Ông Bùi Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Để du khách không bị “chặt chém”!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phóng viên: Là thành viên nòng cốt của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là một doanh nhân du lịch chuyên nghiệp tên tuổi, Ông nhận xét gì về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “chặt chém” du khách tại TP. Vũng Tàu? Do tự phát, hay cố tình vi phạm để đánh “Thương hiệu Du lịch Vũng Tàu”?

Ông Bùi Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Để du khách không bị “chặt chém”! - 1
Du khách tham quan Côn Đảo

- Ông Bùi Ngọc Diệp: Trong xã hội chúng ta đang có nhiều vấn nạn xảy ra như: Ngành Nông nghiệp thì trong kinh doanh hàng nông sản, hải sản… có hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá giành giật khách hàng. Trong xuất khẩu, một số mặt hàng có tạp chất để tăng trọng lượng. Ngành phân bón thì không kiểm soát được hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm có hại cho sức khỏe đang được báo động. Vấn đề Y đức trong ngành Y tế có chuyện đau lòng, quản lý Nhà nước thì một số cán bộ vô cảm với doanh nghiệp, với bức xúc của xã hội…. Nói như vậy để thấy rằng tệ nạn thì ngành nào cũng có, Ngành Du lịch thì nổi bật lên vấn đề “chặt chém” du khách.

Ông Bùi Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Để du khách không bị “chặt chém”! - 2
Ông Bùi Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Hành động “chặt chém” nảy sinh từ tư tưởng cố hữu của một số cơ sở kinh doanh làm ăn manh mún, chụp giật, cố tình gian lận thương mại; lợi dụng thương hiệu của Thành phố Vũng Tàu, của địa phương; đầu tư ít nhưng muốn thu lợi nhuận nhiều. Những quán ăn, phòng trọ này thường không chú trọng đến việc đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu của cơ sở mình. Ở TP.Vũng Tàu thì hiện tượng chặt chém xảy ra ở mấy quán ăn, phòng trọ, đã được phát hiện và lãnh đạo các cấp TP.Vũng Tàu có kế hoạch kiểm tra thường xuyên.

Đây là những trường hợp cá biệt ở Vũng Tàu, các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán cơm này họ cố tình vi phạm và xem thường các quy định của Pháp luật. Hành động như vậy là họ tự hại mình và ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp khác và dư luận xã hội.

Ÿ Theo Ông, có giải pháp nào cần kiến nghị với lãnh đạo TP. Vũng Tàu, theo ý nghĩa những việc “cần làm ngay”?

- Cụ thể: Đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc một số điểm đen ở đường Hoàng Hoa Thám (cùng một địa điểm nhưng đổi tên nhiều lần để đánh lừa du khách) thì đình chỉ hoạt động trong một thời gian hoặc rút Giấy phép Kinh doanh vĩnh viễn. Những địa chỉ “đen” về “chặt chém” cần được công bố rộng rãi, công khai trên trang web của Bà Rịa – Vũng Tàu, trên các pano công cộng để du khách tránh đến những nơi đó và có đường dây nóng đến các cơ quan quản lý Nhà nước, Ban Quản lý Khu Du lịch ( Thành phố đã và đang làm).

Đối với những tổ chức kinh doanh có ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, đến văn hóa… thì cần phải có điều kiện mới được cấp Giấy phép Kinh doanh, ví dụ như kinh doanh ăn uống cần phải có quy định đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, mặt bằng kinh doanh, diện tích đậu xe…người trực tiếp làm kinh doanh phải được huấn luyện, đào tạo ở mức độ nào đó, có Chứng chỉ và đặc biệt là cơ sở kinh doanh không ảnh hưởng đến người dân và các cơ sở xung quanh về môi trường, vệ sinh.

Ở góc độ doanh nghiệp Du lịch, tôi nghĩ giải pháp xử lý khắc phục “chặt chém” trong quán ăn, phòng trọ sẽ có chuyển biến tốt, nhưng lo ngại nhất là chặt chém của Taxi, độc quyền trong phương tiện vận chuyển giao thông và tệ nạn hàng rong chèo kéo, trộm cắp tài sản, tư trang của Du khách là điều nan giải nhất, phải tập trung cả lực lượng quản lý đa ngành liên quan vào cuộc.

Tuy nhiên, trên hết vẫn là sự quyết liệt xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước dựa trên những Thông tư, Nghị định, Quy định về xử phạt trong gian lận thương mại, lừa đảo khách hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong xã hội. Phải tăng mức phạt có đủ sức răn đe, có tác dụng cao, tránh những trường hợp phạt quá nhẹ, làm cho người vi phạm coi thường kỷ cương Pháp luật và vi phạm nhiều lần. Cần tăng cường thanh kiểm tra công vụ của cơ quan quản lý cấp trên với cấp dưới về quản lý môi trường du lịch của địa bàn TP.Vũng Tàu. Đến bây giờ chúng ta thấy rất cần có lực lượng Cảnh sát Du lịch ở những nơi trọng điểm kinh doanh Du lịch, để giải quyết nhanh các vấn đề tệ nạn xấu trong môi trường Du lịch.

Ÿ Với những du khách quý mến Vũng Tàu, Ông nói gì về nét văn hóa của “Người Vũng Tàu”?

- Như chúng ta đã biết, văn hóa là một khái niệm rất rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần của con người, của cộng đồng địa phương và cả xã hội. Thể hiện cụ thể ở những chuyện thông thường như phong cách sống, ăn mặc, ứng xử, ngôn ngữ giao tiếp, nói chuyện , hành vi chăm sóc khách hàng trong thương mại, đạo đức trong kinh doanh nghề nghiệp… Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi hội tụ người dân ở khắp các vùng miền trên cả nước, Do vậy, nét văn hóa của “Người Vũng Tàu” chính là sự kết hợp hài hòa văn hóa cả ba miền Bắc – Trung - Nam và sự giao thoa văn hóa của du khách nước ngoài đến Vũng Tàu du lịch, sinh sống và làm việc.

Trong lĩnh vực Du lịch đặc trưng của người dân Vũng Tàu là rất thân thiện và hiếu khách, phục vụ tận tình chu đáo. Mặc dù đâu đó, vẫn còn những hình ảnh chưa được đẹp, chưa để lại ấn tượng tốt với du khách thập phương, nhưng đó chỉ là số ít! Tôi hy vọng rằng không phải vì “một con sâu làm rầu nồi canh” mà hình ảnh Du lịch Vũng Tàu, cũng như nét văn hóa của Người Vũng Tàu ngày càng có ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong hôm nay và tương lai.

Ÿ Hiệp hội Du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu đã có những hoạt động nào để góp phần “làm đẹp” Ngành Du lịch TP.Vũng Tàu trong lòng du khách gần xa?

- Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một tổ chức nghề nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh Du lịch trên địa bàn, nên nắm bắt nhanh được thực tế những tệ nạn xảy ra và đương đầu với những tệ nạn này. Thường trực Hiệp hội thường xuyên có những thông tin 02 chiều đến doanh nghiệp Hội viên. Chính những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn bài bản chân chính, có chiến lược xây dựng thương hiệu làm ăn căn cơ rất bức xúc và lên án những hành vi “chặt chém” du khách trong TP.Vũng Tàu. Các doanh nghiệp đã có những thông tin minh bạch về giá cả, chất lượng dịch vụ sản phẩm cho khách hàng và người tiêu dùng quan tâm trước, Hội thảo chuyên đề nội bộ và rộng rãi cùng báo chí, chính quyền địa phương tìm giải pháp căn cơ như vừa qua đã làm mà tôi dề cập ở phần trên.

Do vậy, Hiệp Hội đã có những phản ảnh và tham mưu kịp thời cho các cơ quan quan lý Nhà nước về Du lịch Thành phố và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để cùng phối hợp xóa bỏ dần vấn nạn “chặt chém”, góp phần làm đẹp hình ảnh Ngành Du lịch TP.Vũng Tàu trong lòng du khách gần xa. Về vấn đề lớn thuộc tầm Nhà nước, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung tăng nặng các tình tiết trong các Nghị định xử phạt gian lận thương mại, lừa dối khách hàng, nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng cường kỷ cương phép nước. Những địa phương trọng điểm kinh doanh Du lịch nên được Chính phủ cho phép thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch để tham gia trực tiếp xử lý tệ nạn điểm nóng xảy ra, bảo vệ an toàn, an ninh môi trường Du lịch trong xã hội.

Nhân đây, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến Ngành Du lịch TP.Vũng Tàu nói riêng và Tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu nói chung của Ban Biên tập Tạp Chí Du lịch TPHCM (www.tcdulichtphcm.vn) trong thời gian qua.

Ÿ Xin cảm ơn Ông!

Kim Long

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT