Công trình Việt góp mặt trong giải "Oscar kiến trúc" thế giới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trung tâm sự kiện The Veil - White Palace Phạm Văn Đồng (TP.HCM) là công trình duy nhất của Việt Nam góp mặt trong hạng mục Display của Liên hoan kiến trúc thế giới 2021.

Được ví von như giải “Oscar” của ngành kiến trúc thế giới, WAF (World Architecture Festival - Liên hoan kiến trúc thế giới) là một sự kiện quốc tế thường niên danh giá trong lĩnh vực kiến trúc nhằm vinh danh những tác phẩm kiến trúc xuất sắc, nơi các kiến trúc sư tài năng từ mọi quốc gia cùng nhau kỷ niệm những thành tựu kiến trúc trên khắp thế giới.

Năm nay, WAF sẽ chính thức diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào đầu tháng 12 này. Vượt qua hàng nghìn các nhóm thiết kế khác, The Veil - White Palace Phạm Văn Đồng đã trở thành công trình duy nhất của Việt Nam có mặt trong hạng mục Display: Completed Buildings (Tạm dịch là Trình diễn - Công trình đã hoàn thành) tại WAF 2021.

Điểm nhấn kiến trúc Việt

Nói về vinh dự này, kiến trúc sư Nghiêm Đình Toàn chia sẻ: “Lọt được vào danh sách đề cử rút gọn của WAF thực sự là niềm vui rất lớn của chúng tôi. Tuy chưa phải kết quả quá to lớn, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của me+ Architect cũng như cá nhân tôi".

Anh Toàn hy vọng The Veil trở thành một điểm nhấn thú vị cho kiến trúc Việt Nam ở cuộc thi WAF năm nay.

Công trình Việt góp mặt trong giải "Oscar kiến trúc" thế giới - 1

Không gian sảnh đặc biệt với cách xử lý vật liệu độc đáo.

Khi nhận được lời mời tham gia vào dự án trung tâm sự kiện và triển lãm cho thành phố Thủ Đức, me+ Architect bắt đầu bằng những nghiên cứu liên quan đến chức năng của một trung tâm sự kiện và triển lãm. Kiến trúc sư Đình Toàn nhận thấy các hoạt động này dù đa dạng đến mấy cũng có thể tóm gọn trong từ “lễ hội”.

Lễ hội bao gồm 2 phần: Lễ và hội, 2 phần này quan trọng ngang nhau. Tuy nhiên, dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, người Việt ngày nay chuộng lễ nghi hơn hội họp. Đến cả bữa tiệc cũng diễn ra một cách chóng vánh và “ăn cho có lệ” rồi về.

Nhu cầu làm mọi thứ rất nhanh chóng như thế dẫn đến việc xây dựng các trung tâm sự kiện và triển lãm theo kiểu công nghiệp. Kết quả là khi người kiến trúc sư tiếp nhận công trình thì mọi thứ đã được “định đoạt”. Đơn vị đầu tư và vận hành tự bố trí công năng công trình, tiến hành thi công cả trước khi liên hệ với kiến trúc sư.

“Với công trình The Veil, chúng tôi cũng gặp tình huống tương tự. Khi kiến trúc sư tham gia, công trình đã được quyết định từ bố cục đến khối tích, thậm chí dây chuyền công năng đều đã có sẵn", anh Nghiêm Đình Toàn cho biết.

Anh Toàn và đội ngũ me+ Architect phải đương đầu với 2 thử thách. Trên phương diện xã hội, các kiến trúc sư phải cân bằng lại không gian và thời gian dành cho “Lễ” và “Hội”. Nói cách khác là phải tạo ra nhiều không gian cho sự gặp gỡ và giao lưu văn hóa. "Về mặt chiến lược, chúng tôi không thể xây dựng thêm nhưng phải khôn khéo tận dụng những điều kiện sẵn có, làm ít được nhiều”, kiến trúc sư Nghiêm Đình Toàn chia sẻ.

Anh Toàn ấp ủ việc tạo ra một nơi mà ở đó sự gặp gỡ dù là vô tình hay hữu ý giữa con người với con người cũng được nuôi dưỡng không chỉ trong sự tiện nghi, thoải mái, mà còn ở trong cái đẹp, cái lãng mạn và nhờ đó tạo nên cộng đồng gắn kết.

Cảm hứng công trình từ mạng che mặt cô dâu

Lấy cảm hứng từ tấm mạng che mặt của cô dâu trong ngày cưới, nhìn từ bên ngoài, The Veil có thiết kế tấm mạng che trong mờ mỏng manh đầy cảm xúc ôm lấy các đường dạo và tạo nếp cho công trình, từ đó mở ra một không gian huyền ảo bên trong. Ý tưởng này đã góp phần hình tượng hóa công trình cũng như tạo độ sâu cho không gian bên trong.

Thiết kế khiến công trình mang một vóc dáng đặc biệt, được so sánh như cô dâu e ấp sau mạng che, ôm ấp sự khao khát, mong chờ giây phút ngập tràn hạnh phúc trong lễ cưới của cuộc đời.

Công trình Việt góp mặt trong giải "Oscar kiến trúc" thế giới - 2

The Veil được lấy cảm hứng từ tấm mạng che mặt của cô dâu trong ngày cưới.

Ý tưởng này cũng là giải pháp me+ Architect tạo ra để mở rộng tối đa khoảng không gian mở trước phần chính của công trình, qua đó làm tăng tính tương tác giữa con người với con người trong không gian tổ chức sự kiện, hội nghị.

Với tư duy thiết kế mang nhiều giá trị xã hội nhưng vẫn phải giải quyết bài toán khó mà chủ đầu tư đã đặt ra, đơn vị thiết kế đã tạo nên nhiều lớp che, lan ra bên ngoài, để kéo dài những con đường dạo uốn lượn, đóng mở bằng mảng tường thép cong, gợi mở cho khách tham quan trải nghiệm. Nhờ sự mở rộng không gian đệm, công trình có không khí nhộn nhịp, sôi nổi hơn.

Điều này cũng khiến cho kết cấu trước đó từ nặng nề biến chuyển thành các lớp lang nhịp nhàng, uyển chuyển bởi thiết kế bao bọc phần đóng của công trình được tạo ra từ lớp vỏ bao che với vật liệu lưới thép cong màu trắng, được đục lỗ hoa văn cho phép nắng len lỏi vào bên trong.

Kết quả thu được là một không gian đệm chồng lấp lên nhau, mờ dần khi di chuyển vào bên trong. Chính không gian đó đã phá vỡ tính khuôn thước của hình khối công trình kỷ hà, giải phóng hoàn toàn sự đơn điệu thường thấy của đa số công trình cùng thể loại.

Ẩn trong lớp bao phủ trắng, bềnh bồng, không gian nội thất bừng lên với thiết kế gỗ uốn lượn nhịp nhàng, tựa như những con sóng tự do, phóng khoáng, kết hợp mặt trần tráng gương, khiến không gian trở nên vô tận, đem đến hiệu ứng mở rộng và nổi bật trên phương diện thị giác cho không gian đệm.

Đưa kiến trúc Việt Nam sánh vai với thế giới

The Veil được hoàn thiện trong 11 tháng, không chỉ bảo đảm tối ưu chức năng, mà còn tạo nên nhiều giá trị nổi bật về cả thẩm mỹ, văn hóa. Với lối kiến trúc độc đáo, lãng mạn, đây là một trong những trung tâm sự kiện có nhiều người đến check-in, chụp ảnh tại TP.HCM.

Công trình Việt góp mặt trong giải "Oscar kiến trúc" thế giới - 3

Sảnh ballroom ấn tượng được phủ bởi gần 500 chiếc đèn.

Việc được đề cử không chỉ là niềm vinh dự cho me+ Architect, mà còn là vinh dự cho kiến trúc sư của Việt Nam, khẳng định tên tuổi của kiến trúc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong nhiều năm qua, có nhiều công trình do kiến trúc sư người Việt thiết kế giành những giải thưởng quốc tế danh giá. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy các công ty kiến trúc và các kiến trúc sư Việt Nam vẫn đang mất vị thế trên sân nhà, khi các chủ đầu tư ưa chuộng công trình ngoại với các tên tuổi đến từ nước ngoài.

Nhìn nhận về vấn đề này, kiến trúc sư Nghiêm Đình Toàn cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa kiến trúc sư nước ngoài và trong nước là ở quy trình và sự nghiên cứu. Điều này ảnh hưởng đến quá trình xử lý dự án và thuyết phục khách hàng. Do đó, bối cảnh chung của các công trình ở Việt Nam đa phần là vội vàng, thiếu trọn vẹn và triệt để không chỉ về chi tiết mà còn cả ở không gian cũng như khó giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến công trình.

"Bất cứ thời điểm nào cũng tồn tại bối cảnh mới cũ đan xen nhau. Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng một xã hội dù có đặc điểm văn hóa, kinh tế... khác nhau ra sao thì bản thân nó đã là một thực thể hoàn chỉnh. Những yếu tố trên luôn xuất hiện bằng cách này hay cách khác trong quá trình phát triển của xã hội trong hàng nghìn năm qua. Kiến trúc cần phải tìm kiếm và tự trải nghiệm bản thân trong không gian đó", kiến trúc sư Toàn nhận định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Giang (Báo Chính Phủ)

CLIP HOT