Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trên núi hoặc những vùng quê không có nhiều đèn điện, nơi không bị ô nhiễm ánh sáng mới thấy được dải Ngân hà (Milky Way) bằng mắt thường.

Mục đích ban đầu của Thu Quỳnh (Hà Nội) khi leo núi Cú Nhù San (Lào Cai) không phải để săn dải Ngân hà. Bầu trời Cú Nhù San đã "tặng" khung cảnh đầy sao huyền ảo cho nữ du khách cặm cụi thức dậy từ 4h sáng để chinh phục đỉnh núi cao 2.662 m.

Hành trình leo núi Cú Nhù San của Thu Quỳnh dài hai ngày một đêm, với tổng chi phí cả chuyến đi là 1,8 triệu đồng. Nữ du khách cho biết ngọn núi này không quá khó để chinh phục.

Ngọn núi ít được chú ý

Cú Nhù San là một ngọn núi ở xã Y Tý, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngọn núi cao 2.662 m này không phải là điểm đến phổ biến ở Y Tý.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 1"Mình đã leo được 4 núi ở Lào Cai. Cú Nhù San là ngọn núi khá dễ leo. Do không nằm trong top những ngọn núi cao, dân leo núi chưa nhiều người tìm đến địa điểm này", Thu Quỳnh chia sẻ.

Nữ du khách chia sẻ núi Cú Nhù San có đường lên đỉnh thoai thoải. Khu vực lán nghỉ gần đỉnh có những đoạn dốc khá cao. Với thời gian leo hai ngày một đêm, người leo cần tập luyện thể lực khoảng một tuần để tăng sức bền và độ dẻo dai là có thể chinh phục ngọn núi này dễ dàng, Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm leo núi.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 2Nữ du khách cho biết thời điểm đẹp nhất để tận hưởng cảnh đẹp trên núi Cú Nhù San là tháng 3-4.

"Lúc này ngọn núi có hoa đỗ quyên đang vào mùa nở rộ, khung cảnh đẹp. Ngoài ra, thời điểm mùa thu cũng thích hợp để leo Cú Nhù San, kết hợp ngắm lúa chín ở Y Tý", Quỳnh gợi ý.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 3Ngắm dải ngân hà trên núi

Không chỉ có khung cảnh núi non trùng điệp, một trong những món quà khác người leo núi nhận được từ thiên nhiên vùng cao là bầu trời đêm đầy sao sáng rực, nhìn thấy cả Sông Ngân.

Dải Ngân hà có thể quan sát được ở điều kiện không gian thoáng, không bị ô nhiễm ánh sáng như trên núi cao, vùng quê không nhà cao tầng, ít đèn điện hoặc ngoài bãi biển.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 4Thu Quỳnh chia sẻ không phải lúc nào cũng quan sát được Sông Ngân. Bầu trời thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Trong điều kiện tối om, không bị ô nhiễm ánh sáng sẽ thấy được bằng mắt thường.

"Mình ở Y Tý được một thời gian và thấy rằng tùy ngày, tùy thời điểm mới nhìn được dải Ngân hà. Có hôm mình quan sát lúc 19-20h, hôm thì 23-24h mới thấy. Thậm chí có hôm 2-3h mới quan sát được", Quỳnh nói.

Trong chuyến leo núi Cú Nhù San này, Quỳnh may mắn ghi lại được bầu trời thấy cả Sông Ngân sáng rực. Nữ du khách chia sẻ khi thức dậy lúc 2h sáng, bầu trời chỉ lác đác vài ngôi sao, sau đó bị mây che hết.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 5"Lúc đó mình nghĩ chắc lỡ cơ hội ngắm dải Ngân hà nên đành vào lán ngủ tiếp. 4h sáng, cả nhóm dậy để leo lên đỉnh núi. Khi đó tình cờ ngước lên bầu trời, dải Ngân hà hiện ngay trước mắt", Quỳnh bày tỏ.

May mắn nhận được món quà từ thiên nhiên vùng cao, Quỳnh không quên ghi lại những bức hình đẹp.

"Khoảnh khắc đó thực sự rất tuyệt. Đó là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp tôi từng được chiêm ngưỡng", Thu Quỳnh kể lại.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 6Hai ngày một đêm chinh phục Cú Nhù San

Nữ du khách chia sẻ Y Tý có nhiều điểm để khám phá, dành hai ngày một đêm để leo Cú Nhù San là hợp lý về thời gian và đảm bảo thể lực.

Thu Quỳnh cùng nhóm bạn xuất phát từ Hà Nội, bắt chuyến xe khách đi Sa Pa (Lào Cai) lúc 22h. Có nhiều chuyến xe khách giờ này cho du khách lựa chọn. Xuất phát trong đêm cũng giúp tiết kiệm thời gian di chuyển.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 7Ngày đầu chuyến đi, nhóm của Quỳnh di chuyển từ Sa Pa lên Y Tý lúc 5h bằng xe máy. Quãng đường dài 70 km tốn khoảng 5-7 tiếng di chuyển tùy tốc độ.

"Đường lên Y Tý là đường đèo, không quá khó đi. Gần 20 km cuối đường hơi xấu và gồ ghề. Mọi người nên cẩn thận đoạn đường này", Quỳnh chia sẻ.

Nhóm của Quỳnh đến Y Tý lúc 11h, nghỉ ngơi và cất đồ đạc tại một homestay ngay chân núi Nhìu Cồ San. Ngay khi cất đồ đạc, cả nhóm bắt đầu hành trình leo Cú Nhù San.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 8"Leo khoảng một tiếng, nhóm nghỉ ngơi, ăn trưa trên núi. Khoảng 16h cả nhóm đến lán nghỉ trên núi, nghỉ ngơi, đợi porter nấu cơm xong và ăn tối", nữ du khách chia sẻ.

Quỳnh và nhóm bạn leo Cú Nhù San tự túc, thuê porter hỗ trợ vác đồ, dẫn đường và chuẩn bị đồ ăn. Buổi tối trên núi Cú Nhù San, mọi người hoạt động tự do, giao lưu, đàn hát, ngắm trăng ngắm sao, nghỉ ngơi để sáng hôm sau leo tiếp lên đỉnh núi.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 9Buổi sáng ngày kế tiếp là hành trình chinh phục đỉnh núi. Cả nhóm bắt đầu leo từ 4h, lên đỉnh núi trong vòng 2 tiếng. Buổi sáng tại đỉnh Cú Nhù San, mọi người tranh thủ chụp hình, ngắm cảnh, sau đó di chuyển xuống lán ăn sáng, chuẩn bị đồ đạc để xuống núi.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 10"Khoảng 11h, nhóm mình xuống đến homestay, tắm rửa rồi ăn trưa tại đây và chạy xe lòng vòng quanh Y Tý. 14h30, cả nhóm di chuyển bằng xe máy về Sa Pa ăn tối. Sau đó lên chuyến xe 22h để về Hà Nội", Thu Quỳnh chia sẻ lịch trình.

Ngắm dải Ngân hà trên núi Cú Nhù San - 11

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bích Phương (Zing News)

CLIP HOT