Đờn ca tài tử - tiếng lòng của người phương Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch miệt vườn sông nước Nam Bộ, thưởng thức những câu vọng cổ ngọt ngào, đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử giữa không gian xanh tươi, mát lành sẽ là trải nghiệm đáng nhớ cho du khách

Từ là từ phú tướng

Báo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a

(Trích Dạ cổ hoài lang – Cao Văn Lầu)

Đờn ca tài tử là kết tinh của nghệ thuật dân tộc Việt Nam, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ hàng trăm năm qua. Mỗi khi một bản đờn ca tài tử được cất lên, người nghe như thấy được ở đó tiếng lòng cùng những tâm tư, tình cảm của người dân vùng miệt vườn sông nước với những con người trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường.

Tiếng đờn hay tiếng lòng

Đờn ca tài tử được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 trên mảnh đất phương Nam, có nguồn gốc từ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Đình Huế trong quá trình mang gươm đi mở cõi, đã mang theo những điệu thức của nhã nhạc, ca Huế.

Sau những giờ lao động, khai hoang, mở đất, thanh niên nam nữ vùng sông nước miệt vườn Nam bộ lại cùng nhau tụ họp đờn ca, như để bày tỏ nỗi lòng, cũng là để quên đi hết những mệt nhọc vất vả. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện thêm hình thức ca nên gọi là đờn ca.

Đờn ca tài tử - tiếng lòng của người phương Nam - 1

Đờn ca tài tử là loại hình khác hẳn với các bộ môn khác, sàn diễn có thể biểu diễn dưới bóng mát của cây, trên con thuyền trên sông hoặc trong đêm trăng sáng. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đờn ca tài tử được sinh ra từ trong đời sống của nhân dân, nên không hề câu nệ về trang phục, chỉ khi biểu diễn ở sân khấu hay các buổi lễ trang trọng họ mới chưng diện, trang phục phù hợp. Người hát đờn ca có thể tụ họp nhau trên những bộ ván, hoặc chiếu, dưới những bóng cây, trên con thuyền hoặc trong những đêm trăng sáng, tiếng đờn ca cất lên càng thêm thắm đượm, trữ tình.

Theo nghiên cứu của GS.Trần Văn Khê, ngôn ngữ âm nhạc của đờn ca rất tinh vi, mỗi chữ nhạc không có độ cao tuyệt đối hay độ cao tương đối cố định nhưng tùy theo điệu thức hoặc kỹ thuật đờn mà có một cao độ khác nhau: tiếng đờn non là cao độ thấp một chút, tiếng đờn già là cao độ cao một chút, độ cao thấp do thầy dạy và học trò làm theo. Nếu nhấn quá cao hay quá thấp thì bị lạc hơi.

Muốn diễn tả tình cảm, Đờn ca tài tử có nhiều điệu thức khác nhau, trong giới nhà nghề thường gọi là “Hơi”: Hơi Bắc vui tươi; hơi Quảng nhộn nhịp như nhạc Quảng Đông; hơi “Xuân” thanh thản; hơi “Ai” buồn.

Vừa bình dân, vừa bác học

Nói đờn ca tài tử vừa mang tính bình dân, lại vừa mang tính bác học, dường như là có phần mâu thuẫn. Song nghiên cứu kỹ sẽ thấy rằng, hoàn cảnh ra đời của đờn ca tài tử là trong đời sống lao động, nhưng những điệu đờn, lời ca theo những người đi mở cõi phương Nam vốn dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam.

Đờn ca tài tử - tiếng lòng của người phương Nam - 2

Nhạc cụ trong Đờn ca tài tử gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam… Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trên nền tảng ấy, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bản gốc (bài Tổ) gồm: 3 Nam (Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước), 6 Bắc (Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản), 7 Lễ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc), 4 Oán (Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng; 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ). Và 72 bài nhạc cổ, các bài bản này được cải biên liên tục cho 4 điệu, gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bái Oán (diễn tả cảnh ly biệt, buồn đau).

Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song, loan… từ khoảng năm 1930 có thêm đờn ghi ta phím lõm, Hạ Uy Di được cải biên đưa vào nhạc tài tử.

Người thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thày Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến… người đờn (danh Cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh Ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.

Những nghệ nhân bậc thầy nổi tiếng, như ông Nguyễn Quang Đại (nghệ danh là Ba Đọi) hay ông Lê Tài Khị (nghệ danh là Nhạc Khị) được coi là Hậu tổ, sau khi mất đã được cộng đồng tôn vinh, lập đền thờ, học trò hương khói thường xuyên.

Đờn ca tài tử - tiếng lòng của người phương Nam - 3

Biểu diễn đờn ca tài tử cho khách du lịch

Đầu thế kỷ XX, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (còn gọi là Sáu Lầu) đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (Vọng cổ), là một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của Đờn ca tài tử, được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, 4, 16, 32, … đến nhịp 64.

Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường ngồi cùng trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.

Đờn ca tài tử được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ gia đình, dòng họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Người học đờn cần ít nhất 3 năm để học những kỹ năng cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy…học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo ra cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh thành, thành phố phía Nam Việt Nam. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát đờn ca tài tử nhất.

Đối với người phương Nam, nghệ thuật Đờn ca tài tử là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng. Hoạt động văn hóa cộng đồng này đang góp phần phục vụ du lịch bền vững ở địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế.

Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Họ làm nhiều nghề để sinh sống, khi có khách yêu cầu thì tham gia phục vụ văn nghệ.

Với những giá trị to lớn về nghệ thuật, tinh thần, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2013.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bùi Trung Dũng

CLIP HOT