Siết hoạt động tàu thủy du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Siết hoạt động tàu thủy du lịch - 1Sẽ không cấp phép đóng mới cho các tàu thủy lưu trú du lịch nghỉ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi bằng vật liệu gỗ hoặc được hoán cải từ các tàu vỏ gỗ

Sau những vụ chìm tàu du lịch khiến hàng chục người chết trong thời gian qua, Bộ GTVT đã gấp rút xây dựng quy định để sớm thắt chặt hoạt động của loại hình này. Dự thảo thông tư quy định yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi do Vụ Khoa học Công nghệ và Cục Đăng kiểm - Bộ GTVT xây dựng đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe đối với các loại phương tiện này.

Siết hoạt động tàu thủy du lịch - 2

An toàn cho du khách phải đặt lên hàng đầu trong hoạt động của tàu thủy du lịch. Ảnh: TẤN THẠNH

Bịt lỗ hổng

Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết từ trước tới nay chưa có tiêu chuẩn về tàu lưu trú qua đêm trên vịnh hoặc sông. Các tàu này được cấp phép, đăng kiểm với tư cách là tàu chở khách. Khi ngành du lịch phát triển quá nhanh, nhu cầu được nghỉ ngơi qua đêm trên vịnh tăng cao buộc các chủ tàu khách phải trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật để bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thời tiết bất thường hoặc một sự cố kỹ thuật nào đó, các tàu du lịch rất dễ gặp phải những tai nạn chìm tàu, nguy cơ gây chết nhiều người. Suốt một thời gian dài, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng bởi chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể về tàu lưu trú qua đêm cũng như khách sạn nổi, nhà hàng nổi.

Theo dự thảo, nhà hàng nổi, khách sạn nổi sẽ phải trang bị áo phao đủ cho 100% số người trên tàu. Riêng tàu du lịch nghỉ đêm phải trang bị phao cứu sinh đủ cho 200% số người trên tàu, trong đó 100% số phao được bố trí trong các buồng ngủ, số còn lại được đặt tại phòng ăn, bar, nơi làm việc một cách phù hợp. Trang bị của các buồng và các vật liệu trang trí khác trên tàu thủy du lịch phải được cố định, không dịch chuyển trong mọi điều kiện thời tiết.

Các khu vực công cộng trên tàu phải có các cửa thoát hiểm, các cửa này phải bảo đảm không để tắc nghẽn khi có sự cố. Trong buồng khách, buồng công cộng phải bố trí sơ đồ thoát hiểm, hướng dẫn sử dụng trang bị cứu sinh. Đồng thời bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về hệ thống điện, phòng chống cháy nổ, tín hiệu…

Xóa bỏ dần tàu gỗ

Theo khảo sát của Cục Đăng kiểm, có rất nhiều nguyên nhân được coi là nguy cơ dẫn tới các vụ tai nạn chìm tàu du lịch, trong đó có trình độ năng lực và sự lơ đễnh của thuyền viên trên tàu khi trực đêm. “Bên cạnh đó, các tàu không được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật nên không thể phát hiện nguy cơ tai nạn. Khi gặp sự cố thì sự non yếu về kỹ thuật cũng khiến họ lúng túng” - ông Trần Kỳ Hình, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết.

Dự thảo do Bộ GTVT xây dựng quy định sẽ không cho phép đóng mới các tàu du lịch nghỉ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi bằng vật liệu gỗ hoặc hoán cải từ tàu vỏ gỗ. Các tàu này phải được đóng từ thép, nhôm, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép được phân cấp và giám sát kỹ thuật theo quy định. Ông Trần Kỳ Hình cho rằng tàu du lịch đóng bằng gỗ không bảo đảm an toàn bằng tàu làm từ các vật liệu khác. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã không cho phép tàu đóng bằng gỗ hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm bảo vệ môi trường và nguồn gỗ quý trên rừng.

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, sau khi Bộ GTVT phê duyệt thông tư, sẽ có đợt rà soát các tàu gỗ đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn trên phạm vi cả nước. “Chỉ những tàu gỗ đạt tiêu chuẩn mới được tiếp tục cấp phép hoạt động nhưng cũng sẽ giới hạn “độ tuổi” nhất định nhằm bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư thu hồi vốn” - ông Giao nói. Ông Giao cho biết sau vụ chìm tàu Trường Hải 06 hồi tháng 2-2011 khiến 12 người thiệt mạng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các tàu du lịch đóng bằng gỗ.

Hiện Bộ GTVT cùng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng một thông tư liên tịch về quản lý hoạt động vận tải du lịch, trong đó quy định rõ trách nhiệm, hoạt động cụ thể của các thuyền viên trên tàu du lịch.

Một số vụ chìm tàu gần đây

- Ngày 24-9-2009, tàu QN-5298 rời đảo Ti-tốp (vịnh Hạ Long - Quảng Ninh) ra Cát Bà - Hải Phòng thì gặp nạn khiến 5 người chết (3 khách nước ngoài và 2 người Việt Nam).

- Ngày 17-2-2011, tàu Trường Hải 06 chìm trên vịnh Hạ Long khiến 12 người chết, trong đó có 10 người nước ngoài.

- Ngày 20-5-2011, tàu Dìn Ký ở Bình Dương chìm khiến 15 người tử nạn.

THẾ KHA

(Báo Người lao động, ngày 20.3.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT