mà có, bình dị nhưng rất quý giá.

Xin cảm ơn chị! Chúc chị và gia đình đón một năm mới thật an khang, thịnh vượng!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Chủ Nhật, ngày 11/02/2024 06:22 AM (GMT+7)

Trần Huyền Trang (thực hiện)