Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chiều 28/9, Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua "Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam".

Nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP.HCM - đã thông qua kế hoạch số 154 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí". Theo đó, có 6 tiêu chí đánh giá cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí đánh giá văn hóa của người làm báo Việt Nam.

Đại diện các Liên chi hội, Chi hội nhà báo đã thông tin, chia sẻ những cách làm hay tại đơn vị mình, qua đó thể hiện ý chí quyết tâm cao của lãnh đạo các cơ quan báo chí trong việc xây dựng môi trường văn hóa, và văn hóa của người làm báo.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam - 1

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - đề nghị các cơ quan báo chí cần cụ thể hóa các tiêu chí chung này theo tình hình thực tiễn tại đơn vị, để phong trào thi đua thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí thể hiện văn hóa đơn vị thông qua các hoạt động sau mặt báo vì lợi ích cộng đồng, góp phần xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam - 2

Tại Hội nghị, đại diện các Liên chi hội, Chi hội nhà báo đã tiến hành ký cam kết giao ước thi đua "Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam".

6 tiêu chí đánh giá "Cơ quan báo chí văn hóa":

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

4. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ", lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; Hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

6 tiêu chí đánh giá văn hóa của người làm báo Việt Nam:

1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

2. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Hương

CLIP HOT