NSƯT Trọng Hữu “Lời ca quảng bá du lịch miền Tây”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NSƯT Trọng Hữu “Lời ca quảng bá du lịch miền Tây” - 1

Thanh Hiệp

Nhắc đến anh, khán giả đồng miền Tây nhớ ngay đến những ký ức thật đẹp của một nghệ sĩ hào hiệp, góp nhặt cho đời nhiều bài ca cổ và vai diễn hay. NSƯT Trọng Hữu xứng danh là người nghệ sĩ của du lịch sinh thái ĐBSCL, khi mà mỗi bài ca cổ anh đã quảng bá thêm về hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa miền Tây sông nước

NSND Lệ Thủy đã từng nhận xét: “NSƯT Trọng Hữu không xuất hiện nhiều trên truyền thông qua những xì-căng - đan hay "chiêu trò", anh là một con "ong thợ" chăm chỉ, cho ra đời nhiều sản phẩm CD, DVD cổ nhạc kết hợp với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người ĐBSCL.Tôi quý Trọng Hữu vì anh sống giản dị, chân thành, rặt chất nông dân Nam Bộ”.

Từng diễn hàng trăm vai kép bi kịch đến quặn lòng, nhưng ở đời thường, NSƯT Trọng Hữu lại là người dí dỏm. Anh được đồng nghiệp quý vì hiếm khi làm phiền lòng ai. Anh vẫn sống dung dị như bản tính vốn có của một người nông dân cần cù, chất phác. Một nắng hai sương. HTV vừa thực hiện vở Hàn Mạc Tử, anh đóng chính bên cạnh NSND Lệ Thủy, đã gây tiếng vang thật lớn trong giới mộ điệu.“Mỗi khi lưu diễn, tôi đã bật khóc khi nhớ về sàn diễn Cải lương thời hưng thịnh. Khán giả đã ủng hộ các suất hát, và ký ức của tôi không bao giờ quên không khí biểu diễn của những tác phẩm: Hàn Mạc Tử, Loài hoa không tên, Tô Ánh Nguyệt…và những ngày xưa khi còn ở Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, Nhà hát Tây Đô, các vở diễn đã được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Những tràng pháo tay vang dội khiến tôi xúc động vô cùng.

NSƯT Trọng Hữu “Lời ca quảng bá du lịch miền Tây” - 2

NSUT Trọng Hữu và NS Hương Lan

NSND Ngọc Giàu nhận xét: “Cá tính của Trọng Hữu thể hiện rõ qua giọng ca mộc mạc, nam tính và không thích sự phức tạp. Gần 40 năm qua, anh là một trong những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sân khấu ĐBSCL. Phần lớn đào kép chánh nổi danh đều sống tại TP HCM, các đoàn Cải lương các tỉnh miền Tây, miền Trung hiếm khi có tên tuổi nào trụ lại lâu và tỏa sáng ngoài Trọng Hữu bên kép, Thanh Nam bên hề và Phượng Loan bên đào. Trọng Hữu có thể đứng trụ về mặt doanh thu cho cả một đoàn hát”.

NSƯT Trọng Hữu “Lời ca quảng bá du lịch miền Tây” - 3

NSUT Trọng Hữu và NS Cẩm Tiên

Theo lời soạn giả NSND Viễn Châu, NSƯT Trọng Hữu đã nhận nhiều học trò. Anh dìu dắt họ đến với nghề, chỉ dẫn để họ phát huy tài nghệ. Sự cần cù, nghiêm túc trong lao động sáng tạo nghệ thuật tạo nên bề dày kinh nghiệm, cho Trọng Hữu khả năng làm chủ bản thân mình, không để thị trường lôi kéo. Do vậy, anh có thêm nhiều vai diễn hay, nhiều chương trình DVD được sản xuất đạt chất lượng. Đến nay, nam nghệ sĩ này đã thu hình, phát sóng gần 500 bài ca cổ và trên 100 vở Cải lương.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn là ngôi sao của các Đoàn Cải lương ĐBSCL. Anh được mời biểu diễn khắp nơi, từ chương trình Đờn ca Tài tử Nam Bộ đến các Hội nghị giới thiệu về Ngành Du lịch của ĐBSCL. “Tôi lãnh lương hưu và sinh hoạt Đảng tại địa phương. Niềm vui của tôi là tham gia các hoạt động nghệ thuật để quảng bá hình ảnh đất nước, con người nông dân ở miền Tây. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi góp phần quảng bá quê hương mình thông qua bài Vọng cổ. Kiều bào các nước mua sản phẩm này đã góp phần quảng cáo thêm về các địa phương với danh lam thắng cảnh, với ẩm thực, đặc sản vùng miền và trên hết là nét độc đáo của những bài Vọng cổ bất hủ ”.

NSƯT Trọng Hữu “Lời ca quảng bá du lịch miền Tây” - 4

NSUT Trọng Hữu và NS Thoại Mỹ

NSƯT Trọng Hữu xuất thân trong gia đình có truyền thống Đờn ca Tài tử 4 đời theo nghệ thuật: ông nội là ông 7 Cò Điển - tay chơi đờn cò nổi tiếng khắp miền Tây thời Pháp thuộc, cha là ông Tư Sang - bạn thân của danh cầm Văn Dĩ, Nhạc sĩ guitar phím lõm một thời tại Đoàn nghệ thuật QK 9, chú ruột là Nhạc sĩ Sáu Đạt - đàn Violon cũng từng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân đội 9 và hiện nay con trai Đặng Trọng Vũ đang là ca sĩ của miền Tây Nam bộ. Con rể NSƯT Trọng Hữu là ca sĩ Chế Phong con của danh ca hải ngoại Chế Linh.

 Tâm sự về đời mình, NSƯT Trọng Hữu kể anh tên thật là Đặng Trọng Hữu, sinh ra và lớn lên ở đất Phụng Hiệp, Cần Thơ. Mười tuổi theo ông nội đi hát đám. Tới năm 16 tuổi, anh theo cha vào Đoàn Văn công Tây Nam bộ và rồi trở thành Bộ đội thuộc Tiểu đội Thông tin. Khán thính giả yêu thích vọng cổ rất mê chất giọng trầm ấm, trữ tình của NSƯT Trọng Hữu khi anh thể hiện vai Hàn Mạc Tử trong tác phẩm sân khấu cùng tên của soạn giả NSND Viễn Châu. Chất giọng của anh không luyến láy như NSƯT Thanh Tuấn, không trầm bổng cao vút như NSƯT Minh Vương hoặc buồn não nuột như NSƯT Thanh Sang, nhưng lại đặc biệt ở chỗ khi xuống giọng có chút gì đó nghèn nghẹn đầy thương cảm. Và cách hành văn sắp câu khi vô Vọng cổ hoặc xuống hò, anh luôn khiến người nghe cảm nhận dáng vẻ xốn xang, mong đợi đầy cảm xúc. 

"Nhân vật Hàn Mạc Tử hồi xưa qua Radio tôi có nghe cố nghệ sĩ Hùng Cường và Kim Ngọc ca. Hồi đó, ba tôi đã từng mắng: Mày suốt ngày cứ ham ca, ham hát, lớn lên làm cái gì ăn hả con? Tôi cười nói: “Con giống ba, mê văn nghệ, lớn lên phải sống với nghề hát. Tôi không bao giờ dám nghĩ lớn lên mình làm nghệ sĩ và sẽ ca diễn số phận của Nhà thơ xứ Bình Định.”-NSƯT Trọng Hữu bộc bạch.

Nam nghệ sĩ này từng cùng với vợ - Tuyết Mai trong quân ngũ lập được nhiều thành tích, được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Anh cười khi nói về bà xã: “Mối tình của tôi đơm hoa và kết quả trong thời lửa đạn. Hai đơn vị chúng tôi ở gần nhau. Cô Quân y được cử sang hỗ trợ cho các chiến sĩ ở doanh trại gần bên, không ngờ sau một lần chích thuốc cho anh Bộ đội, đã bị phán một câu: “Tôi có cái bớt ở lưng, má tôi nói cô gái nào nhìn thấy sẽ cưới làm vợ”. Anh Bộ đội đó là tôi! Sau khi nghe nói vậy, bà xã tôi cười giòn”.

 Năm 1975, đất nước giải phóng, cô Quân y Tuyết Mai về làm vợ NSƯT Trọng Hữu. Nhiều năm qua, chị vẫn lặng lẽ đứng phía sau, hỗ trợ chồng. “Chuyện hậu cần, bếp núc, con cái, bà xã tôi chu toàn mọi thứ. Không nhiều khán giả và đồng nghiệp Cải lương biết đến vợ tôi, bởi cô ấy vẫn cứ bình dị như cô Quân y ngày nào trong Chiến khu. Hạnh phúc lớn nhất của vợ tôi là nấu món ăn ngon cho gia đình. Gần nửa thế kỷ gắn bó với Cải lương, tôi đã hóa thân vào biết bao số phận nhân vật, nhưng chỉ có một vai bà xã tôi ưng ý, đó là Hàn Mạc Tử. Có lẽ vì thế, tôi rất yêu vai diễn này, một phần vì số đông công chúng cổ vũ, một phần vì trong nhân vật có tình yêu của bà xã tôi gửi gắm vào đấy!”.        

“Rất nhiều bài ca cổ do Trọng Hữu thể hiện đã in sâu vào lòng khán thính giả: Thương em nhiều qua lá thư Xuân, Chợ Mới, Dáng đứng Bến Tre, Tình đồng chí… Nhiều vở do anh đóng vai chính làm cho người xem phải thương cảm: Tướng cướp Bạch Hải Đường, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Tình mẫu tử, Trường xưa nghĩa cũ… và bạn diễn của Trọng Hữu rất đa dạng, ngoài tôi còn có các nữ nghệ sĩ: Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hiền, Cẩm Tiên… và NSND Lệ Thủy”-NSND Ngọc Giàu chia sẻ.

* Tác giả của nhiều bài ca cổ nổi tiếng – soạn giả Diệp Vàm Cỏ - Long An cho biết, NSƯT Trọng Hữu rất thích bài ca cổ Con sáo đồng bằng của ông nên mượn hình ảnh này đưa vào các DVD giới thiệu về đất nước, con người Nam Bộ thông qua các bài ca cổ. Các DVD Con sáo đồng bằng 1 - 2 - 3 lần lượt ra đời, được sự tán thưởng của giới mộ điệu Cải lương. Con sáo đồng bằng 4 dự kiến phát hành vào dịp đón xuân Ất Mùi 2015.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT