Kịch kinh điển Hy Lạp "Antigone" lên sân khấu Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

"Antigone" từng được chuyển thể dưới nhiều dạng thức từ phim, opera, kịch… Nhưng đến giờ, nàng Antigone mới chính thức "nói tiếng Việt".

Một tác phẩm nhưng có tới 6 đạo diễn tham gia dàn dựng. Mỗi người mang tới một bản diễn khác nhau, với những góc nhìn về “Antigone” - tác phẩm kịch kinh điển của Hy Lạp cổ đại.

Dự án do Viện Goethe tại Việt Nam kết hợp Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện, sẽ lần lượt được công diễn/công chiếu từ nay đến tháng 2/2022.

Kịch kinh điển Hy Lạp "Antigone" lên sân khấu Việt - 1

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở diễn “Antigone” của đạo diễn Bùi Như Lai

Không dễ làm kịch 2.500 năm

Được viết vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN, “Antigone” là một trong những tác phẩm kinh điển của nhà viết kịch Hy Lạp vĩ đại Sophocles. Antigone là đại diện cho một trong những nữ nhân vật chính mạnh mẽ nhất trong lịch sử sân khấu thế giới.

Tác phẩm xoay quanh nàng Antigone - con gái của vua Oedipus ở thành Thebes. Sau khi vua Oedipus qua đời, hai con trai của ông là Eteocles và Polynices giết hại lẫn nhau để tranh giành quyền lực.

Cả hai đều chết. Người chú là Creon đã kế vị Oedipus. Do người anh Polynices dùng lính ngoại bang để đánh đoàn quân nội bang của người em, nên Polynices bị vua Creon coi là kẻ phản bội và không cho chôn cất sau khi chết. Bất cứ ai làm trái ý vua sẽ bị tước mạng sống.

Bất chấp điều đó, nàng Antigone vẫn kiên quyết mai táng cho người anh của mình. Antigone sẵn sàng bất chấp luật pháp vì tin rằng, mình đang làm theo ý muốn của các vị thần.

Câu chuyện của hơn 2 thiên niên kỷ, có quá nhiều thứ để tưởng tượng. Chất liệu để dàn dựng sẽ là “mảnh đất màu mỡ” để các nghệ sĩ bộc bạch được kỹ năng biểu diễn, sáng tạo. Khán giả cũng thỏa sức tưởng tượng.

Đạo diễn Sĩ Tiến

Bị phát hiện, Antigone bị vua Creon ra lệnh nhốt và bỏ đói nàng. Antigone đã treo cổ tự vẫn. Đau lòng trước cái chết của nàng, người bạn trai là Haemon - con trai của Creon cũng tự tử theo.

Suốt 2.500 năm qua, tấn bi kịch trong tác phẩm đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho biết bao nhà làm phim, sân khấu trên thế giới.

“Antigone” từng được chuyển thể dưới nhiều dạng thức từ phim, opera, kịch… Nhưng đến giờ, nàng Antigone mới chính thức “nói tiếng Việt”.

Chia sẻ về lý do quyết định dựng “Antigone” ở Việt Nam, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe cho biết, tác phẩm có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng Việt Nam, nhưng có nét tương đồng với nàng Kiều của Nguyễn Du.

Cả nàng Kiều và Antigone đều xuất thân từ gia đình gia giáo, phải đưa ra các quyết định mang tính luân lý đạo đức và gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực trong xã hội. Cùng đó, dù nhiều năm trôi qua nhưng hai tác phẩm đều có tính thời đại.

“Vở kịch còn nguyên giá trị thời đại khi nói về lòng trung thành với Tổ quốc, gia đình, về phẩm giá con người, sự đoàn kết và dòng chảy xã hội, tầm quan trọng của cá nhân trong xã hội… Tất cả để chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi về nghiệp, số phận”, ông Wilfried Eckstein cho hay.

Đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự, vở kịch được viết cách đây 2.500 năm không dễ làm, nhất là khi cách nhìn của người phương Đông và phương Tây về tác phẩm có sự khác nhau.

Ban đầu, anh muốn có sự giao thoa Đông - Tây nên mời đạo diễn người Đức Amélie Niermeye tham gia dự án. Nhưng do dịch bệnh nên nữ đạo diễn không tới được Việt Nam.

Ê-kíp đổi kế hoạch, mời nhiều đạo diễn ở các loại hình khác nhau. Có 6 đạo diễn cùng đưa “Antigone” tới công chúng Việt, gồm Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Hòa An, Trần Minh Hải và Hà Thúy Hằng.

Người dựng kịch nói, người múa đương đại

Kịch kinh điển Hy Lạp "Antigone" lên sân khấu Việt - 2

Đạo diễn Trần Lực dựng theo phong cách kịch ước lệ biểu hiện

Đáng chú ý, mỗi đạo diễn sẽ mang tới một tác phẩm khác nhau với những góc khai thác khác nhau. Đạo diễn Bùi Như Lai tiếp tục thế mạnh với kịch nói.

Anh cho biết, áp lực nhất là làm sao để tác phẩm trở nên sống động, mạnh mẽ trên sân khấu. Anh đặt ra các vấn đề để giải quyết như quyền lực, tình yêu, tính đương đại.

Nam đạo diễn tiết lộ, các nhân vật trong vở diễn sẽ mặc trang phục đương đại để mang tính thời đại. Về trang trí sân khấu, anh dùng nhiều tre và thang, vừa mang tính dân tộc, vừa biểu tượng cho sự quyền lực.

Với quan điểm sân khấu như “chảo lửa”, bản diễn của Bùi Như Lai được mô tả “rất mạnh, có thể khiến người xem khó chịu, ngạt thở”. Anh cũng để vở diễn thuộc về khán giả, để khán giả định đoạt số phận, tinh thần, tình yêu của Antigone.

Tại TP.HCM, đạo diễn Lê Hòa An lại có cách diễn giải khác để tiếp cận khán giả trẻ. Tác phẩm của cô là phiên bản Việt hóa với tên gọi “Bức chân dung”, cảm tác từ hồi 1 của “Antigone”.

Vở khai thác các chất liệu văn hóa, lịch sử với bối cảnh Sài Gòn thập niên 70, xoay quanh cô gái Sài Gòn ngoài 20 tuổi, đứng trước những xung đột nội tâm và xung đột trong gia đình rối ren.

Bản dựng của Hòa An theo dạng kịch nói đối thoại cộng đồng, mở ra những trải nghiệm đối thoại với khán giả, nhà chuyên môn, hoạt động xã hội về chủ đề “đi tìm bản dạng cá nhân”.

Trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động đối thoại cộng đồng sẽ diễn ra trên nền tảng online, để tiếp cận đông đảo khán giả nhiều hơn.

Riêng đạo diễn Trần Minh Hải lại chọn múa đương đại để thể hiện. Tác phẩm của cô lấy tên “A Woman”, với điểm chạm đầu tiên là ba người con gái cùng đọc tác phẩm và nhận ra những tư tưởng ấn chứa trong đó. Những bi kịch, ham muốn, tương tác giữa con người… thời điểm đó không xa lạ với thời đại ngày nay.

Hay đạo diễn Hà Nguyên Long lại mang tới trải nghiệm mới khi bản dựng được trình hiện dưới dạng online. Bản dựng tái hiện “Antigone” trong quang cảnh có tính hậu tận thế, đặt trong bối cảnh giả định mà thành Thebes tồn tại trên không gian số.

Trong khi đó, thông qua ngôn ngữ kịch ước lệ biểu hiện, nhóm của đạo diễn Hà Thúy Hằng lại tập trung vào yếu tố cái chết trong tác phẩm.

Cô khẳng định, bản diễn của mình sẽ không nhấn mạnh quá nhiều vào bi kịch mà sử dụng bi kịch để làm bàn đạp cho những vấn đề khác. Vở diễn đưa ra những giả định xoay quanh cái chết. Các nhân vật được hoàn toàn tự do trong một không gian giả định, sẽ kể lại những thân phận trong không gian ấy.

Đạo diễn Trần Lực cũng theo đuổi ngôn ngữ kịch ước lệ biểu hiện. Với anh, đây là tác phẩm mang tính bi hùng nên sẽ làm nổi bật sự mạnh mẽ của nàng Antigone.

Sân khấu không có cảnh trí, chỉ tồn tại hai màu đen - trắng. Các nhân vật trong vở mặc trang phục Hy Lạp cổ đại. Trong thời lượng 60 phút, các tình huống kịch sẽ được đẩy tới tận cùng để bật lên tâm lý nhân vật.

Theo đạo diễn Trần Lực, ngày nay, các sân khấu trên thế giới vẫn dựng “Antigone”. Mỗi nghệ sĩ có cách tiếp cận, quan điểm riêng.

Trong dự án có 6 đạo diễn, mỗi người lại chọn cách kể chuyện riêng. Có người kể bằng múa đương đại, người đa phương tiện, người kịch nói… Những thể nghiệm này làm “Antigone” hấp dẫn hơn.

“Sẽ có người thích và người không, nhưng mục đích cốt yếu để mọi người tiếp cận được tư tưởng trong tác phẩm. Tôi hy vọng sau dự án, tác phẩm của mình sẽ tiếp tục được khai thác bán vé”, đạo diễn Trần Lực bộc bạch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hồ An (Báo Giao thông)

CLIP HOT