Qua sông Krông-na

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Qua sông Krông-na - 11965. Chiến tranh. Tôi là một chàng trai chỉ mới hơn hai mươi, ba lô tay súng hăng hái đến với Sư đoàn 9 vừa mới thành lập, về vùng rừng khu Sáu ma thiêng nước độc nổi tiếng. Mã Đà sơn cước anh hùng tận! Sau trận Đồng Xoài thắng lợi vẻ vang, trận Phước Long không thắng không bại, trận Bù Đốp thiệt hại nhiều vô số kể... Nhưng tôi không kể chuyện trận đánh, tôi kể chuyện tình yêu của tôi

Qua sông Krông-na

Truyện ngắn của Lê Văn Thảo

1965. Chiến tranh. Tôi là một chàng trai chỉ mới hơn hai mươi, ba lô tay súng hăng hái đến với Sư đoàn 9 vừa mới thành lập, về vùng rừng khu Sáu ma thiêng nước độc nổi tiếng. Mã Đà sơn cước anh hùng tận! Sau trận Đồng Xoài thắng lợi vẻ vang, trận Phước Long không thắng không bại, trận Bù Đốp thiệt hại nhiều vô số kể... Nhưng tôi không kể chuyện trận đánh, tôi kể chuyện tình yêu của tôi

Qua sông Krông-na - 2Qua sông Krông-na - 3

Đêm hôm đó, đơn vị chúng tôi rút về hướng Nam, qua sông Krông-na, cuối mùa mưa nước dâng cao chảy đổ ầm ầm. Đoạn sông chúng tôi qua dòng sông rộng dốc dựng đứng. Chúng tôi chuyển cáng thương qua trước, kế đến súng cối, đại liên, xung kích tiểu liên đi sau rốt. Chúng tôi là những “chuyên gia” vượt sông, quần áo súng đạn không khi nào bị ướt cả. Vùng rừng không… có đàn bà con gái, bộ đội ta thoải mái cởi quần áo ba lô cuộn trong tấm ni lông che mưa, sợi dây thun căng tăng cột ngang, lộn đầu trở xuống thành một chiếc phao lớn, một tay giữ chặt mối cột, tay kia đặt lên trên cùng khẩu súng, ca-tu-se đạn, cứ thế lội qua an toàn vững chãi. Trời đang mưa lâm râm. Tôi qua sông tốp sau cùng, níu chùm rễ cây leo lên. Trước mặt có một bóng đen trùm ni lông nón vải nhỏ giọt nước mưa, chắc người qua trước. Tôi tìm gò đất đặt túm đồ xuống, đưa khẩu súng cho bóng đen cầm giùm, giở túm đồ đạc lấy quần áo bận vô. Quần áo khô ráo cả, ba lô cũng vậy, tôi sửa nịt đạn đón lấy khẩu súng từ bóng đen. Giờ tôi mới nhìn kỹ hơn, và trời đất ơi, đó là một cô gái! Con gái nào ở đây? Nãy giờ tôi “thoát y” trước mặt cô ta hay sao? Trời đã xẩm tối, đang mưa, chắc cũng không thấy được gì (!) Nhưng tôi vẫn thấy nôn nao, nhìn lại cô gái coi thế nào. Cô vẫn điềm nhiên, khuôn mặt tái xanh sau vành nón vải, rất trẻ, ánh mắt long lanh nghiêm nghị. Tôi không thể nào quên khuôn mặt ánh mắt ấy.

Chúng tôi tiếp tục hành quân, sáng ra đến chỗ đóng quân giăng võng ngủ một chút, thức dậy lo cơm nước. Thường tôi nấu cơm chung với Tiểu đội, sáng đó không hiểu sao tôi nấu riêng. Tôi vẫn còn nôn nao về chuyện đêm qua. Sao có con gái ở đây? Thanh niên Xung phong, dân công, hay cơ quan dân chánh? Sao không thấy có đơn vị đi cùng? Bao nhiêu câu hỏi, nhưng tôi không chia sẻ với ai. Lần đầu tiên tôi thấy mình có điều bí mật riêng cần phải giữ.

Nghỉ quân mấy ngày chúng tôi được lệnh hành quân ngược trở lại, đi từ chiều, giữa khuya qua sông, ngay chỗ cũ. Bất giác tôi đưa mắt tìm kiếm, tuy biết là vô lý, mong gặp lại cô gái. Nhưng không có gì cả, chỉ có bờ sông dốc đứng nước chảy đổ ầm ầm. Tôi lên bờ tự tìm chỗ khô ráo đặt khẩu súng ca-tu-se đạn, bận quần áo vào.

Gần sáng chúng tôi nổ súng đánh tập kích một Chi khu không lớn lắm. Nhưng bất ngờ một đội quân lớn của địch đóng gần đó nghe súng nổ kéo đến, lùa chúng tôi ra vườn cao su chặn đầu khóa đuôi. Tình thế vô cùng khó khăn. Tôi nằm trong rãnh thoát nước của vườn cao su, gần như một giao thông hào, cùng với người y tá. Lát sau anh y tá cũng cầm súng xông lên. Súng nổ mù trời. Anh y tá trở xuống dẫn theo cô gái bị thương. Anh đã băng sơ rồi, nhờ tôi tháo ra băng lại. Anh phải trở lên tiếp xung kích đánh giải vây.

Cô gái bị thương ở ngực, phía trước, dưới vú bên trái, viên đạn trổ ra sau lưng. Cô vẫn còn tỉnh, gần như bình thường, chỉ hơi xanh xao. Tôi cởi áo cho cô. Cô tiếp tôi một tay, thở phì phò, sủi bọt phía trước phía sau. Băng quấn quanh ngực đã khô cứng, tôi run rẩy lập bập mãi không tháo ra được. Không phải tôi không thông thạo việc bông băng, do lần đầu tôi nhìn thấy cơ thể phụ nữ để trần. Cô ngồi sát bên, gần như trong lòng tôi, trong ánh ngày tôi nhìn rõ tấm thân người con gái trắng nuột nà, từng lỗ chân lông lấm tấm mồ hôi. Tôi quấn băng vẫn cứ bị tuột, cắt bỏ rồi quấn lại nữa.

Cô gái nói, giọng vui vui, cốt cho tôi yên tâm.:

“Anh sao vậy? Sợ quá hả? Coi chừng làm đứt áo nịt em!”.

Rồi lại nói:

“Hôm rồi em tiếp anh cầm khẩu súng, giờ anh tiếp băng giùm em”.

Ôi trời đất ơi, vậy là cô gái đêm hôm rồi qua sông. Cũng phải thôi, cả vùng rừng chỉ có mình cô. Cuối cùng rồi tôi cũng băng xong, giúp cô bận áo trở vô. Suốt lúc đó tôi không biết gì tới trận đánh đang diễn ra, như sau này tôi được biết, chúng tôi bị cả một đơn vị lớn địch bao vây, không có cơ thoát, không một người nào có thể sống sót. Đạn bắn như vải trấu, pháo nổ bao quanh đất cát văng rào rào. Tôi không màng tới, tôi chỉ lo cho cô gái bị thương, mấy lượt băng chắc cũng tạm yên, thêm chiếc áo bó căng bên ngoài khô cứng như áo giáp. Mùi hương con gái thơm nồng đoạn giao thông hào, hòa quyện với mùi thuốc súng, mùi lá cây bị cháy xém.

Tôi hỏi:

“Em có sao không? Em thấy trong người thế nào?”.

Cô gái đáp:

“Em không sao, bị thương ở ngực mau lành lắm”.

Hồi đó trong rừng trai gái dù không quen biết vẫn xưng anh em. Tôi không hỏi cô ở đâu, đơn vị nào, sao con gái một mình giữa rừng như vầy. Đầu óc tôi mông lung, lơ mơ giữa trận đánh và cô gái, không biết thời gian trôi đi trưa chiều như thế nào. Lâu lắm, tiếng súng bỗng im bặt.

Một đơn vị tình cờ đi ngang nghe tiếng súng nổ dai dẳng biết có đơn vị bạn đang gặp nạn, xông vào  giải cứu. Chúng tôi thoát chết như có phép thần kỳ.

Tốp xung kích mặt mày trầy xuể quần áo lầm bụi quay trở lại phụ giúp đưa cô gái lên cáng thương, nhanh chóng đưa ra khỏi trận địa.

Về đến chỗ đóng quân tôi kể chuyện cô gái ai cũng lấy làm lạ, bàn nên cử người đi thăm. Không ai ngoài tôi, lính biệt phái rảnh rỗi, người đã hai lần gặp gỡ. Một lần qua sông “thoát y” một cách kỳ cục. Lần thứ hai băng bó vết thương, nhìn thấy cơ thể để trần của cô. Tôi lên đường đi ngay. Lâu lắm rồi tôi mới đi một mình như vầy, việc hoàn toàn riêng tư. Tôi thấy nôn nao, nóng lòng muốn gặp cô gái, lại thấy e ngại, không biết gặp cô nói gì, hỏi thăm như thế nào.

Lại qua sông Krông-na. Bệnh viện dã chiến nằm ngay bên bờ sông, bước lên là tới. Nhiều gian trại lợp lá Trung quân, giường bện bằng cây sặt. Cô gái nằm gian trại dành cho nữ, giường đầu hàng, nhìn thấy tôi từ xa nhổm dậy đón chờ. Tôi đi đến ngồi ghé bên giường, không có chỗ nào khác, hỏi mấy câu thông thường: vết thương ra sao, có đau không, tối có ngủ được không? Rồi làm thinh, không tìm được câu nào khác. Tôi chưa từng quen cô gái nào, đến thăm bệnh như vầy. Cô có vẻ vui, nhưng cũng chỉ trả lời các câu tôi hỏi, không nói gì thêm. Đoàn bác sĩ đến khám bệnh, tôi phải bước ra ngoài. Cô y tá đứng chờ thay băng, hỏi tôi là bà con, hay người đơn vị. Tôi lắc đầu cười cười. Cô y tá thay băng xong tôi trở vào ngồi thêm một lúc, rồi nói trời tối, đơn vị sắp hành quân tôi phải ra về. Thật ra trời chưa tối, đơn vị cũng không hành quân, chỉ do tôi không biết nói gì thôi.

Tôi đứng dậy quay đi mấy bước, chợt nghe tiếng gọi:

“Anh lại đây em nói cái này…”.

Tôi trở lại ngồi xuống. Cô lại nói:

“Anh ngồi xích lại đây…”.

Tôi ngồi xích lại. Cô nói, nhẹ như hơi thở:

“Sao anh gặp em hoài vậy?”.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu ra sao. Tôi đâu có gặp hoài. Tôi gặp cô ba lần. Lần đầu kỳ cục không tính. Lần thứ hai cô bị thương tôi băng bó. Chỉ có lần này tôi tìm cô, nhưng là thăm người bị thương, đơn vị giao, trách nhiệm của người đồng đội. Tôi đã băng bó vết thương, giờ đến coi thế nào. Cô hỏi vậy chắc có lý do gì khác. Nhưng lý do gì tôi không biết, hoặc không muốn biết.

Cô nói sang chuyện khác, kể chuyện tại sao cô lạc sang đơn vị tôi, giữa trận địa đang nổ súng. Đơn vị Thanh niên Xung phong của cô được lệnh đến hỗ trợ chúng tôi, trên đường đi nghe súng nổ tốc chạy, cô chạy trước lạc mất đơn vị, lòng vòng thế nào lọt vào trận địa. Đội Thanh niên Xung phong chắc ở gần đây thôi.

Tới giờ cơm, tôi ra về, hẹn tuần sau đến thăm.

Tuần sau tôi không đến được. Dự họp tổng kết Sư đoàn. Rồi bị một trận bom, phải dời chỗ đóng quân. Hơn tháng sau tôi đến, nơm nớp lo cô ra viện về đơn vị, không biết tìm đâu. Cô vẫn còn nằm viện, vết thương đã lành nhưng còn yếu, phải tĩnh dưỡng thêm. Cô giận vì tôi đến trễ, nhưng vui liền sau đó, khoe nhận được thư nhà, em gái sắp lấy chồng.

“Ở nhà quê kỵ em gái lấy chồng trước chị”, cô nói vẻ đăm chiêu. “Nhưng biết sao bây giờ, em đang lặn lội trong rừng như vầy…”.

Cô người đồng bằng sông Cửu Long, ba má làm ruộng, nhà chỉ có hai chị em, con nhỏ đi lấy chồng hai ông bà già không biết sống thế nào. Cô đi Thanh niên Xung phong là tự nguyện, nhưng tính đi gần thôi, thỉnh thoảng về thăm nhà. Không ngờ lên tận Khu Sáu rừng thiêng nước độc như vầy. Chắc lạc giấy tờ sao đó. Cô ở đây đã hai năm, cảnh lạ người lạ bơ vơ lắm. Cô hỏi cơ quan tôi ở đâu? Tôi nói cơ quan ở miền Đông, trên đồng bằng một chút. Cô nói, vẻ nghịch ngợm:

“Anh đem em về đó được không?”.

Cô nói vui nhưng nhìn tôi chờ trả lời. Tôi không biết nói sao. “Đem” cô về là sao? Đây là Chiến khu, mọi cán bộ chiến sĩ ở đâu làm gì đều được phân công, đâu có chuyện ai “đem” ai “về”. Tôi không là cán bộ cao cấp, thủ trưởng cơ quan, điều động được ai?

Tôi nói lảng sang chuyện khác. Rồi ra về. Qua sông Krông-na. Con sông vẫn bình yên, nhưng lòng tôi đang xáo động. Thấy hơi buồn. Cô gái ở bên kia sông rồi, nay mai ra viện tôi khó bề gặp lại. Mà gặp làm chi?

Qua mùa chiến dịch đơn vị nghỉ quân dài ngày, tôi được cơ quan kêu về có công tác khác. Đại đội làm tiệc tiễn đưa, uống chút rượu rừng tôi chia tay anh em cười vui hớn hở, nhưng lên đường đi một chập thấy lòng dạ có gì đó nao nao. Chuyến công tác không gặp trắc trở gì, các trận đánh có thắng có thua, đơn vị người miền Tây đồng hương quen biết. Chỉ có điều tôi rời vùng rừng về cơ quan không gặp lại cô gái nữa. Nỗi buồn có vị dịu ngọt, hơi lâng lâng, như có chút men say. Lần đầu tiên tôi quen biết một cô gái, có kỷ niệm với cô.

“Mình đã nhìn thấy thân thể người ta rồi”, tôi buồn bã nghĩ.

Vậy sao tôi không thể trở lại tìm cô? Tôi về cơ quan nhận công tác khác, chuyện “cống hiến” là của nhiều năm, của cả đời. Còn chuyện trở lại gặp cô gái chỉ có dịp này thôi. Hôm rồi cô nói: “Sao anh tìm em hoài vậy?”. Rồi lại nói: “Anh đem em theo được không?”. Con gái người ta đã mở lời như vậy, còn tôi chỉ ngậm miệng cóc làm thinh. Tôi không hiểu, hay cố tình không hiểu? Ai ngăn cấm tôi? Tôi có cảm tình với cô, không phải bây giờ mà ngay hôm đó, cô bị thương tôi băng bó, về đại đội thấy nhớ nhung tìm đến bệnh viện thăm cô. Sao tôi không trở lại bệnh viện gặp cô nói tất cả những điều đó?

Tôi đứng lại giữa rừng, trong ánh chiều chạng vạng. Rồi quay trở lại, đúng ra là rẽ ngang, theo triền dốc qua sông Krông-na. Tôi qua sông một cách dễ dàng, tắm táp một chút lên bờ đi thảnh thơi. Trời đã tối hẳn. Tôi đến bệnh viện vào lúc giữa đêm, dừng lại bên ngoài nấu cơm ăn, uống bình trà ngủ một chút, đợi sáng ra đủng đỉnh đi vào cho “dễ coi” hơn. Nhưng bệnh viện trống hoang, đồ đạc còn vương vãi. Đã có cuộc di dời gấp rút, chắc có tin ném bom hoặc biệt kích gì đó. Tôi đi rảo quanh. Không một bóng người, vắng tanh vắng ngắt. Tôi ở lại đó hết ngày đến đêm vẫn không gặp người nào. Suốt đêm tôi không ngủ, sáng ra ngồi trên võng nhìn quanh, lòng rối bời, trống rỗng. Tôi mất cô gái thật rồi, không mong gì gặp lại nữa. Tại tôi thôi, tôi chậm quá! Tôi luôn là người chậm.

Có hai nơi tôi có thể tìm gặp cô gái: bệnh viện và đơn vị Thanh niên Xung phong, cả hai nơi đều không có chút manh mối nào. Không thể trở về đơn vị Bộ đội hỏi thăm. Tôi vừa từ giã họ, chắc họ cũng không biết gì. Trạm giao liên nơi tôi đến có thể có nhiều thông tin, nhưng giấy giới thiệu là nhờ họ đưa tôi về cơ quan, tôi không thể “rẽ ngang”. Tốt nhứt tôi nằm chờ ở đây. Bệnh viện chuyển đi đột xuất, có thể có người trở lại tìm đồ đạc chôn dấu. Tôi ở gian chính giữa để có thể nhìn bao quát chung quanh, ngày ăn cơm hai bữa, đêm ngủ rất ít, thỉnh thoảng đi rảo quanh nghe ngóng, nghĩ sẵn câu trả lời nếu gặp người, để họ không bị bất ngờ nổ súng vào tôi. Một ngày, hai ngày, rồi năm ngày. Vẫn không gặp người nào. Một mình giữa rừng, một chuyện kỳ cục trong đời chưa từng có. Ngày thứ bảy trôi qua. Tôi cuộn võng quảy ba lô ra đi, không phải trở về cơ quan mà tiếp tục đi tìm. Thanh niên Xung phong thường theo các đơn vị Bộ đội đang chiến đấu. Tôi nhắm hướng có tiếng bom đạn ầm ì  đi tới, như người lính ra trận, chỉ khác có một mình. Tiếng bom đạn thật lạ, cứ lẩn quất, đến chỗ này nghe vẳng ở chỗ kia. Tôi đi ban ngày, ban đêm dừng lại nghỉ, ghi vào sổ tay qua vùng rừng nào sông suối nào, gặp ai, nhìn thấy gì. Ban ngày một mình đi lầm lủi nghĩ đủ thứ chuyện, ban đêm cơm nước xong lên võng nằm tôi chỉ nghĩ đến cô gái. Một chút thôi, vài ba phút mơ màng, rồi mệt ngủ ngay, hình ảnh cô gái nối tiếp vào trong giấc mộng.

Đã mười ngày trôi qua. Một buổi chiều tôi gặp ba người ở trạm dừng chân, hai người lớn tuổi một người trẻ. Chúng tôi cùng nấu cơm ăn. Tôi hỏi thăm cô gái, hai người lớn tuổi hỏi tên gì người như thế nào. Tôi nói tên tả người. Hai người lớn tuổi tức thì cười lớn chỉ người trẻ tuổi nói thằng này cũng có cô bạn tên đó ở Thanh niên Xung phong, hai người phải đấu súng hay sao? Tôi biết họ nói chơi thôi, nhưng cũng thấy đau thắt. Người trẻ tuổi cũng mím môi cười hỏi quê cô gái của tôi ở đâu. Tôi nói quê cô gái của tôi. Người trẻ tuổi cười nói vậy là không phải rồi, cô gái của anh ở chỗ khác. Chúng tôi ăn cơm chia tay nhau vui vẻ, không ai hỏi ai đi đâu, làm gì. Cuộc sống ở rừng những năm đó là như vậy. Dần dà rừng trở nên hoang vu, không có dấu bom đạn, như chiến tranh chưa hề qua đây. Đêm hôm ngủ giữa rừng già tôi thấy lòng yên tĩnh, phút chốc quên đi cuộc chiến tranh, chỉ nghĩ đến cô gái. Sáng ra đi tiếp, gặp một làng người dân tộc trống hoang, nhà cửa còn nguyên người đâu không thấy. Dân làng du cư vậy thôi. Tôi ở lại làm “già làng” một ngày, mặc sức chạy nhảy la hét, tắm suối, lặn mò bắt cá. Hôm sau đi tiếp, giữa trưa gặp đoàn người dân tộc trẻ bé lớn, lưng mang gùi tay cầm chà gạc, đàn ông con trai đóng khố, phụ nữ mình trần. Tất cả đi lầm lủi không một ánh mắt liếc ngang, đó là thói quen của người miền núi. Tôi qua vô số những con suối nước chảy ầm ào, đằng xa màn nước đổ xuống như một dải lụa bạc. Tôi gặp nhiều đội dân công, đơn vị Bộ đội, các cơ quan dân chánh, duy chỉ Thanh niên Xung phong là bặt tăm. Tôi gặp một bầy voi, nhiều đàn hươu nai. Nhiều đêm nằm nghe tiếng cọp gầm. Đã gần tháng trôi qua. Tôi đi lòng vòng, cho đến một hôm lại trở về sông Krông-na, tôi biết được là do hỏi thăm tốp người đang dọn chỗ bắt chiếc cầu treo qua sông. Tôi ở lại tiếp họ bứt mây đốn cây xẻ gỗ, xin họ ít gạo mắm lên đường đi tiếp. Đúng ra là quay trở về. Đã đến lúc chấm dứt con đường “rẽ ngang”, thôi việc đi tìm cô gái, tôi trở về cơ quan công việc của tôi.

Tôi cũng xin chấm dứt câu chuyện ở đây, chắc bạn đọc không khỏi cảm thấy hụt hẩng. Tôi kể chuyện tình yêu, vậy tình yêu ở đâu? Đi lầm lủi trên đường, chỉ có một mình, không có gì đáp lại cả, sao gọi là tình yêu?

Tôi kể thêm một chút. Tôi về cơ quan không ai nói gì cả, như không hề có thư kêu tôi về. Thủ trưởng cơ quan còn kêu tôi tĩnh dưỡng dài ngày, sau cả chiến dịch lặn lội bom đạn khổ cực như vậy. Nhưng tôi không nghỉ, dưới đồng bằng đang có chiến dịch mới, tôi cần phải ra đi. Thật ra tôi mắc bệnh “đi”, không dừng lại được. Sau chiến dịch ở đồng bằng rồi nhiều chiến dịch khác nữa, nhiều năm về sau tôi không gặp lại cô gái, cũng không có cách gì tìm gặp. Rồi chiến tranh chấm dứt, hơn ba mươi năm thời bình nhọc nhằn trôi qua, hình ảnh cô gái tuy có nhạt nhòa đi nhiều nhưng vẫn không thể nào quên. Đôi khi giữa đêm tuổi già không ngủ được, nhớ lại chuyện cũ, cả tháng trời lặn lội trong rừng đi tìm cô gái, tình yêu tràn ngập trong lòng, giờ đây sau gần năm mươi năm thỉnh thoảng vẫn còn lóe lên đau nhói. Vậy có phải là tình yêu hay không?

L.V.T

(12 – 2009)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT