Cuộc hành trình tìm bức chân dung: Tấm lòng thiếu nhi miền Nam với Bác

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vở kịch là câu chuyện xúc động về cuộc hành trình đi tìm bức chân dung Bác Hồ của đội du kích thiếu nhi trong thời chiến tranh loạn lạc.

Tấm lòng người dân miền Nam với Bác

Vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung do Nhà hát kịch TP.HCM thực hiện, tác giả Khánh Hoàng, đạo diễn Hoàng Tấn.

Vở kịch ra mắt lần đầu tiên vào cuối tháng 11/2020 và dự kiến phục vụ khán giả nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên vở diễn đã tạm hoãn.

Nhóm bạn nhỏ Non (Tiến Ngô), Đạm (Tấn Phúc), Liêm (Anh Duy) và bé Ba (Xuân Nghi) đã có cuộc hành trình đầy mạo hiểm tìm kiếm bức chân dung Bác Hồ để làm mẫu khắc tượng đặt lên bàn thờ của Người.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung: Tấm lòng thiếu nhi miền Nam với Bác - 1

Các phân cảnh trong vở kịch

Cả 4 đứa trẻ, đứa lớn nhất chỉ mới 14 tuổi, đều là con của du kích vùng đất Mũi Cà Mau theo gia đình tản cư vào rừng chống chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược của địch. Khi hay tin Bác Hồ qua đời, người dân bí mật làm lễ truy điệu và lập đền thờ Bác giữa rừng.

Dù không biết Bác Hồ là ai nhưng qua lời kể của ông nội, của má, của “chú Ba Bí thơ” và những cô dì chú bác xung quanh mà đám trẻ yêu mến, ngưỡng mộ xem Bác như người thân thương trong gia đình.

Một cuộc hành trình kỳ lạ bắt đầu, khi bọn trẻ đối đầu với sự bố ráp của tàu sắt giặc. Chiếc thuyền mỏng manh bị bắn nát, những đứa trẻ dạt vào một bãi sân chim và gặp ông Ba (diễn viên Thanh Tuấn) - một mình trụ giữa vạt rừng đước dày đặc để làm kết nối cho du kích... 

Ông Ba dẫn tụi nhỏ về ngôi chồi để tìm tờ tiền in hình Bác của đồng chí Sáu Sơn đang giữ. Không may biệt kích chờ sẵn gần chồi. Nhạy bén trước tình thế nguy hiểm ấy, ông lão quyết hy sinh bản thân để bọn trẻ trốn thoát. Trên đường trốn chạy, Non cũng hy sinh để Đạm, Liêm, Bé Ba được an toàn. Cuối cùng Đạm, Liêm, Bé Ba đã tìm được bức chân dung và tìm đường trở về.

Chỉ năm diễn viên chính, một người lớn là nghệ sĩ Thanh Tuấn trong vai ông già gác rừng và 4 diễn viên nhí nhưng vở kịch lôi cuốn người xem không chỉ bởi các cuộc thoát hiểm đầy kịch tính của nhân vật chính trong mạch kịch, mà còn từ diễn xuất tự nhiên và giàu cảm xúc của dàn diễn viên.

Diễn viên Tấn Phúc (đóng vai Đạm) cho biết, đây là vai diễn khá nặng đối với em. “Ban đầu, vai diễn dễ nhưng bước vào hành trình đi tìm bức chân dung đòi hỏi em phải thể hiện tính cách nhân vật rõ nét. Đặc biệt là ở phân cảnh gặp ông già gác rừng, nhân vật Đạm phải thể hiện cảm xúc lo lắng, sợ sệt khi lần đầu gặp ông ấy. Nhưng cuối cùng vai diễn cũng thành công, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả” - diễn viên Tấn Phúc bày tỏ.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung: Tấm lòng thiếu nhi miền Nam với Bác - 2

Qua tác phẩm, khán giả thấy được hình ảnh Bác rất gần gũi và thân quen với chúng ta và hình ảnh ấy luôn ngự trị trong mỗi trái tim con người Việt Nam.

“Vở diễn là góc nhìn của thiếu nhi miền Nam về Bác Hồ. Đó cũng là tinh thần khán chiến bất khuất “một cây vừa ngã xuống sẽ có một cây khác đứng lên” để chống lại sự xâm lược của kẻ thù” - đạo diễn Hoàng Tấn chia sẻ.

Áp dụng “điện ảnh vào sân khấu”

Để tái hiện trên sân khấu trọn vẹn và hướng đến việc khán giả tin vào câu chuyện kịch, đạo diễn Hoàng Tấn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ 3D tạo nên nét riêng cho vở diễn hay nói cách khác là áp dụng “điện ảnh vào sân khấu”.

Với những màn gay cấn như: nhóm nhỏ chèo xuồng đi vào rừng bị tàu sắt tấn công, hay màn bơi trong nước của nhân vật Đạm được đặc tả sinh động nhằm thể hiện mong muốn hướng về một tương lai tương sáng, một ngày đất nước không còn chiến tranh, một ngày được bơi lội trong vùng biển bình yên...

Cuộc hành trình tìm bức chân dung: Tấm lòng thiếu nhi miền Nam với Bác - 3

Đạo diễn Hoàng Tấn cùng các diễn viên

Đạo diễn Hoàng Tấn cho biết, việc áp dụng công nghệ “điện ảnh vào sân khấu” không có nghĩa là tham hay muốn lấn sân sang loại hình nghệ thuật ngôn ngữ được tả bằng hình ảnh mà muốn hướng về yếu tố “nhìn” của người xem.

“Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin chắc rằng đây là tiền đề cho những vở diễn tiếp theo” - đạo diễn Hoàng Tấn chia sẻ.

Là một trong những khán giả đầu tiên xem vở diễn, cô Đoàn Xuân Nhung, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, cho rằng, đay một vở kịch đầy ý nghĩa và phù hợp với thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

“Với nhiều tình tiết ly kì, hấp dẫn, vở kịch như muốn gửi đến khán giả phải biết trân trọng cuộc sống hòa bình hiện tại, bởi để có được cuộc sống như hôm nay thì đã có biết bao người ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc", cô Nhung nói.

Theo cô Nhung, khi xem vở kịch cô thích nhất là phân cảnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào hành động nhảy xuống nước hay bơi xuồng trên sông của các nhân vật. Trong đó ấn tượng nhất là chi tiết nhân vật ông lão cầm bó đuốc dũng cảm chống lại quân xâm lược bảo vệ những đứa trẻ. Vì những cảnh này phần nào tái hiện lại một cách chân thực cuộc sống, lối sinh hoạt trong kháng chiến của người dân Nam Bộ cùng tình yêu thương tha thiết và niềm kính yêu vô hạn dành cho bác Hồ - Người cha già vĩ đại của dân tộc.

Nhà hát kịch TP.HCM là đơn vị mà đạo diễn Hoàng Tấn đang công tác. “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” là vở kịch dài đầu tiên mà anh phụ trách nhằm hưởng ứng cuộc vận động “học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT