Nhà báo Võ Như Lanh: Một đời làm báo vì người đọc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến chia tay nhà báo Võ Như Lanh, bạn bè, đồng nghiệp của ông ai cũng kể về niềm say mê đến phút cuối cùng của ông với những bài báo, với nghề báo. 

Nhà báo Võ Như Lanh: Một đời làm báo vì người đọc - 1

Nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Võ Như Lanh (bìa trái) giới thiệu quy trình hoạt động tòa soạn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân dịp khánh thành trụ sở mới của báo năm 2005 - Ảnh tư liệu

“Ông là người kiến tạo, người xác lập, người dẫn dắt con đường, số phận của tờ báo” - nhà báo Huỳnh Sơn Phước trầm ngâm nói.

Và tờ báo mà ông Phước nói đến, tờ báo đầu tiên mà ông Võ Như Lanh đặt tâm huyết, say mê của mình vào đó, chính là báo Tuổi Trẻ.

Biết đọc báo thì biết làm báo

Ông Trần Minh Ðức (Ba Lãng), người mà ai cũng biết với vai trò một trụ cột của báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện làm ngạc nhiên những người đi sau:

“Tháng 7-1977, tôi về Tuổi Trẻ theo đề nghị của anh Lanh với tâm trạng ít nhiều trống rỗng, yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần, cứ để mình bị trì kéo bởi những hình ảnh, kỷ niệm cũ. Tôi là một anh phóng viên suốt hơn năm trời chỉ viết được ba, bốn bài, không có máu mê làm báo. Tôi xoay sang nhận nhiệm vụ xây dựng Tuổi Trẻ thành cơ quan hoàn chỉnh. Tôi theo sau anh Võ Như Lanh, góp nhặt các chất liệu, tư tưởng để nhào nắn lại thành nguyên tắc, phương châm, cơ sở để xây dựng đội ngũ”.

Làm tổng biên tập, ông Võ Như Lanh luôn bức bối và yêu cầu tất cả những người xung quanh cũng phải cùng bức bối.

Ông không bao giờ tỏ ra hài lòng với số báo hôm qua, kế hoạch, đề tài số báo sắp tới.

Ngày ấy Tuổi Trẻ chỉ mới ra một tuần một số vào ngày thứ sáu với 12 trang mà ông Ba Lãng so sánh rất hình tượng: “Như một đứa trẻ sơ sinh gầy guộc nằm trong đôi tay khẳng khiu của bà mẹ thiếu sữa, suy dinh dưỡng”.

Thế nhưng có rất nhiều buổi tối, tổng biên tập Võ Như Lanh bắt anh em phóng viên, biên tập ngồi từ tối tới gần nửa đêm, bất động cả tay chân và miệng để suy nghĩ, để tìm kiếm, để đề xuất cách làm báo “sao cho coi được”.

Cứ thế, vừa dẫn dắt, gợi mở, vừa thúc đẩy, phản biện, ông Võ Như Lanh đã cùng đội ngũ xác lập nên những giá trị cốt lõi của báo Tuổi Trẻ:

1. Làm báo một cách chuyên nghiệp. 2. Ðáp ứng nhu cầu được biết của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên. 3. Thông tin một cách nghiêm cẩn, nhanh chóng, đầy đủ, khách quan tình hình mọi mặt đời sống, chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế đến người đọc. Làm báo vì một nước VN giàu mạnh, văn minh, dân chủ, người dân sống tự do, hạnh phúc.

Những giá trị ấy vẫn là mục tiêu lý tưởng của Tuổi Trẻ cho đến hôm nay.

Ông Huỳnh Sơn Phước, người có hơn 30 năm gắn bó với Tuổi Trẻ, trong đó 25 năm là phó tổng biên tập, chia sẻ: “Năm 1980 tôi vẫn còn là phóng viên của Ðài phát thanh Giải phóng. Khi thấy được màu sắc của báo chí thật sự manh nha trên Tuổi Trẻ, khi chia sẻ được những quan điểm nghề nghiệp, tôi theo anh Lanh về Tuổi Trẻ để được làm báo một cách chuyên nghiệp”.

Từ đó, cả nhà báo Võ Như Lanh lẫn nhà báo Huỳnh Sơn Phước đều có một câu cửa miệng nhắc nhở các phóng viên của mình: “Hãy đặt mình vào vị trí của người đọc mà viết báo”.

Hôm nay, nhớ lại những ngày sôi nổi ấy, ông Phước vẫn còn ngạc nhiên: “Tôi được đào tạo báo chí bài bản ở đại học, làm báo từ những ngày học sinh, trong khi anh Lanh là người học ngành xã hội học lại có cái nhìn sắc bén về báo chí đến như vậy. Những điều hành của anh trong làm báo đều sắc sảo và chính xác. Trong đời, đã rất nhiều người hỏi anh Lanh học làm báo ở đâu? Anh trả lời: Tôi biết làm báo từ lúc biết đọc báo”.

Không khí làm báo chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết ấy đã thành lực hấp dẫn để hút về cho Tuổi Trẻ những người làm báo đúng nghĩa: Nam Ðồng, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Trọng Chức, Ðoàn Khắc Xuyên, Lê Văn Nghĩa, Lý Quý Chung, Kim Hạnh, Hàng Chức Nguyên... Và từ đó, tên tuổi của Tuổi Trẻ cũng được định hình.

Tờ báo phải sống được bằng người đọc

Bà Trần Thị Ngọc Huệ, tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, nơi ông Võ Như Lanh là người sáng lập và làm tổng biên tập suốt 16 năm (1990-2006), nhận định: “Bây giờ nhiều khái niệm hóa ra là chuyện đương nhiên với chúng ta, nhưng hơn 20 năm trước đây, cổ vũ, thúc đẩy những chuyện đó không phải là chuyện đơn giản. Nhà báo Võ Như Lanh đã xác định ngay từ đầu cho Thời báo Kinh Tế Sài Gòn là ủng hộ hết lòng cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo mọi điều kiện cho cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà bền vững và bình đẳng trong hoạt động”.

Với báo Tuổi Trẻ, tư tưởng ấy của ông đã thấm vào chính hình vóc củaTuổi Trẻ từ rất sớm.

Từ năm 1980, tổng biên tập Võ Như Lanh đã xác định: một tờ báo vì người đọc phải sống được bằng người đọc, để cởi bỏ bao cấp về tư tưởng phải thoát được bao cấp về kinh tế.

Tư tưởng ấy của ông, may thay, lại gặp được ngay sự ủng hộ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt.

Từ đó, ban biên tập Tuổi Trẻ chủ động xác lập quan hệ với nhà máy giấy Tân Mai, Bãi Bằng cung cấp nguyên liệu, hóa chất cho nhà máy để mua giấy.

Số bản in tăng lên, hàng trăm bạn đọc mới xuất hiện hằng ngày. 1979, Tuổi Trẻ đã tăng số phát hành lên 3 kỳ/tuần; 1983, đã thực hiện được phương án tự chủ tài chính, đến 1985 thì Tuổi Trẻ thật sự sống được bằng sự chi trả của người đọc, có tiền đóng thuế cho Nhà nước.

“Không học báo chí, nhưng ông là nhà kiến tạo báo chí tài ba. Không học kinh tế, nhưng ông đã mở đầu cho việc quản trị tờ báo như một công ty, không phải như một cơ quan hành chính. Chúng ta đã được thừa hưởng những tài sản mà ông khởi tạo, được đi tiếp con đường mà ông mở ra” - ông Huỳnh Sơn Phước lặp lại, tự hào với người đàn anh của mình.

“Anh cả của báo Tuổi Trẻ”, những người làm báo Tuổi Trẻ đều gọi ông Võ Như Lanh như thế. Với Tuổi Trẻ là như vậy và với Thời báo Kinh Tế Sài Gòn cũng thế.

Những người làm báo đi sau như chúng tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có những người mở đường như vậy...

Trên giường bệnh vẫn quan tâm đến báo chí

Đến với ông Võ Như Lanh những buổi cuối cùng này, những người bạn của ông không quên mang đến những tờ báo.

“Trong bệnh viện, sáng nào ông ấy cũng dặn mang báo, mang tài liệu đến như ngày làm việc bình thường và ông cũng vẫn đọc bình thường” - bà Lê Thị Điệp, người bạn thân thiết từ những ngày hoạt động phong trào SVHS ở Đại học Vạn Hạnh, kể.

Không thích người khác nhìn thấy mình đau bệnh, ai vào thăm, ông cũng chỉ nói chuyện làm báo, hỏi những diễn biến trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị những ngày sôi động này. Và chỉ có tuần cuối cùng, khi tay yếu không cầm được tờ báo, khi mắt mờ không đọc được con chữ, ông mới để người thân thấy vẻ tuyệt vọng hiện trên gương mặt mình.

“Ông ấy bảo: sống để đọc báo, nay không đọc báo được nữa thì... thôi” - ông Phạm Văn Nhứt, một người bạn thân thiết, ngậm ngùi kể.

Chia buồn

Được tin ông VÕ NHƯ LANH, sinh năm 1948, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, đã từ trần vào lúc 9g05 ngày 23-11-2014 (nhằm ngày 2-10 âm lịch năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 67 tuổi.

Nhà báo Võ Như Lanh: Một đời làm báo vì người đọc - 2

- Lễ viếng: Bắt đầu lúc 6g ngày 24-11-2014 (nhằm ngày 3-10 năm Giáp Ngọ)

- Tang lễ tổ chức tại số A5 khu cư xá Thời báo Kinh Tế Sài Gòn,đường Lương Định Của, P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM

- Lễ truy điệu: Vào lúc 5g15 ngày 26-11-2014 (nhằm ngày 5-10 năm Giáp Ngọ). Sau đó hỏa táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM

Ban biên tập và đội ngũ cán bộ - công nhân viên báo  Tuổi Trẻ vô cùng thương tiếc và thành kính chia buồn cùng gia đình.

BÁO TUỔI TRẺ

  PHẠM VŨ

(Báo Tuổi trẻ, thứ Hai, ngày 24.11.2014)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT