Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tại miền Tây Nam Bộ những năm gần đây, mô hình nuôi dơi lấy phân để bón cây trồng dần trở nên nở rộ nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Đồng bào Khmer sinh sống ở đây cũng đã và đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi dơi độc đáo này nhằm kiếm thêm thu nhập.

Đồng bào dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ nhiều năm nay có thêm thu nhập phụ từ các chuồng nuôi dơi để lấy phân bán cho các nhà nuôi cây cảnh. Đó là loại dơi chỉ ăn muỗi nên còn được người dân địa phương gọi là dơi muỗi.

Chuồng nuôi dơi có nhiều loại. Loại dựng bằng trụ ciment mới có những năm sau này, có tuổi thọ cao nhưng chi phí lớn. Loại dựng bằng cây gỗ có tuổi thọ trung bình khoảng năm năm.

Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 1
Những chuồng dơi của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ.
Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 2
Kiểu chuồng dơi dựng bằng cây gỗ của người Kinh.

Vừa rồi chúng tôi được anh Trần Văn Luân, một người nuôi và cung cấp phân dơi cho bạn hàng ở Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Sài Gòn và Biên Hòa dẫn đi xem một chuồng dơi nguyên thủy của người Khmer ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đó là chuồng dơi làm trên bốn cây gòn và cây sao còn đang xanh tươi. Những người dân Khmer ở đây đã lựa những cây đang sống ở địa thế thích hợp để dựng nên những chuồng dơi rất đẹp.

Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 3
Chuồng dơi nguyên thủy của người Khmer.

Một chuồng dơi trung bình mỗi ngày cho khoảng 2 ký phân phơi khô. Để thu hút bầy dơi đến ở, người nuôi dơi phải dùng những tán lá thốt nốt treo trong chuồng để dụ dơi đến và hàng tuần phải thay lá sạch, nếu không dơi sẽ bỏ đi. Ngoài ra còn phải canh không cho dơi bị rắn, chuột, chim mặt lợn xâm hại. Bên dưới chăng lưới mắt cáo để hứng phân dơi mỗi ngày.

Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 4
Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 5
Cách người Khmer chặn rắn, chuột, chim mặt lợn tìm ăn dơi.

Gần đây, mỗi ký phân dơi bán cho trung gian được từ 50 – 55 ngàn đồng/ký nhưng thu hoạch không bao nhiêu vì dơi đã ít đi do người dân dùng thuốc hóa học trị sâu rầy nhiều cho cây cối. Vì vậy, cần mở ra hướng du lịch đến đây để người dân có thêm nguồn lợi để yên tâm giữ gìn các chuồng nuôi dơi độc đáo này.

Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 6
Những chuồng nuôi dơi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ - 7
Hình ảnh người dân thu hoạch phân dơi.

Bài và ảnh: Đỗ Thị Huỳnh Hoa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT