NON NƯỚC THOẠI SƠN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyện Thoại Sơn (An Giang) nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, lại được thiên nhiên ban tặng những trái núi nhỏ lẻ loi cuối cùng của miền Tây Nam bộ. Đặc thù địa hình đó đã tạo cho nơi đây một khung cảnh sông nước hòa với núi non thơ mộng. Thoại Sơn gắn liền với vương quốc cổ Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo. Nền văn hóa Óc Eo phát triển trên nền tảng văn hóa Đồng Nai, Sa Huỳnh và có quan hệ với văn hóa các nước lân cận. Du khách đến đây có thể ghé thăm khu di tích khảo cổ nền văn minh Óc Eo nổi tiếng, chùa cổ Linh Sơn núi Ba Thê, núi Sập, và khu du lịch Hồ Ông Thoại, Đình Thoại Sơn, đình Phan Thanh Giản…

NON NƯỚC THOẠI SƠN - 1

Đình thần Phan Thanh Giản

NÚI BA THÊ

Đường lên đỉnh khoảng 2 km, uốn lượn quanh co giữa cây rừng. Đường được làm từ thời Pháp thuộc cho mục đích quân sự, hiện nay được xây dựng hoàn chỉnh để phục vụ du lịch. Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ Sơn Tiên được xây dựng năm 1933 với phong cảnh thâm nghiêm, tĩnh lặng. Bạn cũng có thể đến xem Thạch Đại Đao - một tảng đá với hình dáng như một cây đao khổng lồ. Tảng đá dài khoảng 3 mét, nặng khoảng 2 tấn, có một mặt bén, một mặt bằng, người dân cho rằng đó là cây đao của trời.

Dưới chùa một đỗi là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo - nơi lưu giữ và giới thiệu những hiện vật liên quan đến lịch sử và văn hóa Phù Nam cổ mà các nhà nghiên cứu đã khai quật được. Nhà trưng bày được xây dựng năm 2005 - 2006 theo hình dáng Linga, cao hơn 16 mét. Công trình không lớn nhưng kiến trúc đậm phong cách Ấn Độ - Nam Á với mái vòm, các mặt vách đều có tượng thần Ganesa mình người, đầu voi…

NON NƯỚC THOẠI SƠN - 2

CHÙA LINH SƠN

Chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật Bốn Tay, là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở An Giang, nằm trên một gò cao thuộc thị trấn Óc Eo. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và được xác lập Kỷ lục Việt Nam với pho tượng Phật bốn tay cùng hai tấm bia đá cổ nhất nước. Đây không chỉ là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng mà còn được xem là bảo tàng văn hóa Óc Eo đầu tiên của An Giang.

Năm 1913, người dân địa phương phát hiện một tượng Phật bốn tay làm bằng đá dưới chân núi Ba Thê. Người dân bèn mang đến thờ tại chùa Linh Sơn. Trước đó người dân cũng tìm thấy hai tấm bia đá lớn, có khắc nhiều chữ cổ. Theo các nhà nghiên cứu thì hai cổ vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ VI, và chữ trên bia đá có thể có thể là chữ của người Phù Nam xưa. Còn pho tượng mà nhân dân gọi là tượng Phật thực chất là tượng thần Vinus của Ấn Độ giáo, có bảy đầu rắn Naga hợp thành một cái tán che trên đầu tượng.

ĐÌNH THẦN PHAN THANH GIẢN

Dưới chân núi Ba Thê có Đình thần Phan Thanh Giản đơn sơ, uy nghiêm giữa rừng cây xanh mát, phía trước là cánh đồng bạt ngàn. Nhân dân làng Vọng Thê đã trân trọng tôn thờ Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản làm Thành hoàng của làng để tỏ lòng nhớ công ơn của ông đối với đất nước. Đình được nhân dân lập năm 1967 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản là Tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ, đại thần ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1867, Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây, thấy tình thế không thể giữ nổi, ông đã quyết định giao thành để Pháp giữ lời hứa đảm an toàn cho dân chúng. Sau đó ông uống thuốc độc tự tử ở tuổi 72.

Ngoại thất Đình thần Phan Thanh Giản ở núi Sập thiết kể bình dị. Trong chánh điện được trang trí tôn nghiêm, ấm cúng, mang đậm tính dân tộc. Đặc biệt có một bức tượng Phan Thanh Giản điêu khắc và trang trí tinh tế, hài hòa, với vẻ mặt phúc hậu, thư thái. Lễ Kỳ Yên của đình được tổ chức trang nghiêm, và trọng thể vào ngày 19 và 20 tháng 3 âm lịch hằng năm.

NON NƯỚC THOẠI SƠN - 3

KHU DI CHỈ VĂN HÓA ÓC EO

Thập niên 1940, nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret đã khai quật vùng Ba Thê - Óc Eo, phát hiện nền móng của các công trình kiến trúc, nhiều nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo. Sau đó, giới sử học nước ta cũng đã tổ chức nhiều đợt khai quật. Theo các nhà khoa học, thành cổ Óc Eo là một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam, có diện tích rất lớn. Cũng có người cho rằng Óc Eo có thể từng có một giai đoạn là kinh đô của vương quốc Phù Nam.

Hiện nay khu du chỉ Óc Eo có nhiều di chỉ nhỏ có giá trị đang được bảo tồn. Các di chỉ nầy nằm trên những cánh đồng lớn, có dấu vết của kiến trúc cung đình, tôn giáo, nhà sàn, xưởng thủ công, mộ táng… Trong lòng đất cũng tồn tại hàng ngàn di vật cổ như: gốm, trụ gỗ, trang sức, tượng, công cụ… Di chỉ Óc Eo là điểm du lịch lý thú, bạn có thể khám phá một nền văn minh cổ đầy hấp dẫn, với nhiều hiện vật độc đáo. Di chỉ Óc Eo đã được công nhận là “Di tích Quốc gia đặc biệt” và đang được lập hồ sơ đề xuất lên UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa Thế giới”.

HỒ ÔNG THOẠI - NÚI SẬP

Núi Sập còn được vua ban tên là Thoại Sơn để ghi công Thoại Ngọc Hầu trong việc đào kinh Thoại Hà. Qua một thời gian dài là nơi khai thác đá, vô tình đã tạo nên những hang sâu, hiện nay những lợi thế đó được đầu tư phục vụ du lịch. Nước được dẫn vào các vực sâu tạo thành các hồ nhân tạo, thông với nhau bằng hệ thống đường hầm xuyên núi dài gần 300 mét, rộng 4 mét, độ thông thuyền khoảng 4 mét. Đến đây, du khách có thể đi thuyền dạo quanh hồ và vào đường hầm trong lòng núi với không khí mát mẻ. Chính vì thế báo chí gọi núi Sập là “tiểu Hạ Long - Phong Nha của đồng bằng”.

Trước hồ Ông Thoại có tượng Thoại Ngọc Hầu cao 10 mét do tỉnh Quảng Nam - quê hương của Thoại Ngọc Hầu gửi tặng. Xung quanh hồ Ông Thoại có các khối đá hình thụ kỳ lạ, dấu vết còn sót lại của khai thác đá, nay vô tình biến thành các đảo đá nhô lên trên mặt hồ, làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu du lịch. Bên cạnh đó người ta còn dựng thêm các tượng nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga và Yoni, mô hình chùa Một Cột…

 VĨNH THÔNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT