TẢN MẠN CHUYỆN KHẢO SÁT TOUR

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khảo sát tour trong ngôn ngữ của dân Lữ hành mang ý nghĩa là chuyến đi thực tế trên một tuyến, điểm, vùng miền nào đó mà họ chưa biết hoặc biết nhưng còn mơ hồ, nhằm đánh giá tính hấp dẫn của điểm đến, đồng thời xem xét về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giá cả, mức độ an toàn cho du khách để chuẩn bị thiết kế, cho ra đời những sản phẩm du lịch chính thống. Mặt khác nếu nơi đến hoàn toàn mới lạ, hoang sơ hoặc thuộc loại hình thám hiểm, khám phá thì chi phí tổ chức, thời gian, công sức sẽ tốn kém, tiêu hao hơn nhiều so với những khu vực thiên về du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí...

TẢN MẠN CHUYỆN KHẢO SÁT TOUR - 1

 Nhìn chung, người đi khảo sát dù tham dự theo đoàn “Famtrip” do cơ quan chủ quản tổ chức, hay đi riêng lẻ cho đơn vị, thì đều cần có đức tính cần cù, không ngại gian khổ và đam mê khám phá. Họ cũng  buộc phải nghiên cứu trước về địa lý, khí hậu, môi trường, văn hóa, lịch sử, dân tộc. .. nơi nhắm tới thông qua sách vở, tư liệu trên mạng. Hơn thế nữa cần trang bị thêm dụng cụ hỗ trợ như bản đồ, máy chụp ảnh, quay phim, GPS (thiết bị định vị toàn cầu). Bởi lẽ, nếu thiếu chuẩn bị sẽ khó chống chọi khi chẳng may gặp trở ngại.

Trong chuyến công tác tại Hà Giang năm 2012, ngẫu nhiên tôi gặp Anh H, Giám Đốc cùng nhân viên một Công ty lữ hành thuộc loại vừa ở TP.HCM đang đi khảo sát Đồng Văn. Trưa ngày hôm sau, tôi nhận được điện của anh H nhờ giúp tư vấn  đến Đèo Mã Pì Lèng. Để tiện việc chỉ dẫn, tôi hỏi: “Hiện anh đang ở đâu”. “Đang ở thị trấn Mèo Vạc”, anh ấy trả lời. Nghe xong, tôi không thể tin đó là sự thật, vì từ Đồng Văn  qua Mèo Vạc dài 22 km, thì địa hình đèo Mã Pì Lèng một bên vách đá cao sừng sững, một bên vực sâu thăm thẳm đến vờn mắt, đã chiếm phân nửa chiều dài, rồi cái trạm dừng chân, Bia Tưởng niệm ghi lại lịch sử con đường hạnh phúc nằm lồ lộ giữa đèo, mà cớ gì hướng dẫn và mọi người trên xe không nhận ra. Cuối cùng hỏi tiếp, hóa ra tài xế, hướng dẫn đi lần đầu nên không định vị địa danh, hơn nữa lúc qua đèo xe chạy chậm, gió thổi hiu hiu thầy trò trên xe ngủ mê man, đến nỗi không còn thiết gì tới công việc!

TẢN MẠN CHUYỆN KHẢO SÁT TOUR - 2

Một đồng nghiệp khác, trên đường đi “Fam” vùng Đông Bắc, chẳng đặng đừng phải điện hỏi tôi:  “Tôi tới bến thuyền ở Hà Giang, giống chương trình của anh giới thiệu, nhưng chẳng thấy cơ sở thuê thuyền đi sông Gâm, vậy muốn tìm đầu mối hợp tác thì sẽ liên lạc với ai”. Cả 2 trường hợp tôi đều tận tình hỗ trợ, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn họ tự lực, tìm tòi. Bởi chỉ có  tự thân vận động họ mới trải nghiệm và sản phẩm khi thiết kế chắc hẳn sẽ sinh động, khác lạ, không bị rập khuôn với đơn vị khác.    

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tài nguyên thiên nhiên cũng thế, nhiều nơi sơn kỳ thủy tú, ít quốc gia nào có được. Nhờ vậy, nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể cả những di sản văn hóa phi vật thể hiện nay đã trở thành sản phầm du lịch với sự góp sức của ngành quản lý du lịch địa phương, nhà đầu tư, cơ sở dịch vụ du lịch, hãng lữ hành. Tuy nhiên, không ít nơi vẫn còn bỏ ngỏ, nguyên nhân bởi thiếu sự quan tâm, định hướng của địa phương và hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư. Vì thế, không phải bất cứ chuyến khảo sát nào, nhà tổ chức cũng khai sinh ra tour mới, mà còn phải chờ, thậm chí vài ba năm sau, khi những khiếm khuyết trên đường tour đã được khắc phục.

TẢN MẠN CHUYỆN KHẢO SÁT TOUR - 3

Mùa hè năm 2006, Theo đoàn Famtrip do Tổng Cục Du lịch tổ chức, lần đầu tôi đặt chân đến Cô Tô, đảo tiền tiêu trong vịnh Bắc bộ. Mặc dù vẫn biết, mọi sự nhận xét đều chủ quan, khập khễnh nhưng không thể phủ nhận thắng cảnh, bãi biển, địa thế, đời sống văn hóa dân cư trên đảo thật quá tuyệt vời, đặc biệt là hoàn toàn chưa có sự xâm phạm của bàn tay con người. Song phong cảnh dù đẹp tới đâu đi nữa cũng khó thuyết phục các nhà Lữ hành đưa vào tour, khi mà cả thị trấn chỉ có duy nhất một nhà nghỉ công vụ đang xuống cấp trầm trọng, điện sinh hoạt thì chập chờn do chạy bằng máy phát điện và chấm dứt lúc 20h 00, thậm chí chưa có hàng quán phục vụ ăn uống... còn việc đi lại giữa đất liền và Cô Tô, hàng ngày phải sử dụng tàu gỗ mất năm tiếng đồng hồ, e rằng du khách khó chấp nhận.   

Sau thời điểm đó, chúng tôi tiếp tục đi ra Cô Tô thêm 3 lần và mỗi lần đi lại cảm nhận thêm bao điều thú vị, cả những đường hướng mở mang du lịch của chính quyền địa phương. Tuy nhiên chỉ đến đầu năm 2013, tôi mới mạnh dạn tổ chức liên tiếp nhiều đợt khách từ miền nam ra thăm Cô Tô nhằm 2 mục đích: khơi dậy tình yêu biển, đảo vùng đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc và khám phá cảnh quan nguyên sơ, tinh khiết chưa nhiều người đặt chân tới.

Nếu giai đoạn khảo sát tour tốn bao công sức và chi phí, thì quá trình thiết kế chương trình mang yếu tố quyết định sống còn của sản phầm. Một chương trình du lịch thật sự “bài bản”giống như buổi công diễn nghệ thuật, tức là phải có điểm , “đinh” , đặc sắc, khác biệt “, không đụng hàng” kết hợp với những điểm phụ được thiết kế thành chuỗi hợp lý, đa dạng. Hơn nữa, chú trọng việc gắn kết với đối tác du lịch địa phương hầu hỗ trợ dịch vụ trên tour chu đáo, an toàn.Thêm vào đó, sau vài ba chuyến thể nghiệm, nhà thiết kế cần điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết nhằm  phát huy hết thế mạnh sản phẩm.

Với  người tiên phong làm tour mới thì sản phầm do chính mình sáng tạo ra tựa như đứa con tinh thần và là vốn liếng, thế mạnh kinh doanh của đơn vị, góp công cho sự phát triển du lịch nước nhà, cho dù họ không hề được sở hữu nó bởi lẽ tài nguyên du lịch thuộc quốc gia hoặc tổ chức kinh tế nào đó. Điều đáng nói là dựa vào lý do không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ  ấy mà  hầu hết những tour mới vừa tung ra thị trường thu hút khách chưa bao lâu thì cùng lúc gặp ngay một số đơn vị bất chấp đạo đức, uy tín thương hiệu đã  “đạo” biến thành sản phẩm của họ, rồi cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách giảm giá để kéo khách, vô hình chung đẩy kẻ đi trước vào thế thua lỗ, cả về công sức, ý tưởng lẫn chi phí đầu tư, chẳng khác  “Cốc mò Cò xơi”. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị Lữ hành hiện nay không còn mặn mà tới đầu tư, phát triển sản phẩm. Và chương trình du lịch giữa các công ty Lữ hành cứ mãi rập khuôn, thiếu tính sáng tạo.

Ước gì mỗi đơn vị Lữ hành vì uy tín thương hiệu sẽ thường xuyên tổ chức khảo sát, phát triển tour góp sức làm giàu sản phẩm du lịch Việt Nam. Ước gì không còn hiện tượng “đạo Tour”, không còn sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, để môi trường kinh doanh du lịch được trong sạch, bền vững đi lên.

 

                                                                               Trần Thế Dũng

                                                               (Cty Du lịch Thế Hệ Trẻ Tp. HCM)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT