Sẽ có khoảng 4.000 khách Nga tới Đà Nẵng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng kế hoạch tuyển dụng nhân sự, hợp tác với các đơn vị lữ hành để đón khách đến nghỉ dưỡng, tham quan.

Từ 0h sáng ngày 16/10, toàn TP Đà Nẵng chuyển sang trạng thái cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Hàng loạt dịch vụ được hoạt động trở lại, trong đó có du lịch và lữ hành.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết địa phương đã đủ 14 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

"Căn cứ Quyết định số 4800 của Bộ Y tế và Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Đà Nẵng xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã trên toàn địa bàn thành phố ở cấp độ 2 để áp dụng một số biện pháp tương ứng", bà Yến chia sẻ.

Doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho biết sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, các cơ sở lưu trú cũng sẵn sàng mở cửa để đón khách. Người dân phải ở yên trong nhà trong nhiều tháng đã cảm thấy bức bách, cần đến những nơi phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông thì lượng khách trong giai đoạn đầu sẽ không nhiều vì Đà Nẵng đang vào mùa mưa, biển động, hạn chế nhu cầu vui chơi.

"Nhưng nếu có nhu cầu, người dân có thể trải nghiệm không gian trong các khu nghỉ dưỡng. Việc mở cửa này sẽ giúp các cơ sở lưu trú khởi động cùng thành phố, đánh giá lại doanh nghiệp, chuẩn bị cho năm 2022 để nhân viên quen dần với công việc phục vụ khách hàng; có thời gian để đào tạo lại lao động…", ông Quỳnh nói.

Sẽ có khoảng 4.000 khách Nga tới Đà Nẵng - 1

Các khách sạn ở Đà Nẵng đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Vị này cũng cho biết đơn vị đã sẵn sàng thích ứng linh hoạt, an toàn để mở cửa đón khách. "Hầu hết nhân viên ngành du lịch ở Đà Nẵng đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Đây là cơ sở quan trọng để thích ứng an toàn với dịch", ông Quỳnh nói.

Ông Trần Xuân Hiền, Phó chủ tịch HĐQT Vicoland Group (chủ sở hữu khách sạn Risemount Premier Resort Đà Nẵng) nói rằng thành phố đã cho phép cơ sở lưu trú mở cửa trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, không có khách trong thời gian này.

Việc mở cửa sẽ giúp các cơ sở lưu trú khởi động cùng thành phố, đánh giá lại doanh nghiệp, chuẩn bị cho năm 2022 để nhân viên quen dần với công việc phục vụ khách hàng; có thời gian để đào tạo lại lao động…

Ông Nguyễn Đức Quỳnh

Đơn vị này đang xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước để đón khách khi ngành du lịch khởi sắc.

"Chúng tôi đang chuẩn bị nhân sự, kế hoạch bán hàng, tìm kiếm khách hàng nên dự kiến khoảng cuối tháng 10 mới đón khách trở lại", ông Hiền cho hay.

Nhận định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung, cho rằng thời gian đầu mở cửa trở lại sẽ không tránh khỏi những khó khăn như: Tâm lý khách e dè hơn trước do Đà Nẵng đã trải qua 4 đợt dịch; kinh tế bị ảnh hưởng nên phần đông du khách có tâm lý tiết kiệm; doanh nghiệp du lịch cũng thận trọng hơn sau 4 lần lao đao vì dịch…

Tuy nhiên, các điểm đến của Sun Group tại Đà Nẵng đều tận dụng khoảng thời gian không đón khách để trùng tu, bảo dưỡng, làm đẹp cảnh quan; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đem đến những trải nghiệm mới cho du khách ngày trở lại.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Bình nhận định những chương trình kích cầu với chính sách giá ưu đãi, giảm giá sâu không còn nhiều sức hấp dẫn đối với du khách qua nhiều đợt dịch.

Do vậy, Sun Group tập trung ưu tiên đầu tư gia tăng trải nghiệm, đào tạo dịch vụ, bổ sung các sản phẩm mới và trải nghiệm quy trình đón khách an toàn với những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.

