Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ô Lâu, con sông giới tuyến phân chia hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Dặm dài từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước khi ra biển dòng sông đã bồi đắp, mang lại sự trù phú cho vùng đất, dân cư hai bên bờ. Sự bồi đắp đó không chỉ là sự ngọt ngào của cây trái mà còn là những tinh hoa văn hóa đầy bản sắc…

Hai ngôi làng cổ bên triền sông

Từ núi rừng Trường Sơn, ở độ cao xấp xỉ 905m, nhờ sự góp sức của những con suối nhỏ hòa vào đã tạo nên dòng Ô Lâu chảy xuyên suốt từ thượng nguồn ra biển cả. Ô Lâu là con sông có sự thay đổi hướng chảy nhiều nhất trong tất cả các sông ở Thừa Thiên-Huế.

Thoạt đầu sông chảy theo hướng Tây Nam-Đông Bắc, khi đến thị trấn Phò Trạch, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế thì dòng sông bắt đầu chuyển hướng Đông Nam-Tây Bắc chảy miết cho tới Phước Tích, sau đó chuyển hướng Tây Nam-Đông Bắc cho đến Vân Trình lại chuyển hướng Tây Bắc-Đông Nam và đổ vào phá Tam Giang ở cửa Lác.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 1

Trước khi hòa mình vào hệ đầm phá Tam Giang để ra biển, con sông này cũng đã kịp bồi đắp tạo nên những làng mạc trù phú hai bên bờ. Ảnh: BQL Làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích của Thừa Thiên-Huế và Hội Kỳ của tỉnh Quảng Trị là những “di sản” mà con sông này đã kịp để lại trước khi hòa mình vào biển cả.

Phước Tích là ngôi làng cổ nằm xã Phong Hòa, Phong Điền của Thừa Thiên-Huế. Ngôi làng này đã có tuổi đời trên trăm năm, thuộc vào hàng những ngôi làng cổ danh tiếng của Việt Nam. Dưới tán của những cây cổ thụ, bên dòng sông Ô Lâu, Phước Tích hiện ra như một hình ảnh đặc trưng vốn có của làng quê Việt.

Với hơn 30 ngôi nhà rường có tuổi đời trên dưới 100 năm, Phước Tích được đánh giá là một trong những ngôi làng cổ có giá trị văn hóa, nghệ thuật hàng đầu của đất nước. Cùng với đó, gốm Phước Tích cũng là một trong những sản phẩm đem lại nét văn hóa cho ngôi làng cổ này.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 2

Làng cổ Phước Tích ẩn mình dưới những rặng cau, cây cổ thụ luôn đem lại một sự mê hoặc, bình yên cho du khách mỗi khi ghé chân đến thăm. Ảnh: BQL Làng cổ Phước Tích

Bên dòng Ô Lâu xanh tươi, những làng mạc trù phú, đủ tuổi tác mọc lên hai bên hướng mặt về sông mà tận hưởng sự ưu ái của thiên nhiên, của đất trời. Ô Lâu hùng vĩ, nhiều lần chuyển dòng bấy nhiêu thì những bồi đắp mà con sông để lại cho vùng đất này chẳng kém cạnh. Bên này Phước Tích, bên tê Hội Kỳ là cách mà người dân nơi đây vẫn thường gọi như vậy để chỉ dẫn cho du khách về hai ngôi làng cổ này.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 3

Một ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ, Quảng Trị nằm bên bờ sông Ô Lâu

“Thực ra thì hai làng đều nằm chung một hướng, nhưng do sự uốn lượn của dòng sông khiến hai ngôi làng nằm hai bên bờ sông”-ông Lê Trọng Diễn-một người sống ở làng Phước Tích cho hay.

Cũng giống như những ngôi nhà cổ ở Phước Tích, kiến trúc của quần thể nhà cổ ở Hội Kỳ cũng được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái; hoặc 1 gian, 2 chái và tương ứng với nó là số cột trụ 48 hoặc 24, tuỳ theo kinh tế của từng gia đình.

Tích Khánh Đường (nơi hội tụ niềm vui) là ngôi nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh được dựng vào năm 1889 (Triều Vua Thành Thái), đến nay đã trên dưới 121 năm. Ông là đời thứ 4 sinh sống và bảo quản hương khói trong ngôi nhà cổ này. 

Ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít đường kính khoảng 30cm/cột. Gian giữa là nơi thờ tự, trên bàn thờ còn đầy đủ những tự khí cổ như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa, bức hoành... đúng kiểu kiến trúc và bài trí của nhà rường.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 4

Những căn nhà cổ ở Phước Tích được trùng tu, sửa chữa nhằm giữ lại nét văn hoa xưa và đón khách thăm quan.

Nhà cổ Hội Kỳ và nhà cổ Phước Tích đã góp phần tạo nên sự cổ kính với nhiều tầng tầng lớp lớp văn hóa cho những bãi bờ bên dòng Ô Lâu. Những ngôi nhà cổ kính Hội Kỳ cùng với những nhà thờ họ, mái đình, cây đa nghiêng mình bên dòng Ô Lâu xanh mát luôn là nơi những người xa quê thương nguồn nhớ cội vọng về.

Những kiến trúc xưa cũ, những ngôi làng có tuổi đời cả trăm năm đã gợi về kết cấu kiến trúc liên hoàn của một cộng đồng dân cư sinh sống ở đó, nó thể hiện bản sắc văn hoá của cộng đồng người ở một tiểu vùng.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 5

Người dân làng cổ Phước Tích vẫn giữ những nét văn hóa sinh hoạt xưa cũ trong căn nhà đã mấy trăm năm.

Hai ngôi làng nằm trên một dòng sông, hướng về cùng một hướng. Mỗi làng có những nét đẹp, văn hóa riêng, thế nhưng hai ngôi làng này lại mang hai số phận khác nhau.

Với gần 30 căn nhà rường cổ, được làm theo kiến trúc nhà vườn Huế, nhưng bao năm nay làng Hội Kỳ vẫn chưa được mang danh là làng cổ, có chăng đó chỉ là cách gọi lâu dần thành quen của người dân. Chính quyền nơi đây vẫn đang làm hết sức để ngôi làng được công nhận. Nhưng rồi, hơn 10 năm nay, ý tưởng đó vẫn chỉ nằm trên giấy chưa được ai ngó ngàng. 

Khác hẳn với những buồn tủi của Hội Kỳ, làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại đang được đầu tư xứng tầm, những ngôi nhà rường xuống cấp đã được tu bổ một cách bài bản. Khung cảnh bình yên với hàng cây cổ thụ, bến nước… được giữ nguyên bản. Chính quyền nơi đây cũng tổ chức những lễ hội hằng năm trong dịp Festival để thu hút du khách về tham quan.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 6

Làng cổ Phước Tích sau khi trùng tu xong vẫn thường có những đoàn khách đến thăm quan, gia chủ luôn niềm nở đón chào, tiếp chuyện giới thiệu về căn nhà.

Ông Lê Trọng Diễn, nói rằng việc chính quyền đầu tư, phục hồi cho những ngôi nhà rường cổ ở đây là rất đúng đắn. Trên cùng một dòng sông, hai ngôi làng cùng nhìn về một hướng và được bồi đắp bởi phù sa một con sông. Bên này Phước Tích, bên tê Hội Kỳ sự tương đồng này tạo nên hai ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu cũng với nhà rường, bến nước, những hàng cây cổ thụ…

Bốn trăm năm làng Phò Trạch đệm

Trước khi chảy ra đầm phá Tam Giang rồi hòa mình vào biển, dòng Ô Lâu đã để lại những hạt phù sa, bồi đắp ruộng đồng hai bên bờ bãi. Làng nghề đan cỏ bàng là một trong những ngôi làng được hưởng đặc ân đó của phù sa sông. Hơn bốn trăm năm nay, làng nghề đan lát vẫn tồn tại, phát triển giữa những cơn lốc phát triển của đồ nhựa. Những sản phẩm từ cỏ bàng bây giờ vẫn đang được người dân gìn giữ, tìm cách đưa ra thị trường như một phần để níu lại nghề xưa của cha ông.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 7

Người dân làng Phò Trạch đệm vẫn giữ thói quen mỗi sáng sớm dậy đem cỏ ra những chiếc cối đầu làng giã cỏ rồi đem về đan lát.

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Dạng, làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền lỉnh kỉnh mang bó cỏ bàng đã phơi khô ra cối ở đầu làng để giã. Công việc đó gắn với bà từ lúc còn nhỏ. Sau vụ mùa rảnh rang, bà và người làng đều đem cỏ bàng đã được phơi khô ra đan đệm, túi xách, hoặc mũ nón…

Đệm bàng ở Phong Bình có từ xưa, sử sách ghi rằng nó có từ mấy trăm năm trước. Còn người làng bảo rằng, khi đồ nhựa chưa có thì dân phải tìm cách tạo ra cái chi đó để đựng lúa, để xách đi chợ và để nằm ngủ. Cứ vậy, những cọng cỏ bàng được người dân tìm cách làm nên các vật dụng cần thiết cho cuộc sống.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 8

Cỏ sau khi được thu hoạch sẽ được đem phơi, giã rồi đan lát ra sản phẩm, cung ứng cho thị trường.

Phong Điền có hai địa danh được gắn liền với tên Phò Trạch. Để phân biệt cho hai vùng, người dân làng Phò Trạch có làng nghề đan các sản phẩm từ cỏ bàng đã thêm vào chữ “đệm” phía sau để ghi nhớ rạch ròi tên vùng đất. Lâu dần, cái tên Phò Trạch đệm đi cùng với sự phát triển, cách gọi của người dân trong vùng và người phương xa. Ngôi làng bây giờ vẫn giữ những nếp sinh hoạt cũ, với chợ làng bán buôn sản vật người dân trồng trọt. Những chiếc cối giã cỏ bàng vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Những cánh đồng lúa, đình làng là hình ảnh đặc trưng làm nên một ngôi làng đã tồn tại suốt mấy trăm năm.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 9

Những sản phẩm đan lát từ cỏ bàng của người dân Phò Trạch đệm bên bờ sông Ô Lâu.

Người trẻ bây giờ ít ai gắn bó với nghề đệm bàng của cha ông. Sự mai một này cũng đến từ các sản phẩm nhựa ra đời. Để làm nên được một chiếc túi từ cỏ bàng, phải mất rất nhiều công từ thu hoạch cỏ, phơi, rồi đem ra cối giã cho se cỏ sau đó mới đem về đan và tạo hình. Những công đoạn này tốn rất nhiều thời gian nhưng giá thành thì thấp.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 10

Những chiếc nón từ cỏ bàng rất bắt mắt, hấp dẫn du khách gần xa.

“Bọn trẻ giờ đi làm khu công nghiệp, hay làm những ngành nghề khác cho thu nhập tốt hơn ngồi đan đệm, túi sách”, bà Dạng nói về việc làng nghề dần bị mai một.

Những năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã lên kế hoạch để phát triển vùng nguyên liệu cho nơi này, nó cũng nằm trong đề án hạn chế rác thải nhựa mà một thời địa phương này đề cập đến.

Ô Lâu, dòng sông xuyên qua những ngôi làng cổ - 11

Người làng Phò Trạch đệm vẫn hi vọng nghề đan lát từ cỏ bàng của họ vẫn sẽ được tiếp nối, lưu truyền.

Bây giờ, đầu ra cho sản phẩm của người dân cũng đã được tháo gỡ một phần bởi những cá nhân muốn đưa các mặt hàng nơi này tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Người dân nơi đây vẫn hi vọng rằng, các sản phẩm từ làng nghề sẽ được thị trường ưa chuộng, một phần họ muốn kiếm thêm thu nhập, phần người ta mong giữ lại được một cái tinh hoa đã góp phần làm nên vẻ đẹp, văn hóa của làng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nam Bình

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.