Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, không cần cách ly y tế. Giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, khiến du lịch không thể phát triển.

Sáng 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức buổi tọa đàm: “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”, nhằm làm rõ "bức tranh" của ngành du lịch sau gần 2 năm tổn thất nặng nề bởi COVID-19.

Tham gia buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng VHTTDL, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, lãnh đạo các Sở Du lịch Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Lâm Đồng cùng các vị lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và y tế, đại diện các địa phương, doanh nghiệp. 

Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19” sáng 15/10

Chưa bao giờ khó khăn như lúc này

Mở đầu tọa đàm, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định, chưa khi nào ngành Du lịch và lữ hành chịu trải qua khó khăn như lúc này, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.

Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển - 2

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng hoa Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

“Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế”, ông Minh nói.

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng VHTTDL thì nêu ra những ý kiến để nhìn lại sự tác động của COVID-19 với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng nhằm đánh giá đúng thực trạng, phân tích tình hình, dự báo chính xác. Ông cho rằng cần phải tính toán đến một loại hình trong vấn đề du lịch là cơ sở lưu trú. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

Bộ VHTTDL nhận định nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch – dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển - 3

 Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng VHTTDL kết luận, nhìn lại đánh giá thực trạng du lịch thời gian qua và một số nhóm giải pháp lớn của Bộ VHTTDL với tư cách cơ quản quản lý nhà nước, còn sự sáng tạo phụ thuộc vào các tập đoàn, doanh nghiệp. Không ai làm thay cho cộng đồng doanh nhân vì họ có chiều sâu trong thiết kế và khai thác thế mạnh của khách hàng. Cơ quan quản lý chỉ hướng dẫn định hướng. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là phục hồi kinh tế du lịch.

Bước đầu là mở lại du lịch nội tỉnh

Thứ trưởng VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ cũng đã có những kế hoạch chủ động mang tính chất phục hồi, kích hoạt, kích cầu. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng đã có sự chủ động, năng động để triển khai. Bước đầu là trong mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh, thứ hai là trong nước để khai thác dòng khách nội địa, mang tinh thần khởi động, chuẩn bị để có thể mở rộng du lịch khi dịch được kiểm soát.

Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển - 4

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt 

“Bộ VHTTDL đã đề xuất và được phép mở cửa thí điểm Phú Quốc. Ban đầu dự định là tháng 10, nhưng với tình hình hiện nay có lẽ tháng 11 mới mở cửa được khi chúng ta đã tiêm xong mũi 2. Hiện nay nhiều địa phương cũng đã chủ động, như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa. Chúng ta thí điểm ở Phú Quốc, nhưng đồng thời cũng mở rộng cơ hội để các địa phương chủ động khi họ có điều kiện”, ông Việt nói.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết đang tham mưu UBND tỉnh kế hoạch mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, gồm các giai đoạn cơ bản sau:

Giai đoạn 1: Dự kiến vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021 khi tất cả lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tiêm mũi 1 vaccine sau 14 ngày.

Giai đoạn 2: Dự kiến vào ngày 1/12/2021 khi tất cả lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tiêm mũi 2 vaccine sau 14 ngày. 

Giai đoạn 3: Dự kiến từ tháng 01/2022. Mở rộng đón khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch. 

Giai đoạn 4: Dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2022 sau khi Phú Quốc đón thí điểm khách quốc tế thành công bằng các chuyến bay thuê bao chuyến và được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ đã triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương để nắm bắt được các nhu cầu, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, và trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp các địa phương để bàn thảo các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch nội địa, trước mắt là du lịch nội tỉnh của các địa phương đã kiểm soát được dịch, tiến đến đón khách từ các địa phương khác sau khi dịch đã được kiểm soát.

“Chúng tôi luôn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và người lao động giúp doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, giảm thuế, phí, lệ phí; tham mưu chính sách hỗ trợ gói an sinh cho người lao động

Chúng tôi đã đề xuất và được Chính phủ cho phép giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành và giảm thời gian giải ngân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày”, ông Khánh chia sẻ.

Đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm quá nhiều, du lịch không thể phát triển - 5

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách đến tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Bộ tiêu chí bao gồm 3 lĩnh vực như: đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nội dung Bộ tiêu chí cơ bản đã bao gồm các tiêu chí đối với khách du lịch, đối với việc di chuyển, lưu trú, tham quan tại các điểm tham quan nhằm bảo đảm an toàn du khách.

Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất nên nguyên cứu ban hành chung Bộ tiêu chí đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc.

Ngành du lịch Khánh Hòa phối hợp các ngành địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin và bằng các biện pháp phù hợp, thiết thực, tăng cường truyền thống chủ đề “Việt Nam an toàn”, “Nha Trang biển gọi”. 

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch. Mục tiêu, yêu cầu đặt ra là khôi phục tăng trưởng nhanh chóng lượng khách nội địa với việc tổ chức thường xuyên các gói kích cầu nội địa, bảo đảm chất lượng, tính đa dạng và qua nhiều kênh khác nhau; thu hút sự tham gia chủ động, tích cực của các bên liên quan.

Bà Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho rằng du khách hậu COVID-19 ngoài vấn đề an toàn còn ưu tiên thiên nhiên biển đảo và nâng tầm trải nghiệm về du lịch và dịch vụ. Để đáp ứng vấn đề này, doanh nghiệp du lịch cần nâng tầm về sản phẩm và dịch vụ.

Còn bà Nguyễn Lê Hương -  Phó Tổng Giám đốc Vietravel thì nêu lên những đề xuất để du lịch phục hồi phát triển nhanh nhất. Cần sự thống nhất, đồng bộ những chính sách vĩ mô chung trong cả nước, đánh giá lại tỷ lệ vaccine ở tất cả các địa phương để đưa ra các chính sách và bản đồ vaccine của toàn khu vực là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn của khu vực. Bà Hương đề nghị không cần cách ly y tế vì giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm rất nhiều, việc này khiến du lịch không thể phát triển.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist cho rằng phải cân bằng an toàn phòng chống dịch với nới lỏng để phát triển du lịch. Địa phương nào bảo đảm về y tế, có mong muốn mở cửa và bảo đảm an toàn sẽ mở chứ không cần mở cửa lần lượt. Cần có kịch bản riêng cho du lịch nội địa, liên vùng, liên tỉnh để bảo đảm an toàn về mặt thị trường sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT