Chợ dã chiến - mô hình nên tham khảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đó là chọn một số địa điểm có đường phố và hè rộng rãi, cho họp trong thời gian nhất định. Trong chợ dã chiến phân ô cho các quầy bán thực phẩm cách nhau 5 - 10m, lập rào chắn để người mua chỉ đi theo 1 chiều.

Dù dịch giã, bệnh tật căng thẳng đến mức nào thì hàng ngày, người ta cũng vẫn phải ăn để tồn tại. Bữa cơm dù có đơn giản, tiện tặn đến đâu thì cũng phải tối thiểu có món mặn và canh rau. Theo một con số thông kê, để đáp ứng bữa ăn hàng ngày trên địa bàn tỉnh thì khoảng trên 70% nhu cầu này là do các chợ đảm nhận. Đó là thực tế hiển nhiên mà chính quyền trước khi đưa ra giải pháp nào để phòng, chống dịch cũng phải tính tới trước tiên.

Chợ dã chiến - mô hình nên tham khảo - 1

Chợ dã chiến ở Thái Lan thời dịch Covid-19. Ảnh Internet

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các chợ vốn rất khó quản lý, chính quyền các cấp ở Nha Trang đã đi từng bước một. Ban đầu là kiên quyết dẹp các chợ tạm, chợ tự phát, sau đó sắp xếp lại chợ truyền thống, phát phiếu đi chợ cho người dân. Sau nữa là biện pháp mạnh hơn, đóng cửa chợ truyền thống, phát phiếu đi siêu thị, Bách hóa Xanh và khuyến khích mua bán trực tuyến.

Nhưng qua theo dõi các thông báo truy vết của CDC, hệ thống Bách hóa Xanh và siêu thị lại là nơi xuất hiện trong thông báo nhiều nhất… Ai cũng sợ những nơi này, mà mua online nói thì dễ, có đặt mua mới biết.

Trước tình hình dịch còn phức tạp kéo dài, có lẽ chính quyền các cấp đặc biệt là ở Nha Trang nên tính đến giải pháp khả thi hơn, bởi như đã nói, dù gì thì người dân cũng phải ăn hàng ngày. Chẳng hạn như mô hình chợ dã chiến ở một số nơi đã làm. Đó là chọn một số địa điểm có đường phố và hè rộng rãi, cho họp trong thời gian nhất định.

Trong chợ dã chiến phân ô cho các quầy bán thực phẩm cách nhau 5 - 10m, lập rào chắn để người mua chỉ đi theo 1 chiều. Quản lý từ cửa, chỉ cho một số lượng vào nhất định, tùy thuộc số người trong chợ mua xong đi ra. Trước các quầy bán, sơn kẻ khoảng cách trên 2m cho từng người đứng chờ xếp hàng. Hàng ngày sau khi chợ tan thì vệ sinh, khử khuẩn để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Mô hình này nếu kết hợp với phát phiếu hạn chế ngày đi chợ, rõ ràng an toàn hơn các không gian khép kín của hệ thống siêu thị hoặc Bách hóa Xanh.

Mô hình chợ dã chiến chỉ là một trong những gợi ý để tham khảo, quan trọng nhất chính là tìm cách khơi thông luồng cung cấp rau, trái cây một cách ổn định cho thành phố trong điều kiện dịch còn phức tạp kéo dài.

Có thể lấy dẫn chứng, ngày 22-7 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo huyện Khánh Sơn để tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của huyện trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chỉ cách hơn 100km mà nông sản của Khánh Sơn thì khó tìm đầu ra, chuối để chín rục ngoài vườn trong khi Nha Trang thì vô cùng khó khăn trong tìm mua trái cây. UBND tỉnh tiếp ngay sau đó có công văn về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cụ thể tình hình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các loại nông sản chính của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ tháo gỡ.

“Dân dĩ thực vi tiên” - người dân lấy miếng ăn làm đầu, từ ngàn xưa các cụ đã nói vậy. Một khi nhu cầu tất yếu hàng ngày của người dân bị xáo trộn thì người ta phải tự lo bằng nhiều cách, cho dù biết đó là làm liều.

Điều đó đặt ra cho chính quyền cần nghiên cứu, cân nhắc mô hình, các giải pháp vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa đảm bảo được nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thủy Ngân (Báo Khánh Hòa)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!