Biến thể Delta đang làm hỏng kỳ nghỉ hè ở châu Âu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều ca mắc mới tại thủ đô Lisbon khiến Anh và Đức loại Bồ Đào Nha khỏi danh sách an toàn khi du lịch.

Ngày 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba ở châu Âu khi các ca mắc mới tăng 10%, sau khi đã có hai tháng giảm. Người đứng đầu WHO tại châu Âu, Hans Kluge, nói rằng cần phải duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Mùa du lịch hè rất quan trọng đối với các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt ở phía Nam. Không thể nhanh chóng lấp đầy lỗ hổng kinh tế do đại dịch mang tới trong 18 tháng qua, nhưng châu Âu đang hy vọng năm nay mọi thứ sẽ sôi động hơn, trước khi có biến chủng Delta khiến các ca Covid-19 tăng lên. Nhiều du khách lại phải ở nhà thay vì thực hiện những kế hoạch ra nước ngoài tìm kiếm ánh nắng mặt trời bên bãi biển.

Biến thể Delta đang làm hỏng kỳ nghỉ hè ở châu Âu - 1

Việc tăng các ca mắc mới được cho là đến từ các nguyên nhân: các quốc gia châu Âu mở cửa đón khách du lịch, cho phép tụ tập đông người và nới lỏng các hạn chế xã hội. Ảnh: Reuters

Giấy thông hành của Liên minh châu Âu có thể giúp các chuyến đi dễ dàng hơn. Nhưng lượng khách đến các điểm nóng du lịch như Bồ Đào Nha hay Croatia vẫn giảm, khiến các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng... đối mặt nhiều rủi ro. Một trong số các nguyên nhân là biến thể Delta gây ra hơn 50% ca mắc mới tại thủ đô Lisbon thời gian gần đây. Anh loại Bồ Đào Nha khỏi danh sách an toàn khi du lịch. Đức cũng hạn chế du khách đến đây. Trước khi có những diễn biến trên, các khách sạn ở Bồ Đào Nha được dự báo có tỷ lệ lấp đầy là 43% trong tháng 7 và 46% trong tháng 8.

Tại Hy Lạp, nơi du lịch chiếm 20% nền kinh tế, ngân hàng trung ương tuần này trích dẫn những lo ngại về biến thể mới, khi họ giảm dự báo doanh thu từ du lịch cho năm 2021. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn trên toàn quốc, theo Grigoris Tassios, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà quản lý khách sạn, hiện là 35-45%. Số lượng du khách đặt phòng sớm hầu như rất ít, vì mọi người đều có cảm giác không chắc chắn với tình hình dịch bệnh, đặc biệt là sự bùng phát của biến thể Delta gần đây.

Kế hoạch tái khởi động du lịch của Anh vào tháng 5, sau hơn 4 tháng bị giới hạn đi lại, đến nay khiến nhiều nhà điều hành tour thất vọng, khi chính phủ nước này đưa số lượng các quốc gia vào "danh sách xanh" an toàn quá ít. Người phát ngôn của ABTA, cơ quan đại diện cho 4.300 thương hiệu du lịch tại Anh cho biết đây không phải là một sự khởi động có ý nghĩa của du lịch quốc tế mà ngành đang rất cần.

Mọi người đang trông chờ chính phủ thực hiện các đề xuất nới lỏng quy tắc kiểm dịch với những người tiêm phòng đầy đủ để họ có thể đón lượng khách nhiều hơn. "Điều này cần diễn ra sớm, để các doanh nghiệp có thể cứu vãn cho mùa cao điểm hè. Những tuần quan trọng trong mùa cao điểm có thể chiếm 2/3 thu nhập của các công ty du lịch", người phát ngôn cho biết.

Các quốc gia Bắc Âu không có quá nhiều ánh nắng mặt trời để thu hút khách. Những người làm trong ngành công nghiệp không khói này đang vận động chính phủ tìm cách để cung cấp cho du khách nhiều điểm đến an toàn hơn, một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, vẫn có những tín hiệu lạc quan cho châu Âu. Tomas Dvorak, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, cho biết Nam Âu vẫn có thể phục hồi vào cuối năm, đạt khoảng 85% của mức 2019 nếu chiến dịch tiêm vaccine vẫn tiếp tục đẩy mạnh, các ca nhiễm mới giảm.

Tây Ban Nha có tình hình lạc quan khi nâng ước tính lượng khách du lịch năm nay lên 45 triệu lượt, từ 42 triệu lượt dự đoán vào tháng 6. Bộ Du lịch của nước này đặc biệt lạc quan về thị trường Đức, dự kiến khách du lịch từ Đức sẽ đạt 3,8 triệu, đạt 77% so với con số của năm 2019. Bên cạnh đó, các đảo chờ đợi lượng khách đến từ Anh. Số đặt vé máy bay đã đạt 80% so với trước dịch.

Biến thể Delta đang làm hỏng kỳ nghỉ hè ở châu Âu - 2

Nhưng một bức tranh khác được Viện nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế Toàn cầu McKinsey chỉ ra rằng thiệt hại mà ngành kinh tế khu vực đang gánh chịu phải mất thêm vài năm nữa mới có thể khôi phục hoàn toàn. Nghiên cứu chỉ ra rằng Bồ Đào Nha mất khoảng 52 tỷ euro doanh thu trong 2020-2023, tương đương một phần tư tổng GDP năm 2019, cùng 600.000 việc làm có thể bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp của Tây Ban Nha, du lịch quốc tế vẫn có thể không phục hồi cho đến 2025, khiến 4,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp gặp rủi ro. Italy nhờ vào thị trường khách quốc nội nên có thể phục hồi sớm hơn, vào năm 2024.

Một nghiên cứu khác của Liên hợp quốc trong tuần này đã hoan nghênh động thái cấp thẻ thông hành của Liên minh châu Âu. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra điều đó không đủ để giải cứu mùa hè của lục địa này. Lý do là mỗi quốc gia muốn thể hiện chủ quyền và chứng chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi các quốc gia cùng thống nhất một chính sách chung. Còn hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đi theo quan điểm: nhà của tôi, quy tắc của tôi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Minh (Vnexpress)

CLIP HOT