"Những gói trải nghiệm hướng tới chăm sóc sức khỏe sẽ là một trong những sản phẩm được Sun Group đầu tư, hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm khác biệt, đáp ứng nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe cho du khách sau thời gian dịch bệnh", ông Bình chia sẻ.

Thích ứng an toàn với dịch bệnh

Trả lời Zing, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhấn mạnh quan điểm việc mở cửa đón khách phải có lộ trình thận trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách. "Du lịch an toàn là phương án mà ngành du lịch Đà Nẵng đang hướng tới", bà Hạnh nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này cho biết đơn vị đã hoàn thiện phương án 3 giai đoạn khôi phục, phát triển du lịch địa phương. Theo bà, điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch đón khách du lịch là chủ trương "bong bóng du lịch". Chủ trương này đã và đang được một số nước trên thế giới áp dụng.

Sẽ có khoảng 4.000 khách Nga tới Đà Nẵng - 2

Nhà hàng, quán xá ở Đà Nẵng đã mở cửa trở lại. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại nước ta, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 128 để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh.

"Do đó, việc thực hiện chủ trương "bong bóng du lịch" là tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh", bà Hạnh nhấn mạnh và cho biết tháng 11, địa phương này thực hiện “bong bóng du lịch” giữa Đà Nẵng với Quảng Nam và Quảng Ninh.

"Khi cả nước chuyển trạng thái bình thường mới thì Đà Nẵng khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin.

Việc thực hiện chủ trương "bong bóng du lịch" là tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh

Về kế hoạch đón khách quốc tế, bà Hạnh cho biết dự kiến bắt đầu từ tháng 11 sẽ thực hiện với 2 nhóm khách. Nhóm thứ nhất là người nhập cảnh làm công vụ, thăm thân, hồi hương…

"Những người này sẽ cách ly 7 ngày và theo các quy định khác của Bộ Y tế", bà Hạnh nói.

Nhóm thứ hai là du lịch trọn gói, khép kín với những thị trường đã mở cửa, áp dụng hộ chiếu vaccine, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga.

Giám đốc sở Du lịch cho hay đối với khách quốc tế đã có một số thông tin tích cực. "Nga sẽ đưa 2.000-4.000 khách/tháng tới Đà Nẵng. Sau đó TP đón khách bình thường khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế”, bà Hạnh cho biết.

Cần sớm nối lại đường bay

Đón nhận thông tin trên, ông Quỳnh cho rằng chủ trương trên là phù hợp nhưng cần phải xác định rõ thị trường khách hướng tới. Thị trường đó phải đồng ý trao đổi khách du lịch với Đà Nẵng. Hai bên phải đạt được các thỏa thuận như cùng là vùng xanh, nhân viên phục vụ tiêm đủ vaccine, có các quy chuẩn nhất định…

Theo Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, “bong bóng du lịch” phải là hợp tác song phương, có điều kiện đi kèm, trước khi triển khai nên học hỏi các quốc gia đã làm mô hình này.

"Đặc biệt, vai trò của hàng không trong việc nối lại các hoạt động du lịch rất quan trọng", ông Quỳnh nói và kỳ vọng khi dịch được kiểm soát tốt thì Chính phủ sẽ sớm cho phép nối lại các đường bay.

Sẽ có khoảng 4.000 khách Nga tới Đà Nẵng - 3

Hầu hết nhân viên du lịch đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cho biết các phương án đón và phục vụ khách là chủ trương và mong muốn của lãnh đạo thành phố và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông, để đón được khách quốc tế phải có chủ trương, đồng ý của Chính phủ. Hiện nay chỉ Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là có chủ trương được sự đồng ý của Chính phủ và đang triển khai bộ khung pháp lý chi tiết.

Ông Bình cho hay Sun Group đã và sẽ làm việc với các hãng hàng không để xây dựng các gói sản phẩm trọn gói nhằm đón đầu thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đoàn Nguyên (Zing News)

CLIP HOT