Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, Thành phố luôn chú trọng công tác đầu tư, mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, đồng thời xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao tầm cỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu - 1

Ngày 15/10, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao năm 2024.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là dịp giới thiệu về TP, đặc biệt là văn hóa, xã hội TP.HCM và báo cáo về đề án phát triển công nghiệp văn hóa, những mong muốn, những nỗ lực, những chính sách của TP trong thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa.

Tính đến nay, TP.HCM chưa tổ chức được các sự kiện lớn như: đăng cai SEA Games, hay các sự kiện của châu lục, thế giới; TP.HCM cũng chưa phải là nơi để được chọn tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn mang tầm khu vực… Đây là điều mà dưới góc độ chính quyền, ông rất băn khoăn.

Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đã và đang ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa, định hướng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của TP.HCM. TP.HCM cũng đặt kỳ vọng đến năm 2030, thành phố có được cơ sở vật chất đủ sức để trở thành trung tâm sự kiện tầm châu lục và khu vực; có những thiết chế về văn hóa, thể thao hiện đại, sẵn sàng cho các sự kiện lớn vươn tầm quốc tế.

"Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm giúp Thành phố hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng; kêu gọi các nhà đầu tư tham gia trên lĩnh vực này bằng đam mê, trách nhiệm thực hiện... TP.HCM cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và sẽ tạo những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách cho nhà đầu tư tham gia", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu - 3

Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, sắp tới để TP.HCM tiếp tục phát huy tốt vai trò tiên phong trong liên kết, phát triển văn hóa và thể thao, TP cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm,  gồm: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển, tăng cường giao lưu, ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước và Thành phố trên trường quốc tế; phát huy mọi nguồn lực để phát triển VHTT; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả công nghiệp văn hóa, kinh tế, thể thao.

Chia sẻ về các dự án văn hóa cần thu hút đầu tư, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, TP.HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND TP.HCM thông qua danh mục đầu tư.

Cụ thể, có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn được TP.HCM quan tâm thu hút đầu tư gồm: Khu Liên hợp Trung tâm Thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM.

Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu - 4

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch.

Phát triển công nghiệp văn hóa để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu - 5

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng đoàn văn hóa nghệ thuật.

Trong khuôn khổ Hội nghị, ngoài việc mời gọi đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, Sở VHTT TP.HCM cũng đã giới thiệu về Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Theo đó, TP.HCM đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP.HCM có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT