Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Về làng mai Thế Chí Tây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo chân nhà thơ Văn Công Hùng, ghé thăm làng mai trăm năm tuổi, nổi tiếng bậc nhất xứ Huế mộng mơ.

Từ Đà Nẵng ra Huế bây giờ rất nhanh, nhanh như một giấc mơ từ sau khi hầm Hải Vân hoàn thành. Giờ lại 2 hầm cho 2 chiều nên cảnh xe bò trong hầm không còn nữa. Vẫn nhớ cái hồi chưa có hầm, xe phải leo đèo.

Đẹp có đẹp, lãng mạn có lãng mạn, những là mây bay, những là gió thổi, những là biển xanh dưới chân... nhưng mấy ai ngồi trên xe khách có thời gian thưởng thức vì còn căng thẳng, còn lo khi xe thì cũ, xấu, mà đèo thì nguy hiểm nhường kia?

Tôi về quê, cách thành phố Huế gần 40 cây số về phía Bắc.

Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Về làng mai Thế Chí Tây - 1

Làng Thế Chí Tây cách thành phố Huế gần 40 cây số về phía Bắc

Vùng này toàn cát, nhưng rất đẹp, nó được kẹp giữa một bên là biển một bên là phá, cái đồi cát ấy mang trong lòng nó mấy làng mấy xã. Nguyên huyện Phong Điền là 5 xã, gọi là Ngũ Điền gồm Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải. Phía dưới là các xã thuộc huyện Quảng Điền.

Làng tôi có tên cũ là Thế Chí Tây, tôi rất thích cái tên làng này chứ không mặn mà với cái tên mới là Điền Hòa lắm. Trong xu thế chung, nghe nói làng sắp lên phường, thành phường Hòa Lộc khi huyện Phong Điền lên thị xã. Thôi thì lên kiểu gì cũng được, miễn là dân được sung sướng hơn, ấm no hạnh phúc hơn, và quan trọng là, nó vẫn mang được cái hồn, cái cốt của làng.

Bởi suy cho cùng, làng bền vững trong lòng văn hóa Việt hàng vạn năm nay. Nó có thể còn nhếch nhác, lạc hậu nhưng sâu xa, nhưng lọc trong nó vẫn là một mạch nguồn văn hóa dân tộc, là những yếu tố nhân văn, là cả những điều mà thành phố, đô thị không thể có được...

Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Về làng mai Thế Chí Tây - 2

Làng Thế Chí Tây được công nhận là làng nghề truyền thống mai cảnh.

Làng tôi ngày xưa có các con ngõ nhỏ, đầy tre. Một lần tôi về, thấy đã chặt trống trơn. Nghe bảo để cho nó... hiện đại. Trước đây, làng có con đường "hạnh phúc" được báo đài nhắc tới nhiều.

Sở dĩ có tên này là nhờ dân làng, nhất là các cặp vợ chồng mới cưới góp tiền làm con đường bê tông giữa làng, hai bên trồng dừa, rất đẹp. Nhưng trồng dừa bên đường lại rất nguy hiểm, bởi quả nó rơi bất thình lình, chưa biết trúng vào ai, nên có vẻ nó đang... thất truyền.

Vừa may, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát động mỗi nhà, mỗi công sở trồng mai trước cửa nhà hoặc cơ quan mình.

Ông Thọ là một trong những chủ tịch tỉnh được dân rất mến và tin tưởng. Tôi ở xa, chưa gặp ông lần nào, nhưng theo dõi những việc ông làm cũng rất mến vị chủ tịch rất vì dân và gần dân này.

Từ chuyện ông vào dự giờ cô giáo, giải tỏa khu Thượng Thành Huế, tới xây dựng Huế xanh - sạch - sáng hay phong trào mặc áo dài ngũ thân..., ông đều làm với một cái tâm rất sáng, dù cũng có người này người kia nói ông làm màu.

Và quả là những gì ông làm cho Thừa Thiên Huế đến giờ đều thiết thực, đều có ích, cần cho dân, cho tỉnh... Hiếm có vị chủ tịch nào được dân lưu luyến và tiếc khi ông về hưu đến thế!

Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Về làng mai Thế Chí Tây - 3

Lần này về quê, tôi cũng đặt may một cái áo dài truyền thống, áo the đen, trọn bộ có... 500.000 đồng.

Làng tôi vốn là làng mai vàng, được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống mai cảnh. Hầu như ai trong làng cũng trồng mai. Và những ông bà nông dân quê tôi ấy, té ra lại rất nghệ sĩ. Nghệ sĩ từ cách chăm mai. Tất nhiên rồi, trồng mai bằng cát, để nó trở thành mai có tên có tuổi như giờ, thì phải có cách trồng, cách chăm, chả khác gì nghệ sĩ.

Dáng thế nào, gốc rễ ra sao... cứ sau giờ làm đồng hoặc sáng sớm, từng nhóm lại ngồi bình phẩm, góp ý từng cây, nhìn ra thế đẹp nhất để giữ, để uốn. Các nguyên tắc là: Nhất thủ, lưỡng tu, hữu hình, hữu vĩ, tứ chi, cửu túc, tứ diện, trung dung... tức là đầu, râu, vẩy... của cây mai đều phải mang thế rồng.

Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Về làng mai Thế Chí Tây - 4

Những hàng mai trồng ở hai bên đường làng

Điều nghệ sĩ thứ 2 là, té ra giá mai Thế Chí rất đắt, năm bảy chục tới vài trăm triệu một cây, nhưng rất nhiều nhà thấy mai đẹp quá thì... không bán, để chơi, dù họ cũng không dư dả gì, nông dân mà. Nghe kể những điều ấy, quả là tôi hết sức khâm phục họ, những người nông dân quê tôi ấy.

Nhưng giờ, mai không còn chỉ trong sân trong vườn, mà đã được mang ra trồng ở đường làng.

Ngoài trồng cây xanh, trồng hoa như lâu nay, giờ những cây mai vườn, chậu, được đánh ra trồng 2 bên đường. Loại mai này được thả để nó cao to chứ không uốn như trong chậu trong sân. Mỗi cây hiện đã cao gần 2 mét, thấy bảo tết này sẽ nở hoa tưng bừng.

Chỉ hình dung, tết, cả tỉnh Thừa Thiên Huế tưng bừng mai, vàng rực mai, lộng lẫy mai... cũng đã thấy rộn ràng rồi. Đồng Tháp chọn sen hồng, Hải Phòng có phượng, Lâm Đồng là dã quỳ, và giờ Thừa Thiên Huế là mai.

Mỗi lần về quê là một lần thấy mới. Nhưng cũng lo lo, lỡ rồi lên phường lên quận, cái hồn cái cốt quê có còn. Mùa này, lúa đương vàng ươm, chuẩn bị gặt.

Buổi sáng xỏ giày đi bộ giữa mênh mông lúa, và hoa sen nữa, nghe và ngẫm cái vị quê nó thú vị vô cùng. Đi cũng chú em, nó khoát tay: Chỗ này sắp tới là con đường đôi anh ạ?

Thì cứ biết thế?

Huế, 21/04/2021

(Còn tiếp)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Văn Công Hùng

CLIP HOT