Tinh thần "dĩ công vi thượng" của Đại tướng!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Đánh giá về tầm vóc của Đại tướng thì đúng như Đại tướng từng nói, phải gắn Đại tướng với thời đại của chính ông, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh” -  Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc  đã nói như vậy với chúng tôi trong cuộc trao đổi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói:

Có người hỏi tại sao cuộc đời Đại tướng lại gắn với con đường binh nghiệp, dù không có quá trình chuẩn bị thông thường nào về quân sự, Đại tướng trả lời rằng điều ấy nên hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng con mắt tinh đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ông – một trí thức trẻ, nhưng có thể nói quá khứ không hề gắn với quân sự. Lúc đó còn có Phùng Chí Kiên, những người khác được đào tạo chính quy, nhưng tại sao Bác lại giao cho Võ Nguyên Giáp trọng trách đó, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được.

Cũng như khi Bác giao cho Đại tướng đứng đầu quân đội, người đã đặt tên đã giao luôn một biệt danh cho Đại tướng là Văn, như một lời nhắc nhở quân sự thực chất nền tảng của nó cũng là văn hóa, gắn liền với sự nghiệp cứu nước. Chiến công nổi bật của Đại tướng là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nếu Bác không giao toàn quyền quyết định cho Đại tướng ở mặt trận, nếu có một bộ máy quan liêu nâng lên đặt xuống, chắc không bao giờ có được thắng lợi có tính chất lịch sử quyết định.  Nhưng Đại tướng lại nói về mình với tất cả sự khiêm nhường đó là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ Bác giao cho, vì đó cũng là nhiệm vụ của lịch sử.

Ở riêng góc độ quân sự, chúng tôi ghi nhận trong rất nhiều công trình mang tính chất tổng kết lịch sử thế giới trong thế kỷ 20 mà tôi đọc được, không có công trình nào mà không ghi danh Đại tướng. Dù với mọi tiêu chí khác nhau, ở mọi thời đại từ lịch sử chiến tranh thế giới từ trước công nguyên đến nay, hoặc chỉ riêng thế kỷ 20, thì đều có Đại tướng. Và một điều đặc biệt hơn, vào thời điểm xuất bản những cuối sách đó, Đại tướng là người duy nhất còn sống. Không phải danh tướng nào trên thế giới cũng được ghi danh như thế. Tầm vóc của Đại tướng chỉ có thể so sánh với chính ông mà thôi.

Tinh thần "dĩ công vi thượng" của Đại tướng! - 1

Đại tướng được thế giới tôn vinh, có lẽ không chỉ là tài thao lược trên chiến trường…?

Tôi nghĩ  Đại tướng đã phát huy được truyền thống của dân tộc. Tôi nói điều này không hoàn toàn ở góc độ nghề nghiệp mà với tất cả những gì Đại tướng nói và viết ra chúng ta đọc được và tôi được chứng kiến. Ví dụ cuộc nói chuyện của ông hai lần với tướng Mắc – na - ma - ra, tiếp xúc với các đồng minh cũ, hay chuyện Đại tướng tiếp xúc với con trai Tổng thống Ken - nơ - đi, ông luôn nhắc đến truyền thống của dân tộc. Truyền thống quan trọng nhất mà Đại tướng nhắc đến và muốn chứng minh là truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta.

Và cuối cùng, tôi thấy ông là người rất tin tưởng vào tương lai. Khi gặp con trai cố Tổng thống Mỹ Ken - nơ - đi, ông nói rằng thế hệ trẻ của nước Mỹ đã chứng kiến một cuộc chiến tranh rất khốc liệt, nhưng các bạn hãy đọc lại lịch sử để thấy có một thời nước Mỹ từng là đồng minh của Việt Nam, chống phát xít Nhật. Vì vậy, thế hệ trẻ Mỹ cũng như thế hệ trẻ Việt Nam phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử hữu nghị, hòa bình, trên những bài học từ chiến tranh.

Tinh thần "dĩ công vi thượng" của Đại tướng! - 2

Ảnh: Thanh Hà (TTXVN)

Là một nhà sử học, ông có nhận xét gì về con người đời thường của Đại tướng?

Cái lớn nhất của một con người đã sống trọn một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả những biến cố quan trọng của thế kỷ ấy, ở vị trí của những người đóng vai trò quyết định của lịch sử thể hiện ngay ở điều Đại tướng nói: Đó là ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Bác Hồ và cũng là nhiệm vụ lịch sử giao cho, với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Luôn vì việc công, để việc công lên trên.

Các nhà nghiên cứu sau này sẽ có thời gian để suy ngẫm về giai đoạn cuối đời của ông, một thời kỳ ông đã rời khỏi tất cả các chức vụ. Nhưng chúng tôi thấy ông vẫn là một người đã thể hiện đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất của một con người là luôn nhận thấy trách nhiệm của mình. Từ những công việc gần gũi với chúng tôi như tổng kết lịch sử, cho đến trách nhiệm với những vấn đề của đất nước như việc phát hiện, gìn giữ Hoàng Thành... ông luôn nhìn với con mắt người có trách nhiệm, có trải nghiệm. Với tinh thần hết sức trách nhiệm, đồng thời với phẩm chất cao nhất của ông mà nhiều người muốn quy vào chữ nhẫn đó là ông rất tuân thủ kỷ luật của Đảng và kỷ luật vì lợi ích chung của xã hội.

Con người ông, dù cương vị nào cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, thậm chí trên cả bản thân mình. Tôi rất nhớ lần tôi đến phỏng vấn ông, khi tôi nhắc đến câu chuyện ông làm công tác kế hoạch hóa gia đình, ông nói rất thản nhiên rằng “đấy cũng là một nhiệm vụ được giao” và ông đã hoàn thành nhiệm vụ đó. Tôi  nghĩ một con người thản nhiên trước bất kỳ một thử thách nào, đấy là con người tri túc (biết đủ điều cần biết). Tôi cho rằng một trong những cái để tạo nên phẩm chất ấy, có lẽ bởi ông cũng là một nhà sử học, ông nhìn thấy cái tất yếu trong cuộc sống. 

Xin cảm ơn ông!

Anh Tuấn (thực hiện)

(Báo Du lịch Việt Nam, số 42, từ ngày 10/10 - 16/10/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT