“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đã có tới 2 bức tranh của họa sĩ Việt được "gõ búa" với mức giá lên tới cả triệu đô la.

Vừa mới đây, trong 35 sản phẩm với hơn 12 tác phẩm Việt tại phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại Đông Nam Á tại nhà đấu giá Bonhams, Hông Kông, Trung Quốc, 2 tác phẩm Việt đã được đấu giá thành công với giá vượt mốc 1 triệu USD.

Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long

Tác phẩm đầu tiên là bức bình phong sơn mài 6 tấm Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long của cố họa sĩ - nghệ nhân sơn mài Phạm Hậu. Bức bình phong đã được đem ra đấu giá vào thứ 7, ngày 27/11 và cuối cùng đã về tay một nhà sưu tập tư nhân người châu Á ẩn danh. Mức giá cuối cùng cho bức bình phong này lên tới 9,7 triệu đô la Hồng Kông, tương đương 1,2 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng).

Điều đáng nói là mức giá "gõ búa" này cao gấp khoảng 3 lần so với giá ước tính ban đầu, chỉ khoảng từ 2,8 đến 3,8 triệu Đô la Hồng Kông. Đây thực chất là tác phẩm thứ 2 về Vịnh Hạ Long của tác giả Phạm Hậu được biết đến cho đến nay. Xét về quy mô và chất lượng thì tác phẩm này còn vượt trội hơn nhiều so với tác phẩm đầu tiên - Thác Bờ.

Bức bình phong sơn mài Thác Bờ của ông trước đó đã đạt mức giá cao trên sàn đấu giá với mức gõ búa là 833.000 Euro, tương đương hơn 1 triệu USD (khoảng 22,7 tỷ đồng) tại nhà đấu giá Aguttes.

“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời - 1

Bức bình phong "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" chất liệu sơn mài, hoàn thành trong khoảng năm 1938 - 1945 của tác giả Phạm Hậu, kích thước 100x195,8cm. Ảnh: bonhams.com

Với kích thước chiều cao 1m và chiều rộng gần 2m, bức bình phong Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long như đưa người xem lên đỉnh một ngọn núi tại nơi được bình chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới này. Từ điểm nhìn này, người xem có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh hoàng hôn đẹp lạ thường.

Trên tấm bình phong, cảnh biển thì rộng bao la nhưng không có tiêu điểm thực sự mà thay vào đó, chúng ta sẽ cần điềm tĩnh mà nhìn ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên theo từng lớp, giống như trong hầu hết các bức tranh của Phạm Hậu.

Nếu tập trung vào tiền cảnh, khóm cây đỏ rực rỡ với khóm tre vàng rực nắng, dương xỉ nhiệt đới, lá cọ và những tảng đá gần đó sẽ là điểm hút mắt. Tiếp đó là tầng tầng lớp lớp các đảo đá vôi mà truyền thuyết kể rằng đó là Châu Ngọc rồng nhả ra, uốn lượn và dần hòa vào chân trời xa xôi.

“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời - 2

Chính các họa sĩ cũng luôn bất ngờ sau công đoạn mài sơn.

Nhìn ngắm rồi dần chìm sâu vào cả phong cảnh Hạ Long hùng vĩ, người xem có lẽ khó lòng mà không cảm nhận lấy cái an yên của vịnh, nơi mà nắng, biển, núi và rừng như đang cùng quyện vào nhau.

Dù rằng chỉ sử dụng tông màu ấm hữu hạn tiêu biểu của tinh thần Đông phương, Phạm Hậu đã vô cùng khéo léo tạo nên các sắc màu như vàng, nâu, hổ phách, đỏ mà từ đó lại cảm nhận được cái vô hạn mà sơn mài có thể tạo ra, giúp ta cảm nhận được thế giới bất tận màu sắc.

Nghiền ngẫm kỹ hơn, ta càng trân trọng hơn công sức mà Phạm Hậu đã dành cho bức tranh, qua các bước kỳ công của sơn mài mà ở đó, người họa sĩ sẽ vẽ màu lên rồi mài đi, tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng. Chỉ có trên bức sơn mài này ta mới có thể cảm nhận được cảnh núi non vừa thực vừa ảo khi màu sắc, sắc thái, hình dáng và họa tiết hòa hợp vào nhau.

Bà Bernadette Rankine, Giám đốc Bonhams Đông Nam Á nhận xét: Bức bình phong sơn mài tinh xảo này của danh họa Phạm Hậu là một phát hiện quan trọng, không chỉ vì nguồn gốc từ hoàng gia [từng thuộc sở hữu của Bảo Đại - PV] mà còn vì cách thức tạo dựng độc đáo, tay nghề đỉnh cao và sự quý hiếm của nó. Đây là một kiệt tác thực sự, và chúng tôi đặc biệt tự hào khi tuyệt tác này đã giúp danh họa Phạm Hậu lập kỷ lục thế giới mới của chính mình.

Chơi Nguyệt cầm

“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời - 3

Bức tranh lụa "Chơi Nguyệt Cầm", trên tranh có ghi năm vẽ vào năm 1943, và có chữ ký cũng như con dấu mộc đỏ của tác giả Mai Trung Thứ (lô 17) - Ảnh: bonhams.com

Cái tên triệu đô thứ 2 cùng phiên đấu giá là bức tranh lụa Chơi Nguyệt Cầm của danh họa Mai Trung Thứ (hay còn gọi là Mai Thứ).

Bức tranh được chủ nhân cũ mua lại trực tiếp từ nhà tranh Henri Joly ở Paris vào những năm 1940 và đã từng được giới thiệu cùng với các tác phẩm khác của tác giả Mai Trung Thứ, cùng với các tác phẩm khác của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm trong một cuộc triển lãm nhóm mang tên Trois Peintres Indochinois (tạm dịch: Ba họa sĩ Đông Dương) vào 12/1943 tại phòng tranh của Henri Joly.

Paris, thủ đô của thế giới nghệ thuật hiện đại từ thế kỷ 19, đã thu hút các nghệ sĩ tiến bộ và đầy khát vọng từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vào nửa đầu thế kỷ 20.

Trang bonhams.com đã nhận xét rất chi tiết và dành những lời khen có cánh cho tác phẩm lụa của danh họa Mai Trung Thứ: Trong thời gian ở Mâcon, Pháp từ năm 1940 đến năm 1942, con đường làm nghệ thuật của danh họa Mai Trung Thứ đã trải qua một sự thay đổi lớn — ông đã dần chuyển từ sơn dầu trên vải sang tập trung phần lớn công sức để tạo ra những bức tranh tinh tế trên lụa, một chất liệu châu Á mà giới thưởng tranh thời bấy giờ vô cùng xem trọng.

“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời - 4

Họa sĩ Mai Trung Thứ năm 1942. Ảnh: designs.vn

Một điều khó có thể bỏ qua là việc "ươm tơ dệt lụa" luôn đòi hỏi rất nhiều công sức cũng như trình độ lao động cao, nhất là ở công đoạn kéo kén và guồng tơ. Từ đây cho ra thứ chất liệu có thể nói là độc đáo, vừa mềm mại vừa thấm màu, tạo ra sắc thái tinh tế, toát lên vẻ nữ tính mà chính bức "Chơi Nguyệt Cầm" là một minh họa không thể hoàn hảo hơn.

Chủ đề về phái nữ vẫn luôn là một chủ đề có sức thu hút riêng, như với bức "Chơi Nguyệt Cầm" với chủ thể chính cô gái chơi đàn Nguyệt. Nếu dùng lối nói hoa mỹ, văn chương thì bức họa này không chỉ hòa hợp được giữa âm điệu và hình ảnh, mà còn lôi kéo người xem cùng thưởng khoảnh khắc thân tình và mong manh mà Mai Trung Thứ đã ghi lại vào bức tranh.

Bên cạnh đó, bức họa "Chơi Nguyệt Cầm" cũng đã hé lộ chút ít thông tin về niềm đam mê âm nhạc của Mai Trung Thứ, bên cạnh niềm yêu thích hội họa. Thực tế, trong thời gian Mai Trung Thứ còn là giáo viên mỹ thuật ở Huế, Mai Trung Thứ cũng đã luyện tập và sử dụng thành tạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam như sáo trúc hay đàn bầu.

Ngay cả khi đã sang Pháp thì Mai Trung Thứ cũng không ít lần biểu diễn nhạc, thậm chí là thu âm cả album có tên Musique du Vietnam (tạm dịch: Âm nhạc Việt) cùng với nhạc sĩ Trần Văn Khê.

“Thời tới cản không kịp”: Tranh của họa sĩ Việt chốt giá triệu đô, chuyên gia khen hết lời - 5

Cận cảnh bức "Chơi Nguyệt Cầm" của học sĩ Mai Trung Thứ. Ảnh: bonhams.com

Nói thêm về bức tranh, ông đã kết hợp cả các kỹ thuật hội họa của phương Tây về bố cục với quy tắc ⅓: Thiếu nữ chơi nhạc (chủ thể chính) hơi kéo về phía bên phải so với trung tâm, trong khi cô gái thưởng nhạc, ngồi quay lưng lại phía người xem được đặt nghiêng về phía bên trái để tạo sự cân bằng thị giác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thùy Linh (Soha)

CLIP HOT