Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ chuyến công tác Tây Nguyên đầu tiên vào năm 1982, tới nay, ông đã chẵn 40 năm ở Tây Nguyên, thành người Tây Nguyên, chết với cái danh "Hùng Tây Nguyên".

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 1

Nhà thơ Văn Công Hùng. Ảnh: Nguyễn Hồng Vĩnh

"Pleiku như chân trời định mệnh

Xa ngái nào cũng thấp thoáng mây trôi…"

2 câu thơ trong bài "Những buổi chiều không mất" của nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng có lẽ như lời tự thuật “định mệnh” về chính ông: một cuộc đời gắn với Tây Nguyên, dù đi tận chân trời xa ngái nào vẫn luôn tự hào là người xứ mây vờn núi.   

Cú đi định mệnh

Cú đi công tác Tây Nguyên đầu tiên của tôi là năm 1982.

Trước Tết năm đó, tôi lên Gia Lai - Kon Tum nhận công tác ở Ty Văn hóa Thông tin. Khi ấy chưa biết Tây Nguyên là gì, mở bản đồ thấy Pleiku gần Huế nhất, mà lại thích câu hát "Em Pleiku má đỏ môi hồng", rồi 4 thằng bạn thân muốn mãi chơi với nhau nên phải tìm nơi sẽ nhận cả 4. Thế là chọn. Kết quả, mình tôi đi, ba đứa kia ở lại.

Cú công tác ấy vui. Đương lơ vơ chả biết làm gì ở cái cơ quan hành chính, mà như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hát cho đương kim bộ trưởng Trần Hoàn nghe là “Ơi cái ngành trời ơi đất hỡi”, thì có đoàn công tác của Viện Văn hóa dân gian ngoài Hà Nội vào điền dã. Có người trong đoàn ngỏ ý tìm người biết chạy máy nổ để đi cùng đoàn, tôi hỏi anh họa sĩ cùng phòng: Ông biết chạy máy nổ không? “Cứ giật dây là nó nổ chứ gì đâu”, thế là chúng tôi thành chân máy nổ.

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 2

Điệu xoang truyền thống của các cô gái Tây Nguyên trong tiếng cồng chiêng. Ảnh: Văn Công Hùng

Xuống làng, giáo sư Tô Ngọc Thanh, trưởng đoàn, quá ngạc nhiên khi thấy hai ông thợ máy nổ thì một ông cử nhân văn chương, ông kia dân mỹ thuật. Giáo sư hỏi tôi: có thích làm Fonclo (folklore – văn hóa dân gian) không? Tôi nói ngay: Dạ không, mộng của em là lên đây để sáng tác. Ông Thanh khẽ thở dài, chắc nghĩ tôi kẻ ngựa hoi háu đá.

Thế rồi, tới nay, tôi đã chẵn 40 năm ở Tây Nguyên, thành người Tây Nguyên, chết với cái danh "Hùng Tây Nguyên".

Tây Nguyên - Từ chuyện ăn...

Thời kỳ đầu, tôi ở làng nhiều hơn ở cơ quan. Đơn giản, xuống làng thì được... ăn no. Ở Ty Văn hóa có nhiều vải đỏ, loại làm băng rôn cổ động ấy, mỗi lần đi, tôi thường thủ một ít cho vào ba lô, xuống đổi gà, đổi rượu cần vì bà con rất thích vải đỏ. Cứ thế lang thang làng này sang làng khác. Hồi ấy, bà con rất hào sảng, cứ có khách là nấu cho ăn. 

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 3

Ảnh: Văn Công Hùng

Nhưng ở với bà con thì phải biết cách. Một trong những nguyên tắc để đi làng, dự những cuộc mà sau này chúng ta gọi là lễ hội, là phải lăn xả vào ăn và uống với bà con. Lễ Pơ thi họ làm trong khu nhà mả, hàng chục con bò mà chỉ có dăm gùi nước. Tất cả, từ tiết và các thứ trong dạ dày, ruột, bóp chung vào cái nồi, rồi thứ thì gói lá, thứ thì ủ than, nướng sơ lên và chén. Chuột, tắc kè, rắn... rửa rất ít, cứ nướng rồi chén. Các loại thịt cho vào ống nứa, cơ bản là không muối, gác lên giàn bếp, có khách quý mới đổ ra ăn, mà mình là khách quý...

Nhưng ăn mà lún vào đấy rồi say như họ thì không làm việc được. Mà xa cách quá thì chả ai nói chuyện với anh. Tôi có mấy anh bạn nhà văn nhà báo, thi thoảng trách: Đi với ông cứ lún vào ăn nhậu, lúc nào mà về. Kết quả khi về họ chỉ trần sì số liệu trong sổ, còn tôi thì chả sổ sách gì, nhưng có số liệu trong... bụng. Sống và hiểu quan trọng hơn ngồi hỏi rồi ghi.

Tôi từng một mình làm thịt một con chó lúc 8 giờ tối để 10 giờ có ăn, khi ở giữa rừng, chỉ có muối, sả, lá lốt, và một con dao găm. Bữa ấy phục vụ ông anh hùng Núp về thăm lại chiến khu xưa. Trước đây, nơi này là chiến khu, bộ đội hay làm thịt chó. Hòa bình, bộ đội về hết, nên khi mấy ông Kinh quay lại, bà con bắt chó khiêng đến để vừa đãi ông Núp vừa nhớ hương vị một thuở, mà chẳng quan tâm xem ai sẽ làm chó như thế nào.

Chuyến ấy, tôi với anh hùng Núp xuất phát từ Pleiku lúc sáng, định khoảng trưa là tới, thế mà 8 giờ tối mới đến nơi vì qua mỗi làng ông lại la đà vít cần với ghè rượu cùng bà con. Uống suông, chứ không như người Kinh lai rai với cái gì trong nhà, tỉ như con gà. Chuyến đi theo ông Núp kéo dài cả tuần, học được bao điều, dù say bí tỉ. 

Đến nói... tục

Hồi đầu tôi đi sưu tầm truyện cổ dân gian, một bác người Jrai ở phòng văn hóa huyện Chư Păh làm phiên dịch. Có đoạn ông nghệ nhân kể, mọi người lăn ra cười, mấy cô gái đỏ mặt, bác cán bộ văn hóa nghiêm mặt nói gì đấy nên ông nghệ nhân dừng luôn. Tôi cật vấn thì bác cán bộ nhất định không dịch mà chỉ khai: đoạn ấy tầm bậy tầm bạ mà, nó nói tục, lại mê tín nữa, không được đâu, không đúng đường lối.

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 4

Ảnh: Văn Công Hùng

Tối, tôi lôi một anh du kích lõm bõm tiếng Việt, cạy cục ông nghệ nhân dựng lại hoàn cảnh, ráp ngôn ngữ để khôi phục đoạn ấy, ôi trời ơi nó thú vị vô cùng!

Nhờ nó, sau này, tôi giúp một cô học viên đăng ký đề tài thạc sĩ "Yếu tố biển trong sử thi Tây Nguyên", nhưng cả hội đồng không duyệt vì “Tây Nguyên liên quan gì tới biển”. Chỉ tới khi nghe tôi giải thích, họ mới ồ à...

… Rồi chuyện học…

Tôi đi với các bậc trí thức như giáo sư Từ Chi, giáo sư Tô Ngọc Thanh nhiều lần. Mỗi lần đi là một lần học. 

Rồi tôi lại học nhiều với các nghệ nhân cũng phải biết cách. Đấy là những người thông minh, giàu kinh nghiệm và cũng cực đoan, chỉ họ là đúng, làng họ là đúng, dân tộc họ là đúng. Nhưng họ không đi đâu nên cũng không biết nhà khác, làng khác, dân tộc khác thế nào. Vì thế đôi khi tôi bị ghét. Bởi thấy ai sai là tôi ý kiến. Cái sai muôn hình vạn trạng, do liều, do tham đều có cả. 

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 5

Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Văn Công Hùng

Mới đây nhất, một tờ báo Tây Nguyên đăng bài về mâm cỗ của người bản xứ. Sai từ đầu tới cuối, vì tác giả tả “mâm cỗ” Tây Nguyên bằng cách lấy mâm cơm của người Kinh và người Mường cộng lại.

Trước đó nữa thì là chuyện "nhà rông văn hóa". Cả chục năm sai cơ bản, phong trào này mãi mới chấm dứt sau khi đã tiêu cả ngàn tỉ vào đấy. Thế nên, giờ, rất nhiều "nhà rông văn hóa" như thế để không, như cục nợ với đời.

Học nhiều mà còn… hớ

Bài thơ "Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn" của tôi có nhiều người thích và thuộc, trong đó có câu "Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng". 

Một hôm, ông đồng nghiệp nhắn: Khộp là cây nào, chỉ giúp. 

Tìm hiểu ra thì chết thật. Không có cây khộp, mà chỉ có “rừng khộp”, nghĩa là loại rừng nghèo với các cây dầu là chủ yếu. Cũng như ở Nga, rừng Tai-ga là một loại rừng chứ không phải là rừng có cây Tai-ga.

Tôi viết mấy bài báo thanh minh, nhưng câu thơ ấy đã lan truyền nhiều rồi, đành chịu… hớ. Bù lại, nhiều người sau này, kể cả thầy cô giáo dạy văn ở Tây Nguyên, biết thêm cây Xà nu, cây K'nia, cây/ hoa Pơ lang là gì, dù họ dạy ngày này sang năm khác. 

Thế nên tôi tự nhận là…

Một hôm tờ Reatimes mở mục Rea Blogs, mời các nhà văn nhà báo nổi tiếng giữ mục hằng ngày. Nhà văn Nguyễn Thành Phong, người giữ trang, đặt cho mỗi người một biệt danh để gắn vào mục. Như "Chuyện của Tiến Trọc" là của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, "Chuyện của Tuấn cơm có thịt" là ông Trần Đăng Tuấn - Nguyên Phó tổng VTV, "Chuyện của Lão Tạ" là nhà văn Tạ Duy Anh, "Chuyện của Thiều làng Chùa" là nhà văn Nguyễn Quang Thiều v.v.

Còn tôi là "Hùng Tây Nguyên”. Từ đấy tôi chết tên, tới mức có tờ báo giới thiệu tôi ghi rất rõ: Ông từng là người Kinh, sống ở Pleiku. Như thể họ sợ bạn đọc tưởng tôi là người... Tây Nguyên.

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình - 6

Nhà thơ Văn Công Hùng luôn tự nhận mình là Hùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hồng Vĩnh

Hồi đầu, tôi có chút mặc cảm với cái sự Tây Nguyên của mình. Nhưng rồi, Tây Nguyên dạy tôi nhiều điều. Ngày xưa ở đâu thì gần như mắc kẹt tại đó vì giao thông không thuận lợi. Nhưng giờ thì sáng tôi ở Pleiku, trưa bay Sài Gòn nhậu rồi tối bay về để sớm mai cà phê ở Tây Nguyên là chuyện thường.

Đi khắp miền đất nước, bạn bè và những chuyến bay chuyến xe luôn sẵn sàng. Nhưng tôi biết, tôi trở thành tôi bây giờ là nhờ được nuôi dưỡng từ nhiều vùng văn hóa, mà trong đó, tôi luôn tự nguyện nhận mình là: Hùng Tây Nguyên...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Văn Công Hùng

CLIP HOT