Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Vai trò của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực mậu dịch tự do các nước Đông Nam Á, vấn đề giáo dục và việc làm càng trở nên thách thức gay gắt khi các nguyên tắc được thỏa thuận về nhiều nghề được luôn chuyển trong khối ASEAN, trong đó có các nghề thuộc ngành du lịch. Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN”, tổ chức tại TPHCM, đầu tháng 12.2016, rất nhiều vấn đề được bạn luận, đề xuất đã đưa ra những giải pháp, hướng đi mới, thiết thực, phù hợp với thực tế của Ngành Du lịch Việt Nam hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Vai trò của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch - 1

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hữu Long

  Các vấn đề chính được nhiều đại biểu tại Hội thảo quan tâm gồm: Thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và định hướng đào tạo trong giai đoạn hội nhập; Yêu cầu của doanh nghiệp du lịch về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Thực trạng và định hướng công tác đào tạo nhân lực du lịch

Trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có chỉ rõ “Tính chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ lao động tinh thông, chuyên nghiệp”. Đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam hiện có khoảng 425 nghìn lao động trực tiếp và hơn 750 nghìn lao động gián tiếp, được đánh giá là trẻ, có năng lực và có khả năng tiếp cận nhanh với nguồn tri thức mới. Bên cạnh các yếu tố tài nguyên, đầu tư, cơ chế chính sách...của ngành du lịch, yếu tố nhân lực vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, từ sơ cấp đến sau đại học. Theo đánh giá của các chuyên gia, các chương trình đào tạo về du lịch còn nhiều bất cập, như tập trung lý thuyết, chưa coi trọng thực hành, chưa bám sát nhu cầu của xã hội, thiếu tính thống nhất, thiếu tiêu chuẩn cụ thể. Cùng ngành du lịch, mỗi trường, mỗi cấp có những tên gọi khác nhau, những tiêu chí, chương trình đào tạo khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, nhận sinh viên mới ra trường phải đào tạo lại mới sử dụng được. Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức của người học, vấn đề được đặt ra là chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình dạy – học, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu hay chưa? Nhiều đại biểu khẳng định trình độ sư phạm của đội ngũ giảng viên luôn được đảm bảo, vấn đề là họ ít được cập nhật cái mới, chưa có nhiều cơ hội giao lưu quốc tế, cũng như trải nghiệm thực tế nghề nghiệp.

Do đó, cần sự liên kết, giao thoa giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp kiến thức cơ bản cho nguồn nhân lực phục vụ tại các doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp có thể hỗ trợ cơ sở đào tạo những kiến thức, tình hình thực tiễn. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch dày dặn kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch.

Như vậy, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến vấn đề việc làm tương lai cho người học. Đảm bảo học xong làm việc được ngay, không cần đào tạo lại. Các chương trình đào tạo cần được định hướng và thiết kế theo sát thực tế yêu cầu của thị trường lao động. Sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này là rất cần thiết, giúp người học có sự gần gũi với môi trường làm việc tương lai từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Vai trò của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch - 2

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Liên kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch

Những năm qua, vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung trong đào tạo, tuyển dụng trở thành mỗi trăn trở lớn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch. Nhiều sinh viên du lịch ra trường không tìm được việc làm, nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp với nhu cầu. Do đó, sự liên kết, hợp tác qua lại là điều tất yếu, cần thiết để giải quyết tình trạng này.

Các cơ sở đào tạo phải nắm được nhu cầu của xã hội về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo. Luôn nỗ lực đầu tư nâng cao năng lực đào tạo, dạy nghề, như đầu tư mới nâng cấp trang thiết bị dạy-học hiện đại; đổi mới, phát triển chương trình đào tạo; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo và đội ngũ trực tiếp giảng dạy; tổ chức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên với người học, doanh nghiệp, người đã ra trường, đi làm...

Doanh nghiệp cần tham gia với cơ sở đào tạo trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo. Từ đó, các chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ mà thực tiễn ngành nghề đang áp dụng. Đồng thời, thực hiện các hoạt động hỗ trợ đào tạo như hướng nghiệp, cấp học bổng, tạo nơi thực tập, đặt hàng đào tạo, cử chuyên gia tham gia góp ý chương trình đào tạo, trao đổi với cơ sở đào tạo về nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Song song đó là bố trí, sử dụng nhân lực, thực hiện đãi ngộ và các phúc lợi, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thực  hiện tốt mối liên kết này, cơ sở đào tạo  sẽ nâng cao được năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp du lịch sẽ có đủ nguồn nhân lực đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Từ đó, du khách được phục vụ tốt hơn sẽ có ấn tượng tốt, lan tỏa đến cộng đồng, nâng cao uy tín của điểm đến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp du lịch.

Để mối liên kết này bền vững, hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tạo môi trường thuận tiện, kiến tạo và triển khai những chính sách, chiến lược phù hợp. Như xây dựng các khung chính sách về thuế trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể.

Việc xây dựng và củng cố mối liên kết bền vững giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ bắt buộc của xã hội. Hai đầu mối liên kết này phải có những giải pháp đồng bộ, tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết kết bền vững này. Đào tạo, sử dụng và phát huy nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao vị thế của ngành và đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Thu Hương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT