Về làng tranh dân gian xứ Huế để thấy Tết đang đến thật gần

Ở ngã ba Sình của xứ Huế, có một làng quê lưu dấu biết bao ký ức của ông cha. Đó là làng Sình nổi danh gần xa với hội vật truyền thống, với dòng tranh làng Sình...

Ở ngã ba Sình của xứ Huế, có một làng quê lưu dấu biết bao ký ức của ông cha. Đó là làng Sình nổi danh gần xa với hội vật truyền thống, với dòng tranh làng Sình...

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày hội vật mùng mười tháng Giêng”, câu ca ấy lưu truyền trong dân gian để nhắc nhở bà con, du khách thập phương rằng ngày 10 tháng Giêng nhớ về làng Sình xem sới vật truyền thống. Ở làng Sình (còn gọi là làng Lại Ân), ngoài hội vật còn nổi tiếng với dòng tranh dân gian làng Sình hàng trăm năm qua. Đó là đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô Huế.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 1

Tranh làng Sình mộc mạc, đậm chất làng quê.

Ngôi làng này nằm ở ngã ba Sình, thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là địa chỉ được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn tham quan khi đến mảnh đất xứ Huế.

Những ngày cận kề cái Tết Nguyên đán, ở ngôi làng này tất bật với công việc làm ra những bức tranh dân gian phục vụ thị trường dịp Tết đến xuân về. Du khách khi về làng đã cảm nhận được không khí Tết đang đến gần.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 2

Tranh về chủ đề nhân vật.

Theo người dân ở hạ lưu con sông Hương, nghề này hoạt động quanh năm, nhưng dịp Tết là lúc bận rộn nhất. Cũng như những hoạt động sản xuất khác trong xã hội, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng ít nhiều đến làng nghề. Tranh Sình được làm ra với số lượng cầm chừng hơn trước.

Tháng Chạp, ghé thăm nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, ông đang loay hoay in những bức tranh, xung quanh tường treo nhiều bức tranh khác nhau. Người đàn ông trải qua 75 mùa xuân này nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về làng nghề truyền thống độc đáo này. Nơi đây cũng đã trở thành địa điểm quen thuộc được nhiều du khách tham quan, tìm hiểu về làng nghề, tự tay thực hiện việc in tranh...

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 3

Gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước có nhiều đời theo nghề làm tranh làng Sình.

Một số tài liệu ghi chép lại, vào khoảng từ 300 đến 400 năm về trước, trong dòng người theo chân chúa Nguyễn vào vùng đất Thuận Hóa lập nghiệp, có người mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản đến định cư ở làng Sình.

Thời ấy, dân làng Sình lấy nghề trồng lúa, đánh bắt cá làm kế sinh nhai. Tranh thủ thời nông nhàn, họ làm tranh để phục vụ các lễ của làng và dâng lên lễ chốn cung đình. Nghề dần phát triển và được nhiều người biết đến.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 4

Một thời nghề làm tranh đã nuôi sống biết bao nhiêu gia đình, ăn sâu vào đời sống văn hóa của dân làng.

Các nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị nghệ thuật và giá trị trong đời sống tâm linh của tranh làng Sình. Nét nổi bật của tranh này so với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như Hàng Trống, Đông Hồ... không phải ở sự cầu kỳ, mà bởi nét vẽ mộc mạc, đơn sơ và đậm chất làng quê.

Trải qua hơn hàng trăm năm, tranh làng Sình cùng tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở phía Bắc, tranh dân gian Nam Bộ tạo nên giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống quý giá.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 5

Các bản khắc để in lên tranh.

Nghệ nhân Phước tiết lộ, nghề in tranh này không khó nhưng cũng không dễ. Đây là loại tranh thờ cúng nên người làm tranh cần có cái tâm. Tranh Sình không phải là loại tranh độc bản, tùy thuộc vào khả năng cảm thụ màu sắc, kỹ năng vẽ tay và cảm xúc của nghệ nhân cho ra các dị bản.

Bức tranh hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn. Mỗi bức tranh làng Sình là một khuôn gỗ hoàn chỉnh với những hoa văn, hình thù khác nhau nên trước khi in tranh, người làm phải tạo ra được mộc bản.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 6

Làng Sình nổi danh gần xa với hội vật truyền thống, với dòng tranh làng Sình...

Dòng tranh làng Sình được tạo nên từ các bản khắc như 12 con giáp, Bát Âm (8 cô gái chơi nhạc cụ), Con Ảnh (tranh cúng thế mạng)... Các bản khắc này được làm bằng gỗ mức, đào,...

Khi có khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh phết lên bản mộc lớp mực đen, dùng giấy dó để in tranh thô. Tranh mang phơi để mực khô, rồi vẽ các họa tiết bằng loại mực được làm bằng cách trộn lẫn một số loại nhựa cây với nhau tạo nên những màu sắc đặc biệt.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 7

Các em học sinh làm quen với tranh làng Sình.

Ngoài màu chính được in từ khuôn, những màu sắc còn lại được vẽ hoàn toàn bằng tay nên mang đậm dấu ấn cá nhân, không có bức nào giống nhau.

Nội dung tranh chủ yếu xoay quanh các chủ đề như tranh nhân vật, đồ vật và súc vật… Bên cạnh đó, còn sáng tạo thêm một số chủ đề mới để phục vụ du lịch.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 8

Trò chơi dân gian Bịt mắt nữ được đưa vào tranh vẽ.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có khoảng 200 hộ làm nghề in tranh Sình, riêng làng Sình chiếm khoảng 70 hộ. Công việc này vừa mang lại thêm thu nhập, đồng thời duy trì nghề truyền thống của cha ông.

Có 10 đời theo nghề in tranh làng Sình, gia đình của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được xem là những người có công lớn đưa nghề tranh Sình từ bờ vực của sự lụi tàn đến hồi sinh.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 9

Trẻ em thích thú xem tranh Sình.

Nghệ nhân Phước, truyền nhân đời thứ 9, tâm sự rằng, một thời nghề làm tranh đã nuôi sống biết bao nhiêu gia đình, ăn sâu vào đời sống văn hóa của dân làng. 

Sau năm 1975, dòng tranh này dần bị mai một, nhiều bản khắc cũ bị mất, kỹ thuật chế tạo màu tự nhiên không còn. Đến 20 năm sau, tranh Sình mới được phục hồi.

ve lang tranh dan gian xu hue de thay tet dang den that gan - 10

Tranh dân gian làng Sình trải qua hàng trăm năm tồn tại.

Nghệ nhân Phước cũng đã bắt tay vào truyền dạy cách khắc bản vẽ cho con em trong làng như là cách để cái nghề làm tranh làng Sình không bị mai một theo thời gian.

Cuốn theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, có những thứ trong quá khứ dần bị bỏ lại theo năm tháng. May thay, một số làng nghề ở mảnh đất cố đô, trong đó có nghề làm tranh làng Sình, đang từng ngày hiện diện trong thời hiện đại, làm cho cái Tết truyền thống của dân tộc thêm sự đa dạng, mang đậm dấu ấn Tết xưa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT